Trang

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

“CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, CON ĐƯỜNG VÀO TÙ À?”

 “CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, CON ĐƯỜNG VÀO TÙ À?”

Trên trang sachhiem.net có đăng bài của tôi viết về chuyện tôn vinh Lê Văn Duyệt (https://sachhiem.net/LICHSU/D/DongLa_01.php). Tính viết tiếp chuyện Lê Văn Duyệt, nhưng chuyện Trần Huỳnh Duy Thức vừa hot vừa buồn cười nên tôi viết trước. Thức đã bị ép nhận đặc xá, bị buộc phải ra tù, bởi muốn chứng tỏ mình vô tội, mình anh hùng. Thức vẫn ngông cuồng, hoang tưởng, tự coi mình như lãnh tụ của con đường đi tới tiến bộ, văn minh, vừa ra tù đã viết fb “LỜI CHÀO ĐẦU TIÊN” gởi “đồng bào thân yêu”.
Tôi đã viết một bài về nhóm của Trần Huỳnh Duy Thức năm 2012, nay xin đăng lại.
24-9-2024
ĐÔNG LA
 “CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, CON ĐƯỜNG VÀO TÙ À?” là ý của ông Nguyễn Trọng Tạo viết cách đây (1-8-2012) hơn tháng trong bài con-đường-việt-nam-con-đường-vô-liêm-sỉ-của-lê-thăng-long khi biết mình bị Lê Thăng Long mời vào “Phong trào Con đường Việt Nam”.
(Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Sĩ Bình hợp tác viết cuốn sách Con đường nước Việt, trong đó Lê Công Định viết phần cải cách Tư pháp, Nguyễn Sĩ Bình viết về phần cải cách Xã hội, còn Trần Huỳnh Duy Thức viết về phần cải cách Kinh tế).
Ngược lại Nguyễn Trọng Tạo, ông Nguyễn Thanh Giang, trong bài Về “Phong trào Con đường Việt Nam” trên Đàn chim Việt thì cho: “Trong lịch sử Việt Nam cận-hiện đại sau Nhân văn-Giai phẩm, chưa có tổ chức chính trị đối lập nào … tỏ ra đàng hoàng, chững chạc, có tư thế đáng nể trọng như “Phong trào Con đường Việt Nam”...” Tại sao cùng một chuyện, ông này nói trời, ông nọ nói đất, mà trên “mặt trận dân chủ” toàn có cỡ cả.
***
Nguyễn Thanh Giang, một Viện sĩ, dù nhiều người cho là loại “viện sĩ 100 đô” nhưng lại là một “nhà dân chủ” chuyên nghiệp, có bề dầy “thành tích”.
Còn Nguyễn Trọng Tạo, một nhạc sĩ có mấy bài hát mang đậm chất dân ca được rất nhiều người thích nhưng cũng được biết đến ít hơn là một nhà thơ “cấp tiến”, bởi từng có bài thơ "tản mạn thời tôi sống" . Bài này theo tôi là “không có vấn đề gì”, tiếc là đất nước ta từng trải qua thời kỳ có những cái ấu trĩ nên ông nhà thơ đã bị phê phán, đến nỗi đã từng định tự tử, một hành động do quá nhạy cảm và có phần nông nổi. Vì thế, Nguyễn Trọng Tạo với lĩnh vực chính trị tư tưởng cần một tư duy chính xác hơn thì ông đúng là “vô sản”.
Tuy vậy, riêng về vụ Lê Thăng Long này, Nguyễn Trọng Tạo lại thông minh đột xuất, đã cho “Con đường Việt Nam” là “trò nhốn nháo”, là “một việc làm đen tối, lưu manh, và phản cảm. Phản cảm nhất là mục đích gây rối ren cho đất nước Việt Nam hiện nay. Những việc như thế mà chưa thấy ngành an ninh đả động gì thì cũng lạ”. Rồi: “Một hành động hết sức vô văn hóa của “nhóm chủ trương” đã nói lên bản chất lưu manh và phản cảm của họ. Một “con đường VN” như thế thì ai sẽ đi, và sẽ đi đâu? đi tù à? Thật là vô liêm… sỉ”.
Trái lại, ông “viện sĩ 100 đô” Nguyễn Thanh Giang
viết:
“Những người khởi xướng PTCĐVN tỏ ra đã có một “nông dân quan” thật sâu sắc, thật biện chứng, thật nhân bản (hơn hẳn Mao Trạch Đông):
“Sự phát triển sẽ không bao giờ tốt đẹp được và sẽ luôn bất ổn như hiện nay nếu nó không dựa trên nền tảng phát triển của 60 triệu nông dân chúng ta. Chỉ có sự hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam mới có thể tạo ra sự công nghiệp hóa hiệu quả cho đất nước này mà thôi…”.
Trước tình trạng đất chật người đông, chưa cần hiện đại hóa nông nghiệp thì những người nông dân trong những ngày nông nhàn đã không biết làm gì rồi, đã phải tụ về thành phố bán sức lao động; thanh niên nam nữ ở quê hiện nay đa phần đi xuất khẩu lao động và làm công nhân trong các khu công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào thiên tai địch họa, dân ta cũng thường bị rơi vào cái tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Xuất khẩu nông sản cũng có thể gặp họa bởi sự khắt khe của những tiêu chuẩn chất lượng. Bao mồ hôi nước mắt đổ xuống mới làm ra được 1 tấn gạo nhưng giá xuất khẩu hiện nay chỉ có khoảng 500 đô (2012), trong khi cái iphone nhỏ tí, sản xuất hàng loạt ở Mỹ, giá tới 800 đô, tức gấp 1,6 lần 1 tấn gạo của ta. Vì vậy cái “nông dân quan” ở trên không phải “sâu sắc, biện chứng, nhân bản” như ý ông Giang mà chính là phản tiến bộ. Không chỉ thế nó còn phản thực tiễn khi giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp ở ta đã gấp đôi hàng nông nghiệp: 38,79 tỷ USD so với 19,19 tỷ USD.
Ngoài “Nông dân quan” trên, ông Nguyễn Thanh Giang cũng nêu ra một “thế giới quan” của Phong trào Con đường Việt Nam với sự tán thưởng nồng nhiệt:
“Một thế giới quan rất sáng suốt cũng đã được trình bày thật khúc chiết:
“…Lâu nay người ta cứ nghĩ Việt Nam chỉ có thể chuyển hóa khi Trung Quốc chuyển hóa (cái đầu có quậy, cái đuôi mới vẫy), những người khởi xướng PTCĐVN đặt vấn đề ngược lại: cái bánh lái Việt Nam sẽ bẻ hướng con tàu Trung Quốc:
“Chúng tôi cũng tin rằng nếu Việt Nam trở thành một nền dân chủ tự do thì điều đó sẽ khích lệ và củng cố niềm tin trong người dân Trung Quốc và thế giới rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng tham gia thế giới tự do dân chủ … Cộng đồng quốc tế cũng sẽ bị PTCĐVN cuốn hút khi nhận ra được rằng Việt Nam cần thiết như thế nào trong việc ngăn chặn “họa Đại Hán” cho nhân loại… Dễ gì có được những chính trị gia dày công quan sát, suy tưởng để tạo lập luận sử dụng làm thuyết pháp thông minh và uyên thâm như vậy…”.
Có cái gì đó thật ảo tưởng, ngông cuồng, ấu trĩ và nguy hiểm của cả cái ý tưởng trên và người ca ngợi nó. Năm 1945, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã phải trích Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, đặt tên Đảng là “lao động”, tên nước là “dân chủ cộng hòa”, Bác muốn nước ta không bị cuốn vào cuộc chiến ý thức hệ. Tiếc là những ông tổng thống Mỹ đã sai lầm và phải chịu thất bại nhưng cũng buộc chúng ta phải trả giá quá đắt cho ngày chiến thắng. Vậy mà những ngày hôm nay lại có những kẻ thật là điên khùng khi muốn chúng ta lại trở thành tiền đồn trong việc “ngăn chặn “họa Đại Hán” cho nhân loại”!
***
“Tự do, dân chủ” là đặc tính quý giá của một xã hội và đối với mỗi công dân. Có điều để thực hiện quyền đó cần phải hiểu biết nếu không người ta rất dễ tự do nói bậy, tự do quấy rối và dẫn đến chuyện tự do phạm pháp. Bây giờ tự do viết trên mạng, nhiều người đâu ngờ rằng mình đã tự do khoe sự dốt nát của chính mình. Nước ta tôi không dám nói đã có nền dân chủ tự do toàn bích nhưng hoàn toàn không phải là một vấn nạn.
Cái cần nhất bây giờ ai cũng thấy là chúng ta cần phải có sức mạnh kinh tế. Có sức mạnh kinh tế ta sẽ có sức mạnh quân sự. Để có sức mạnh kinh tế cái cần nhất là khoa học công nghệ, mà muốn có khoa học công nghệ giỏi lại cần phải có một ngành giáo dục tốt. Bên cạnh đó cần phải nhận diện và sửa chữa ngay lỗi hệ thống của cơ chế vận hành xã hội, chống tham ô, lãng phí. Đó chính là những bài toán chủ yếu của xã hội VN hôm nay. Còn “Con đường Việt nam” lại coi “dân chủ tự do” là cái tiên quyết, còn cải tạo được cả Trung Quốc nữa. Có điều, ai cũng “làm chủ, tự do” như nhóm của Lê Thăng Long để rồi đưa ra những kế sách lăng nhăng kiểu như trên thì đất nước ta sẽ loạn tới cỡ nào?
Về cái danh sách bị Lê Thăng Long mời tham gia Ban sáng lập đã có nhiều người chê, thậm chí phản ứng gay gắt giống như ông Nguyễn Trọng Tạo. ĐÔNG A (không phải Đông La) cho là: “không tưởng”; Ba Sàm: “trò “quăng bom” nguy hiểm”; Nguyễn Quang Lập: “hồ đồ”; Phan Hồng Giang: “trò mèo”, v.v… Phạm Thị Hoài, trong bài Băn khoăn về con đường Việt Nam trên BBC, hỏi: "Nhóm khởi xướng sẽ có lời khuyên nào cho những người tham gia sáng lập Phong trào trong trường hợp họ bị bắt: Cúi đầu nhận tội, hay ngẩng cao đầu kiêu hãnh?... Lời nhận tội và xin khoan hồng của ba người trong nhóm khởi xướng vẫn bám theo Phong trào Con đường Việt Nam như một bóng đen xấu xí ".
Còn với tôi thì, cái danh sách đó đã thể hiện sự trì độn về tư duy chính trị của Lê Thăng Long, bởi quá ngây ngô về việc nhìn nhận con người, đã lựa chọn một danh sách ô hợp, không phải như món lẩu thập cẩm độc đáo có nhiều loại thịt, cá, rau phong phú của dân Nam Bộ mà là một món hổ lốn phi lý, như việc trộn sỏi vào gạo để nấu cơm, lấy dầu nhớt đổ xe mà chiên cá vậy. Bởi làm sao những người như Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Bình, Phan Diễn, Vũ Khoan, Nguyễn Lân Dũng, v.v… lại có thể “chung đường” với Nguyễn Gia Kiểng, Võ Văn Ái, Thích Quảng Độ, v.v… được!
***
Bây giờ chúng ta thử nhìn lại diễn tiến của “Phong trào Con đường Việt Nam”. Ngày 10 tháng 06 năm 2012, nhân danh “Những người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam”, ký tên: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, đã công bố LỜI PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM . Tiếp đó, Lê Thăng Long với tư cách “Người khởi xướng kiêm quyền Trưởng ban quản trị” đã công bố tiếp “Thư phong trào Con Đường Việt Nam” viết ngày 13/6/2012 gửi những vị lãnh đạo cao nhất nước: Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trong thư gởi ông Nguyễn Phú Trọng, Lê Thăng Long viết:
“Chắc ông cũng đã biết phong trào này đang được hưởng ứng vì tinh thần hòa hợp của nó và vì tinh thần “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” … Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đảng Cộng sản Việt nam nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất cho Nhà nước: những cách thức có thể giúp Đảng Cộng sản Việt nam mau chóng hiện thực hóa lý tưởng của mình thành những giá trị thực tế…”
***
Trong bài Lê Thăng Long- nỗi sợ và niềm tin trên Đàn chim Việt, Lê Thăng Long nói: “Tôi nhắc lại nguyên tắc của Phong trào là mọi người chỉ tham gia bằng tư cách cá nhân”; sự hoạt động của Phong trào là “công khai”; rồi kể khi mình bị một cán bộ an ninh “hỏi thăm”: “giả sử cơ quan an ninh thấy rằng Phong trào Con đường Việt Nam có nguy cơ đe dọa chính quyền và họ sẽ yêu cầu tôi dừng hoạt động để bảo vệ chính quyền thì tôi có thực hiện không?”, Lê Thăng Long nói: “Tôi đã cương quyết phản đối điều này và nói rằng cá nhân nào làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm, Phong trào Con đường Việt Nam có mục tiêu rõ ràng công khai. Hơn nữa Phong trào này bây giờ đâu phải là của tôi mà là của mọi người”.
Như vậy, ta thấy cách làm rùm beng như trên chỉ là mẹo vặt để Lê Thăng Long lách luật, tránh bị kết tội. Nhưng làm sao được khi “Phong trào” lại có thể “hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam” với những “giải pháp” sai trái nêu trên. Còn chuyện phạm pháp là do bản chất của hành vi chứ không phải cứ “công khai”, cứ nhân danh “vì dân, vì nước” thì không phạm pháp. Lê Thăng Long đứng tên “Người khởi xướng kiêm quyền Trưởng ban quản trị” của Phong trào, khi cơ quan chức năng thấy có “nguy cơ đe dọa chính quyền”, Lê Thăng Long sao có thể trốn tránh trách nhiệm với cách biện hộ “phong trào là của mọi người”? “Phong trào” của Lê Thăng Long rõ ràng kêu gọi mọi người “Làm cho quyền con người được tôn trọng và bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam” nghĩa là kêu gọi mọi người đòi quyền lực, tức là làm chính trị. Theo luật VN hiện tại, “con đường” của nhóm Lê Thăng Long là con đường phạp pháp.
Có gì đó thật kỳ lạ về Lê Thăng Long, một người đã nhận tội và bị cầm tù, đã “ngoan” và sớm được ra tù, nhưng rồi lại có hành động khiến ai cũng phải bất ngờ, y như việc đi tù chưa đã, muốn quay trở lại ngay vậy. Tôi chỉ khuyên Lê Thăng Long thế này, bạn còn trẻ, hãy tỉnh ngộ, cần học lại lịch sử để làm một công dân tốt đã, hãy tập thiền cho cái tôi của mình bé lại, để giác ngộ và tự nhận ra được mình là ai. Nhận thức của bạn còn ấu trĩ và thiển cận lắm. Hãy chú ý lời cảnh báo của tác giả ca khúc “Khúc hát sông quê” Nguyễn Trọng Tạo: “Một “con đường VN” như thế thì ai sẽ đi, và sẽ đi đâu? đi tù à?”.

TPHCM
1-8-2012
ĐÔNG LA