Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

LẠI GIẢI TRÍ CHỦ NHẬT, BÌNH THƠ TRẦN MẠNH HẢO

ĐÔNG LA
LẠI GIẢI TRÍ CHỦ NHẬT, BÌNH THƠ TRẦN MẠNH HẢO
Có rất nhiều độc giả đọc tôi viết họ quý và nể trọng trình độ của tôi vô cùng, trong số đó có một số người có “vai vế”, tức họ cũng là nhà văn, nhà nghiên cứu… và “nhà trí thức”. Có một số người đã liên lạc, gặp gỡ rồi trở thành “bạn thân” của tôi. Rắc rối ở chỗ các “mối tình” đó không kéo dài, không có hậu, đơn giản là vì “tình đơn phương”, họ quý tôi, trọng tri thức của tôi, còn tôi có thể quý họ nhưng không thể trọng những tri thức, những nhận thức sai của họ được. Con người ta không thể thích hai cái ngược nhau, họ thích những người ngược tôi lại thích và trọng tri thức của tôi luôn, chứng tỏ họ thực chất không hiểu tri thức. Liên quan đến bài tôi mới viết về thơ anh Nguyễn Ngọc Thu, tôi dám viết thơ anh hay hơn nhiều “đứa” rất nổi tiếng là vì tôi không chỉ hiểu rất rõ cái nhố nhăng của giới nhà văn mà tôi còn đã viết rất nhiều. Bài dưới đây là một ví dụ mà tôi viết đã 7 năm sau khi gặp một người bạn. Anh đúng là mẫu người “quý tôi vô cùng” nhưng anh cũng quý luôn những người “ghét tôi vô cùng”. Tôi với anh còn “kết nghĩa” nữa cơ nhưng từ lâu rồi tôi với anh càng ngày càng xa nhau.
       13-3-2020
       ĐÔNG LA

NỖI BUỒN SAU KHI GẶP BẠN VĂN

Tôi mới gặp một anh bạn nhà văn ngoài HN vào chơi. Gặp nhau anh nói: “Mình vừa ở Vũng Tàu về, có anh bạn hỏi có biết Đông La không? Có bài “đánh” Trần Mạnh Hảo (TMH) ghê lắm! Mình trả lời Đông La thì quá thân mà, phải biết chứ!”
Hồi tôi ra Hà Nội dự Hội thảo Thơ ở Viện Văn, anh biết nên đã đến khách sạn chở tôi đi nhậu ở nhà hàng trên Hồ Tây khá thơ mộng, nên hôm qua tôi đã mời anh đi “cháo vịt Thanh Đa” để đáp lễ. Tới đó vì có cái sân thượng khoáng đạt tốt cho truyện trò và về nhà con trai anh cũng gần. Giữa buổi nhậu anh lại mang TMH ra nói chuyện, anh khen TMH giỏi, nhớ nhiều và thơ hay.
Tất nhiên anh có quyền có chính kiến riêng, có tình cảm riêng, có điều theo lẽ thường người ta không thể thích hai cái ngược nhau được, anh đã làm tôi ngạc nhiên từ lâu vì có cái khả năng đó. Không chỉ ngạc nhiên, có lần tôi đã nổi cáu khi anh viết thư “có lẽ nào Đông La lại trục lợi trên lưng người lâm nạn” khi trang web của Hội Nhà Văn VN đăng một bài của tôi nhưng lại gắn vào lời dẫn về vụ bắt một ông nhà văn ở Hải Phòng mà tôi hoàn toàn không quen. Anh đã xin lỗi và viết kiểu như “dù sông cạn đá mòn tình nghĩa anh em ta cũng không bao giờ thay đổi”!
Có một người khác cũng từng một lần khen TMH “đập thẳng vào mặt tôi”. Cũng chuyến ra Hà Nội dự Hội thảo Thơ, xong việc, trong tiệc mừng chiến thắng, ngồi gần tôi là ông nhà văn Nguyễn Việt Hà, tác giả của tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Hà nói với tôi với giọng xấc kiểu tay chơi HN : “Về gì thì không biết chứ về thơ thì nhất định TMH phải hay hơn Đông La”. Tôi bảo: “Mày đọc được bao nhiêu về thơ tao? Hiểu được gì về thơ tao? Và hiểu gì về thơ nói chung?”. Hà im.
Thế đấy, trong giới sáng tác mà còn ngu ngơ như vậy, thử hỏi ngoài xã hội thì sẽ thế nào? Chính cái khả năng lẻo mép, biến báo, TMH đã dẫn dụ được rất nhiều người ngu ngơ. Còn với tôi, cả về tri thức và tài năng, TMH không có “một xu” nào!
Tôi từng chê TMH dốt, mù tri thức lý luận văn học và triết học khi viết: “Siêu thực và hiện thực là hai mặt tồn tại của một thực thể”; “duy tâm tương đối”; “duy vật tương đối”; v.v… Có mấy người xúm lại bênh Hảo bảo sai vài chữ thì nhằm nhò gì. Có điều nói vậy thì các vị này cũng dốt, bởi vài chữ đó là những khái niệm học thuật, mà đã là khái niệm thì chúng chứa đựng cả một nền tảng tri thức. Như “Siêu thực” là cả một trường phái, thể hiện quan niệm sáng tác của người nghệ sĩ chứ chẳng có dính gì đến chuyện tồn tại như TMH viết; còn chữ “duy” có nghĩa là tuyệt đối rồi, nên viết “duy” mà còntương đối như TMH  là dốt!
Còn qua Nguyễn Thanh Giang, tôi lại biết thêm một cái sai của TMH khi viết: “… Đức Phật khoác trên mình tấm vải gai thực tại của thầy tu khổ hạnh, chân đất cô độc đi giữa vô minh để ăn mày chân lý…”.
Chỗ này thì TMH dốt ngang với GS toán Ngô Bảo Châu về Đạo Phật.
Tôi đã viết, thực tế, Đức Phật ăn mày thật chứ không phải “ăn mày chân lý”. Cả ông Giang lẫn ông Hảo cần phải hiểu việc đi khất thực là một pháp tu để vừa xóa bỏ cái tôi kiêu mạn vừa làm cho các thí chủ tạo nghiệp lành, hưởng phúc ở  kiếp sau. TMH, một người dám ngông ngạo chê ông TBT GS Nguyễn Phú Trọng “viết sai tiếng Việt”, cho GS Nguyễn Đức Bình “viết ra những dòng quá ngớ ngẩn ngờ nghệch”; “tối tăm, xuẩn muội”, lại “tập làm văn” về Đức Phật một cách ngô nghê như thế này đây: “cô độc đi giữa vô minh để ăn mày chân lý”. Làm sao Đức Phật có thể “ăn mày chân lý giữa vô minh” được? Vì đã “vô minh” thì lấy đâu ra “chân lý” mà bố thí cho Đức Phật? Mà thực tế Đức Phật đã tự tìm ra chân lý chứ không phải “ăn mày chân lý”. Sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây bồ đề, ngài đã giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35.
Về tri thức của TMH là vậy, còn thơ?
Tôi cũng đã viết, TMH là người rất giỏi “làm xiếc ngôn ngữ”. Có điều có tạo được hiệu quả thẩm mỹ hay không, xin xem đoạn mà Nguyễn Thanh Giang đã trích để ca ngợi tài thơ của TMH trong bài “Tôi mang Hồ Gươm đi” sau đây:

Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh

Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông

Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?”

Đây là bài tiêu biểu của TMH, còn được Phú Quang phổ nhạc. Một bài hát hay, lời có đóng góp nhưng không phải quyết định, cái chính là giai điệu, bởi có những bản nhạc không lời vẫn trở thành bất tử như Fur Elise của Beethoven chẳng hạn. Thuận Yến thật tuyệt vời khi “gọt rũa” một bài thơ đánh Tàu máu lửa của Dương Soái thành bài tình ca thật mượt mà Gửi Em Ở Cuối Sông Hồng. Còn bài thơ của TMH ở trên, một cách chung chung, tất nhiên ai cũng hiểu tác giả thể hiện tình cảm của mình với Hồ Gươm, với Hà Nội. Bài thơ cũng có rất nhiều hình ảnh lạ như “gió níu hoàng hôn”, “Muốn mang hồ đi trú đông”, “khiêng vác sông Hồng”, rồi “gói heo may” v.v… nghĩa là nghe rất kêu. Nhưng đi sâu phân tích cụ thể về ngôn ngữ, như cách TMH vẫn hay làm với người khác, ta sẽ thấy bài thơ hoàn toàn rỗng về ý, TMH đúng là điển hình về việc “viết sai tiếng Việt”. Như câu “Lá rụng trời xao động cổ thành”. “Lá rụng đầy trời làm xao động cổ thành” thì mới có nghĩa chứ còn “Lá rụng trời” là lá rụng gì? Cái khó ở chỗ này là viết cho có nghĩa thì không thành thơ mà viết thành thơ thì lại không có nghĩa. Rồi bài thơ viết về Hồ Gươm sao lại có sông “đổi dòng” ở đó? Rồi nữa, muốn “mang hồ đi trú đông” sao lại “Mà không khiêng vác được sông Hồng”, ông Hảo muốn “mang hồ” đi cơ mà, sông Hồng thì có liên quan gì? Theo truyền thuyết, Hồ Gươm là nơi Lê Lợi sau khi dùng gươm thần đánh đuổi được giặc Minh đã “hoàn kiếm” lại cho Long Vương qua Thần Kim Quy, như vậy, câu “Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh”, TMH đã “nói điêu”!
Thực ra do kém về ngôn ngữ, nói chung là kém tài, TMH đã dùng nhiều từ chủ yếu để ép vần nên rất gượng và làm những câu thơ vô nghĩa như trên.
TMH, ngoài “tài” “làm xiếc” ngôn ngữ, nếu theo “lý luận” về đổi mới của Nhà văn Nguyễn Minh Châu, thơ TMH cũng điển hình cho lối viết “minh họa”.
Với khổ thơ này:

          Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
                    Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
                   Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
                   Rạch chân trời một lối đến tương lai

Ở đây cũng có sự ép vần khiên cưỡng, để vần với “tương lai” ở câu kết thì TMH phải viết “con trai” ở câu trên, chính vậy mới làm cho khổ thơ lủng củng, khấp khểnh về nghĩa. Sao lại “bất kỳ từ điểm nào trên trái đất/  Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai”? Có phải TMH muốn đe dọa thế giới bằng chuyện nước ta có nhiều con trai, rồi sẽ “cung ứng” cho quân đội nhiều lính không? Rồi sao “đất nước mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”? Nghĩa là cho nước ta là một “tia chớp” chỉ “lối đến tương lai” bằng cách “rạch chân trời” một nhát, còn tương lai cho cái gì thì TMH không nói; còn ý muốn nói tương lai đó là tương lai của nước ta thì viết như vậy nghĩa là cho nước ta là một quả bom sẽ mở được lối đến tương lai bằng cách nổ một phát!
Chính vì thế tôi mới viết: “ Một đoạn ‘thơ” rất có vần nhưng ý thì lủng củng, nghĩa theo ngữ pháp thì vô nghĩa, còn tứ thì "Rạch chân trời một lối đến tương lai" đúng là một ví dụ tiêu biểu về lối “minh họa”.
Còn đây là điển hình cho việc TMH minh họa về “hồn thiêng sông núi”:

Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè

Có điều “núi” đã đè chết được giặc như vậy thì đất nước còn cần gì đến “nhiều con trai”, còn cần gì đến quân đội, đến súng ống đạn dược nữa.
Còn hai khổ sau:

Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
                *
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
thì là điển hình cho lối viết “minh họa”, cách viết một chiều, chỉ mô tả bề mặt cuộc sống chứ không thâm nhập bề sâu, đã miêu tả chiến tranh như ngày hội, dù có hy sinh gian khổ nhưng chỉ có niềm vui mà không có đau thương, người lính Cụ Hồ như con rô bốt chỉ biết xông lên chiến đấu và chiến thắng!
Riêng hai câu này:

Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm

thì thật thản nhiên, vô cảm, điển hình cho lối “sáng tác”, nghĩa là những người có chút năng khiếu, có thể sản xuất ra hàng loạt thơ ca bằng cách ghép vần làm ra những câu thơ chung chung, nghe kêu “beng beng”, nhưng là những câu thơ giả, không đúng với hiện thực.

      TPHCM
     10-4-2013