Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

QUANH CHUYỆN TBT, CTN TÔ LÂM TRẢ LỜI PHỎNG VẤN Ở MỸ

 QUANH CHUYỆN TBT, CTN TÔ LÂM TRẢ LỜI PHỎNG VẤN Ở MỸ




Lại một chuyện hot cắt ngang mạch viết về chuyện tôn vinh Lê Văn Duyệt của tôi.
Trên https://www.nguoi-viet.com/, September 23, 2024, có bài
“Tô Lâm ‘né’ trả lời câu hỏi ‘triệu người vui triệu người buồn”, viết:
Ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, “né” trả lời câu hỏi của một giáo sư người Mỹ gốc Việt… Bà Hằng trích lời cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt từng nói “vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 có triệu người vui có triệu người buồn…” rồi hỏi nhà lãnh đạo Việt Nam làm thế nào để hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước trong vai trò của ông”.
Ông Tô Lâm trả lời: “…Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt cách đây gần 50 năm, những gì xảy ra trong quá khứ, như tôi nói, không được quên lãng. Tuy nhiên, quá khứ này vẫn là một bài học để chúng ta có cái nhìn về tương lai. Chúng tôi vượt qua quá khứ để có hòa bình và ổn định cho người dân chúng tôi và đạt được những gì người dân Mỹ mong muốn cũng như cả thế giới mong chờ”.
Ông Tô Lâm nói rất hay những nét chính của cái chuyện lớn lao là quan hệ Việt-Mỹ, “quá khứ không quên lãng”, là “bài học cho tương lai, cho hoà bình ổn định của dân Việt và mong muốn của dân Mỹ và thế giới”. Nói vậy có nghĩa là ông là một người lớn không chấp câu hỏi của đứa con nít, bởi hoà hợp dân tộc là chính sách nhất quán của VN, chỉ những ai cố chấp, và theo Đạo Phật là vô minh, mới không hiểu và còn hỏi như vậy mà thôi. Câu hỏi cũng chứng tỏ Liên Hằng là người thiếu ý tứ, lịch thiệp do thiếu được giáo dục bởi một nền văn hoá Phương Đông mà là sản phẩm của nền văn hoá “tự do, dân chủ” muốn thể hiện, muốn khiêu khích, bắt bí người đối thoại.
Vậy Liên Hằng là ai?
***
Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Liên Hằng lại là một giáo sư sử học ở viện Đại Học Columbia, xuất thân từ một gia đình người Việt tỵ nạn đã di tản một ngày trước 30-4-1975, khi mới được 5 tháng tuổi. Liên Hằng đã viết cuốn sách “Hanoi's War: An International History of the War for Peace in Vietnam” (Cuộc chiến của Hà Nội: Lịch sử quốc tế về cuộc chiến vì hòa bình ở Việt Nam), đã được trao Giải Edward M. Coffman 2012.
Bà Hằng hiện còn là thành viên Hội Đồng Quản Trị đại học Fulright University Vietnam USA và là giám đốc Weatherhead East Asian Institute của đại học Columbia University.
***
Trên báo Nhân dân điện tử, Thứ hai, ngày 20/04/2015, đã đăng bài “Đừng nhân danh khoa học để xuyên tạc lịch sử” của tác giả Vũ Hợp Lân viết về cuốn sách của Liên Hằng, cho là “những phát ngôn xằng bậy”, bởi tác giả “chỉ chọn tài liệu nào phù hợp với mục đích của mình, rồi xào xáo, nhào trộn các tài liệu này với đủ thứ tin đồn, sự kiện mơ hồ, thông tin không được kiểm chứng để... đoán mò … Bằng thủ pháp bịa đặt, gán ghép, tác giả xưng xưng mô tả quá trình tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước là quá trình thực hiện tham vọng, đầy âm mưu, thủ đoạn, triệt hạ lẫn nhau, hầu như trận đánh nào cũng thất bại (điều này đúng là liều thuốc an thần cho một số người vẫn tự an ủi "đã thắng trong các trận đánh nhưng thua một cuộc chiến tranh"!”.
Có lẽ do hiểu về lịch sử như vậy, Liên Hằng mới có câu hỏi ấu trĩ với ông Tô Lâm như trên.
***
Dù vậy, sau khi ra mắt tại NXB Đại học North Carolina (Mỹ), cuốn sách của Liên Hằng lập tức được một số người và các đài, báo như BBC, VOA, RFA,... chuyên chống VN hết lời ca ngợi.
Ngày 16-11-2012, trong bài đã đăng trên BBC, tác giả Bùi Văn Phú cho rằng với cuốn sách, Liên Hằng đưa ra "một cách nhìn khác về cuộc chiến..., đó là chiến tranh do Hà Nội chủ động, từ khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1950 cho đến lúc thành công vào tháng 4-1975".
Vì vậy, tôi (Đông La) lại phải mất công dạy cho bà GS Liên Hằng và ông Phú này ít sự thật lịch sử, và để khách quan, tôi không trích dẫn “tuyên truyền của Cộng sản” mà chỉ trích dẫn những vị chóp bu đã đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến ở VN và thất bại cay đắng.
***
TT Eisenhower với thuyết Domino cho rằng nếu để mất Đông Dương, Đông Dương trở thành con bài Domino đầu tiên, sẽ gây ra mất nốt phần còn lại của Đông Nam Á. Mà mục tiêu của Mỹ là toàn bộ vùng Đông Nam Á vì đây là một trong những khu vực giàu có nhất thế giới. Sau Hội nghị Genève, CIA báo cho Tổng thống Mỹ Eisenhower thấy rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành, vì ông là một George Washington của Việt Nam. Do vậy Hoa Kỳ đã hậu thuẫn Ngô Đình Diệm.
Thượng nghị sĩ (sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố vào ngày 1/6/1956:
“Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [Việt Nam Cộng hòa] thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta là chủ tọa khi nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó (…). Đó là con đẻ của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”.
Từ đó Ngô Đình Diệm công khai bác bỏ tổng tuyển cử, ngày 23-10-1955, tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" để phế truất Bảo Đại, lên làm Tổng thống.
Ngày 31/5/1961, tiếp Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Paris, Thống chế Pháp Charles de Gaulle cảnh báo Mỹ:
“Người Pháp chúng tôi có kinh nghiệm về chuyện đó. Người Mỹ các anh trước đây từng muốn thay chỗ chúng tôi ở Đông Dương. Và hôm nay anh muốn nối gót chúng tôi để nhen lại ngọn lửa chiến tranh mà chúng tôi đã kết thúc. Tôi xin báo trước cho anh biết: anh sẽ từ từ sa vào vũng lầy quân sự và chính trị không đáy, bất chấp những tổn thất [nhân mạng] và chi tiêu [tiền của] mà anh có thể phung phí ở đó”.
Đúng như lời “tiên tri “ đó, sau 20 năm, ngoài núi tiền của Mỹ phải đổ ra, số lính Mỹ chết và mất tích là 58.220 người! Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng và lâu dài về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra.
***
Sau thất bại ở Việt Nam, Tổng thống Richard Nixon nhìn nhận:
“Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ, có nhiều nguồn lực như vậy đã bị sử dụng một cách kém hiệu quả như trong chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh đối chọi giữa một siêu cường hạt nhân với tổng sản lượng quốc dân 500 tỷ đôla, một lực lượng vũ trang trên một triệu người và dân số 180 triệu chống lại một cường quốc quân sự nhỏ với tổng sản lượng quốc dân chưa được 2 tỷ đôla, một đội quân 250.000 người và một số dân chỉ có 16 triệu”
Ông Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ 1961-1968, dưới hai thời TT John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh Việt Nam, đã thú nhận “chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”. Ông chỉ ra “Có 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa của chúng ta tại Việt Nam”. Ông đã viết:
“Chúng ta đã không nhận ra rằng cả nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không sáng suốt. Khi nền an ninh của chúng ta không bị đe doạ, những đánh giá về những gì là lợi ích tốt nhất của nhân dân và đất nước khác của chúng ta cần phải được thử nghiệm trong một cuộc thảo luận cởi mở trên diễn đàn quốc tế. Chúng ta không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn”.
***
Ngày 27/4/2016 , cuộc Hội thảo "Vietnam War Summit" kéo dài 3 ngày, do Đại học Texas tại Austin và thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson (LBJ) tổ chức tại bang Texas, Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry, đã đến tham dự và phát biểu.
Ông Kerry từng được trao huân chương khi còn là một sĩ quan hải quân, tham chiến tại Việt Nam. Nhưng ông sớm nhận ra bản chất của cuộc chiến, nên rời quân ngũ, ông đã trở thành một trong những nhà phản chiến nối tiếng nhất. Năm 1971, trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, ông lên án cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là "man rợ".
Ông cho rằng bình thường hóa quan hệ Mỹ -Việt không phải để lãng quên quá khứ vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự mình tước đi những kinh nghiệm quý báu. Ông nhấn mạnh: “Bi kịch tại Việt Nam cần trở thành lời nhắc nhở thường xuyên đối với chúng ta về khả năng mắc sai lầm, về nhìn nhận sự việc bằng lăng kính thiếu chuẩn xác, về việc bỏ qua lời cảnh tỉnh về những đau thương mà chiến tranh gây ra”.
Đại tướng Maxwell D. Taylor, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Johnson, từng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam đã khái quát:
“Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta (nước Mỹ) không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là những kẻ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.
***
41 năm sau chiến tranh, tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu về bài học mà Mỹ rút ra trong chiến tranh Việt Nam:
“Chúng ta (Việt Nam và Mỹ) là 2 nước độc lập và dù lớn hay nhỏ cũng đều có chủ quyền của mình, phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ... Bài học của chúng ta trong chiến tranh, trong quá khứ cũng là bài học của cả nhân loại. Những chân giá trị của hòa bình đã được chỉ ra. Chúng ta cũng thấy một điều có tính nguyên lý là độc lập, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí lên Việt Nam và số phận của Việt Nam là do người dân Việt Nam quyết định”.
***
Và cựu Tổng thống Donald Trump, với cuộc chiến mà Mỹ thế chân đó, ông đã cho là một cuộc chiến tồi tệ (I thought it was a terrible war).

25-9-2024
ĐÔNG LA