Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

CÓ CÁC HỘI NHÀ VĂN ĐỂ LÀM GÌ?

 CÓ CÁC HỘI NHÀ VĂN ĐỂ LÀM GÌ?




TBT Tô Lâm, sáng 1/12, trong Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức , ông đã phát động một “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, một việc ông cho là "thậm chí rất khó”; "Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u".
Bộ máy hệ thống chính trị cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí đã là căn bệnh mãn tính trầm kha, cản trở sự phát triển đất nước, nếu TBT Tô Lâm lãnh đạo cuộc cách mạng mới này thành công, ông sẽ được ghi danh vào bảng vàng lịch sử dân tộc. Có điều thực tế cuộc sống còn tệ hại hơn cả những gì TBT Tô Lâm đã chỉ ra.
***
Các tổ chức của hệ thống chính trị của nhà nước ta hiện không chỉ cồng kềnh, có những tổ chức ngốn quỹ lương, lãng phí nhưng lại có những hoạt động không chỉ vô ích mà còn độc hại, biến chúng thành những “tổ ong” được nuôi trong “tay áo” Nhà nước. Trong các tổ chức đó có những cá nhân được chế độ quan tâm, nuôi dưỡng, đào tạo, thành đạt, được chế độ tôn vinh, rồi “quay cổ cắn chế độ”! Bên “tổ ong sử” có Phan Huy Lê cho thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám là hư cấu, Dương Trung Quốc cho Pháp không xâm lược VN mà chỉ mượn đường đánh TQ, Vũ Minh Giang cho “Cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến ý thức hệ Quốc – Cộng”; bên “tổ ong giáo dục”, Nguyễn Minh Thuyết và Trần Đình Sử là hai người có trong danh sách 72 người đòi thay đổi Hiến pháp, đòi bỏ Điều 4 hiến định sự lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ, nhưng họ vẫn được Bộ GD&ĐT chọn làm Chủ biên và duyệt sách giáo khoa của Chương trình Cải cách Giáo dục; còn bên cái “tổ ong văn chương” thì có nhiều chuyện hơn.
***
Có thời Hội Nhà Văn HN cứ họp Đại hội là bầu Phạm Xuân Nguyên làm Chủ tịch. Nhưng Phạm Xuân Nguyên từng tâng bốc cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh với cái nhìn hoàn toàn sai trái về Cuộc Kháng chiến Chống Mỹ: “Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này … những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”; Phạm Xuân Nguyên cũng từng sát cánh, ủng hộ Luận văn của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) về thơ của Nhóm Mở Miệng, một luận văn có tư tưởng phản động cả về chính trị, học thuật, lẫn văn chương; v.v…
Đặc biệt, về Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam . Như bài trước tôi đã viết sau khi đến cuộc họp của Hội Nhà Văn, nếu ban tổ chức muốn tôi có ý kiến thì tôi sẽ nói toạc móng lợn ra là, như những gì tôi đã viết và những ý kiến của các nhà văn khác về Nguyễn Quang Thiều thì Thiều nên từ chức, và kỳ đại hội sắp tới Thiều không nên ứng cử nữa. Vậy tôi đã viết gì về Nguyễn Quang Thiều? Hôm nay xin được nhắc lại vài chuyện.
***
Về quan điểm sáng tác, hiện nhân dân VN được sống trong chế độ mà Đảng, Bác lãnh đạo, dân ta đã đổ biết bao xương máu mới giành lại được nền độc lập, hôm nay được sống trong hoà bình, hạnh phúc, nhưng trong bài “Dưới trăng và một bậc cửa”, Nguyễn Quang Thiều lại viết “cố hương” của mình - “mê mẩn và lạc đường/ Trong những cánh rừng đầy quỷ”; trong bài “Những người đàn bà mùa đông”, Thiều viết những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của đất nước chúng ta như bị giam trong đáy “lưới”, thụ thai không sinh ra con trẻ mà chỉ đẻ ra “những quả trứng ung”! Rồi cho ở ta, chỉ “những người mù mới không bị lạc đường”, chỉ “người đàn bà bị câm” mới có thể mang thai và “sinh ra được đứa bé cất lên được tiếng nói” đích thực; v.v...
Ngoài những ám chỉ, thể hiện tư tưởng bôi đen cuộc sống dưới chế độ xã hội, Nguyễn Quang Thiều cũng “đổi mới” thơ.
Trong bài thơ “Câu hỏi cuối ngày” (Tập “Châu thổ”), Nguyễn Quang Thiều đã diễn tả cái tâm trạng mà theo Trần Mạnh Hảo là kẻ “thô bỉ”, “thiếu văn hoá” bởi khi gặp người đàn bà, con gái nào cũng nghĩ đến chuyện ngủ với người ta thế nào.
Nguyễn Quang Thiều cũng bỏ tâm sức làm bài thơ nhìn trộm đàn bà “Tắm trong toilet không có rèm che”, nhìn trộm “Cuộc làm tình ban ngày/ Của những kẻ thất nghiệp”. Và, như còn sợ thơ mình thua “đổi mới” so với “anh em Sài Gòn”, Nguyễn Quang Thiều đã viết trong tập “Lò mổ”: “Ngáp ngủ đã đêm qua/ Chửi tục đã đêm qua/ Gạ gẫm làm tình đã đêm qua/ Âm hộ đã đêm qua/Dương vật đã đêm qua...”
***
Không chỉ sai trái, bệnh hoạn trong sáng tác thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng thể hiện trình độ văn chương yếu kém, và quan điểm thẩm mỹ sai trái khi tâng bốc một số tác giả, tác phẩm.
Nguyễn Quang Thiều từng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp là “Nhà văn tìm đạo cho dân”, trong khi Nguyễn Huy Thiệp, khi trả lời nhà báo bên Thụy Điển, từng “nôn mửa vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”. Về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều cũng tâng bốc là “chạm vào mẫu số chung nhân loại”, nhưng chính Bảo Ninh đã thú nhận mình xuyên tạc sự thật khi miêu tả đội quân anh hùng toàn là hiếp dân lành, hành lạc tập thể, hút hồng ma, trốn chạy, chôn sống tù binh, con ra trận bố dặn đừng ngu mà chết vì lý tưởng, và coi cuộc kháng chiến vĩ đại giành lại chủ quyền và nền độc lập của dân ta là “nỗi buồn”.
***
Một người như vậy nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn được Đại hội Hội Nhà Văn VN bầu làm Chủ tịch với số phiếu rất cao,
Khi nắm chức Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng tổ chức hội, chọn Chủ tịch Hội đồng Thơ là Inrasara, người thể hiện tư tưởng chống cộng thứ thiệt khi viết: “… dưới thời đại Cộng Sản, Cham đang phải đối phó với nguy cơ khác kinh khiếp không kém, đó là sự đánh mất tinh thần sáng tạo”, và Inrasara tin rằng chế độ cộng sản sớm muộn cũng đổ: “Triều đại thay đổi vùn vụt, Đinh Lý Trần Lê hay Mạc Trịnh Nguyễn Tây Sơn, hoặc Cộng Sản gì gì sớm muộn cũng đổ...”
Nguyễn Quang Thiều cũng đã chọn Chủ tịch và thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình là Nguyễn Đăng Điệp và Văn Giá. Nguyễn Đăng Điệp, Nhà Văn, PGS, đương kim Viện trưởng Viện Văn học; và Văn Giá, Nhà Văn, PGS, nguyên là Trưởng khoa Lý luận - phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa). Hai người này từng là giám khảo cho Luận văn của Nhã Thuyên mà Phạm Xuân Nguyên ủng hộ điểm 10. Luận văn của Nhã Thuyên đã bị thu hồi, bởi Nhã Thuyên đã công khai tư tưởng phản động về chính trị khi xuyên tạc bản chất của Chủ nghĩa Mác, đã công khai ủng hộ “những kẻ phản đảng” khi viết: “Mở Miệng, sinh ra … để bị/được gánh vác thêm vai trò của “những kẻ phản đảng””. Nhã Thuyên cũng đã ca ngợi những kẻ chống phá chế độ khi viết: “Mở Miệng … nơi tụ hội các anh em giang hồ… những kẻ sẵn sàng “đái vào Chúa”, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền”. Giải thích sự văng tục trong thơ của Nhóm Mở Miệng, Nhã Thuyên viết: “Liên quan đến chính trị khi nó văng tục để chửi, để căm uất, … là cách nhổ vào ngôn ngữ tuyên huấn giả trá”. Chưa hết, Nhã Thuyên còn láo xược khi ca ngợi Nhóm Mở Miệng liều mạng làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ.
***
Như vậy Chủ tịch Hội Nhà Văn VN Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng tổ chức của Hội, không phải theo tiêu chuẩn của một chế độ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN mà cũng theo "đảng", nhưng như một băng đảng, gồm những kẻ đã có những quan điểm và hành động chống lại chính chế độ mà chúng đang ở trong guồng máy đó. Nguyễn Quang Thiều cũng thành lập tổ chức Hội Nhà Văn Việt Nam theo khuynh hướng phản lịch sử cách mạng, phản đạo lý, phản văn chương, phản văn hoá, mà theo bài học từ chuyện Liên Xô sụp đổ, Nhà văn Yury Boldarev đã viết về tác dụng huỷ diệt của sự phản văn hoá của “Hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng” đã làm mục rữa tinh thần người dân Liên Xô, mạnh hơn cả quân đội Đức Quốc xã với hàng triệu quân tinh nhuệ và vũ khí hàng đầu, đã góp phần làm LX tan vỡ.

4-12-2024
ĐÔNG LA

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

ĐI HỌP HỘI NHÀ VĂN

 ĐI HỌP HỘI NHÀ VĂN



Không chỉ bạn fb mà ngoài đời có 4, 5 cuộc điện thoại thuộc tổ chức Hội Nhà Văn từ hỏi địa chỉ, thông báo, gởi thư, đến “năn nỉ” tôi đi họp. Tôi hỏi cô thư ký khi cô gọi điện:

-Chuyện tôi đi họp quan trọng gì đâu, có gì không mà sao có vẻ nhiệt tình thúc giục ghê vậy?
-Thì trách nhiệm của bọn cháu mà. Chú ráng đi họp nghe!
Mọi lần người ta chỉ gởi thư, tôi đi hay không thì tuỳ, riêng lần này họ nhiệt tình quá, chắc người ta muốn tôi có ý kiến chăng? Vậy là sáng qua tôi đã quyết định đi họp.
***
Từ khi Nhà Văn Trúc Phương làm đơn tố cáo Nguyễn Quang Thiều không xứng đáng trúng cử làm Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, nhoáng cái đã sắp hết nhiệm kỳ. Cuộc họp tôi được mời hôm qua là của Chi Hội Nhà văn TPHCM thuộc Hội Nhà văn VN chuẩn bị cho Đại hội của Hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Quyết định đi họp tự dưng lại ngại ngùng. Người đời vốn phù thịnh, Thiều giờ có quyền tất có nhiều người theo, tôi phê phán có đúng thì cũng ít người ủng hộ, mà có ủng hộ họ cũng không dám ra mặt. Vì vậy đi họp nhà văn mà tâm trạng lại giống như ra trận vào nơi quân địch. Nhớ lại cái lần đơn vị tôi đánh trận Ấp La Ngà, đêm đầu cho nổ bộc phá Cầu La Ngà không sập phải rút ra, đêm sau phải vào lại trong tình trạng đã bị lộ để đóng chốt, đúng là đi vào chỗ chết theo nghĩa đen. Nhớ lại vậy làm tâm trạng tôi đâm ra phấn chấn hơn, từng đi vào chỗ chết còn đi được, lần này đi họp nhà văn thì có gì phải sợ? Nếu đúng ban tổ chức muốn tôi có ý kiến thì tôi hoàn toàn có đủ bản lĩnh nói toạc móng lợn ra là, như những gì tôi đã viết và những ý kiến của các nhà văn khác về Nguyễn Quang Thiều thì Thiều nên từ chức, và kỳ đại hội sắp tới Thiều không nên ứng cử nữa.
Nhớ lại chuyện Phạm Xuân Nguyên, tôi từng viết phê phán Nguyên mỏi cả tay nhưng Đại hội Hội Nhà Văn Hà Nội cứ họp là bầu Nguyên Làm Chủ tịch. Cứ tưởng mình viết cũng chỉ như “Lời nói gió bay”, “ném đá ao bèo”, không ngờ đến lần Lãnh đạo Thủ đô HN đã thực hiện đúng Nguyên tắc Tập trung Dân chủ, cấm người không đủ phẩm chất như Phạm Xuân Nguyên ứng cử, Nguyên đã nhanh nhảu từ chức để kích động dư luận chống phá. Vậy xem ra cái chuyện viết lách của tôi cũng có phần nào tác dụng.
***
Sáng qua đến nơi họp, tôi gởi xe máy thì xe hơi chở Thiều cũng đến, có cả một đoàn hộ tống, rồi người chào đón xúm lại như đón nguyên thủ quốc gia, nhưng thấy dáng vẻ Thiều lòm khòm, đóng bộ quần áo tối om, thiếu sinh khí. Tôi và Thiều nhìn nhau cách khoảng hơn chục mét, im lặng, không như ngày xưa điện thoại tíu tít, gặp nhau thì tay bắt, mặt mừng.
Tôi đi sau theo đoàn người theo Thiều lên hội trường, gặp nhiều người quen, người già hơn tôi thì già hơn, hom hem hơn, còn người trẻ hơn tôi, gặp nhau từ mấy chục năm trước thì nay cũng đã già. Tôi thấy không có chuyện gì đặc biệt cả, hộp họp lại diễn ra theo cái quy trình mòn cũ, hình thức, như bao quy trình khác của công tác cán bộ ở nước ta hiện nay, tốn biết bao tiền của, thời gian, nhưng rồi lại chọn ra những người giữ chức trách không đủ phẩm chất. Như vừa rồi đến Chủ tịch Nước cũng bị thôi chức, Chủ tịch Quốc hội cũng bị kỷ luật. Còn Hội Nhà Văn VN từng bầu Vũ Tú Nam làm lãnh đạo, nhưng rồi lại để xảy ra chuyện trao giải thưởng hàng năm của Hội cho “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, phải viết kiểm điểm; đến lượt Nguyễn Khoa Điềm được bầu lại ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, người “nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, viết truyện cho Nguyễn Huệ như du côn, giặc cỏ, Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả; rồi đến Hữu Thỉnh được bầu thay Nguyễn Khoa Điềm, nhưng ê kíp Hữu Thỉnh lại đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước cho “Nỗi buồn chiến tranh”, cuốn đã làm Vũ Tú Nam phải viết kiểm điểm; đến lượt Nguyễn Quang Thiều được bầu, Thiều đã thành công trong việc đề cử Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp, một lá cờ đầu của khuynh hướng lật sử trong văn chương mà Nguyên Ngọc đã phất lên.
***
Tôi chọn một ghế trong một hàng còn trống ngồi, một người đến làm quen, trò chuyện. Anh tự giới thiệu là người trong đoàn nhà văn ngoài Bắc vào cùng Nguyễn Quang Thiều. Tôi kể ngày xưa tôi và Thiều thân nhau lắm, tôi ra Hà Nội là nó cứ chở tôi về nhà nó ở Hà Đông ăn ngủ dầm dề. Nhưng khi nó có quyền, các quan điểm lộ hết cả ra thì tôi thấy sai quá, phải phê phán nó: như chọn thằng Inrasara làm Chủ tịch Hội đồng Thơ; bên Lý luận Phê bình chọn thằng Đăng Điệp, Văn Giá; rồi đi bắt tay với Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Huy Đức, Nguyễn Hữu Hồng Minh, v.v…
Ngồi một lúc thấy chả có ban tổ chức nào gặp gỡ, “xin” Nhà Lý luận Phê bình Đông La “cho ý kiến”, tôi thấy có ngồi nữa cũng chả được tích sự gì nên ra về.

1-12-2024
ĐÔNG LA

VIẾT NHÂN CHUYỆN NGUYỄN HUY THIỆP ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC

 VIẾT NHÂN CHUYỆN NGUYỄN HUY THIỆP ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC

Bài trước tôi có viết chuyện GS Trần Thanh Đạm phê phán ông Nguyễn Khoa Điềm bênh vực Nguyễn Huy Thiệp. Vậy hôm nay tôi đăng lại bài này cho bạn đọc hiểu chút tại sao GS Trần Thanh Đạm lại “dám” phê phán Nguyễn Khoa Điềm?
29-11-2024
ĐÔNG LA
Kết thúc bài viết trước tôi viết mình “thật kinh tởm mỗi khi nghĩ về bọn nhà văn bất tài, thất đức lại đoạt được quyền chức, lại được tôn vinh như đám Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Đăng Điệp… và loại văn bất nhân như Nguyễn Huy Thiệp, mới được tin, cũng đã đoạt Giải thưởng Nhà nước kỳ này!”, bạn Nguyễn Bảo Ngọc góp ý: “Có nặng lời quá với Nguyễn Huy Thiệp không anh?” Giang Chu, tức Nhà Lý luận Phê bình Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc NXB Văn học viết: “… bạn FB có nói Đông La có quá nặng lời với Nguyễn Huy Thiệp không? Tôi đã chứng kiến, cùng với Trần Đăng Khoa, tại Thụy Điển vào ngày cuối tháng 10-2003, Nguyễn Huy Thiệp đã nói: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng”, để trả lời câu hỏi của bà Lima, chính Phan Thị Vàng Anh có mặt và có lời giải thích lại cho bà Lima. Sau đó Nguyễn Huy Thiệp vẫn xin vào Hội Nhà văn. Tôi thấy như vậy thật là vô liêm sỉ”.
Vậy hôm nay, nhân dịp Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng giải thưởng cao quý, tôi tổng hợp lại chút những điều tôi đã viết về NHT.
***
Sau hơn 40 năm, quanh hiện tượng văn chương Nguyễn Huy Thiệp luôn có một cuộc chiến giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa đúng và sai, gữa đẹp và xấu, và giữa thiện và ác; để rồi hôm nay, cái phi nghĩa, cái sai, cái xấu, cái ác đã chiến thắng khi Nguyễn Huy Thiệp đã được trao Giải thưởng Nhà nước. Khởi nguyên có lẽ từ lãnh đạo Hội Nhà Văn VN như Nguyễn Quang Thiều không hiểu cả văn chương lẫn đạo lý nên đã đề cử văn Nguyễn Huy Thiệp được nhận giải.
Suốt hơn 40 năm, ngược với sự tâng bốc bầy đàn NHT lên mây xanh, NHT chưa một lần được các cơ quan báo chí văn nghệ công nhận tài đức. Phải chăng hoà cùng khuynh hướng lật sử, lật chế độ, các chuẩn mực văn chương cũng đã thay đổi theo, nên giải đã được trao cho một người là NHT, người như anh Nguyễn Văn Lưu từng chứng kiến, Trần Đăng Khoa đã viết trên TC Văn nghệ Quân đội số 596, 4-2004, chuyện NHT đã tuyên bố trước phóng viên nước ngoài nói trên: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”.
Trong các tác phẩm của mình, NHT cũng từng viết: “Chính trị rặt trò mờ ám bỉ ổi” (truyện Giọt máu); rồi: “Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất” (truyện Chút thoáng Xuân Hương). Có thời kỳ NHT ngông ngạo tới mức như ngồi xổm lên tất cả, từ các danh nhân, các anh hùng dân tộc, đến luân thường đạo lý, …, và đến cả lịch sử dân tộc. Trong một tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã ngang nhiên đưa cả những tếu táo cực kỳ tục tĩu vào: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Một hôm nó bảo dí thơ vào l.”; “Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Một hôm lại bảo dí l. vào thơ”. Đặc biệt, khi Nguyên Ngọc làm TBT Báo Văn nghệ, đã cho đăng truyện ngắn "Phẩm tiết" của Nguyễn Huy Thiệp, chính là truyện đã góp phần khiến Trần Độ bị kỷ luật! Trong truyện này (bản gốc) Nguyễn Huy Thiệp đã bôi đen hình ảnh Vua Quang Trung như du côn, giặc cỏ cho “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả", và dùng tài văn “nhét c. vào mồm thằng Khải (Nhà Văn Nguyễn Khải) tài như cái đấu” mà dám chê tiệc của vua nhạt và “xẻo d. thằng Thi (Nhà Văn Nguyễn Đình Thi)” xem “có còn dê được không?” Chính Trần Độ cũng phải thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp “có thể chưa hay, chưa giỏi trong việc xây dựng nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, vua Quang Trung” và “có sự bất bình của một số người đọc đối với truyện ngắn Phẩm Tiết, nhà văn cần rút kinh nghiệm về trường hợp này… anh Thiệp thực có ý định nêu tên để chửi rủa vài người nào đó, thì đó là ý định xấu, có hại”.
***
Cụ thể, “Tướng về hưu”, truyện ngắn tiêu biểu nhất đã được tung hô sai trái của Nguyễn Huy Thiệp, nay đã được trao Giải thưởng Nhà nước, đã cho rằng cái thời thực dụng, mất nhân tính của “ông con” đã chiến thắng cái thời sống vì lý tưởng, vì đạo lý của “ông bố” tướng về hưu. Những người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã không có đất sống trong chính ngôi nhà của mình! Ông Tướng lại phải quay lại với chiến tranh, lại ra biên giới, và bị hy sinh ở đó. Chuyện này nếu có chỉ là trường hợp hãn hữu, Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn thiển cận, tác phẩm không có tính khái quát, tiêu biểu. Ở Việt Nam, những cựu chiến binh khi về hưu, họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và tình cảm cho con cháu, vẫn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Ngoài ý kiến của các nhà văn, nhà sử học phê phán NHT, còn có ý kiến của các độc giả là các tướng lĩnh sau khi xem phim Tướng về hưu: “Thật là thảm hại, thật là xấu hổ, thật là đau lòng”, “Phải chăng một ông tướng nhân đức như thế mà đành thất bại thảm hại trước sự tha hóa của con người” (Sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.39).
Nếu theo tiêu chí “chân, thiện, mỹ” thì văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết sai sự thật nên “Tướng về hưu” chưa xứng là một tác phẩm bình thường, nên càng không thể là một tác phẩm được tôn vinh “Giải thưởng Nhà nước”!
***
Nhà văn Hồ Phương cho Nguyễn Huy Thiệp có “cái nhìn xã hội thiên về đen tối”; “Về quan hệ văn - sử… Có người nói… cũng có thể có một Quang Trung trong văn học với tính cách ngược lại… đó là một kiểu ngụy biện, và… chưa hiểu biết đầy đủ về văn học” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr. 452). Đỗ Văn Khang: “Đặc biệt cái tâm mà không sáng thì không thể làm văn được”(tr. 242). Mai Ngữ cho Nguyễn Huy Thiệp: “đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình” (tr. 426). Tạ ngọc Liễn với con mắt của nhà sử học có những phản bác cụ thể hơn: “Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu… thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay”; “Nước ta nhỏ… mà không yếu. Những cuộc phá Tống, Bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh… chẳng lẽ chưa đủ… là một xứ sở mạnh mẽ sao?” (tr.173).
***
Bất chấp văn bản, học thuật, lý lẽ, Nguyên Ngọc đã tâng bốc Nguyên Huy Thiệp ghê gớm nhất. Trong bài Van-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau? Nguyên Ngọc đã kể về thời điểm “phát hiện” Nguyễn Huy Thiệp:
“… năm 1987 … tôi đang làm tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi in truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu. Cứ như là một cú giật nẩy mình trong đời sống văn học, và cả trong xã hội… Điều chúng tôi nhận ra lúc bấy giờ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, là từ nay không còn có thể viết như trước nữa. Phải thay đổi… trào lưu có tên là Đổi Mới … được biểu hiện trước hết bằng cái mà ở Nga người ta gọi là glasnost (transparence). Tức là nói lên sự thật trần trụi…” (Hết trích).
Như vậy, khi đội lên đầu cái “glasnost”, cái đã góp phần làm Liên Xô tan rã, Nguyên Ngọc đã hiện nguyên hình là kẻ muốn chế độ VN sụp đổ như LX bằng vũ khí đổi mới “glasnost” của văn chương.
Cũng trong bài trên, Nguyên Ngọc viết tiếp:
“Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở Nguyễn Huy Thiệp… anh cố tìm ra "nguyên nhân sơ khởi của tình trạng con người và xã hội Việt Nam”; là sự “tự vấn”.
Viết vậy, Nguyên Ngọc chỉ sơn phết, đắp điếm vì thực chất văn của Nguyễn Huy Thiệp không có phản ánh, không “tự vấn” mà chỉ đơn giản là loại văn phơi bày trần trụi. Với cái kiểu tâng bốc bất chấp trên, Nguyên Ngọc chính là “bà đỡ đã sinh ra một đội ngũ “chiến sĩ” tấn công vào thành trì mà nhân tính của con người đã dựng lên, từ những chuẩn mực của đạo lý, luân lý, pháp lý đến thẩm mỹ.
***
Như văn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều tình tiết có thể khiến người ta suy nghĩ, tự vấn thì chính Nguyễn Huy Thiệp lại tự xóa đi. Trong “Tướng về hưu”, chuyện dùng “thai nhi nấu lên cho chó, cho lợn” ăn là chi tiết có lẽ ấn tượng nhất trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Với những cây bút bậc thầy, chỉ xoay quanh chi tiết này, người ta có thể viết hoàn chỉnh một truyện ngắn, khiến cho người đọc kinh hoàng về sự thoái hóa nhân tính, sự vô cảm của con người trong thời thực dụng. Còn với Nguyễn Huy Thiệp, nó chỉ là một chi tiết mà Thiệp kể ra như ghi chép. Ông bố có chửi: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này” nhưng ông con, nhân vật chính, “người phát ngôn” của Nguyễn Huy Thiệp thì lại xổ toẹt: “Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì”. Thành ra hòa cả làng, còn tự vấn tự viếc cái gì nữa!
Cái việc cố đắp điếm tư tưởng cho văn Nguyễn Huy Thiệp thì đến Bảo Ninh và Nguyễn Đăng Mạnh cũng phải thốt lên không biết thích văn Thiệp vì cái gì? Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Đọc Nguyễn Huy Thiệp, lắm lúc cảm thấy thật sự hoang mang. Vì chẳng hiểu anh định nói gì - đúng là chủ đề không rõ ràng” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.458). Còn Bảo Ninh: “Tôi thích văn Thiệp nhưng thích cái gì thì tôi cũng chịu” (Vietimes 19/10/2007).
Với những nhà văn lớn, tầm tư tưởng cao, tác phẩm của họ như những cây thế, cây kiểng mà mỗi cọng lá, nhành cây đều mọc theo chủ đích của tác giả. Còn Nguyễn Huy Thiệp viết tự nhiên, văn như ghi chép, chuyện nọ xọ chuyện kia, trong Những bài học nông thôn, cuối truyện nhà “hiền triết” đột nhiên xuất hiện, rồi phát ngôn y như được tác giả mở công tắc vậy. Mà chỉ có một thằng tâm thần mới bộc bạch triết lý một cách khiên cưỡng với một thằng trẻ con 17 tuổi như thế này:
“Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. Tôi hỏi: “Vì sao?” Anh Triệu bảo: “Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa”.
Riêng cái ý này: “Thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh”.
Nếu nó được nói ra sau một cốt chuyện phù hợp sẽ là rất hay, còn tự dưng “bật công tắc phát loa”, tư tưởng được nhét vào mồm nhân vật một cách khiên cưỡng thì chỉ là việc nhai lại những điều cũ. Còn chuyện nhà “hiền triết” sau khi nói ra sự thật thì bị con trâu điên đâm “lòi ruột” chết, có ý ám chỉ “chế độ độc tài giết chết tự do dân chủ” thì lộ và sượng quá! Tóm lại là có nhiều chỗ văn Nguyễn Huy Thiệp còn “chưa sạch nước cản”.
***
Văn Nguyễn Huy Thiệp không có cái dấu vết gì của “thi pháp Hậu hiện đại” mà chỉ vì dốt Nguyễn Đăng Điệp đã đạo văn cho là như vậy. Còn nếu nói văn Nguyễn Huy Thiệp có “chủ nghĩa” thì chính là cách viết tự nhiên chủ nghĩa, cái thứ chủ nghĩa tục tĩu, mất lịch sự, vô văn hoá. Thiệp viết ngôn ngữ của một bà cụ nông dân: “Các cụ toàn chim to!”; một thôn nữ trẻ: “Có mấy tay thanh niên bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược” (Những bài học nông thôn); chuyện về ông giáo làng: “…biết vợ hai phong tình… ông giáo Quỳ cũng mặc, chỉ bảo: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế vào chứ đừng ngủ không” (Thương nhớ đồng quê).
Chưa hết, Nguyễn Huy Thiệp còn theo những cái “chủ nghĩa” bất nhân, phi luân. Trong truyện ngắn “Tướng về hưu”, như chi tiết đã dẫn, cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”; tả những gương mặt nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả một người đàn ông: “Lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân như lông lợn”, “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”; viết về phụ nữ: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; về chuyện loạn luân, chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm, Nguyễn Huy Thiệp biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b.”.
***
Về “thi pháp”, thực ra, văn Nguyễn Huy Thiệp rất cũ chứ không có gì mới, đôi chỗ có nét cổ phong của truyện Tàu, và đôi chỗ có giọng điệu dân phố thị lọc lõi, ranh ma giống văn của Vũ Trọng Phụng. Nguyễn Huy Thiệp còn “cop” luôn văn của Vũ Trọng Phụng: cảnh biểu quyết bố chết trong truyện “Không có vua” rất giống cảnh thuê bác sĩ về chữa để cho bố mình chết của cụ cố Hồng trong “Số đỏ” (của Vũ Trọng Phụng); cảnh Hạnh trong “Huyền thoại phố phường” (truyện của NHT) tấn công bà Thiều cũng rất giống cảnh Xuân tóc đỏ tấn công bà Phó Đoan trong “Số đỏ”.
***
Hồi trẻ, do còn thiếu trình độ và bản lĩnh, có phần a dua, bởi không muốn bật ra khỏi trào lưu “đổi mới”, tôi từng viết về Nguyễn Huy Thiệp có phần cả nể, hơi bốc, nhưng tôi cũng đã chỉ ra: “Đoạn anh nói nền văn hóa của chúng ta như đứa con hoang bởi sự cưỡng hiếp của nền văn minh Trung Hoa cũng không ổn. Vì trên thế giới có nền văn minh nào thuần khiết? Sự nhận ra đặc điểm nhược tiểu của dân tộc, để khắc phục phấn đấu đi lên cũng là một việc đúng, nhưng phê phán, chê bai thì không nên” (Biên độ của trí tưởng tượng, tr.167).
Đoạn Nguyễn Huy Thiệp viết người cha trăng trối lại cho Đặng Mậu Lân (Kiếm sắc): “Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre, nhưng ta thấy sức chơi của bọn này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được?... Hiện Gia Định có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem”. NHT đánh giá cao Nguyễn Ánh đồng nghĩa với sự biện hộ cho hành động Pháp từng xâm lược Việt Nam. Điều này giải thích tại sao Pháp in cho Nguyễn Huy Thiệp tới 14 đầu sách và với số tiền nhuận bút chính NHT khoe là cả 70.000 - 80.000 USD.
Để bênh Nguyễn Huy Thiệp bôi đen lịch sử có Lại Nguyên Ân là bênh mạnh nhất, ông ta “dạy dỗ” nhà Sử học Tạ Ngọc Liễn rằng “đọc văn phải khác đọc sử”. Tôi cho rằng, Văn là nghệ thuật tất phải khác Sử là ghi chép. Có điều nghệ thuật chân chính, với những thủ pháp, cuốn hút người đọc hiểu biết sự thật sâu sắc hơn; còn nghệ thuật lại đi bôi đen sự thật thì là thứ nghệ thuật bậy bạ. Lại Nguyên Ân khuyên người đọc phải biết phân biệt phát ngôn của nhân vật với ý đồ tác giả. Đúng vậy, nhưng tác giả có tài có tâm sẽ viết cho người đọc phân biệt được đúng sai, như người “chơi rắn” điều khiển được lũ rắn độc, còn nhà văn dốt và ác thì viết đầu độc người đọc như người chơi rắn để rắn cắn người.
Đặc biệt, thể hiện cái nhìn bất lương và hỗn láo đối với lịch sử chính là phát ngôn của NHT trong lần sang Thụy Điển đã kể ở trên: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, đã làm nhiều người nổi giận.

5-12-2022
ĐÔNG LA

VỀ NHỮNG LÃNH ĐẠO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

 VỀ NHỮNG LÃNH ĐẠO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM


Tôi mới nhận được giấy mời của Hội Nhà Văn VN, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều ký, mời đi họp. Với những tâm tư dưới đây thì không biết tôi có nên đi dự hay không?



***
Nền văn chương đương đại VN hiện có tình trạng lộn tùng phèo, thậm chí rác rưởi lên ngôi, chính là do công tác cán bộ chọn người lãnh đạo sai lầm.
Còn nhớ Chế Lan Viên, sau khi được phẫu thuật ở BV Chợ Rẫy, ông an dưỡng ở tầng 10. Cơ thể con người có sức phục hồi vết thương kỳ lạ, ông gần như trở lại bình thường, tiếc là với sự di căn thì không chống được. Một hôm tôi tới thăm ông, tôi thấy có Nhà Văn Anh Đức. Tôi đã ngồi nghe hai ông sôi nổi bàn chuyện Nguyễn Khải hay Nguyễn Khoa Điềm ai sẽ lên thay Nguyễn Đình Thi để lãnh đạo Hội Nhà Văn VN tốt hơn? Sau đó kết quả bất ngờ, Vũ Tú Nam được chọn chứ không phải Nguyễn Khải hay Nguyễn Khoa Điềm. Vũ Tú Nam lên đã mắc sai lầm để Hội Nhà Văn trao giải thưởng hàng năm cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Ban Chấp hành Hội Nhà Văn đã phải viết kiểm điểm đọc trước Đại hội Hội Nhà Văn VN, Báo Công an TPHCM có đăng. Dù vậy “Nỗi buồn chiến tranh” đã trở thành khối u phát tác trong khuynh hướng đón gió, trở cờ, lật sử cho đến tận hôm nay.
***
Nguyễn Khoa Điềm sau Vũ Tú Nam lên lãnh đạo Hội Nhà Văn VN, tiếp theo ông còn có cả một quá trình dài luôn thăng quan tiến chức, lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, lên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Chỉ khi Nguyễn Khoa Điềm về hưu, tự vạch áo cho thiên hạ xem lưng, thì người ta mới biết thực sự ông ta là người thế nào.
Trên báo laodong.com, trong bài trả lời phỏng vấn “Giờ chỉ còn chường mặt ra trong thơ”, nếu không nói ra có lẽ không ai biết người nói lại chính là Nguyễn Khoa Điềm: “Sống trong một xã hội như xã hội mình thì khi nào cũng phải sợ, bởi điều phiền toái xuất hiện từ những phía mà mình không ngờ được, thậm chí nhiều khi nó đến từ anh em, bạn bè”.
Phải chăng Nguyễn Khoa Điềm nói về chuyện mà Nhà văn Nhật Tuấn đã kể lại trên blog:
“… xảy ra một việc động trời chưa từng thấy… Một nhà phê bình lý luận ở TP Hồ Chí Minh, là Giáo sư Trần Thanh Đạm, đã viết một bài nảy lửa đả phá một số quan điểm mới mẻ của ông Nguyễn Khoa Điềm trước “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”; “Không kể chuyện Thiệp trả lời phỏng vấn “ói mửa vào cuộc Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước”, Thiệp còn gọi đám nhà văn trong nước là bọn “giặc già” vừa bất tài, vừa tham lam vừa thất học… Bị chửi ông chửi cha vậy mà Hội nhà văn Việt Nam vẫn im thin thít, ngay cả Tổng thư ký Hội Hữu Thỉnh vào những dịp đăng đàn diễn thuyết cũng…“ngó lơ”. Vậy mà có ai ngờ, đồng chí Trưởng ban Văn hoá Tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm chẳng những không phát lệnh “giết chết thằng Thiệp” lại còn khen ngợi Thiệp thì còn trời đất nào nữa hở … Trung ương Đảng?”
GS TRẦN THANH ĐẠM đã viết về chuyện đó:
“Trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu trong Hội nhà văn… thậm chí xúc phạm đến cuộc kháng chiến dân tộc thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp”.
***
Nhưng rồi Nguyễn Khoa Điềm cũng phải hưu. Đỗ Hoàng đã viết trên blog:
“Ông quan to, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không giấu sự nuối tiếc, bực bội, cả căm tức khi mình bị buộc về hưu giữa chừng… Sự hồi hưu ở quê là một sự đi đày:
“Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán
Đày anh về quê
Không thể chạy trốn số phận”
(Trích từ bài “Nhặt ghi”)”
Còn tôi (Đông La) thì thấy trong bài “Nói với nhà văn quá cố”, Nguyễn Khoa Điềm viết thế này:
Chắc các anh sẽ nheo mắt cười
Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy
Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy
Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?
Như vậy, không lẽ để giữ được “trọng trách” về Tư tưởng Văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm buộc phải cho “xả rác” ở các nhà xuất bản, và rồi chỉ sau khi về hưu, ông mới sống thật như câu trả lời trên laodong.com sau đây:
“… tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm...”
Trên truyền thông luôn tràn ngập những lời phát biểu của các vị lãnh đạo về những quốc nạn đang đẩy chế độ đến nguy cơ “tồn vong” và đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng, chẳng có ai lại có thể ấu trĩ mong nhà thơ tài danh Nguyễn Khoa Điềm “phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên” một cách ngô nghê như thế!
Không ai có thể ngờ Nguyễn Khoa Điềm từng viết những câu thơ ca ngợi đất nước thì bây giờ khi về hưu lại viết “đất cát thì có giá” còn “đất nước thì mất giá”!
Xem chừng Nguyễn Khoa Điềm do “mê quan lộ” quá như tâm sự trong một bài thơ, ông cũng không hiểu Đạo Phật nên “chấp” quá, mới làm thơ về chuyện được mất, thua thiệt như thế này:
“Giữa thế giới không nhiều may mắn/ Ta học cách vừa lòng với mình”; và trong “Nói với nhà văn quá cố”, ông ta cũng viết: “Và yên lòng mình chưa thua thiệt/ Ngày cuối năm buồn tẻ/ Tôi may mắn hơn các anh/ Còn gặm được khúc xương chớm mùi hóa thạch…”
Một đời "cống hiến" của Nguyễn Khoa Điềm, cái an tâm lúc về già chỉ là thấy mình "chưa thua thiệt" và may mắn của ông chỉ là "Còn gặm được khúc xương chớm mùi hóa thạch" thôi sao?
.***
Nguyễn Quang Thiều chắc tâm đắc với những tư tưởng “đổi giọng” của Nguyễn Khoa Điềm, từ việc Thiều ca ngợi “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là “chạm vào mẫu số chung nhân loại”, ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp là “Nhà văn tìm đạo cho dân”, Thiều cũng viết về thơ Nguyễn Khoa Điềm thế này: “Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ”.
Thực chất, chính Nguyễn Khoa Điềm sau một thời gian dài luôn khoác cái áo quan chức đạo mạo lên người, khi về hưu, đã tự vạch áo cho thiên hạ xem lưng, như viết ở trên, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một trí tuệ sai trái và xôi thịt chứ chẳng phải “hiền minh” như Thiều tâng bốc.
***
Nguyễn Khoa Điềm ngoài bảo vệ Nguyễn Huy Thiệp cũng từng bảo vệ Trần Mạnh Hảo. Nên để kết bài này, xin tặng bạn đọc bài “thơ Bút Tre” tôi làm về Nguyễn Khoa Điềm và Trần Mạnh Hảo:

CÓ HAI ĐẤT NƯỚC

Việt Nam có Nguyễn Khoa Điềm
Hồi còn đương chức kết liền (liên kết) Mạnh Hao (Hảo)
Cùng yêu đất nước biết bao
Người vào chính trị (Bộ Chính trị) người vào ban thơ (Hội Nhà Văn)
Bất Hảo bất chợt trở cờ
Điềm ta bực tức phớt lờ đi luôn
Bỗng dưng chớp giật, sóng dồn
Khoa Điềm sét đánh về vườn thinh linh (thình lình)
Đất nước đương chức đẹp xinh
Hưu rồi bỗng thấy nó thành ruồi bu
Hảo ta sướng quá hoan hô
Lại yêu Điềm tựa như chưa giận hờn
Lại chung nhau một nỗi niềm
Người tung kẻ hứng sát liền bên nhau
Xưa cùng yêu nước biết bao
Nay cùng chê nước khác nào quân Nguy (Ngụy).

TPHCM
28-11-2024
ĐÔNG LA

CHUYỆN CUỘC ĐỜI, CHUYỆN VĂN CHƯƠNG

 CHUYỆN CUỘC ĐỜI, CHUYỆN VĂN CHƯƠNG

Tuần này bàn chuyện văn chương nên cuối tuần đăng lại mấy bài thơ, mỗi bài cũng có những người khen làm tôi ngạc nhiên y như thằng Nguyễn Quốc Chánh khen khi đọc xong bài thơ “Tuổi thơ” của tôi.
***
Để có đầu có đũa, trước hết xin nhắc lại chút về Chế Lan Viên. Người làm tôi ngạc nhiên nhất chính là Chế Lan Viên, ngạc nhiên vì trong giới văn chương ông có uy như một giáo chủ. Thế hệ con cháu như tôi được ông biết, ông khen cho một câu đã là rất khó, còn tôi, lần đầu ông đọc chùm thơ đầu tay của tôi, không chỉ khen mà ông còn đề nghị trao giải cho tôi trong một cuộc thi, rồi ông còn lon ton chạy vào trong buồng bê ra một chồng 3 tập bản thảo dầy, khoe cách làm thơ của ông với tôi, như khoe một người bạn. Theo Nhà thơ Anh Thơ (tôi nhớ không chính xác chi tiết), ở giai đoạn đỉnh cao, người ta quý ông, tìm gặp ông nhiều đến nỗi ông phải làm một tấm biển để ở bàn “Xin không được ngồi quá 15 phút”. Còn tôi gặp ông ở giai đoạn mà ông tâm sự: “Đông La biết sao tôi chuyển ra tận vùng Bà Quẹo xa xôi này không? Vì giờ tôi chỉ muốn gần cây cối thôi, tôi chán gặp con người rồi!” Vậy mà hàng tuần tôi đến chơi nhà ông, ra về, ông ra mở cổng, có khi truyện trò mấy phút nữa ông mới cho tôi về.
Bây giờ là chuyện về 3 bài thơ.
***
Hồi làm ở Viện Công nghiệp Dược, tôi có được học 1 lớp Tiếng Anh khoảng nửa năm, trong một buổi học, giáo viên là thầy Đại, dáng ốm và cổ cao như Trịnh Công Sơn, tôi đã làm bài thơ “Tấm thảm” và bị thầy bắt được. Ổng tính la tôi, nhưng lại tò mò đọc, thú vị là ổng bị cuốn hút, đọc xong ổng reo lên: “Thơ anh lạ quá, hay quá, ý nghĩa quá, tôi chưa thấy thơ như thế này bao giờ. Tôi sẽ dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn tôi”. Bài thơ tôi làm có 2 phần tương phản nhau, phần đầu ghi chép những chi tiết sát sạt đời sống, phần sau kết thì hoàn toàn là liên tưởng, khái quát. Cuộc đời được ví như một tấm thảm, được dệt bằng những sợi vui, sợi buồn, và khi đó (32, 5 tuổi), tôi nâng tấm thảm cuộc đời mình trên tay thì thấy toàn là những sợi buồn. Đến nay ngẫm thì đường công chức của tôi đúng là như vậy, nhưng ông Trời đã bù cho tôi những phúc phận khác, và tôi thấy số mình vẫn là may mắn. Xin minh hoạ chút, không nói thì không ai biết, trong bài thơ “Bạn văn được vô Hội viên và ra nhiều sách” chính là anh Thái Thăng Long, còn chuyện buồn mất con mới sinh chính là Nguyễn Trí Công, làm NXB Trẻ cùng anh Long.
***
Với Nhà Thơ Trúc Thông ở HN tôi không quen, khi anh đọc bài “Ơi đất nước mang hình dấu hỏi!” của tôi, vào Sài Gòn, anh đã nhờ Nhà Văn Trần Hoài Dương (cha NS Trần Lê Quỳnh, tác giả “chân tình”, “cô gái đến từ hôm qua”, kết nối để anh và tôi gặp nhau.
***
Một lần xem ti vi đưa tin chiến tranh, tôi đã làm một bài với cái tứ “Chiến tranh ở đâu mà màn hình như ướt máu”. Kể với anh bạn Nguyễn Thánh Ngã, từng viết thư làm quen tôi khi ở Đà Lạt, Ngã bảo “Hay quá!”. Đến nay, sau mấy chục năm nữa, chiến tranh vẫn đang xảy ra ở Ukraina, Dải Gaza, v.v… Xuất phát từ lòng tham, rồi chỉ vì quan điểm khác nhau, yêu thích khác nhau, tin tưởng khác nhau mà máu vẫn không ngừng đổ.
23-11-2024
ĐÔNG LA
TẤM THẢM
Thế là em đã đi lấy chồng
Cô gái nhà bên xin chúc cô hạnh phúc
Nhận lá thư ngày nào cha viết
Ông cụ xóm trên mới mất hôm qua
Nhận lời mời đến dự buổi tiệc vui
Anh bạn được đi Liên Xô làm phó tiến sĩ
Nửa muốn nửa không cứ dùng dằng mãi
Cháu thất nghiệp đến chơi còn ngồi đó chưa về
Ông anh họ bỗng tạt qua bất ngờ
Đón đến nhà xem cái tivi màu “10 hệ”
Ra cổng gặp ông trung tá mắt đỏ hoe rơi lệ
Vợ dược sĩ bị phù mới mất sáng nay
Một chiều buồn đến nhà xuất bản kia chơi
Được uống cà phê của bạn văn mới vô hội viên và ra nhiều sách
Lại được tin con bạn biên tập đêm qua ốm mệt
Bốn tháng tuổi thơ đã vội lìa đời …
***
Ôi tấm thảm cuộc đời sao cứ ken nhau lẫn lộn
Cứ mỗi sợi vui lại có lắm sợi buồn
Tôi nâng tấm thảm ba mươi hai rưỡi năm mình vừa dệt
Cũng nhiều sợi buồn mà chỉ thấp thoáng những sợi vui!
1988
ƠI ĐẤT NƯỚC MANG HÌNH DẤU HỎI
Như một bác nông dân trở về sau khốc liệt cuộc chiến tranh
Đã tạnh rồi đạn bom
Đã tan rồi lửa khói
Nhưng vẫn còn vẹn nguyên căn bệnh mãn tính của lịch sử
Cái nghèo khổ truyền đời
Nên tự bao giờ đất nước đã quặn mình thành dấu hỏi
Chảy dọc theo Người biển mặn mồ hôi
Ta đang ở thời kỳ mà con người có những dự định táo gan đến Trời cũng nể sợ
Chị Hằng mộng mơ rồi sẽ thành bãi khai hoang của thế kỷ tương lai
Sao Hỏa xa xôi sẽ thành nơi chốn dạo chơi
Nhưng nơi quê nhà
Gần 70 mẹ vẫn thì thùm chiếc gàu sòng chống hạn
Cha mẹ sinh con tại một vùng quê
Mầu đất nâu như màu máu bầm
Cả tuổi thơ con lớn lên trong vang vang tiếng cà mùa hạ
Với rau muống chấm tương
Lớn lên con cắp sách tới trường
Con lại gặp tiếng cà vang trong thơ kiêu hãnh
Ôi đất nước có thời sao ai ai cũng sợ sự giàu có
Nên cái nghèo từng là vết son trang điểm trang lý lịch của con
Bây giờ con đã là kỹ sư
Có lớn khôn hơn
Nhưng con luôn nhớ cả tuổi thơ mình đã nhúng trong nước ruộng chua đọng váng màu rỉ sắt
Đi qua cuộc chiến tranh con đến với giảng đường
Con từng lơ ngơ như chú bé cưỡi trâu đi tìm thuyết Tương đối của Einstein ở chín tầng mây
Con mắt từng quen nhìn khoai nướng, ngô bung thật khó hình dung đâu không gian lồi, đâu không gian lõm
Nên dù đã gần hai mươi năm xa quê con vẫn luôn thầm nhắc
Máu giội trong buồng tim mình vẫn là máu nông dân
Ôi giai cấp nông dân, giai cấp của Tổ Tiên làm sao ta không yêu không kính!
Nhưng khi đất nước đã ngàn ngàn năm nghèo đói
Khi đất nước đang quặn mình thành dấu hỏi
Cái trí tuệ nông dân lại khó trả lời!
1988
LẠI VẪN CHIẾN TRANH
Đã hai mươi năm ta ra khỏi cuộc chiến tranh
Vẫn có đêm mơ bị bao vây, săn đuổi
Vẫn mơ thấy bạn bè thuở 19 tuổi
Máu chúng mày làm bỏng đất Miền Đông!
Nhưng sao chiến tranh vẫn nơi này, chiến tranh vẫn nơi kia?
Đêm đêm màn hình vẫn ùng oàng đạn nổ
Đàn ông, đàn bà, cụ già, em nhỏ…
Mặt đất này máu nóng hổi vẫn loang!
Vẫn cứ như ngày nào vô lý thế chiến tranh!
Trái Đất nhỏ nhoi vẫn ngày ngày sinh ra kẻ ác
Đến bao giờ mới hết đi cơn khát?
Dù máu đổ ra đã triệu triệu con người!
Bỗng lại vang lên, vang lên bất ngờ
Căn phòng nhỏ lại ùng oàng đạn pháo
Chiến tranh ở đâu mà màn hình như ướt máu?
Tôi vội vàng cầm ngay giẻ đi lau!
10-1995
(Tập Đêm thiêng)

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

CHUYỆN TRẦN MẠNH HẢO VÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO

 CHUYỆN TRẦN MẠNH HẢO VÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO




Hôm nay tôi đăng tiếp vài chuyện tôi đã viết về ông Trần Mạnh Hảo để minh hoạ cho cái câu thằng Nguyễn Quốc Chánh nó bảo “Thơ ông hay hơn đám Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo rồi”. Thơ ca luôn có cách thể hiện bằng hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ, ám chỉ, v.v… nên viết cho hay, cho chính xác với người viết là không dễ, còn với người đọc hiểu được tường tận cái ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của sự sáng tạo cũng không dễ. Nhưng thơ càng tinh tế cao sâu thì càng phải tuân theo những quy luật của tinh tế cao sâu, như các sản phẩm của khoa học công nghệ tiên tiến cũng vậy, buộc phải làm theo các cơ sở của tri thức chứ không phải làm bừa. Vì vậy, khi ở tầm tri thức cao hơn, đọc lại những tác phẩm của những tác giả từng rất nổi tiếng một thời, ta sẽ thấy có những cái không chuẩn, không hay, thậm chí rất buồn cười. Trần Mạnh Hảo là như vậy.
***
Một lần nữ Đại tá Bác sĩ Văn Khoa comment dưới bài tôi viết bằng hình chụp Nguyễn Quang Thiều và Trần Mạnh Hảo thân thiết bên nhau.
Trần Mạnh Hảo có một thời “trường kỳ kháng chiến” đánh thơ Nguyễn Quang Thiều, cho thơ Thiều là “ Tây giả cầy”, cho Thiều làm thơ “nhảm nhí và bậy bạ” như “một kẻ thô bỉ, thiếu văn hóa”. Thiều chửi lại TMH là “một thẳng đê tiện và bỉ ổi”.
Tôi đã trả lời Văn Khoa: “Vì quyền, lợi, danh, chúng nó có thể đội kẻ thù lên đầu”.
***
Chỉ riêng chuyện kết thân với TMH, Nguyễn Quang Thiều đã không đủ phẩm chất là một đảng viên bình thường rồi, chứ nói gì đến chuyện là một Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà Văn VN, lãnh đạo HNV VN.
Trần Mạnh Hảo từng viết nhân dịp 2-9-2012: MỤC TIÊU CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ XÓA BỎ BIÊN GIỚI VIỆT TRUNG. Khi “góp ý cho Đại hội Đảng lần thứ X”, 2006, Trần Mạnh Hảo đã ngông cuồng vận động: “chúng tôi (Trần Mạnh Hảo) kêu gọi tất cả những nhà khoa học trong ngành khoa học nhân văn (người Việt Nam) ở trong nước và nước ngoài... hãy vì dân tộc đau thương, bi thảm và nước Việt buồn của chúng ta mà bỏ qua sĩ diện không thèm đối thoại với “nhà cầm quyền Hà Nội độc tài, độc quyền chân lý…” đặng cùng nhau lên tiếng, xem rằng: chủ nghĩa Marx rốt cục LÀ PHÚC HAY HỌA CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI”! TMH còn viết Các Mác: “sai lầm chết người rất vĩ đại”; “thậm ngu dốt”; “thô thiển và ngu ngốc”; “liều lĩnh nhất trong những người nói liều lĩnh”; “một sự tối ngu dốt”; v.v…
GS Việt kiều Mỹ Trần Chung Ngọc, một cựu sỹ quan Ngụy, nhưng với tư duy khách quan của một GS Vật lý và cái tâm phá chấp của một Phật tử, đã viết TMH “phê bình láo lếu về Marx”, là “ngu xuẩn và ngô nghê”; “chuyện phê bình triết học không phải là chuyện để cho những người có trình độ như Trần Mạnh Hảo có thể tùy tiện viết bậy”!
Chỉ là một kẻ ngông cuồng, vĩ cuồng mới dám viết bậy bạ như vậy. Bởi trên nước Đức, quê hương Các Mác, tên ông vẫn được vinh danh trên nhiều đại lộ. Trong những cuộc bình chọn nhà tư tưởng, ở ngay các nước tư bản phát triển, Mác vẫn đứng hàng đầu. Nhà tỷ phú đầu cơ chứng khoán George Soros viết: “Marx và Engels đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản cách đây 150 năm” (Marx and Engels gave a very good analysis of the capitalist system 150 years ago); John Cassidy (tờ The New Yorker) cho rằng các nhà kinh tế đang “bước theo dấu chân của Marx mà họ không biết” (without realising that they are walking in Marx's footsteps); v.v…
***
Về thơ ca, Trần Mạnh Hảo thường chê Nguyễn Quang Thiều và nhiều người, vậy còn thơ TMH thì như thế nào? Một lần tôi thấy ông trùm phản động Nguyễn Thanh Giang viết về TMH thế này:
“Tôi từng bức bối, tởm lợm cái bọn trâng tráo vô luân dám ngang ngược tung hô “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước”, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân” nhưng không dám, và cũng không tìm được cách nói vừa văn hoa, vừa đã đời như Trần Mạnh Hảo. Trần Mạnh Hảo xổ toẹt cả cuộc kháng chiến chống Pháp”; “Tôi chợt nhớ ra, vào lúc nào đó tôi cũng đã từng lầm nhẩm những câu thơ như tráng ca của Trần Mạnh Hảo”. Rồi Nguyễn Thanh Giang đã dẫn ra bài thơ “Tôi mang Hồ Gươm đi” của TMH mà mình mê đắm. Vì vậy tôi (Đông La) mới xem kỹ cái bài này của TMH xem nó thế nào?
***
Trước hết, TMH vốn hay bắt bẻ người ta “viết sai tiếng Việt” nhưng đúng như câu ngạn ngữ “gậy ông lại đập lưng ông”, những điều TMH chê bai người khác, nếu viết về chính mình, sẽ rất đúng.
TMH cũng rất giỏi “làm xiếc ngôn ngữ” ngang tài véo von của Nguyễn Quang Thiều.
Trần Mạnh Hảo viết:
Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh
Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông
Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?”
Đây là bài tiêu biểu của TMH, còn được Phú Quang phổ nhạc. Bài thơ của TMH có rất nhiều hình ảnh lạ như “gió níu hoàng hôn”, “Muốn mang hồ đi trú đông”, “khiêng vác sông Hồng”, rồi “gói heo may” v.v… nghĩa là nghe rất kêu. Nhưng đi sâu phân tích cụ thể về ngôn ngữ, như cách TMH vẫn hay làm với người khác, ta sẽ thấy bài thơ hoàn toàn rỗng tuếch, TMH đúng là điển hình về việc “viết sai tiếng Việt”. Như câu “Lá rụng trời xao động cổ thành”. “Lá rụng đầy trời làm xao động cổ thành” thì mới có nghĩa chứ còn “Lá rụng trời” là lá rụng gì? Cái khó ở chỗ này là viết cho có nghĩa thì không thành thơ, mà viết thành thơ thì lại không có nghĩa. Rồi muốn “mang hồ đi trú đông” sao lại “Mà không khiêng vác được sông Hồng”, ông Hảo muốn “mang hồ” đi cơ mà, đâu phải sông Hồng? Thực ra để vần với “đông”, ông Hảo phải viết “Hồng” ở câu dưới để ép vần. Theo truyền thuyết, Hồ Gươm là nơi Lê Lợi sau khi dùng gươm thần đánh đuổi được giặc Minh đã “hoàn kiếm” lại cho Long Vương qua Thần Kim Quy. Như vậy, câu “Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh”, TMH đã “nói điêu”!
Thực ra do kém về ngôn ngữ, nói chung là kém tài, TMH đã dùng nhiều từ chủ yếu để ép vần như trên nên rất gượng và làm ra những câu thơ vô nghĩa.
TMH, ngoài “tài” “làm xiếc” ngôn ngữ, nếu theo “lý luận” về đổi mới của Nhà văn Nguyễn Minh Châu, thơ TMH cũng điển hình cho lối viết “minh họa”.
TMH viết:
Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai
Ở đây cũng có sự ép vần khiên cưỡng, để vần với “tương lai” ở câu kết thì TMH phải viết “con trai” ở câu trên, chính vậy mới làm cho khổ thơ lủng củng, khấp khểnh về nghĩa. Sao lại “bất kỳ từ điểm nào trên trái đất/ Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai”? Có phải TMH muốn đe dọa thế giới bằng chuyện nước ta có nhiều con trai, rồi sẽ “cung ứng” cho quân đội nhiều lính không? Rồi sao “đất nước mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”? Nghĩa là cho nước ta là một “tia chớp” chỉ “lối đến tương lai” bằng cách “rạch chân trời” một nhát, còn tương lai cho cái gì thì TMH không nói; còn ý muốn nói tương lai đó là tương lai của nước ta thì viết như vậy nghĩa là cho nước ta là một quả bom sẽ mở được lối đến tương lai bằng cách nổ một phát!
Còn đây là việc TMH “minh họa” về “hồn thiêng sông núi”:
Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè
Có điều “núi” đã chiến đấu được như vậy thì đất nước còn cần gì đến “nhiều con trai”, còn cần gì đến quân đội, súng ống đạn dược nữa.
Còn hai khổ sau:
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
*
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
Viết vậy là điển hình cho lối viết “minh họa”, cách viết một chiều, chỉ mô tả bề mặt hiện thực chứ không thâm nhập bề sâu, đã miêu tả chiến tranh như ngày hội, dù có hy sinh gian khổ nhưng chỉ có niềm vui mà không có đau thương, người lính Cụ Hồ như con rô bốt chỉ biết xông lên chiến đấu và chiến thắng!
Riêng hai câu này:
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
thì thật thản nhiên, vô cảm, điển hình cho lối “sáng tác”, nghĩa là những người có chút năng khiếu, có thể sản xuất ra hàng loạt thơ ca bằng cách ghép vần làm ra những câu thơ chung chung, nghe kêu “beng beng”, nhưng là những câu thơ giả, không đúng với hiện thực.

22-11-2024
ĐÔNG LA

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

CHUYỆN NGUYỄN DUY VÀ THƠ NGUYỄN DUY

 CHUYỆN NGUYỄN DUY VÀ THƠ NGUYỄN DUY



Tuần trước tôi toàn viết chuyện Y học, tuần này tôi sẽ bàn toàn chuyện văn chương.
Bài trước tôi có kể làm xong bài “Tuổi thơ”, đã khoe thằng Nguyễn Quốc Chánh, đọc xong nó bảo “Thơ ông hay hơn đám Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo rồi. Theo dòng chính thống thì thơ ông là đổi mới”. Nghe xong tôi ngạc nhiên hơn là thích thú, vì hồi ấy, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo… thuộc hàng siêu sao trong đội ngũ “những nhà thơ chiến sĩ”; tuyên truyền, ca ngợi họ từng được coi là một “nhiệm vụ chính trị” của một thời. Phải là người có tư duy độc lập lắm Nguyễn Quốc Chánh mới có thể nói như vậy. Tiếc rằng về sau Chánh lại độc lập quá, thành ra cực đoan, chống đối.
***
Lần đầu tôi gặp Nguyễn Quốc Chánh khi tôi theo Nhà thơ Chế Lan Viên đến Nhà Văn hoá Phú Nhuận dự đêm thơ của chính ông. Sau khi tôi được ông đề nghị trao giải thơ và được ông giới thiệu vào Hội Nhà Văn TPHCM thì tôi gần như là người nhà ông. Ông còn mấy lần bảo tôi theo ông dự những buổi ông nói chuyện về thơ nữa. Hôm ở Phú Nhuận đó có 3 chàng sinh viên cùng lớp ở trường “Văn Khoa” đến làm quen với tôi là Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Nguyễn Quốc Chánh. Tôi đã chọn Nguyễn Quốc Chánh để chơi, hình như Chánh làm luận văn về CLV được điểm 10. Hồi ấy vợ chồng tôi mới sinh thằng con trai đầu, nhắc đến Chánh, bà xã tôi đến giờ vẫn còn càu nhàu:
-Ông đúng kỳ cục, tôi mới sanh, hai mẹ con trên giường, ông với thằng Chánh dưới nền nhà nhậu, cứ oang oang bàn chuyện văn, thơ.
***
Hồi ấy, là cán bộ ở viện nghiên cứu dấn thân vào văn chương nên tôi chú trọng chuyện đổi mới, thích thơ trí tuệ, thơ có tầm tư tưởng như của Chế Lan Viên; đi sâu tìm hiểu lý luận phê bình, thích chơi với người cá tính như Nguyễn Quốc Chánh, v.v… Tôi nhận thấy văn học kháng chiến có nhiều thành tựu, có góp công cho chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến, nhưng nghiêng về tuyên truyền. Nhiều bài thơ viết trong chiến tranh có giá trị nhưng lặp lại cách viết trong hoà bình thì vô nghĩa. Như bài thơ “xe không kính” của Phạm Tiến Duật viết trong chiến tranh rất hay, nhưng trong thời bình viết chuyện chở gạch, cát xây nhà thì chẳng ai đọc. Vì vậy, về mặt nghệ thuật của thơ kháng chiến vẫn còn những hạn chế, trong đó có thơ của hai tác giả mà Nguyễn Quốc Chánh đã nhắc tới để so sánh với thơ của tôi. Tệ hơn nữa là họ còn thay đổi quan điểm, chống lại chính những điều họ đã viết. Hôm nay tôi sẽ đăng lại vài chuyện đã viết về Nguyễn Duy.
***
Ngày 3 - 3 - 2017, tại quán café Sỏi Đá đường Ngô Thời Nhiệm, Quận III, TPHCM, Nguyễn Quang A là người chi tiền, kiêm việc quay phim và dẫn chuyện cho Nguyễn Duy diễn trò, Nguyên Ngọc cũng có mặt. Bọn họ đã diễu cợt nữ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu là bị “khùng”. Sau khi Liên Xô tan vỡ 1991, những anh hùng chống phát xít cũng đã bị diễu cợt, như anh hùng Dôia bị cho là điên. Bọn họ đã cho việc ca ngợi Võ Thị Sáu chỉ là tuyên truyền ba xạo.
Với Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy làm vậy chẳng khác gì tự phủ nhận chính mình.
Việt Nam, một nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, để có được chiến thắng, đã phải biết kết hợp nhiều nguồn sức mạnh, trong đó có sức mạnh của tuyên truyền. Văn chương từng được coi là một trong những mũi chủ công, nhà văn được gọi là những chiến sĩ cầm bút, và trong đội quân trùng điệp ấy có Nguyên Ngọc và Nguyễn Duy. Nguyễn Duy, khi múa môi chê bai sự tuyên truyền, ông ta đã quên béng, chỉ với những câu thơ cua ốc rơm rạ vụn vặt, nếu không vì tuyên truyền, Nguyễn Duy không thể thành danh.
***
Sau giải phóng, dường như Nguyễn Duy cũng đã tự nhận ra sự vụn vặt, tầm thường của thơ mình, nên đã “đổi mới”, làm bài “Đánh thức tiềm lực” để “Tiễn đưa anh S.D đi làm kinh tế”. S.D. chính là viết tắt hai chữ Sáu Dân, ông Võ Văn Kiệt. Bài thơ mang tính “hiện thực phê phán”, ngược với thời “thơ hô khẩu hiệu” trước của Nguyễn Duy, đã “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả nên khá nổi tiếng. Có điều viết vậy Nguyễn Duy lại quay về thời văn học hiện thực phê phán của Nam Cao, Ngô Tất Tố, đã đổi cũ chính mình chứ không phải đổi mới. Nguyễn Duy liệt kê những yếu kém của xã hội, rồi cũng hô hào “đánh thức tiềm lực”, nhưng dân Việt nếu toàn những trí tuệ như Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc thì lấy đâu ra “tiềm lực” mà “đánh thức”?!
***
Thời đó cũng chính là thời tôi bắt đầu dấn thân vào văn chương, cũng phải tham khảo những “thành tựu” của người viết trước, trong đó có Nguyễn Duy.
Nguyễn Duy từng được giải nhất về thơ trên Báo Văn nghệ với chùm thơ có bài “Hơi ấm ổ rơm”. Trong giới viết lách, hồi đó được “Giải nhất Báo Văn nghệ” còn to hơn được giải Hoa Hậu bây giờ. Nhưng tôi lại thấy bài “Hơi ấm ổ rơm” là dở. Bài thơ kể chuyện anh bộ đội nhỡ đường được một bà mẹ trải ổ rơm cho ngủ nhờ thể hiện tình quân dân thắm thiết. Nhưng bài thơ lại kết bằng hai câu không có tình người:
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người
Không lẽ người mẹ chỉ cho những chiến sĩ lỡ đường ngủ nhờ, còn dân thường thì không cho sao? Hai câu vô tình nhưng lại thể hiện bản chất con người của chính Nguyễn Duy, đã thể hiện trong các mối quan hệ về sau.
Tôi đã làm một bài thơ Bút Tre diễu Nguyễn Duy như thế này:
Thanh Hóa có một Nguyễn Duy
Nổi danh từ một cuộc thi văn nghề (nghệ)
Thơ Duy đậm chất đồng quê
Cua ốc rơm rạ mang về vinh quang
Có lần Duy đã viết rằng
Một đêm lỡ bước qua làng ngủ nhơ (nhờ)
Một bà trải ổ rơm to
Như chui tổ kén Duy mơ như tằm
Rơm thơm như tẩm mật ong
Làm Duy xúc động tấm lòng quân dân
Nhưng mà chỉ với quân nhân
Người dân lạc bước đừng hòng được ngu (ngủ)
Thế là Duy được tung hô
Tài năng xuất chúng của thơ Việt Nàm (Nam)
Vậy mà chưa thoả lòng tham
Nên nay quay bút muốn làm Việt gian
***
Những người đã bầy trò diễu cợt nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu chính là để quấy rối, chống chế độ. Có điều bọn bất nhân thất đức không hiểu thế giới tâm linh là có thực, nhiều người dân ở Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo đã chứng thực chị Võ Thị Sáu đã hiển thánh. Theo luật nhân-quả của Nhà Phật mà luật thánh thần thì không thể đôi khi có thể lách như luật của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được, gieo nhân ác tất sẽ gặp quả xấu. Quả thật đã có tai họa khủng khiếp xảy ra đối với họ.

21-11-2024
ĐÔNG LA