“TIẾC QUÁ”?
Bài trước viết vài dòng tâm sự cuộc đời kể vài chuyện tôi làm chủ nhiệm đề tài, trực tiếp chỉ huy công việc nghiên cứu khoa học, trong đó có chuyện chiết xuất thành công chất chống ung thư nhưng rồi bị cắt ngang. Bạn Phạm Văn Hải bình luận: “Nếu anh không bị kẻ tiểu nhân chơi bẩn thì tốt quá, thật đáng tiếc”; Nguyễn Nhàn là cô em họ cùng làng cũng vào: “Tiếc quá!” Đúng là tiếc thật, không chỉ cho tôi mà quan trọng hơn chính là cho cái Viện của tôi.
Trong lời giới thiệu của VIDIPHA, nó là cơ quan tiền thân, đã được giới thiệu là “một viện nghiên cứu đầu ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu các đề tài phục vụ cho yêu cầu sản xuất các nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm trong nước như: các loại nguyên liệu kháng sinh, hoá dược và nguyên liệu đi từ dược liệu trong nước”. Chính bác Đoàn Hữu Sử, thuộc lớp dược sĩ đầu tiên của VN, là người đã đưa ra phương án đó, rồi trở thành Viện trưởng sáng lập, nhưng sau một cuộc đấu đá, bác đã bị đẩy về hưu, tôi đã viết thành truyện ngắn đầu tay “Chuyện về hai người”, được đăng trên Báo Văn nghệ TP HCM, lập tức được đọc trên đài Phát thanh cả Đài TPHCM lẫn TNVN, rồi được in sách, tiếp tục đăng lại trên Văn nghệ (Hội Nhà Văn VN), Báo Người Hà Nội. Sau mấy năm bác Viện trưởng về hưu, cái Viện đó đã trở thành một công ty sản xuất kinh doanh bình thường. Thật buồn cười là, một trong những người có “công đầu” đập vỡ cái viện sau này lại được phong Anh hùng Lao động, y như Goocbachov được Giải Nobel vì có công đập vỡ LX vậy.
***
Hiện tại, bỏ ngành đã mấy chục năm, tôi không biết cụ thể nhưng tôi tin là ngành sản xuất dược phẩm ở ta vẫn chủ yếu là nhập các hoạt chất về gia công, trong khi từ năm chín mấy thế kỷ trước, bước đầu, ở quy mô nhỏ, viện tôi đã thực hiện quy trình lên men, làm ra được nguyên liệu kháng sinh là Oxytetracyclin và Tetracyclin; một nhóm (có tôi) chiết được Berberine; và chính tôi làm chủ nhiệm đề tài chiết được mấy gam hoạt chất chống ung thư Vinblastine từ cây dừa cạn, v.v… Nếu cái viện vẫn tồn tại và được Nhà nước quan tâm, cán bộ được cho đi đào tạo thêm ở các nước phát triển, học hỏi tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ mới, thì ngành dược VN hôm nay rất có thể sánh vai được với ngành Nông nghiệp VN.
***
Nước ta, từ giai đoạn ăn bo bo, gạo mốc, bây giờ trở thành nước thừa ăn, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thành tựu này có công quan trọng của nghiên cứu khoa học, mà một trong những người có công đầu chính là GS Võ Tòng Xuân. Ông từng được đào tạo dưới chế độ cũ, cùng GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) đã được trao Giải Đặc biệt VinFuture 2023. GS Gurdev Singh Khush là nhà phát minh, GS Võ Tòng Xuân là người phổ biến giống lúa kháng bệnh. Giáo sư Khush nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), trụ sở chính tại Philippines, đất nước từng có đội quân chư hầu của Mỹ xâm lược VN; GS Võ Tòng Xuân từng học tập ở chính cái nơi đó.
***
Với thực trạng VN mấy chục năm qua đúng là đã phát triển vượt bậc, nhưng xã hội còn ngổn ngang yếu kém, sai trái, tệ nạn thì chuyện bản thân tôi bị cướp công, rồi nghỉ luôn công chức không biết có phải là chuyện “tiếc quá” không? Bởi nếu không có chuyện “đáng tiếc”, cái Viện vẫn còn, tôi vẫn tiếp tục làm cán bộ nghiên cứu thì có thể tôi sẽ thành đạt được những cái gì đó, nhưng nếu chỉ với đồng lương ở Viện, chắc chắn nhà tôi vẫn ở khu tập thể với 16 m2, không thể có được cuộc sống như hôm nay. Vậy chuyện tôi bị cướp công đó, đến nay tôi cũng không biết cuộc đời mình là không may hay là may nữa?
24-10-2024
ĐÔNG LA