LÊ VĂN DUYỆT CÓ BỊ OAN?
Trong cái video về “bẫy góc nhìn hẹp”, Trần Vũ Anh đã rất ấu trĩ và sai lầm khi nói: “Thế nhưng bài đăng trong hình chỉ khoét vào một đoạn ân oán giữa Lê Văn Duyệt và Vua Minh Mạng để phủ nhận vai trò lịch sử của ông”. Trần Vũ Anh chỉ là một chú bé, lời nói ít trọng lượng, lên mạng tìm hiểu chút, tôi ngạc nhiên khi thấy trên https://cand.com.vn/, 24/03/2008, có bài “Bi kịch của tả quân Lê Văn Duyệt triều Nguyễn” của Nguyễn Hồng Lam, có đoạn viết :
“Bức tượng Lê Văn Duyệt vừa khánh thành được đúc bằng đồng, cao 2,7m, nặng 2,8 tấn, do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện. Tượng mô tả ông theo đúng chân dung được vẽ trên tờ giấy bạc của miền Nam trước 1975. Trong đó, Đức Tả quân là người có khuôn mặt sáng, nhân từ, cái nhìn thấu thị… ông là một võ tướng, sự nghiệp gắn với những võ công hiển hách… là một bậc kỳ tài quân sự. Ông đã theo phò Nguyễn Ánh … lập nhiều công lao hãn mã trong việc đánh đuổi nhà Tây Sơn… Là một người có tấm lòng cởi mở, khoan hòa, Lê Văn Duyệt đã sớm nhìn ra lòng dạ hẹp hòi và đầu óc thiển cận, cố chấp của Nguyễn Phúc Đảm (Vua Minh Mạng sau này), người được Gia Long ưu ái tuyên chọn, từ đầu đã tỏ ra không phục… Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi. Là khai quốc công thần, Tả quân Lê Văn Duyệt từng được Gia Long cho hưởng nhiều đặc ân, trong đó có hai đặc ân "nhập triều bất bái" và "tiền trảm hậu tấu". Vì vậy sau này, ông dứt khoát không chịu lạy vua Minh Mạng …
Tuy hận nhưng (Vua) không thể đường đột biếm chức hay hặc tội vị trọng thần …sau khi Lê Văn Duyệt mất vào đêm 30/7/1832 … Lê Văn Khôi đã … dấy binh làm loạn… mãi đến năm 1835, quân thảo phạt mới chiếm được thành Phiên An… Lê Văn Duyệt, dù chết đã từ lâu vẫn không tránh được liên lụy, vẫn bị Minh Mạng trả thù.
Lê Văn Duyệt… đã có những lúc hàm oan bị lịch sử xem như những tội đồ, gây ra những cuộc tranh cãi học thuật hàng thập kỷ… Nhưng lòng dân công tâm, đền thờ ông … vẫn được dựng nhiều nơi. Lịch sử phức tạp có thể mang những định kiến chủ quan và sai lầm, nhưng lòng dân thì luôn sáng suốt và giản dị: ai thương dân, đó là người yêu nước… vẫn luôn được nhân dân xem như những bậc anh hùng”.
***
Nguyễn Hồng Lam viết Lê Văn Duyệt “nhân từ” xem chừng hơi buồn cười, bởi có tài liệu ghi: “Lê Văn Duyệt … khi hành quân ai hơi lui là đem chém ngay, không rộng tha ai. Mỗi khi thắng trận giết hết giặc, nói rằng để làm lễ tế Tống Viết Phước. Nguyễn Ánh lo Duyệt giết hại quá, dụ răn Duyệt”; “Tính tình Lê Văn Duyệt nghiêm khắc, tướng sĩ dưới quyền không ai dám nhìn mặt, quan chức đồng liêu cũng sợ sệt…” ( Đại Nam liệt truyện, tập 2, NXB Thuận Hóa); Rồi: “Năm 1823, sứ giả Miến Điện là Gibson được vua Ava phái đến Việt Nam để thiết lập ngoại giao nhằm cô lập Xiêm. Sứ đoàn được Lê Văn Duyệt tiếp đón tại Gia Định… Trong dịp này, Gibson đặc biệt chú ý tới hình thức hành hình tội phạm bằng cách cho voi giày, được quan Tổng trấn sử dụng thường xuyên. Gibson đánh giá quan Tổng trấn là người cực kỳ hà khắc và chuyên quyền”. (Sách trên).
Việc cho Lê Văn Duyệt là “một bậc kỳ tài quân sự” xem chừng cũng không phải. Nếu tài thật, Lê Văn Duyệt phải giúp Nguyễn Ánh đánh thắng Nguyễn Huệ, không bị thua chạy, không phải nhục nhã cùng Nguyễn Ánh sang cầu cạnh quân Xiêm, rồi nhờ quân Pháp, mang trọng tội rước giặc vào nhà. Còn “những võ công hiển hách”; “lập nhiều công lao hãn mã trong việc đánh đuổi nhà Tây Sơn” của Lê Văn Duyệt khi đối thủ là Vua Quang Toản chỉ là một chú bé thì chiến công cũng không được hiển hách cho lắm.
***
Nguyễn Hồng Lam thật bậy bạ và sai trái khi viết: “Lê Văn Duyệt đã sớm nhìn ra lòng dạ hẹp hòi và đầu óc thiển cận, cố chấp của Nguyễn Phúc Đảm (Vua Minh Mạng sau này)”. Bởi trong bộ Quốc Triều chính biên toát yếu (Cao Xuân Dục chủ biên), sử thần nhà Nguyễn đã ca ngợi vua Minh Mạng như sau:
“Đức Thánh tổ ta thiên tư là bậc thượng thánh… Võ oai vang đến nước Xiêm, nước Lào… Vả lại lúc vạn cơ thong thả, lưu ý về việc văn chương… Ngài thiệt là bậc Đại thánh… mở lối trị văn minh ngàn muôn đời cho nước Đại Nam ta. Tốt thay! Thạnh thay!” (Quốc triều chính biên toát yếu).
Sử thần Nhà Nguyễn tất phải ca ngợi vua, nhưng so sánh với thực tế thì không phải là chuyện bịa đặt.
Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược có nhận xét khách quan hơn:
“Trong đời vua Thánh Tổ làm vua, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ…
Vậy cứ bình tĩnh mà xét, thì chính trị của ngài tuy có nhiều điều hay, nhưng cũng có nhiều điều dở; ngài biết cương mà không biết nhu, … nói rằng ngài là một ông anh quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là ông bạo quân thì không công bằng. Dẫu thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn ngài vậy”.
Nếu đối chiếu với sự thật thì Nguyễn Hồng Lam viết Vua Minh Mạng “lòng dạ hẹp hòi và đầu óc thiển cận, cố chấp”là đã viết ngược.
***
Vì năm 1820, khi Vua Gia Long chết, chính Vua Minh Mạng đã cho Lê Văn Duyệt trở lại làm tổng trấn Gia Định thành. Khi Lê Chất (Tổng trấn Bắc Thành) và Lê Văn Duyệt (Tổng trấn Gia Định Thành) cùng vào Huế chầu, cả hai bàn nhau rằng họ là kẻ võ biền ít học, nay thời bình nên xin từ chức. Minh Mạng không cho.
Phải là vị vua bao dung, vị tha, mới làm được vậy. Bởi những vị vua mới lên ngôi, có toàn quyền, thường loại hết nhữngngười không ủng hộ mình, thậm chí như bên Tàu, để giữ ngôi họ còn giết luôn cả công thần có thế lực. Như Hàn Tín từng phá Hạng Võ cho Lưu Bang, nếu Lưu Bang không chấp thuận, Lã Hậu không dám giết Hàn Tín.
Vua Minh Mạng đã trao quyền tổng trấn Gia Định thành cho Lê Văn Duyệt như thả hổ về rừng, như trao lãnh địa cho lãnh chúa. Không chỉ vậy, khi mới lên ngôi, gọi là quốc hiếu, cấm việc tang lễ, nhưng cha Lê Văn Duyệt qua đời, Vua Minh Mạng đã đặc cách cho Lê Văn Duyệt để tang cha, phong cho cha hàm Đô thống chế nhất phẩm; năm thứ 3 (1822), đặc cách tặng mẹ Lê Văn Duyệt làm nhất phẩm phu nhân; năm thứ 6 (1825), cho vợ Duyệt là Đỗ Thị Phẩn 1000 quan tiền. Năm 1824, Vua Minh Mạng cho Lê Văn Yên (Kiêu kỵ đô úy, con nối dõi Duyệt) làm Phò mã đô úy, lấy Trưởng công chúa thứ 10 là Ngọc Ngôn.
***
Nguyễn Hồng Lam viết Lê Văn Duyệt bị “hàm oan” do “Lịch sử phức tạp có thể mang những định kiến chủ quan và sai lầm” thì Nguyễn Hồng Lam đã không chỉ cho Vua Minh Mạng mà còn cho cả Bác Hồ và Lịch sử Cách mạng của nước ta là “sai lầm”!
***
Sự thật, khi Vua Gia Long qua đời, Lê Văn Duyệt bất phục vua Minh Mạng, đi ngược chính sách của Vua Minh Mạng lấy nho học làm nền tảng, Lê Văn Duyệt lại thân thiện với Pháp, Anh. Lê Văn Duyệt muốn hậu duệ của Hoàng tử Cảnh lên ngôi để dễ bề thao túng nhưng ý không thành.
Khi Vua Minh Mạng cử Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nghiêm vào Nam nhậm chức Tổng đốc và Bố chính một tỉnh mới chia tách, Lê Văn Duyệt đã từ chối, không tuân lệnh vua. Năm 1830, Lê Văn Duyệt cho sửa sang gia cố thành Qui trở nên kiên cố còn hơn cả Kinh thành Huế. Vua Minh Mạng cho rằng để phòng giặc Xiêm thì về đường bể phải phòng ở Hà Tiên, về đường bộ phải phòng ở Chân Lạp. Lê Văn Duyệt gia cố Thành Qui như thế là phòng triều đình chứ không phải phòng ngoại họa! Vì vậy Vua Minh Mạng đã cho rằng Lê Văn Duyệt "kháng mệnh triều đình, tóm thâu quyền lực, âm mưu cát cứ nuôi mầm phản loạn".
Khi Po Klan Thu từ trần vào năm 1828, vua Minh Mạng tìm cách đưa người trung thành với mình lên làm quốc vương Champa, Lê Văn Duyệt lại quyết định giao quyền cho Po Phaok The. Nên khi Po Phaok The lên ngôi, Champa không thần phục triều đình Huế mà gửi triều cống cho tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt. Nếu Lê Văn Duyệt còn trẻ, đất nước có thể có nguy cơ bị chia cắt, lại xảy ra thời Nguyễn-Lê phân tranh.
Như vậy Lê Văn Duyệt đã nhiều lần lạm quyền, làm sai, hoặc chống lệnh Vua, tức phạm tội khi quân, một tội nặng nhất theo luật thời phong kiến. Nhưng Vua Minh Mạng vẫn để yên.
Chỉ khi Lê Văn Duyệt mất vào năm 1832, quân của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi phản loạn, Vua Minh Mạng mới trị tội Lê Văn Duyệt.
***
Lê Văn Khôi là một người ở Cao Bằng đã khởi binh chống Nhà Nguyễn, bị đuổi đánh, thua chạy vào Thanh Hóa, đã gặp Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt không chỉ thu nhận Lê Văn Khôi mà còn thu nạp hết những người làm phản, một hành động nuôi mầm hoạ cho triều đình. Quả thực, khi Lê Văn Duyệt mất, Lê Văn Khôi đã tập hợp thuộc hạ làm loạn, tràn vào dinh Bố chính giết chết Bạch Xuân Nghiêm, rồi giết luôn Nguyễn Văn Quế. Triều đình đã đánh dẹp. Sau vài tháng, Lê Văn Khôi yếu thế, đã cầu viện Vua Xiêm. Quân Xiêm đã chia 5 đạo, đường thủy thì qua ngả Vịnh Thái Lan, đường bộ thì qua đất Chân Lạp, tiến đánh Gia Định. Mãi đến năm 1835, quân triều đình mới dẹp được cuộc phản loạn.
Chính vì vậy, hoàn toàn không phải như bọn nhìn lịch sử bằng con mắt thiển cận, không có lương tri, đã cho Vua Minh Mạng vì tư thù cá nhân mà vu oan cho Lê Văn Duyệt. Sự thật, sau khi triều đình dẹp xong cuộc phản loạn bởi quân của Lê Văn Duyệt, Phan Bá Đạt ở Đô sát Viện đã dâng sớ kể tội Lê Văn Duyệt, Vua Minh Mạng đã chỉ dụ cho nội các gồm Hà Văn Quyền, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quỳnh xét xử. Họ đã dâng sớ kể tội trạng của Lê Văn Duyệt có bảy tội nên trảm (chém), hai tội nên giảo (thắt cổ), một tội phải sung quân (tự tiện bắt biền binh đóng thuyền). Từ đó, Vua Minh Mạng mới cho xiềng xích mộ của Lê Văn Duyệt, phạt 100 trượng, và ra dụ có đoạn:
“Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết… cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" (Chỗ này là nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình phạt).
Nhưng rồi Vua Thiệu Trị, sau khi lên ngôi vào năm 1841, đã có hai việc lớn làm trái với Vua cha Minh Mạng: đã bỏ đất Trấn Tây Thành, bỏ luôn phủ Quảng Biên và huyện Khai Biên; đã xoá tội và cho sửa sang, xây lại mộ phần của Lê Văn Duyệt.
Năm 1942, ngôi mộ đã được chính quyền Pháp mà Lê Văn Duyệt được coi là “một người bạn trung thành của người Pháp” và một ủy ban tôn giáo tu bổ, cải tạo kiên cố.
***
Như vậy, việc tôn vinh Lê Văn Duyệt là làm theo cách đánh giá của quân xâm lược Pháp. Cho việc kết tội Lê Văn Duyệt, người có đại công với Vua Gia Long, là sai lầm thì việc kết tội Vua Gia Long cũng sai. Nhưng Bác Hồ, người từng ra đi tìm đường cứu nước, lãnh đạo dân ta đánh đuổi Pháp xâm lược, khai sinh một nước VN mới độc lập, trong diễn ca ”Lịch sử nước ta”, Bác đã viết Vua Gia Long là: “cõng rắn cắn gà”, “rước voi giày mả”. Vậy theo Nguyễn Hồng Lam, Bác Hồ cũng sai lầm về lịch sử, Bác tìm đường cứu nước, đánh đuổi Pháp cũng là sai sao?
2-10-2024
ĐÔNG LA