Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

CHUYỆN “NGÀY XƯA ÔNG NGOẠI LÀM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”

 CHUYỆN “NGÀY XƯA ÔNG NGOẠI LÀM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”

Một lần chở cô cháu ngoại trên đường Võ Thị Sáu, đến toà nhà cao tầng bên Công viên Lê Văn Tám, tôi bảo:
-Tina, ngày xưa ông ngoại “nghiên cứu khoa học” ở chỗ đó đó, nhưng hồi ấy nó có một tầng thôi.
Sáng thứ 7, lại cuối tuần, đung đưa trên cái võng nghĩ vẩn vơ, lại nhớ về một thời tuổi trẻ đầy sôi động, tự dưng nhớ anh bạn dược sĩ mới ra trường, từng xin theo tôi phụ việc, học việc “nghiên cứu” ở chính cái nơi mà tôi chỉ cô cháu ngoại. Nhưng anh bạn tên là gì thì lại quên mất. Hình như là Diệp, không phải, nghĩ mãi, nghĩ mãi, nghĩ mãi thì cuối cùng bật ra cái tên Triệu, đúng là thằng Triệu.
***
Ngày xưa, nơi đó là một cơ sở của Viện Công nghiệp Dược, nơi có hệ thống nồi lên men thuốc kháng sinh, tôi có ít ngày làm ở đó với nhiệm vụ chiết xuất thuốc kháng sinh Tetracycline từ sinh khối lên men.
Lên men kháng sinh về bản chất cũng như lên men rượu, mì chính, v.v…, cấy giống nào thì sau thời gian chăm bón phù hợp sẽ thu hoạch sản phẩm nấy. Có điều, sau lên men, lấy được kháng sinh từ sinh khối ra không dễ như gặt lúa, hái nho, hái táo.
Sinh khối kháng sinh sau lên men nâu đen và nhớt đúng là như cứt trâu. Công đoạn đầu là cho sinh khối vào máy quay ly tâm cho hết nước, nhưng nó nhớt, dít dịt, quay đến cháy máy mà vẫn không khô được. Tôi gặp ông Viện trưởng, làm tiếp bác Sử, là ông Hoàng Ân, bảo thử cho một loại bột nham nhám mà trơ vào, em về quê vợ Long An dọc đường thấy nhiều đống trấu, xay trấu cho vào thử xem sao. Sau đó, thằng Khoa cùng phòng tôi, trong đoàn đi thực tập ở LX về bảo: “Ông Hùng thông minh thật, vì bên LX nó dùng bột gỗ”.
Một công đoạn khác của quy trình chiết xuất cũng rắc rối, sau công đoạn loại tạp, kháng sinh thô được kết tủa trong dung dịch nó mịn đến nỗi khi lọc ít lớp giấy lọc thì nó chui qua, khi cho nhiều lớp giấy nó không chui qua thì nước cũng không qua luôn. Tôi lại nhăn trán suy nghĩ. Tôi đã lấy giấy lọc ngâm nước tạo thành bột, trộn vào kết tủa thô kháng sinh, để khi lọc hút, lớp bột giấy sẽ tạo một lớp dầy đủ giữ lại được bột kháng sinh, nhưng vẫn xốp cho nước chứa tạp chất chui qua. Kết quả thật thú vị, đổ hỗn hợp vào phễu, gắn vào máy hút, bật máy hút một phát là khô luôn. Đổ tiếp dung môi vào phễu hút tiếp sẽ tách được kháng sinh khỏi giấy. Loại tạp trong dung dịch kháng sinh tiếp, nếu đủ độ tinh khiết, để lạnh trong nước đá, kháng sinh sẽ kết tinh.
***
Ngày hôm đó, tôi và anh bạn trẻ Triệu làm theo cái quy trình trên đến tận khoảng 12 khuya mới xong. Đổ dung dịch kháng sinh vào thùng nhỏ inox, tôi bảo Triệu:
-Mày đi lấy cái chậu, đổ đầy đá, rắc thêm muối vào, rồi để thùng inox này vào, sáng mai đến xem nó có kết tinh không?
Sáng sau, rất sớm, tôi đã đến chỗ làm trước giờ làm việc, không ngờ gặp Triệu, nó bảo:
-Em cũng nóng ruột quá, đến sớm xem nó có kết tinh không?
Hai anh em hơi thất vọng khi thấy cái thùng inox đựng dung dịch kháng sinh y như cũ, không có dấu vết gì cả. Tôi mới thò tay vào và kêu lên:
-Thành công rồi Triệu ơi, mình làm sạch quá, kháng sinh nó kết tinh hình kim, nó nặng, chìm xuống dưới đáy đây này.
Hai anh em ôm chầm lấy nhau!
***
Vậy mà thời gian sau, khi cái viện tan tành thì các công việc nghiên cứu cũng tan nát hết.
26-10-2024
ĐÔNG LA