NHỚ ÔNG NỘI
Ngày này, 19-12 (âm lịch), đã sang năm 1973 (Dương lịch), tức đã tròn 50 năm trôi qua, tôi mới đi bộ đội, đóng quân cách làng tôi khoảng 5 km, chiều tối đơn vị tôi hành quân huấn luyện qua làng. Tôi thấy nhiều người nhao nhao lên gọi tôi:
-Hùng ơi, ông nội cháu mất rồi! Về nhà gặp ông đi cháu!
-Các bác, các cô thông cảm, cháu đang làm nhiệm vụ!
Tối ấy về nơi đóng quân, tôi được tuyên dương trước toàn tiểu đoàn. Sáng sau, đơn vị cho tôi về chịu tang ông. Về làng, tôi thấy họ hàng đã đưa quan tài ông tôi đến gần nghĩa trang. Khi hạ huyệt, lần đầu tiên tôi thấy cha tôi khóc, ông là người luôn tỏ ra cứng rắn.
Ông tôi là Nguyễn Huy Yết, thuộc dòng Nguyễn Huy theo gia phả ở nhà thờ họ. Vì vậy, tôi cũng Nguyễn Huy Hùng, nhưng một thời miền Bắc XHCN, trai thì “văn”, gái thì “thị” hết, nên tên khai sinh của tôi thành ra Nguyễn Văn Hùng. Ông tôi sinh chỉ có hai người con, cha tôi là Nguyễn Huy Xuất và cô tôi, lấy chú Dừa ở Hà Nội nên chúng tôi gọi là “cô Dừa”. Năm 1954, cha tôi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau chiến thắng, khoảng 1960, ông học Trường Y sĩ Hải Dương. Ông chính là người có học vấn Y học hiện đại đầu tiên ở vùng quê tôi, khi mà ở quê hồi ấy còn nhiều người chưa biết chữ. Nghề y của cha tôi có một chuyện đáng nhớ là cứu sống một thằng bé, gia đình nó đã làm lễ xin làm con nuôi cha tôi và đặt tên là Mạnh trùng tên thằng em út tôi. Nay thằng “Mạnh em” này là đương kim Bí thư Huyện ở quê tôi, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Cha tôi đã mất từ năm 1990. Còn cô tôi ở Hà Nội vẫn khoẻ khi đã trên 90 tuổi. Sau Giải phóng 1975, tôi học đại học tại SG, mỗi lần về quê tôi buộc phải đến nhà cô, không phải thăm mà ở nhờ để đợi mua vé tầu về SG, vì hồi ấy đi lại rất khó khăn.Tôi hay nói với bà xã, tính tôi lọ mọ, từ chuyện tự sửa chữa nhà cửa đến nghiên cứu chế biến các món ăn chính là do tôi giống ông nội tôi, còn cha tôi là con một, tính công tử, lại thuộc giới “trí thức”, nên ông không thích làm những chuyện lặt vặt, rất giống thằng con trai tôi. Có lần tôi nói với nó chắc nó không để ý: “Mày giống ông nội mày, còn tao giống ông nội tao”.
Kỳ này, Tết sắp đến, tôi trổ tài “nghiên cứu hoá học”, tự tay làm giò lụa, giò thủ, mấy món ăn quen thuộc của Tết, biếu những người là ân nhân của đời mình để thể hiện tấm lòng. Tôi thấy tự làm mới có ý nghĩa, còn mua ngoài tiệm thì toàn nhà giàu người ta có thiếu tiền mua đâu. Dở cái, mình làm không ngon, rất dễ có chuyện người ta quẳng tấm lòng mình vào sọt rác. Tôi dùng máy xay sinh tố (loại mạnh) xay thịt làm loại giò lụa với “bí kíp” đúng thịt nạc nguyên chất, đảm bảo không thêm một tí mỡ nào mà giò không khô và dai giòn “như cao su”! Làm xong, bà xã ăn thử khen “ngon hơn tiệm” vậy là yên tâm. Nhắc đến chuyện làm giò vì hình ảnh ông nội giã giò chuẩn bị tết hồi tôi còn nhỏ đã trở thành kỷ niệm không phai mờ trong ký ức tôi, và tiếng giã giò còn đi vào trong thơ ca của tôi.
Vậy hôm nay nhớ ông nội trong ngày giỗ, tôi xin đăng lại bài thơ này.
10-1-2023
ĐÔNG LA
GẶP LẠI GIAO THỪA
Ta lại một mình lang thang trên quê
Va cả vào đêm đặc quánh
Ở phía trước bóng giao thừa thấp thoáng
Mỗi nụ chồi đều in dấu bước thời gian
Lại một mình trên con đường thân quen
Thấy lăn lóc đầy dấu chân một thời thơ bé
Dấu chân của thời không giày không dép
Bao năm rồi còn nằm đó lạnh run
Cúi nhặt lên ủ ấm giữa lòng tay
Nghe vọng lại cái háo hức những ngày nào mong Tết
Vọng lại tiếng giã giò ngày nào “cục quyếch”
Bóng ông lầm rầm trước bàn thờ Tổ trầm tư
Chưa kịp dạy con khấn vái cha đã ra đi
Giỗ Tết về chỉ biết gọi cha bằng những lời im lặng
Những sợi khói hương có bắc được nhịp cầu giữa hai bờ cách biệt?
Cha đã mất rồi hồn cha biết nơi nao?
ĐÔNG LA