Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

NGUYỄN QUANG THIỀU ĐÃ LẠC NGAY TRƯỚC CỬA NGÕ NHÀ MìNH

ĐÔNG LA
NGUYỄN QUANG THIỀU ĐÃ LẠC NGAY TRƯỚC CỬA NGÕ NHÀ MìNH

Trong bài trước tôi có viết ông Nhà thơ Lê Xuân Đố, từng làm BTV văn nghệ ở Đài THTPHCM, cho tôi khi bình thơ Nguyễn Quang Thiều, đã chạm đến cái cao nhất của thơ ca. Vậy “cái cao nhất của thơ ca” là gì? Cái này thì tôi tin có rất rất nhiều nhà thơ không biết, và ngay cả “thần đồng” Trần Đăng Khoa cũng không biết, bởi nếu biết Khoa đã không đồng tình với Đỗ Hoàng “đánh” thơ Nguyễn Quang Thiều. Văn chương cũng như các lĩnh vực tri thức khác như khoa học, triết học, cái gì càng giá trị, càng cao sâu, càng tinh tuý thì càng ít người biết. Thực tế cho thấy có một hiện tượng đáng lo ngại, có thể còn là mối nguy cơ tồn vong của chế độ, đó là có nhiều ý kiến sai trái, độc hại chống lại những gì thuộc về “chính thống”, như vụ “ông Tùng, ông Thệ”, vụ Hồ Duy Hải chẳng hạn, nhưng lại có rất nhiều người thích, một hiệu ứng bầy đàn giống như các loài động vật xúm vào, bu vào những nơi xú uế, rác rưởi vậy.
Vậy cái cao nhất của thơ ca là gì? Đó là tính trí tuệ, tính tư tưởng. Thơ có nhiều loại, tả cảnh, tả tình, tự sự, nhưng cao hơn cả là thơ chứa đựng những tư tưởng, nhận thức về những vấn đề lớn của xã hội, của nhân loại. Muốn làm được loại thơ này phải có trí tuệ, và khổ cái, muốn cảm nhận được nó người đọc cũng phải có trí tuệ. Tôi có làm loại thơ này và thật thú vị người hiểu tôi chính là Nguyễn Quang Thiều. Chính vì vậy tôi đã chơi thân với Thiều không chỉ vì Thiều đối xử tốt với tôi mà cao hơn hết chính là vì Thiều là người hiếm hoi hiểu được những cao xa trong sự sáng tạo của tôi. Ngược lại, Thiều cũng làm nhiều thơ trí tuệ và người hiểu Thiều cũng lại là tôi. Trong bài dài viết về thơ Thiều trong cuộc hội thảo về thơ Thiều có đoạn tôi viết về chuyện mà hôm nay tôi ngẫm ra Thiều đúng là tiên tri thật. Thiều viết ý con người ta thường bị dắt mũi bởi “ánh sáng đưa đường chỉ lối” thì hôm nay tôi thấy chính Thiều cũng đã bị “dắt mũi” trong vụ Hồ Duy Hải. Xin đăng lại đoạn tôi viết đã 8 năm này:

Trong Hồi tưởng, một bài thơ dài, tôi đặc biệt thích khúc Hồi tưởng tháng 9, Nguyễn Quang Thiều vẽ lên khung cảnh một buổi sáng sương mù dày đặc:

Chúng ta không thể tìm được dấu vết quen thuộc
Của thành phố trong buổi sáng mù sương
Trong sương mù cất lên một giọng nói
Một giọng nói khác và một giọng khác nữa
Hoảng hốt hỏi nhau về con đường vẫn thường đi
Nhưng chúng ta là những người mù trong buổi sáng ấy …
Trong lúc chúng ta loay hoay và nguyền rủa thời tiết
Người đàn ông mù thong thả bước đi giữa hai hàng cây
Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết
Và lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình

Nếu đọc lướt ta sẽ chỉ thấy đó chỉ là một cách sắp xếp nghịch đảo ngồ ngộ, nhưng nếu chịu suy ngẫm, hiểu những ý nghĩa phúng dụ của bài thơ, ta sẽ thấy những hình ảnh trên gợi mở nhiều điều. Trong triết học, khái niệm tha hóa chỉ rằng, con người thường trở thành nô lệ cho những điều chính mình tạo ra. Con người thường suy nghĩ và hành động theo thói quen, mà thói quen ấy lại được hình thành trong chính cuộc sống của chúng ta, với những tập tục, lề thói và cả “ánh sáng” của những tín điều tôn giáo và ý thức hệ chính trị. Nhưng thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra, không có gì là hoàn toàn đúng cả, cả những giáo lý, cả những chủ nghĩa, nên khi những “ánh sáng” đó không còn khả năng dẫn đường nữa, thì những người lệ thuộc sẽ bị mất phương hướng. Lúc đó, chỉ có những người có khả năng suy nghĩ độc lập, không bị cuốn theo cái tâm lý bầy đàn sẽ không bị lầm lạc, như những người mù không cần ánh sáng dẫn đường mà đi được bằng khả năng riêng của họ.
Đọc bài này, tôi chợt nhớ đến bài thơ có 4 câu của tôi: 

                       NHỮNG CÁI XÁC
                   Những cánh hoa sặc sỡ
                   Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc
                   Con ba tuổi ngây thơ
                   Say sưa cóp nhặt
                                                1988
Đây là những hình ảnh thực mà tôi ghi lại đã hơn 20 năm rồi, khi gia đình tôi đi chơi ở vườn Chùa Vĩnh Nghiêm năm 1988, đứa con trai của tôi mới có 3 tuổi. Khi thấy nó nó cứ lăng xăng nhặt những cánh hoa rơi chất đống lại, tôi thấy hay hay, cái hình ảnh đó có thể chuyển tải được một tứ thơ gợi mở nhiều điều. Thế là trong ý nghĩ của mình, chỉ mấy giây thôi, tôi đã làm xong bài thơ. Trong cuộc sống có rất nhiều cái thực chất chỉ là những xác chết nhưng nó lại lấp lánh, mà loài người phần đông cũng ngây thơ như đứa trẻ lên ba thôi, luôn nâng niu cất giữ những xác chết chỉ vì cái lấp lánh đó. Viết xong, tôi e ngại, cái chính là người đọc phải hiểu những hàm ý, mà thực tế thì có mấy ai chịu hiểu? Rồi thật thú vị ở chỗ, tôi bị bất ngờ là người hiểu và thích cái bài này lại chính là Nguyễn Quang Thiều. Khi đăng cho tôi trên Báo Văn Nghệ, Thiều gọi điện báo và còn nói: “Bài này ông hay hơn CLV rồi” rồi còn tán cả hàng chục phút. Với CLV, tôi luôn coi ông là cha tinh thần của mình, nên không thích thú chuyện so sánh trên, mà chỉ kinh ngạc về trí thông minh của Nguyễn Quang Thiều, khi Thiều đã lột truồng mọi ý tứ của tôi trong bài thơ có 4 câu trên. Và có lẽ vì thế tôi luôn coi Thiều là bạn tri kỷ của mình. Rõ ràng bài thơ của tôi và bài của Nguyễn Quang Thiều vừa dẫn ở trên hoàn khác nhau, chỉ giống nhau ở cách viết gợi mở, dành cho người đọc quyền tự do cảm nhận theo cách riêng của mỗi người. Có điều, sự liên tưởng phải căn cứ vào văn bản chứ không thể tùy tiện được, nếu không chẳng còn gì là chuẩn của hay dở nữa. Trong thực tiễn sáng tác có những bài thơ khó hiểu, nếu chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy chúng chất chứa rất nhiều điều để hiểu, đó là thơ của những nhà thơ có tư tưởng; trái lại cũng có những bài khó hiểu chỉ vì không có gì để hiểu cả.
 2012
ĐÔNG LA