Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

CHUYỆN TRẦN MẠNH HẢO VÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO

 CHUYỆN TRẦN MẠNH HẢO VÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO




Hôm nay tôi đăng tiếp vài chuyện tôi đã viết về ông Trần Mạnh Hảo để minh hoạ cho cái câu thằng Nguyễn Quốc Chánh nó bảo “Thơ ông hay hơn đám Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo rồi”. Thơ ca luôn có cách thể hiện bằng hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ, ám chỉ, v.v… nên viết cho hay, cho chính xác với người viết là không dễ, còn với người đọc hiểu được tường tận cái ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của sự sáng tạo cũng không dễ. Nhưng thơ càng tinh tế cao sâu thì càng phải tuân theo những quy luật của tinh tế cao sâu, như các sản phẩm của khoa học công nghệ tiên tiến cũng vậy, buộc phải làm theo các cơ sở của tri thức chứ không phải làm bừa. Vì vậy, khi ở tầm tri thức cao hơn, đọc lại những tác phẩm của những tác giả từng rất nổi tiếng một thời, ta sẽ thấy có những cái không chuẩn, không hay, thậm chí rất buồn cười. Trần Mạnh Hảo là như vậy.
***
Một lần nữ Đại tá Bác sĩ Văn Khoa comment dưới bài tôi viết bằng hình chụp Nguyễn Quang Thiều và Trần Mạnh Hảo thân thiết bên nhau.
Trần Mạnh Hảo có một thời “trường kỳ kháng chiến” đánh thơ Nguyễn Quang Thiều, cho thơ Thiều là “ Tây giả cầy”, cho Thiều làm thơ “nhảm nhí và bậy bạ” như “một kẻ thô bỉ, thiếu văn hóa”. Thiều chửi lại TMH là “một thẳng đê tiện và bỉ ổi”.
Tôi đã trả lời Văn Khoa: “Vì quyền, lợi, danh, chúng nó có thể đội kẻ thù lên đầu”.
***
Chỉ riêng chuyện kết thân với TMH, Nguyễn Quang Thiều đã không đủ phẩm chất là một đảng viên bình thường rồi, chứ nói gì đến chuyện là một Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà Văn VN, lãnh đạo HNV VN.
Trần Mạnh Hảo từng viết nhân dịp 2-9-2012: MỤC TIÊU CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ XÓA BỎ BIÊN GIỚI VIỆT TRUNG. Khi “góp ý cho Đại hội Đảng lần thứ X”, 2006, Trần Mạnh Hảo đã ngông cuồng vận động: “chúng tôi (Trần Mạnh Hảo) kêu gọi tất cả những nhà khoa học trong ngành khoa học nhân văn (người Việt Nam) ở trong nước và nước ngoài... hãy vì dân tộc đau thương, bi thảm và nước Việt buồn của chúng ta mà bỏ qua sĩ diện không thèm đối thoại với “nhà cầm quyền Hà Nội độc tài, độc quyền chân lý…” đặng cùng nhau lên tiếng, xem rằng: chủ nghĩa Marx rốt cục LÀ PHÚC HAY HỌA CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI”! TMH còn viết Các Mác: “sai lầm chết người rất vĩ đại”; “thậm ngu dốt”; “thô thiển và ngu ngốc”; “liều lĩnh nhất trong những người nói liều lĩnh”; “một sự tối ngu dốt”; v.v…
GS Việt kiều Mỹ Trần Chung Ngọc, một cựu sỹ quan Ngụy, nhưng với tư duy khách quan của một GS Vật lý và cái tâm phá chấp của một Phật tử, đã viết TMH “phê bình láo lếu về Marx”, là “ngu xuẩn và ngô nghê”; “chuyện phê bình triết học không phải là chuyện để cho những người có trình độ như Trần Mạnh Hảo có thể tùy tiện viết bậy”!
Chỉ là một kẻ ngông cuồng, vĩ cuồng mới dám viết bậy bạ như vậy. Bởi trên nước Đức, quê hương Các Mác, tên ông vẫn được vinh danh trên nhiều đại lộ. Trong những cuộc bình chọn nhà tư tưởng, ở ngay các nước tư bản phát triển, Mác vẫn đứng hàng đầu. Nhà tỷ phú đầu cơ chứng khoán George Soros viết: “Marx và Engels đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản cách đây 150 năm” (Marx and Engels gave a very good analysis of the capitalist system 150 years ago); John Cassidy (tờ The New Yorker) cho rằng các nhà kinh tế đang “bước theo dấu chân của Marx mà họ không biết” (without realising that they are walking in Marx's footsteps); v.v…
***
Về thơ ca, Trần Mạnh Hảo thường chê Nguyễn Quang Thiều và nhiều người, vậy còn thơ TMH thì như thế nào? Một lần tôi thấy ông trùm phản động Nguyễn Thanh Giang viết về TMH thế này:
“Tôi từng bức bối, tởm lợm cái bọn trâng tráo vô luân dám ngang ngược tung hô “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước”, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân” nhưng không dám, và cũng không tìm được cách nói vừa văn hoa, vừa đã đời như Trần Mạnh Hảo. Trần Mạnh Hảo xổ toẹt cả cuộc kháng chiến chống Pháp”; “Tôi chợt nhớ ra, vào lúc nào đó tôi cũng đã từng lầm nhẩm những câu thơ như tráng ca của Trần Mạnh Hảo”. Rồi Nguyễn Thanh Giang đã dẫn ra bài thơ “Tôi mang Hồ Gươm đi” của TMH mà mình mê đắm. Vì vậy tôi (Đông La) mới xem kỹ cái bài này của TMH xem nó thế nào?
***
Trước hết, TMH vốn hay bắt bẻ người ta “viết sai tiếng Việt” nhưng đúng như câu ngạn ngữ “gậy ông lại đập lưng ông”, những điều TMH chê bai người khác, nếu viết về chính mình, sẽ rất đúng.
TMH cũng rất giỏi “làm xiếc ngôn ngữ” ngang tài véo von của Nguyễn Quang Thiều.
Trần Mạnh Hảo viết:
Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh
Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông
Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?”
Đây là bài tiêu biểu của TMH, còn được Phú Quang phổ nhạc. Bài thơ của TMH có rất nhiều hình ảnh lạ như “gió níu hoàng hôn”, “Muốn mang hồ đi trú đông”, “khiêng vác sông Hồng”, rồi “gói heo may” v.v… nghĩa là nghe rất kêu. Nhưng đi sâu phân tích cụ thể về ngôn ngữ, như cách TMH vẫn hay làm với người khác, ta sẽ thấy bài thơ hoàn toàn rỗng tuếch, TMH đúng là điển hình về việc “viết sai tiếng Việt”. Như câu “Lá rụng trời xao động cổ thành”. “Lá rụng đầy trời làm xao động cổ thành” thì mới có nghĩa chứ còn “Lá rụng trời” là lá rụng gì? Cái khó ở chỗ này là viết cho có nghĩa thì không thành thơ, mà viết thành thơ thì lại không có nghĩa. Rồi muốn “mang hồ đi trú đông” sao lại “Mà không khiêng vác được sông Hồng”, ông Hảo muốn “mang hồ” đi cơ mà, đâu phải sông Hồng? Thực ra để vần với “đông”, ông Hảo phải viết “Hồng” ở câu dưới để ép vần. Theo truyền thuyết, Hồ Gươm là nơi Lê Lợi sau khi dùng gươm thần đánh đuổi được giặc Minh đã “hoàn kiếm” lại cho Long Vương qua Thần Kim Quy. Như vậy, câu “Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh”, TMH đã “nói điêu”!
Thực ra do kém về ngôn ngữ, nói chung là kém tài, TMH đã dùng nhiều từ chủ yếu để ép vần như trên nên rất gượng và làm ra những câu thơ vô nghĩa.
TMH, ngoài “tài” “làm xiếc” ngôn ngữ, nếu theo “lý luận” về đổi mới của Nhà văn Nguyễn Minh Châu, thơ TMH cũng điển hình cho lối viết “minh họa”.
TMH viết:
Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai
Ở đây cũng có sự ép vần khiên cưỡng, để vần với “tương lai” ở câu kết thì TMH phải viết “con trai” ở câu trên, chính vậy mới làm cho khổ thơ lủng củng, khấp khểnh về nghĩa. Sao lại “bất kỳ từ điểm nào trên trái đất/ Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai”? Có phải TMH muốn đe dọa thế giới bằng chuyện nước ta có nhiều con trai, rồi sẽ “cung ứng” cho quân đội nhiều lính không? Rồi sao “đất nước mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”? Nghĩa là cho nước ta là một “tia chớp” chỉ “lối đến tương lai” bằng cách “rạch chân trời” một nhát, còn tương lai cho cái gì thì TMH không nói; còn ý muốn nói tương lai đó là tương lai của nước ta thì viết như vậy nghĩa là cho nước ta là một quả bom sẽ mở được lối đến tương lai bằng cách nổ một phát!
Còn đây là việc TMH “minh họa” về “hồn thiêng sông núi”:
Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè
Có điều “núi” đã chiến đấu được như vậy thì đất nước còn cần gì đến “nhiều con trai”, còn cần gì đến quân đội, súng ống đạn dược nữa.
Còn hai khổ sau:
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
*
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
Viết vậy là điển hình cho lối viết “minh họa”, cách viết một chiều, chỉ mô tả bề mặt hiện thực chứ không thâm nhập bề sâu, đã miêu tả chiến tranh như ngày hội, dù có hy sinh gian khổ nhưng chỉ có niềm vui mà không có đau thương, người lính Cụ Hồ như con rô bốt chỉ biết xông lên chiến đấu và chiến thắng!
Riêng hai câu này:
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
thì thật thản nhiên, vô cảm, điển hình cho lối “sáng tác”, nghĩa là những người có chút năng khiếu, có thể sản xuất ra hàng loạt thơ ca bằng cách ghép vần làm ra những câu thơ chung chung, nghe kêu “beng beng”, nhưng là những câu thơ giả, không đúng với hiện thực.

22-11-2024
ĐÔNG LA