Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

SAU 30-4

ĐÔNG LA
SAU 30-4
Trong bài thơ Như có một sự xếp đặt của tôi có câu:
Tất cả những cách ngăn cháy rụi ra tro trong khoảnh khắc
Trong vòng ôm đầu tiên
Đó chính là chuyện tình cảm thực của tôi, không cố ý nhưng nó lại có tính khái quát về sự hòa hợp của cả dân tộc. “Vòng ôm” thể hiện tình yêu, tình người, nó chính là cái đầu tiên và quan trọng nhất đốt cháy những rào cản ngăn cách. Nhưng đó mới là lý thuyết, đi vào thực tế lại không dễ. Với một cá nhân, người có tầm nhìn cao hơn bình thường còn có nhiều chuyện trục trặc thì với phạm vi của cả một dân tộc lại càng không đơn giản. Ở Viện Công nghiệp Dược tôi có anh bạn thân, học cùng, cùng về viện, một lần tôi “bắt sống” anh chàng hôn một cô bạn cùng phòng. Nhưng rồi tình yêu của người kỹ sư cựu binh Đảng viên không đủ hot đốt cháy rào cản ngăn anh chàng với một cô dược sĩ có thành phần y như vợ tôi, nhưng về cấp độ thì còn kém nhiều: liên quan đến Mỹ Ngụy và là dân Công giáo! Đó là chuyện dễ hiểu vì ai người ta cũng phải nghĩ đến chuyện phấn đấu tiến lên; lấy vợ “Mỹ Ngụy”, công giáo hồi ấy thì có khác gì tự cột chân mình dẫm chân tại chỗ. Còn tôi đúng là “hâm” như nhiều người trong cơ quan gọi, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện “phấn đấu” cả, tôi sống theo tình cảm, và cái ý nghĩ duy nhất thường trực trong tôi là tôi chỉ muốn mình trở thành một người giỏi giang mà thôi!
Nhưng trong thực tế cuộc “hòa hợp dân tộc” giữa tôi và vợ tôi cũng có lắm chuyện. Cái chính là “Mỹ Ngụy” và Công giáo của vợ tôi thì không ảnh hưởng gì vì tôi đã xác định trước. Cho dù về mặt chính nghĩa phi nghĩa tôi không bao giờ thay đổi quan điểm, vì phải xuất phát từ nhận thức toàn diện về lịch sử và dựa trên cơ sở của đạo lý, đã là xâm lược thì không thể là chính nghĩa được. Nhưng tôi đã nghĩ, nếu ở Miền Nam rất có thể tôi cũng sẽ là lính Ngụy. Còn tôn giáo? Thực ra nước ta chẳng có tôn giáo nào cả, tất cả là do du nhập, do truyền đạo. Có điều, ý thức tôn giáo đã ngấm vào máu như tình cảm với cha mẹ, còn có tính thiêng liêng nữa thì khó mà thay đổi được. Vì học khoa học, làm ở viện nghiên cứu nên lúc đầu tôi hơi bị dị ứng với chuyện sùng đạo của vợ tôi và gia đình vợ. Về đức tin thì không bàn nhưng cái chính là mất nhiều thời gian đi nhà thờ. Sau này, khi tìm hiểu về Đạo Phật để viết về cuốn của Nguyễn Hữu Sơn, rồi chuyện ngoại cảm nở rộ, được khoa học qua việc xác định gen công nhận, tôi thay đổi rất nhiều thái độ về tôn giáo. Tất nhiên, những giáo lý như những chuyện thần thoại mâu thuẫn với khoa học thì không thể tin, nhưng cái chính là một thế giới vô hình là có thật. Vì chính nó vô hình, khoa học hiện đại cũng không khảo sát được, nên các dân tộc khác nhau đã nhận thức khác nhau, diễn giải khác nhau, tạo ra các lễ nghi thờ cúng khác nhau là chuyện tất nhiên. Tôi không theo đạo nào cả, đạo của tôi là đạo khoa học. Nhưng với tôi khoa học không chỉ là những định luật, là cộng trừ nhân chia, mà còn là sự nhận thức về tất cả những hiện tượng có trong đời sống. Vì vậy, cần phải tôn trọng tín ngưỡng của tất cả mọi người. Với cái nhìn của khoa học, có những tín điều mâu thuẫn nhau, mâu thuẫn với chính thực tại; dù vậy, tôn giáo sẽ là cái phanh (cái thắng) của đạo đức, kìm nén lòng tham; cái rất dễ đẩy con người ta lao xuống vực thẳm tội lỗi. Có điều thật tiếc, chính tôn giáo cũng lại là nguyên nhân để người ta đánh nhau!
Dù hiểu biết như vậy, suy nghĩ như vậy, nhưng sự hòa hợp của chúng tôi vẫn không phải là hoàn toàn êm thấm. Những khác biệt về thói quen, về đặc tính vùng miền, về hoàn cảnh sống, v.v… cũng tạo ra những mối bất hòa không nhỏ. Kể từ những cái vặt vãnh nhất là về khẩu vị. Có lần tôi đã phát cáu khi nấu nướng vợ tôi cứ cho đường vào: “Lưỡi bà bị điếc à?! Bà không phân biệt được ngọt của đường với ngọt của thịt, cá à?!”
Nhưng rồi động lực để vượt qua được tất cả những khác biệt đó chính là tình thương, nhất là tình cảm với con cái. Và cái quan trọng nhất, lại nói theo triết học Mác, tồn tại quyết định ý thức; vật chất quyết định ý thức; tôi đã làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha, tạo dựng một cuộc sống gia đình theo được nhịp phát triển của đất nước.
Vì vậy, sự hòa hợp của dân tộc VN nói chung, cái điều kiện cơ bản nhất vẫn là sự phát triển, sự tiến bộ của chính đất nước VN này; còn không sẽ mãi là ngăn cách, là hận thù; thậm chí sẽ lại là những cuộc nội chiến; như lịch sử của chính đất nước này đã diễn ra, không chỉ một lần. 
3-5-2013