ÂN NHÂN
Vừa rồi, nhân dịp tết sắp đến, tôi đến thăm chị Lộc (con bác anh Thái Thăng Long), và gia đình anh Long, chị Lợi, nhận được tin: “Ông Ban chết rồi!” Vậy là một người từng rất gắn bó với cuộc đời tôi đã mất, nên hôm nay tôi muốn nhắc lại đôi chút kỷ niệm về ông.
***
Tôi vốn là người rất ngại nhờ vả người khác, nên từ việc đầu óc đến tay chân dù rất khó, nếu thấy tự làm được, tôi sẽ làm. Nhưng có những chuyện liên quan đến guồng máy công chức, đến quyền lực, thì dù có tài và chịu khó đến mấy tôi cũng không thể tự giải quyết được; và cuộc đời tôi có thời điểm như bị dồn đến chân tường thì bất ngờ đã có người ra tay giúp đỡ, nói theo tử vi thì số tôi đúng là có “quý nhân phù trợ”.
Năm 1990, tôi đang ở Leningrat, Liên Xô, linh tính thấy sắp có loạn, tôi và anh bạn Nguyễn Khắc Kế (Nha Trang) đã tìm cách về nước trước thời hạn. Chưa biết sẽ làm gì, với tâm trạng lang mang, tôi mang mấy thanh sô-cô-la đến nhà anh Thái Thăng Long chơi. Vốn là nhà thơ, nhạy cảm, dễ xúc động, anh bảo: “Công nhận mày tốt thật, còn thằng T. thì…”, đúng lúc ấy, chị Lộc, chị con bác anh Long, làm Trưởng phòng Tổ chức Công ty Thuốc Sát trùng VN, mang con vịt quay đến chơi. Anh Long bảo: “Thằng Hùng nó giỏi lắm chị có việc gì thì xếp cho nó đi!” Chẳng ai ngờ, chỉ câu nói vậy thôi mà sẽ làm tôi đổi đời.
Theo sự sắp xếp của chị Lộc, tôi đã đến làm tại Trung tâm Nghiên cứu thuộc Công ty Thuốc STVN mà giám đốc chính là ông Trần Lâm Ban, người tôi vừa nhận tin là mới qua đời.
Lẽ ra là một lính mới tôi sẽ được ông giám đốc giàu kinh nghiệm chỉ bảo, có điều tôi đúng thuộc loại “không phải người thường”, nên tôi đã giúp ngược lại ông. Đúng hồi tôi đến, có chuyện ông Đỗ Mười (khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đến công ty thăm con trai. Sau đó không biết thế nào mà công ty như loạn lên vì phải giải quyết cái đề tài đã làm hơn hai mươi năm, đã có người chết và người bị thương, mà vẫn chưa làm xong được, vì hoạt chất nó cứ cháy nổ. Tôi đã được ông Ban giao thay thế làm chủ nhiệm đề tài, và sau khoảng 3 năm, tôi đã giải quyết được, còn được lên tivi, lên báo, và mang đi thi sáng tạo KHKT được cả giải A. Như vậy, ông Ban có ơn nhận tôi, nhưng tôi lại giúp ngược lại ông giải quyết cái đề tài, coi như hoà. Có điều tôi luôn coi ông Ban là một trong những ân nhân quan trọng nhất của cuộc đời mình. Chính vì tôi làm được cái việc ông giao nên mới nổi tiếng, vì thế mà bạn bè làm ăn của ông đã tìm đến tôi để “săn đầu người”, và cũng chính vì thế tôi mới bỏ được công chức, ra ngoài làm tư nhân theo con đường TBCN, và đã đổi đời!
***
Chính mấy năm giải quyết cái đề tài ở chỗ ông Trần Lâm Ban là những năm tháng sống động nhất của cuộc đời tôi, đã khiến tôi viết thành cái truyện ngắn “Bài toán” mà nhân vật “Giám đốc Lâm” nguyên mẫu chính là ông Trần Lâm Ban. Một chuyện thực nhưng không phải ghi chép mà phải hư cấu để xây dựng hình tượng nhân vật văn chương, với tư tưởng và tình cảm, để có thể phản ánh những vấn đề nhân sinh, những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Nếu ông Nguyên Ngọc có học vấn cao hơn, có chút lương tri sẽ thấy cái truyện của tôi mới là đổi mới văn chương đích thực chứ không phải cái kiểu đổi mới lộn ngược của mấy người mà ông đã dựng lên thành cờ. Cái mới ở đây là đề tài văn chương, nhân vật văn chương, và tầm tư tưởng văn chương. Cái truyện của tôi đã có nhiều người thích và còn được dựa vào dựng thành một bộ phim. Chính ông Trần Huy Quang làm biên tập, sau khi đăng trên báo Văn nghệ đã viết thư cho tôi. Lần đó, khi vào SG, đến nhà tôi chơi, chính Nguyễn Quang Thiều đã đưa tận tay tôi tờ báo nói: “Ông viết được đấy!” Một lần cùng Nguyễn Hữu Sơn (nguyên Viện phó Viện Văn học) đến nhà lão nhà văn Xuân Thiều, thấy tôi ông nói: “Lần đầu đọc văn Đông La thấy viết chắc tay quá!” Lần đăng lại gần đây, Bác sĩ Bùi Quốc Trị bình luận: “Bây giờ là 2h25 sáng nhưng vì thích truyện của nhà văn Nguyễn Văn Hùng nên muốn đọc cho hết truyện ngắn này. Tác giả, rõ ràng là một nhà hiện thực phê phán, khi viết một truyện mà thời chúng ta đã trải qua, gặp quá nhiều. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn có giá trị thiết thực đối với các cơ quan, doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Góc khuất của xã hội đã đc lột tả qua ngòi bút của một nhà văn có bộ óc quan sát tinh tế, nhỡn quan sâu sắc... Nhằm giúp cho bất cứ ai rơi vào ngữ cảnh trên cũng phải có ít phút khựng lại... và suy ngẫm!”
Quả thực, viết để cho độc giả trí thức như anh Bùi Quốc Trị đọc “thâu đêm” như vậy quả khó hơn cả ngàn lần viết để bạn bè văn chương cùng băng nhóm kiểu Nguyễn Quang Thiều đọc, rồi tự sướng với nhau.
Trong truyện, có đoạn đối thoại giữa tôi và ông Trần Lâm Ban giờ thấy như sự tiên tri của tôi về những ngày hôm nay, cái chuyện đảng viên, cán bộ cao cấp đang cả chùm bị bắt, bị kỷ luật, và mấy ông rất to, kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị, bị một hình thức rất “tế nhị” chỉ nền chính trị Việt Nam mới có là, bị “thôi chức” mà không biết vì lý do gì. Cụ thể câu đối thoại đó là:
“Tôi ngẫm thấy, xã hội tập thể mình đẻ ra hai cách sống, những kẻ không có khả năng mà lại tham vọng tất phải thủ đoạn, luồn lọt, móc ngoặc, liên minh, liên kết ma quỷ với nhau. Tiếc là bọn này lại đông và khá thành công. Ngược lại, muốn vươn lên một cách quang minh chính đại thì phải giỏi, phải làm được việc. Tiếc là những người giỏi lại thường hay sĩ, khái tính, bất cần đời, không biết liên minh nên hay bị yếu thế. Chính vậy, người ta mới thấy trong xã hội mình có chuyện lạ là, có nhiều đứa dốt lại thành ông nọ bà kia, còn nhiều người tài giỏi lại rất khốn khổ!”
***
Cầu xin Trời, Phật phù hộ anh Trần Lâm Ban sớm siêu thoát về miền cực lạc!
17-1-2023
ĐÔNG LA