Trang

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

TƯƠNG LAI - VIỆC NÚP BÓNG VÕ VĂN KIỆT VÀ SỰ PHỤC THÙ GIAI CẤP!

ĐÔNG LA
TƯƠNG LAI - VIỆC NÚP BÓNG 
VÕ VĂN KIỆT
 VÀ SỰ PHỤC THÙ GIAI CẤP!

Đất nước chúng ta hiện không tốt như ý những người tô hồng cũng không xấu như ý những người bôi đen. Tổng thể vẫn ổn định và phát triển, cuộc sống người dân nói chung hơn trước rất nhiều. Nhiều công trình ngày xưa trong mơ cũng không tưởng tượng ra nổi:
(Đại lộ Thăng Long)
Nhưng vẫn luôn có những sai trái, tệ nạn, yếu kém, nếu không  “chỉnh đốn”, sẽ đẩy đất nước chúng ta đến “nguy cơ tồn vong” như lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói. Như tôi đã viết nhiều, cái chính là phải chẩn bệnh đúng và đưa ra toa thuốc phù hợp để trị bệnh cho xã hội, trong đó quan trọng nhất là tạo ra được một cơ chế giám sát thế nào đó để các hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống được thực hiện công minh; song song đó việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh để xét xử những vụ việc không công minh. Nhưng nói thì dễ làm mới khó bởi nó phụ thuộc vào trình độ, đạo đức của những người có trọng trách và trình độ mọi mặt của toàn xã hội.
Vì vậy, trước sự kiện trọng đại, Đại hội Đảng XII sắp diễn ra, rất cần những ý kiến góp ý của những bậc trí cao, tâm sáng. Tiếc là có những cựu quan chức, đảng viên; những nhân sĩ trí thức, những người từng “góp công” tạo ra căn bệnh “lỗi hệ thống” gây ra những tệ nạn, yếu kém, nhưng hôm nay họ cũng lại rất hăng hái góp ý. Tai hại ở chỗ họ đã thể hiện sự kém hiểu biết về cả lý luận lẫn thực tiễn cùng với động cơ không trong sáng, khiến cho những sự góp ý của họ thực sự là một việc quấy rối.
Như mới đây nhất lại có lá thư của “những gương mặt thân quen” đòi đổi tên nước, tên Đảng. Cái chính là phải khắc phục được những tệ nạn yếu kém, đó là duy vật; còn coi trọng việc đổi tên nước, tên Đảng là duy tâm. Với tôi tên Đảng, tên nước không quan trọng, các giải pháp đúng mới quan trọng, nhưng tình hình hiện nay mà đổi tên nước, tên Đảng sẽ là cái cớ gây rối ghê gớm!
Rồi một loạt góp ý khác như cào bằng thậm chí lộn ngược lịch sử; chống Trung Quốc; đặc biệt một số nhân danh nhà nghiên cứu công kích cơ sở  lý luận của Đảng là Chủ nghĩa Mác- Lênnin; mà một trong những người to mồm nhất chính là ông GS “tai ương” (Tương Lai)!
Tôi đã viết nhiều về ông này và mới đây nhất là hai bài, đã chỉ ra ông ta thực chất chỉ là một kẻ dốt mà hay nói chữ, cũng thuộc hạng thích làm dáng chữ nghĩa. Bài này tôi muốn chỉ ra cái động cơ sâu xa khiến ông ta hành động núp dưới lớp vỏ phản biện, góp ý vì dân chủ và tiến bộ của đất nước.
***
   Tương lai viết:
Xin chỉ gợi ra hai điều cốt lõi nhất đã lũng đoạn và áp đặt trong toàn bộ chủ trương đường lối xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong suốt hơn nửa thế kỷ qua như: đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự phát triển và đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản và gắn liền với nguyên lý đó là xoá bỏ chế độ tư hữu”.
Điều này ông ta chỉ lặp lại mình, tôi cũng đã chỉ ra cái sai của ông ta. Nhưng tại sao ông ta lại hận “đấu tranh giai cấp” đến vậy? Đấu tranh giai cấp thực chất là đấu tranh chống lại sự bóc lột và sự nô dịch. Nếu không có đấu tranh giai cấp dân da đen còn bị bán ngoài chợ, ông Obama không thể làm Tổng thống Mỹ được, cả thế giới sẽ thuộc về một đế quốc thực dân mạnh nhất. Chính đấu tranh giai cấp đã xóa bỏ chế độ phong kiến với tư tưởng Thiên định, vua là Thiên tử, dân chỉ là thằng đen, con đỏ. Đấu tranh giai cấp cũng xóa bỏ tính bất công và sự nô dịch của chế độ tư bản. Nhưng về triết học cần phải phân biệt chế độ tư hữu với quyền sở hữu. Chế độ tư hữu là chế độ vì cá nhân, các chính sách xã hội ưu tiên cho kẻ mạnh. Như chuyện Tỷ phú Warren  Buffett cho vô lý khi chính ông có năm lợi tức trên 63 triệu USD mà chỉ phải đóng mức thuế 11%, trong khi người thư ký của ông lại phải trả đến 30%. Xã hội Mỹ dù đã có nhiều thay đổi và tiến bộ nhưng vẫn còn đó sự di truyền gen bất công mang đặc tính tư bản. Noam Chomsky, một học giả Mỹ, khi trả lời Tạp chí SPIEGEL của Đức, đã minh họa cách hiểu dân chủ của phó Tổng thống Dick Cheney: “Khi được hỏi tại sao ông ủng hộ duy trì cuộc chiến Iraq, trong khi đa số dân chúng phản đối cuộc chiến này, thì câu trả lời của ông ta là: "Thế thì đã sao?"” Mỹ đã mở cuộc chiến Iraq thực tế chỉ vì các nhà đại tư bản muốn chiếm các mỏ dầu lớn tại Iraq chứ chẳng có ai tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt ở đâu cả. Chính các cuộc chiến tranh đã mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn quân sự. Chuyện xả súng giết người hàng loạt là một vấn nạn của xã hội Mỹ nhưng nước Mỹ không thể cấm bán súng vì những ông chủ buôn bán súng sẽ bị thiệt hại. Doanh số từ việc bán súng đạn tại thị trường nội địa Mỹ hiện khoảng 3.5 tỷ USD một năm!
Còn chúng ta công nhận quyền tư hữu khi thực hiện một nền kinh tế nhiều thành phần nhưng ai cũng phải tuân theo Hiến pháp của chế độ XHCN, tuân theo luật lao động, luật kinh doanh, luật thuế… của chế độ hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu thực tế chưa được như thế là do trình độ, là phạm pháp.
          Trong quá khứ đã có cách hiểu ấu trĩ đồng nhất chế độ tư hữu với quyền sở hữu, gây ra những việc làm sai trái. Hiện tại các thế hệ lãnh đạo đã nhận ra và thực hiện công cuộc đổi mới từ lâu. Vậy mà Tương Lai vẫn nhắc đi nhắc lại, chứng tỏ chỉ là hành động bới móc với ý đồ xấu!
Việc thay đổi quan niệm về sở hữu nhưng ông Trần Trọng Tân vẫn cho “nhà nước của ta hiện nay về thực chất vẫn thực hiện nội dung chuyên chính vô sản!” Tương Lai đã cho ông là “đằng đằng sát khí” cũng là nói bậy. Thực tế không có xã hội nào mà không chuyên chính, là việc giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, nếu không sẽ loạn. Còn chuyên chính vô sản cũng giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, trong đó còn có giữ vững lý tưởng XHCN, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của hai cuộc kháng chiến vĩ đại, chống lại bọn cơ hội, tráo trở, hòng lộn ngược lịch sử, nhuộm đen máu bao anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập và cuộc sống thanh bình hôm nay.
          Tôi không đọc bài ông Võ Văn Kiệt nên không biết ông Trần Trọng Tân viết vậy là có “phê phán quyết liệt” ông cố Thủ tướng hay không hay chỉ là chiêu trò dựa hơi ông Võ Văn Kiệt kiểu Tương Lai?
***
            Một trong những thủ đoạn thâm độc của Tương Lai là lợi dụng niềm kính yêu Bác Hồ của dân tộc ta để phản bác Chủ nghĩa Mác – Lênin; lợi dụng uy tín và tìm mọi cách ca ngợi ông Võ Văn Kiệt để đối lập ông với các vị lãnh đạo cùng thời và chê bai các vị lãnh đạo hôm nay.
   Việc lợi dụng Bác Hồ tôi đã viết trong bài MỘT TOA THUỐC CHO CHẾ ĐỘ CẦN MANG ĐI XÉT NGHIỆM, bài này tôi sẽ viết việc ông ta lợi dụng tên tuổi Võ Văn Kiệt.
  Để “lập công” dâng phương Tây, Tương Lai to giọng chống Trung Quốc, phản đối các nhà lãnh đạo đương thời giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đấu tranh hòa bình trước việc rắc rối Trung Quốc gây ra nơi biển đảo. Tương Lai viết: “…những tiếng nói phản biện mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hoá để hoá giải dần tệ độc đoán phản dân chủ, phản tiến bộ của những thế lực bảo thủ, giáo điều khiếp nhược trước áp lực của Trung Quốc đang cố vin vào người láng giềng “cùng chung ý thức hệ” được nhồi vào trong “16 chữ” và “bốn nguyên tắc” lừa mị và bịp bợm để mong giữ được cái ghế quyền lực đang chao đảo”; “Đại hội XI lại đưa ra đánh giá: từ Đại hội VII đến Đại hội XI (tức là khoảng 20 năm) là thời kỳ thực hiện Cương lĩnh 91 với những thành công có ý nghĩa lịch sử.  Vậy thành công “có ý nghĩa lịch sử” đó là gì nếu không phải là làm chậm bước phát triển của đất nước, đặc biệt là với Hội nghị Thành Đô 1990, đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo lệ thuộc vào Trung Quốc, điều mà Nguyễn Cơ Thạch đã từng cảnh báo về một thời “Bắc thuộc lần thứ hai””.
            Như đã viết, sau chiến tranh hai đầu biên giới, Mỹ và phương Tây cấm vận, mất chỗ dựa khi Liên Xô và cả hệ thống XHCN tan vỡ, nền kinh tế với siêu lạm phát kéo dài từ năm 1985 đến 1988 từ 500% đến 800%. nước ta thực sự đứng trước bờ vực của sụp đổ và hỗn loạn. Chính vì vậy chúng ta buộc phải bình thường hóa quan hệ với TQ với đột phá khẩu chính là Hội nghị Thành Đô. Chính TBT Nguyễn Văn Linh là kiến trúc sư của công trình khó khăn này. Sau nhiều lần đánh tiếng, ngày 3 đến ngày 4 tháng 9 năm 1990, Nguyễn Văn Linh đã được mời, ông đã dẫn đầu đoàn VN có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang gặp TBT Giang Trạch Dân và Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Để rồi hơn một năm sau, ngày 5 Tháng 11, 1991, Đỗ Mười, mới nhận chức Tổng Bí thư và Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã đến thăm Trung Quốc, ký các hiệp định tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Quan hệ Trung-Việt dần trở lại bình thường.
          Vậy viết về Hội nghị Thành Đô như trên, Tương Lai đã công kích chính ông Võ Văn Kiệt, người ông ta luôn xưng tụng để dựa hơi, tức như gậy ông đập lưng ông, đã tự vả vào mồm mình!
Khi được Việt Weekly hỏi, ông Võ Văn Kiệt đã trả lời: 
Việt Nam có cả một quá trình giữ nước. Cách chọn lựa của Việt Nam là giữ được ổn định, làm sao tránh được đối đầu, chính điều này là điều phải xác định từ bây giờ, xây dựng đất nước của mình tránh sự đối đầu trong bất cứ tình huống nào. Nếu bất đắc dĩ chúng ta bị xâm lược vì một lẽ gì đó chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là bảo vệ đất nước mình, nhưng chúng ta không chủ động gây sự”.
Như vậy, quan điểm của ông Võ Văn Kiệt hoàn toàn không khác gì quan điểm của các nhà lãnh đạo đương thời trong việc ứng xử với Trung Quốc. Vậy hôm nay Tương Lai chống lại chính sách ngoại giao của ta với Trung Quốc cũng là chống luôn ông Võ Văn Kiệt!
Tương Lai từng ngu xuẩn khi cho việc bắt những cá nhân quấy rối và chống phá đất nước, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, là hành động của một “chế độ toàn trị phản dân chủ đang được đẩy tới ngày càng hung hãn như không có điểm dừng”. Tương Lai cũng lại chửi thầy mình vì chính ông Võ Văn Kiệt chứ không phải ai khác, tháng 4/1997, ký  ban hành Nghị định 31/CP mà những trang “lề trái” cho là “nhằm quản chế hành chánh – một công cụ pháp luật chính yếu để trấn áp các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền”.
***
Trong vụ Nguyễn Đắc Kiên bị lãnh đạo Tòa báo GĐ&XH đuổi việc, Tương Lai lại có cớ công khai chống lại đích danh TBT Nguyễn Phú Trọng.
Trên quechoa của Nguyễn Quang Lập Tương Lai đăng Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó viết: 
Vì chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, của đời sống đất nước ta”.
Tôi đã cho đó hoàn toàn là một sự xuyên tạc vì so với toàn bộ lịch sử thì chưa bao giờ nước ta có vị thế độc lập như những ngày hôm nay, không chỉ với riêng Trung Quốc mà với tất cả các nước. Một mặt đấu tranh với TQ bằng biện pháp hòa bình, ta vẫn tăng cường ngoại giao đa phương, vẫn trang bị vũ khí hiện đại, còn xây nhà giàn, đồn biên phòng canh giữ trên biển. Riêng thái độ của TBT Nguyễn Phú Trọng với Trung Quốc, xin nhắc lại lời kể của Tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Khi ông Hồ Cẩm Đào nói "Đường chữ U là sự nghiệp của Quốc dân đảng để lại, nếu xóa bỏ thì nhân dân TQ sẽ không chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ". TBT Nguyễn Phú Trọng nói: "Các đồng chí nói vậy là chưa đúng, Quốc dân đảng để lại 11 khúc trong đường chữ U, thì các đồng chí đã xóa đi 2 khúc. Mặt khác, Quốc dân đảng để lại Đài Loan, nhưng các đồng chí đã không chấp nhận và muốn xóa bỏ sự độc lập của Đài Loan, nhưng nhân dân vẫn ủng hộ, như vậy, không phải vì lý do này mà nhân dân không ủng hộ ĐCSTQ". Khi ông Đào đề nghị VN ngưng hoạt động khảo sát tiềm năng kinh tế trên Biển Đông thì TBT Nguyễn Phú Trọng nói thẳng: “Chúng tôi hoạt động trong phạm vi 200 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển của LHQ năm 1982 có chữ ký của các nước liên quan đến Biển Đông, trong đó có chữ ký của các đồng chí. Quan điểm của VN là như thế đấy! Nếu TQ có quan điểm không đồng ý, thì đem ra Tòa án Công lý Quốc tế phân xử, rồi Tòa án quốc tế phán quyết thế nào thì chúng tôi sẽ chấp nhận như thế đấy"
Sau việc ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây cũng là một thực tế “vả vào cái mồm nói láo” của Tương Lai cho ta lệ thuộc Trung Quốc!
***
Trong bài TƯƠNG LAI LẠI TƯƠNG… CỦ ĐẬU tôi đã cho Tương Lai đã dùng võ đểu, lấy ý từ câu “Ba năm võ Tầu không bằng một chầu củ đậu”. Vì dù nhà nước ta có thực hiện các chính sách ngoại giao bài bản đến mấy thì Tương Lai vẫn cứ tương ra gạch đá của chữ nghĩa. Khi nhà nước ta tỉnh táo giữ gìn mối quan hệ láng giềng với Trung Quốc thì ông ta dùng chuyện biển đảo để phá; nhưng khi Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Mỹ để mở rộng và hoàn thiện mối quan hệ Việt Mỹ vì lợi ích của cả hai nước, Tương Lai cũng lại chọc gậy bánh xe, dùng chiêu bài dân chủ để “méc Mỹ”!
Như vậy Tương Lai không muốn ta chơi với Trung Quốc, cũng lại muốn Mỹ không chơi với ta, cái gì cũng kiếm cớ phá hết. Điều này đã vạch rõ tim đen của tay này chỉ muốn chống phá đất nước, chống lại các vị lãnh đạo đương thời, muốn lật đổ chế độ hiện thời mà thôi. Trong lần giỗ ông Võ Văn Kiệt, Tương Lai than là giờ không có ai tài giỏi như Võ Văn Kiệt! Trong bài Góp ý, cho Đại hội Đảng lần này, Tương Lai, viết:
“…trong bài viết “Đóng góp ý kiến vào lý luận và thực tiễn 20 năm Đổi mới” Võ Văn Kiệt đã vạch rõ: “Chính là xu hướng giáo điều “tả khuynh” vẫn tồn tại, muốn co kéo, kiềm chế những tiềm lực phát triển nhưng lại mang danh nghĩa bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống chệch hướng”. Sự cảnh báo ấy chưa đủ để ngăn chặn thế lực bảo thủ, giáo điều…  nhưng trắng trợn và dễ thấy nhất là khi cái thế lực này lại chiếm lĩnh được những cái ghế cao ngất ngưỡng của quyền lực để thực thi thủ đoạn của mình”.
Việc hiện tại có “xu hướng giáo điều, tả khuynh” là chuyện tất yếu do trình độ xã hội, nó cũng như bao sai trái, yếu kém khác còn tồn tại trong xã hội chúng ta, trong đó có cả xu hướng hữu khuynh. Về kinh tế vì sự giám sát thiếu hiệu quả đã để xảy ra tình trạng mà trên diễn đàn quốc hội đã lo ngại là việc hình thành các nhóm lợi ích, dùng vốn công làm kinh tế tư. Còn nhiều vụ việc, cá nhân tự do xuyên tạc, quấy rối, làm càn mà chưa xử lý nghiêm minh, trong đó có không ít “chấy thức, rận sĩ” như Tương Lai. Việc cho các vị lãnh đạo đương nhiệm “trắng trợn… chiếm lĩnh được những cái ghế cao ngất ngưỡng của quyền lực để thực thi thủ đoạn” thực sự là ngôn ngữ của một kẻ phản động, thể hiện sự đố kỵ, cay cú của một kẻ khi tham vọng không thỏa. Nó cũng thể hiện sự ảo tưởng về khả năng bản thân, tự tin vô lối, núp bóng ông Võ Văn Kiệt.
***
Võ Văn Kiệt không chỉ là một cố Thủ tướng mà còn là một nhà cách mạng, đã sẵn sàng hy sinh thân mình, tham gia cách mạng từ hồi trứng nước, chống ngoại xâm vì nền độc của Tổ quốc. Ông đã hy sinh rất lớn lao khi cả vợ và ba con ông đã bị chết vì bom đạn của địch. Sau ngày thống nhất ông cũng có đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ông xứng đáng được nhà nước vinh danh khi một đại lộ tại TPHCM mang tên ông. Ông bằng tuổi cha tôi, tôi cũng học cùng khóa, cùng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM với Võ Hiếu Dân, con gái ông. Dân học Sinh, tôi học Hóa, có một năm ăn cùng nhà ăn tại khu Đại học Thủ Đức. Thằng bạn GS Nguyễn Vân Nam, cựu con rể ông Nguyễn Hộ, cũng rất thân với các con ông. Nghĩa là với ông tôi cũng có chút cơ duyên. Tôi cũng quý mến ông bởi tính quảng giao, cởi mở, không cố chấp với những người thuộc chế độ cũ như tôi. Ông đã mời họ làm việc, sẵn sàng lắng nghe, sử dụng tri thức và kinh nghiệm của họ; còn tôi thì làm rể luôn nhà họ.
Nhưng viết về ông hôm nay tôi phải khách quan. Thực tế Võ Văn Kiệt là một nhà chiến thuật chứ không phải chiến lược. Ông là người của những việc cụ thể, xuất phát từ thực tiễn chứ không phải là một nhà lý luận. Nhiều câu nói của ông rất được lòng quần chúng khiến ông đúng là một tấm gương của sự hòa hợp dân tộc. Nhưng cũng chính điều này đã bị những kẻ xấu lợi dụng.
Nhân dịp 30 năm ngày đất nước thống nhất, ông đã trả lời báo Quốc Tế (vnexpress ngày 15/4/2005 đăng lại):
Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Câu “Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” của ông đã thành nổi tiếng nhưng xem chừng không ổn. Về nỗi buồn mất mát thì cả hai phía đều có, nhà tôi anh ruột tôi cũng hy sinh. Nhưng xếp ngang nhau niềm vui chiến thắng của người giải phóng với nỗi buồn thất bại của những người theo địch rõ ràng là không phải. Chúng ta có thể tha thứ để hòa hợp nhưng đúng sai không thể hòa cả làng. Sẽ phải viết lại lịch sử không đúng với thực tế để chiều theo tình cảm và làm trái đạo lý sao? Biết giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh và cho cả người dân ra sao?
  Về lòng yêu nước, ông cũng nói: “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào” (BBC, 14 tháng 6 năm 2008); “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả” (BBC, 11 tháng 6 năm 2008”.
  Nói như ông, những người thuộc VNCH cũng hoàn toàn có quyền yêu nước theo kiểu của họ, có quyền đòi lại nước của họ, vậy ông có trả lại cho họ không? Nếu trả thì ông tham gia cách mạng làm chi? Hoặc sau giải phóng, ông nhờ một số chuyên gia chế độ cũ làm cố vấn, theo tinh thần trên, người ta cũng hoàn toàn có thể nói ông chỉ giỏi đánh giặc, không biết làm kinh tế, vậy sứ mệnh của ông xong rồi, ông nên nghỉ, giao quyền lại cho họ làm kinh tế, ông có chịu không?
Vì vậy Tương Lai cũng như dư luận luôn cho Võ Văn Kiệt là điển hình của sự đổi mới, đối nghịch với xu hướng giáo điều, bảo thủ trong ban lãnh đạo ĐCSVN là không đúng. Thực tế đúng là cần có một người như Võ Văn Kiệt nhưng tất cả như ông đất nước sẽ loạn!
***
Kết lại bài này, tôi muốn trả lời câu hỏi, cái gì khiến Tương Lai chống phá chế độ điên cuồng, thâm thù cuộc đấu tranh giai cấp đến vậy?
Theo Báo Quân đội nhân dân, 16/09/2009, Tương Lai là con Tổng đốc Tôn Thất Đàn, Thượng thư bộ Hình, Tổng đốc Nghệ Tĩnh trong thời kỳ Pháp thuộc. Tôn Thất Đàn từng trực tiếp ra Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ huy chiến dịch khủng bố trắng phong trào Xô viết, triệt phá cơ sở cách mạng; bắt, giết các nhà cách mạng như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Mao, Lê Xuân Đào, Hoàng Trọng Trì. Chính vì mang cái gen đó, sau bao năm Tương Lai vẫn chưa nguôi mối thù về “đấu tranh giai cấp”, cuộc đấu tranh đã xóa đi được cái chế độ phong kiến Nhà Nguyễn đã làm mất nước, bù nhìn, nhưng vẫn sống phè phỡn trong cung vàng, điện ngọc, lăng tẩm, còn lưu dấu đến tận ngày nay. Những thứ đã được xây dựng mà qua câu ca dao đã nói lên được phần nào nỗi khổ của dân: “Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính,hào đào máu dân”.
  Vậy có thể nói hành động của Tương Lai hôm nay dù núp bóng ông Võ Văn Kiệt và nhân danh bao điều lấp lánh, thực chất chỉ là một sự phục thù giai cấp!
          15-12-2015
          ĐÔNG LA