BÀN TAY KHÔNG
CHE NỔI MẶT TRỜI
Nguyễn Văn Thịnh
Một vị trưởng lão đang sống ở thành phố HCM gởi cho
tôi bài viết “Một quan điểm đánh giá về Nguyễn Ánh và triều Nguyễn” của ông Trần
Văn Chánh. Đầu trang có mấy dòng trao đổi giữa tác giả với nơi nhận bài như
sau:
Kính gởi Trang thông tin điện tử Hội Khoa học lịch
sử Đồng Tháp.
Xin gởi đến Trang thông tin điện tử Hội KHLS Đồng
Tháp bài viết kèm theo đây để tùy nghi sử dụng hoặc không tùy theo quan điểm chủ
trương của Hội (bài vừa đăng chính thức và nguyên văn trên Bán nguyệt san Văn
hóa Phật giáo số 216 ngày 1/1/2015, đã phát hành hôm nay 29/12/2014)
Trân trọng kính chào.
BBT trả lời, đã gửi Mail.
Xin cảm ơn ông Trần Văn Chánh gởi bài cho báo Đồng
Tháp xưa & nay. Xin ông cho biết địa chỉ cơ quan hoặc nơi cư ngụ bởi vì báo
chúng tôi chỉ đăng bài khi biết rõ lai lịch tác giả. Chúng tôi đánh giá thấp
bài của ông vì nó thô thiển, phụ họa cho phe phái chống lại tư tưởng Hồ Chí
Minh khi đánh giá về Nguyễn Ánh.
Người viết tuy chưa có dịp diện kiến nhưng đã hơn
một lần gặp ông Trần trên những trang báo và được biết ông là người nghiên cứu
Hán học, có viết sách. Đã từ lâu trong xã hội ta không còn nhà nho mà chỉ có số
ít người học chữ Hán-Nôm. Học chữ Hán thật khôn cùng. Ông Quách Mạt Nhược được
coi là người giỏi Hán học nhất nước Trung Hoa thời cận hiện đại cũng chưa dám nhận
biết hết được ngữ nghĩa từ ngữ Hán. Ở ta, thời thuộc Pháp, giám mục Pugignier,
người cộng tác đắc lực rất có uy tín với chủ nghĩa thực dân đã nhận xét: Để giới
nho sỹ Việt Nam
tồn tại thì nhà nước Đại Pháp không thể áp đặt được nền thống trị của mình! Chữ
Hán-Nôm bị bức tử, thay bằng chữ Quốc ngữ. Đến nay dù chữ Hán-Nôm đã thành thứ
chữ “kính nhi viễn chi” với thế hệ “người Việt Nam quốc ngữ” nhưng trong tâm thức
công chúng vẫn dành cho người nho học tình cảm rất đặc biệt. Cho nên câu trả lời
của BBT báo Đồng Tháp xưa & nay đủ để ông Trần Văn Chánh suy ngẫm.
Bằng những bài viết về lịch sử Việt Nam cận và
hiện đại, ông Trần Văn Chánh tự làm mất niềm tin của công chúng vào một người
nho học hiếm hoi giữa thời buổi hiện nay. Lời ông nói trái với việc ông làm.
Ông dạy người ta: “Viết sử đòi hỏi phải có sự nghiền ngẫm sâu xa, nêu lên được
những bài học tham khảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vun đắp
nhân bản” (Tạp chí “Nghiên cứu và phát triển” Thừa Thiên-Huế, số 4/2011) mà ông
lại đưa ra cái lý sự vàng thau lẫn lộn: “Chiến tranh là hành động bất đắc dĩ nếu
không muốn nói là xuẩn ngốc, bởi nó luôn đem lại sự đau thương chết chóc cho tất
cả các bên tham gia chiến cuộc. Trong mọi cuộc chiến tranh đều có kẻ thắng người
thua nhưng chiến công của một người hay của một nhóm lớn người này lại là sự đau
khổ và thua thiệt của nhóm người khác chiến bại nên nếu đứng từ góc độ nhân bản
sẽ chẳng thấy có gì đáng để tự hào”. Vậy thì những chiến công của Ngô Quyền, Lý
Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… đều là vô nghĩa?! Khi ông Phan
Huy Lê đầu têu tung ra câu chuyện giật gân “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn
Tám hoàn toàn không có thật”, bị công luận từ những chiến sỹ trên mặt trận Sài
Gòn – Gia Định ngày ấy phản ứng quyết liệt, chính ông Lê đã phải thanh minh: “Lê
Văn Tám không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật nhưng phản ánh một sự kiện
lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật” và “Tôi nhấn mạnh là
giáo sư Trần Huy Liệu không hề hư cấu kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy”. Ông
Chánh đọc sách theo kiểu lang băm: “Phúc thống trị nhân ngôn” mà không cần xem đến
hai từ sau là “tắc tử”(!), đã vội khoa bút chờ một ngày những trường học, công
viên mang tên người thiếu niên hóa thân thành “ngọn đuốc sống” tiêu biểu cho
tinh thần yêu nước của đồng bào Nam bộ sẽ được thay vì bằng những tên Gia Long,
Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký! Ông Trần khư khư ôm điều dối trá và xúc phạm tới
nhà sử học bậc thầy: “Nghĩ cũng có chỗ đáng thương cảm cho cố giáo sư Trần Huy
Liệu, cho đến phút lâm từ mới dám trối trăng lại sự thật” và “nghéo” lại bậc tiền
nhân khả kính: “Bản chất của sử học, nếu đã có chữ “học” trong đó rồi thì phải
tôn trọng sự thật.” (Tạp chí “Nghiên cứu và phát triển” Thừa Thiên Huế – số/87).
Không biết sự học của ông Chánh tới đâu mà ông có tôn trọng sự thật đâu!
Từ sau
ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là từ sau khi hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ,
có nhiều luồng tư tưởng trái ngược với hệ tư tưởng chính thống đã nở rộ lên,
trong đó có những quan điểm đòi xem xét lại lịch sử, trước hết là lịch sử vương
triều Nguyễn cuối cùng trong nền quân chủ Việt Nam. Lịch sử là chuyện đã qua,
thuộc về quá khứ. Nếu như hiện tại tìm ra từ những trầm tích hoặc tư liệu có điều
gì mới mà đặt vấn đề xem xét lại thì rất là hay. Nhưng với triều Nguyễn Gia
Long thì vẫn còn nguyên đó những sự kiện và những con người – cả những chứng
tích, chứng cứ và chứng nhân hiện hữu. Nhưng cái nhìn của một số người đã đổi
khác đi. Vậy là lòng người thay đổi chứ lịch sử không thay đổi. Trong khi không
phát hiện sự kiện lịch sử nào mới lạ mà đòi hỏi sử học phải đổi thay theo ý đồ
của một thế lực hay cá nhân nào đó thì thật là bất cẩn hồ đồ nếu như không nói
là phi lý. Thực chất sự đòi hỏi ấy không mang tính khoa học mà chủ yếu mang màu
sắc chính trị xu thời. Bởi vì thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc,
giành độc lập thống nhất tổ quốc của nhân dân ta như một chấn động lớn trong cộng
đồng thế giới. Nó làm phấn chấn lòng người, khích lệ các cuộc đấu tranh chính
nghĩa của nhân loại tiến bộ chống áp bức bất công, thì đồng thời nó cũng là một
đòn đau với các thế lực bành trướng chủ trương áp chế, khuất phục ý chí độc lập
tự chủ của các dân tộc khắp bốn biển năm châu. Tất nhiên các thế lực ấy muốn bảo
vệ mình thì phải làm đảo lộn nhận thức coi thắng lợi to lớn của nhân dân ta như
một thất bại thảm hại tự ta chuốc lấy! Cũng như trên thế giới hiện nay có một xu
hướng muốn đảo lộn nhận thức về Thế chiến thứ II (WWII)! Buồn thay, trong bối cảnh
một nước Việt Nam độc lập-hòa bình-thống nhất là niềm mơ ước của bao nhiêu thế
hệ thì do sự chi phối từ một thế lực nào đó mà một bộ phận trí thức hoặc vì
danh lợi, hoặc vốn dĩ hoạt đầu cơ hội, hoặc thối chí “chiêu hồi”, hoặc vì “ngựa
quen đường cũ”, dựa dẫm vào một số người giữ trọng trách thiếu bản lĩnh văn
hóa, thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc mị dân bởi năng lực mình yếu kém, để số
người kia tác oai tác quái, tung hỏa mù nhân danh đổi mới làm nhiễu loạn xã hội,
gây tâm lý nghi hoặc, biến phải thành trái, biến thắng thành thua, lẫn lộn
chính tà, làm mất niềm tin vào tương lai đất nước. Ông Chánh vội coi những ý kiến trong cuộc hội thảo ở
Thanh Hóa năm 2008 về vương triều Nguyễn Gia Long và sau đó là những cuộc hội
thảo chuyên đề về từng nhân vật như sự đã rồi. Dưới chiêu bài đổi mới, nhiều sự
kiện lịch sử được đưa ra bàn luận và có những ý kiến trái với nhận định trước đây.
Dù sao đó mới chỉ là những quan điểm khuôn trong giới hạn cuộc hội thảo, chưa
phải là sự đồng thuận của xã hội, hơn nữa của Nhà nước để được coi là chính thống.
Cần hiểu rõ đến nay chưa ai có đủ tư cách phủ nhận sự đánh giá của Hội nghị sử
học năm 1963 tại Hà Nội dưới tư tưởng Hồ Chí Minh, có sự tham gia và đồng thuận
của những nhà cách mạng, nhà văn hóa và sử học lớn vừa có tâm vừa có tầm như: Trường
Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Trần Văn
Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Phạm Ngọc Thuần, Ca Văn Thỉnh…
Các ông như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn lúc ấy đã
vào tuổi “nhi lập”, là những trợ thủ đắc lực cho các bậc thầy. Vậy mà tại sao
trên các phương tiện truyền thông đồng loạt rầm rĩ tuyên truyền, thậm chí lại được
Hội sử học phát tán về các tỉnh thành trong toàn quốc coi như cuộc hội thảo ấy đã
giải quyết xong mọi sự tồn đọng của lịch sử! Việc làm mờ ám ấy khiến dư luận xã
hội khá là bức xúc. Vậy nên ngày 16/4/2009, Văn phòng Ban chấp hành TƯĐCSVN ra
thông báo số 7098-CV/VPTƯ gửi Ban tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ
Thông tin và Truyền thông, nêu rõ ràng:
“…Ban Bí
thư có ý kiến chỉ đạo như sau: Việc đánh giá về các chúa Nguyễn và các vương
triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam phải theo các quan điểm trong chính sử (các
tài liệu lịch sử chính thức được sử dụng hiện nay); giao Ban Tuyên giáo Trung ương
chỉ đạo Hội Sử học VN, các cơ quan thông tấn, báo chí không trao đổi, tuyên
truyền những vấn đề liên quan đến chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn…” đồng
thời “Tỉnh ủy Bến Tre tạm dừng các hoạt động, công trình liên quan đến cụ Phan
Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký”.
Đọc bài viết của ông trên bán nguyệt san Văn hóa
& Phật giáo số 216. Luận bàn chuyện sử ai cũng có quyền nêu ra chính kiến của
mình. Nhưng lại kỳ thị, hơn thua, võ đoán, sân hận thì thật là trái với tôn chỉ
Chân-Thiện-Mỹ của nhà Phật! Người viết cũng “dựa trên cơ sở sử liệu” mà nêu ra
những điều đã nói ở trên. Nhưng sử học là nói chuyện đã qua, một đời người đã
“tam sao thất bản”, huống chi nói chuyện xa xưa; lại càng không thể nói là “đầy
đủ và được thẩm tra rất kỹ” như ông mong mỏi. Vậy chỉ dám đưa ra một vài thiển
ý như sau:
Một là: Học thuyết Marx là một phát minh khoa học
vĩ đại của loài người. Cái gọi là giáo điều, ấu trĩ, công thức, máy móc, hẹp
hòi, giản đơn, tả khuynh… chỉ là hệ quả của những người tiếp thu nó như “ăn gạo
sống” (!), hoặc ở những người không có
khả năng phản bác nó, đã xuyên tạc nó. Trong số hiếm hoi người bình luận triết
học được chú ý hiện nay, nhà văn Đông La viết: “Tinh thần chống đối của họ dường
như xuất phát từ tính kiêu ngạo tiểu nông, khí khái phong kiến, chưa biết mình
biết người, chẳng khác gì lấy gang tay đo chiều cao rộng của đất trời, lấy bát ăn
đong nước của biển cả!” (Karl Marx – một tình yêu bao la). Một thực tế là cho đến
hôm nay, học thuyết Marx vẫn được thừa nhận có giá trị đóng góp cho sự phát triển
của xã hội loài người, bằng chứng là Marx vẫn đứng ở “top” đầu trong các cuộc
bình chọn nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại. Thái độ đúng để học tập chủ
nghĩa Marx là biết vận dụng nó hợp với yêu cầu của thực tiễn lịch sử. Thắng lợi
của cách mạng Việt Nam hoàn toàn không phải là “biết vận dụng chính trị vào mục
tiêu trước mắt” để bóp méo sự thật, nhào nặn lịch sử như ông Chánh nghĩ. Thể hiện
rằng ông Chánh đã không biết gì về chủ nghĩa Marx và luôn đi bên lề những chuyển
động vĩ đại của lịch sử nước nhà, nên mới có thái độ ngả nghiêng quay quắt: lúc
khen đáo để, lúc chê hết lời như ông Trần Hữu Phước đã chỉ ra (tuần báo Văn nghệ
TPHCM số 338)!
Hai là: Thật không sao hiểu nổi một người học
nho, bàn về sử học lại có thể nói ra: “Trong lịch sử hễ ai xuất thân nông dân
áo vải, chiến đấu “liều chết” tới cùng với quân giặc hay với phe mình cho là phản
diện, thì đều tốt cả”! Xưa nay trong lịch sử bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta, bao
giờ cũng tập hợp được đông đảo những người yêu nước, hoặc trực tiếp, hoặc gián
tiếp, không chỉ toàn là những người “áo vải”, mà gần như có đủ mọi thành phần
trong xã hội, ngoại trừ những kẻ cam tâm bán rẻ quyền lợi quốc gia dân tộc. Gần
đây nhất là cuộc kháng chiến lâu dài chống ách thống trị phương Tây, nhiều chứng
nhân còn hiện hữu. Chính vì đòi quyền được sống bình đẳng tự do và chủ quyền
dân tộc, những người yêu nước không tiếc bất cứ điều gì, thậm chí dám “xả thân
vì nghĩa lớn” chứ không phải là sự “liều thân”. Là người từng làm tự điển
Hán-Việt, hẳn ông Chánh biết rõ bản nghĩa của cặp từ “hy sinh” và “liều thân”
khác nhau thế nào. Đó là thái độ xúc phạm đến bao nhiêu lớp người “vị quốc vong
thân”. Trong khi 90 triệu người, tất nhiên trong đó có cả bản thân ông Chánh, đang
được hưởng thành quả của những sự quên mình thiêng liêng ấy: Một nước Việt Nam độc lập,
hòa bình, thống nhất, mọi người lương thiện được sống yên ổn lo tới tương lai tốt
đẹp hơn. Bằng cái luận điểm “thể tất nhân tình”, tức là những nhân vật gây nên
họa mất nước, đẩy dân đen con đỏ xuống hầm tai vạ như Gia Long, Tự Đức, Phan
Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký – có cần thêm cả ông linh mục Bá đa lộc nữa không?
phải được nhân dân phụng thờ như những anh hùng cứu nước cứu dân?!
Ba là: Biện hộ cho việc “cõng rắn cắn gà nhà” của
Nguyễn triều, mở đầu từ tiền lệ Nguyễn Ánh, ông Chánh viết: “Nếu chịu nhìn nhận
vấn đề trên một quan điểm hoàn toàn thực tế và “cận nhân tình”, người ta sẽ dễ
dàng thấy đây cũng là một lẽ tất nhiên trong lịch sử khi có hai thế lực đối đầu
nhau mà một bên trước hết cần thủ thắng, rồi sau đó mới tính chuyện khắc phục hậu
quả, không khác mấy với trường hợp miền Bắc Việt Nam phải nhờ vả Liên Xô, Trung
Quốc để đánh Mỹ, mà riêng đối với Trung Quốc thì bây giờ mới ngày càng thấy rõ
hơn những mối hệ lụy mà dân tộc Việt Nam phải trả giá và cần phải tiếp tục khắc
phục”. Giá như ông Chánh được học tập nghiêm túc một lớp vỡ lòng về chủ nghĩa
Marx, chắc là ông sẽ không thể nào có cái “lý sự cùn” như thế. Bởi ông sẽ biết
phân biệt thế nào là “bản chất” và “hiện tượng”. Không thể đem so sánh giữa Gia
Long với Nguyễn Ái Quốc khi cả hai đều long đong, lận đận, gian nan, vất vả đi
tìm con đường cứu nước. Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Marx trong bối cảnh
nào? Trong khi Gia Long ẩn náu ở một hòn đảo nhỏ, chưa biết nước Pháp ở đâu, ra
sao, đã liều lĩnh giao con, giao đất, giao ấn tín, coi như cả vận mệnh quốc gia
phó mặc vào tay một nhà truyền giáo xa lạ, tùy quyền định đoạt. Cùng đường,
Nguyễn Ánh ngửa bài “được ăn cả, ngã về không”! Khi so sánh việc đội quân xâm lược
Pháp, Mỹ đem súng đạn dội lên đầu nhân dân ta, buộc phải chịu sự khuất phục để
mất chủ quyền dân tộc, với việc những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp nhận sự
viện trợ của những người bạn đồng minh lúc đó. Là người từng sống vào thời kỳ
giữa những năm 1950, hẳn ông Chánh biết lúc ở thế bí, người Pháp ép “quốc trưởng”
Bảo Đại phải giao chức Thủ tướng cho triều thần cũ đã bỏ chủ là Ngô Đình Diệm.
Theo Trần Chung Ngọc, ông Diệm từ Mỹ bay qua Paris, quỳ gối trước Nam Phương
hoàng hậu hứa rằng sẽ đảm bảo cho Thái tử Bảo Long được thừa hưởng cái ghế của
cha. Thế mà ngồi chưa nóng chỗ, dưới sự bảo trợ của người Mỹ, bầy tôi làm một
cuộc đảo chính gọn hơ lật đổ vương triều Nguyễn cuối cùng, lập nên cái gọi là Đệ
nhất cộng hòa do ông ta làm Tổng Thống! Hai thập kỷ sau, hẳn ông Chánh được
nghe lời dứt ra từ gan ruột trước giờ phút cáo chung của người đứng đầu nền Đệ
nhị cộng hòa: “Người Mỹ đưa viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn đưa ít
thì chúng tôi đánh ít! Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải
là một ngày, một tháng, một năm, mà chỉ sau ba giờ chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc
lập”! Đến lúc đó, một số người vỡ lẽ ra bị phản bội, đã vì lòng tự trọng hoặc
hoang mang sẽ bị tàn sát như sự reo rắc thù hận bấy lâu, nên đã “tự sử” chứ
không thể gọi là “tử tiết” như ai nói vậy! Cũng như việc mất quần đảo Hoàng Sa
cũng không thể coi như “mối hệ lụy mà dân tộc Việt Nam phải trả giá”. Giả như tại hội
nghị Genève 1954, theo đề xuất của chính phủ VNDCCH lấy vĩ tuyến XIII hay XV
làm giới tuyến giữa hai miền, thì chắc chắn trong điều kiện lịch sử diễn ra sau
đó, quần đảo Hoàng Sa không thể là “nhượng địa” của sự thỏa hiệp giữa hai nước
lớn!
Bốn là: Người viết ráng đọc và trích ra một đoạn
diễn đạt ý tưởng của ông Chánh dưới đây mà chẳng đành lòng: “Trong khi vua Gia
Long (gắn với triều Nguyễn) chỉ có một và chung của dân tộc Việt Nam, nhưng sử
viết ở một bộ phận tác giả miền Bắc trong thời kỳ 1945-1975 lại khác với sử viết
trong thời kỳ tương ứng của phía Quốc gia Việt Nam (1949-1954) và Việt Nam cộng
hòa (1955-1975) “đối lập”. Điều này cho thấy sự phức tạp rõ ràng khởi đầu từ
nhu cầu, mục tiêu vận động chính trị của một bên nào đó chứ không xuất phát từ
sự thật lịch sử khách quan. Do vậy, bên nào có thời gian để cho yếu tố chính trị
chủ đạo xen vào nhiều hơn vì lý do vận động chính trị cho mục tiêu thắng lợi trước
mắt thì bây giờ cần phải xem xét lại vấn đề nhiều hơn, cho những mục tiêu lâu
dài”. Thưa ông, đất nước ta không may hai lần bị phân chia Nam, Bắc. Nếu như có
sự phân tranh gần 300 năm thời Trịnh-Nguyễn là bởi sự tranh giành quyền lực giữa
hai tập đoàn phong kiến, đưa đến việc hình thành gần như là hai quốc gia rõ rệt.
Nhưng 20 năm chia cắt sau này chỉ là tạm thời vì lý do kỹ thuật bởi tại các nước
lớn áp đặt cho ta. Tôi được đọc bài hồi ký của NGND Trần Thanh Đạm. Sau ngày 30
tháng Tư, trong đoàn cán bộ vào ông tiếp quản trường ĐHSP Sài Gòn. Buổi đầu họp
mặt với các thầy trò, sau khi trao đổi chủ trương của chính quyền cách mạng,
ông quay qua hỏi GS Nghiêm Toản có ý kiến gì không. Vị GS Hán học, người thầy
khả kính của nhiều thế hệ nhà giáo cả hai miền Nam, Bắc nói gọn một câu: “Tôi đã bỏ
chính nghĩa mà đi thì có còn gì để nói!”. Không ai dám nghĩ bậc trưởng thượng của
giáo giới ấy nói câu lấy lòng! Ở miền Nam, có được mấy người chống cộng quyết
liệt đến giờ phút chót như tướng Nguyễn Cao Kỳ. Hơn 20 năm xa xứ mà không chịu
nhập quốc tịch vào một nước nào. Nhiều lần trở về nước thăm trường cũ, làng xưa,
ông đã viết trong hồi ký: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ mà chúng tôi là
những kẻ đánh thuê!”. Không một ai nghĩ ông Nguyễn Cao Kỳ nói nịnh! Trước sự kiện
lịch sử vĩ đại ngày 30 tháng Tư, nếu có chút tư duy biện chứng hẳn ông Chánh
không thể cầm bút viết nên cặp từ “đối lập” giữa nhân dân hai miền Nam-Bắc, mặc
dù có hai thể chế chính trị khác nhau. Trong khoa học cần sự soi xét thấu đáo,
bàn luận nghiêm túc, để có được sự đồng thuận là điều không dễ, cần sự nhẫn nại
đợi chờ. Tuyệt nhiên không có chuyện hơn thua, cay cú. Xin dẫn ra đây nhận xét
của viên Cao ủy Pháp Harmand, tên thực dân cáo già rất quyết liệt trong việc
thôn tính Việt Nam: “Dân tộc Annam có ý thức về nòi giống ở mức độ rất cao, và đối
với chúng ta sẽ là cực kỳ nguy hiểm nếu họ đoàn kết lại, tất cả một lòng trong
một mối thù chung mà chúng ta là đối tượng”… “Tại An Nam không có một sỹ phu
nào, ngay cả một đứa trẻ con nào học ở trường, một người dân nào mà không biết
tên tuổi và chiến tích của các vị anh hùng đã trở thành truyền thuyết gắn liền
vào những bài vè, bài dân ca ca ngợi những ông vua, những lãnh tụ của nghĩa
quân trong bao thế kỷ đã phất cờ đại nghĩa chống lại những kẻ thù Trung Quốc xâm
lược và đuổi chúng ra khỏi nước Nam. Những sự kiện ấy đã xảy ra khi ta đánh chiếm
Nam
kỳ và trong chiến dịch hiện nay của chúng ta. Đó là những triệu chứng mà một
nhà chính trị không thể coi thường”. Cụ Hồ đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng
nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc
bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh
mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước
và lũ cướp nước”. Có người trí thức chân chính nào lại không biết trân trọng giữ
gìn vốn quý ấy của dân tộc mình?! Quá trình đấu tranh giữ nước lâu dài và gian
khổ, nhân dân ta rút ra điều như là định luật: Giặc ngoại xâm không đáng sợ bằng
quân nội phản.
Năm là: Ông Chánh hay dùng lá bài nhân văn, nhân
bản để biện hộ cho mình. Trước hết cần hiểu nó với tinh thần tích cực. Nhân văn,
nhân bản nghĩa là lấy con người làm gốc, làm trung tâm cho các hoạt động xã hội
để từ đó đánh giá dở hay. Điều tiên quyết với con người là quyền được sống. Hủy
hoại cuộc sống của người khác và không biết tự vệ để người khác hủy hoại cuộc sống
của mình đều phạm điều nhân bản. Cũng như với một cộng đồng hay một quốc gia, kẻ
xâm lược và người cam phận làm nô lệ đều là đồng phạm! Cho nên cần phải biết phân
biệt chính tà. Cụ thể ở đây là phân biệt rõ chiến tranh phi nghĩa và chiến
tranh chính nghĩa. Một quốc gia yêu chuộng tự do-dân chủ không đi xâm lược. Một
dân tộc biết tự trọng không chịu để mất nước. “Nước mất nhà tan” là điều dân ta
càng rõ. Tuy nhiên cuộc chiến tranh nào cũng lôi kéo được một bộ phận dân chúng
đi theo. Hoặc vì bất đồng chính kiến; hoặc bị lừa gạt – càng dốt nát càng dễ bị
lừa gạt; hoặc bị ép buộc; hoặc bị mua chuộc bằng những quyền lợi thiết thân. Một
sự thật là trong chiến tranh không hẳn cứ chính nghĩa là tất thắng và phi nghĩa
là tất bại. Sự thắng thua phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong sự thắng và sự thua cũng
có nhiều điều phải lý giải và phân tích ngọn ngành. Chính nghĩa mà thắng là điềm
lành của tinh thần nhân văn nhân đạo, là sự cổ vũ con người tin vào lẽ phải và
tin nhau. Phi nghĩa mà thắng là mối đe dọa không chỉ riêng ai, sự hằn thù ngự
trị, nạn diệt chủng sẽ là thảm họa! Khmer đỏ, Taliban, Nhà nước IS… là minh chứng.
Gần đây, một số nhân vật gọi là “nhân sỹ đối lập”
tung ra lập luận thọc sườn xã hội: Giá như đừng có cuộc Cách mạng tháng Tám thì
nhân dân ta đã tránh được cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, phí hoài bao nhiêu xương
máu mà độc lập tự do đương nhiên vẫn đến! Thậm chí họ còn nói bừa rằng: Không cần
nghĩ nhân dân ta đã đánh thắng mấy đế quốc to, mà chỉ tiếc nuối mấy nền văn
minh của nhân loại đã bị đuổi đi?! Những nền văn minh ấy là cuộc chiến tranh diệt
chủng? là sự hủy hoại môi sinh, môi trường để lại bao điều di hại cho một quốc
gia? “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú-lang-sa bằng vũ khí!”. Chẳng lẽ Phan
Thanh Giản là cha đẻ của những “nhân sỹ đối lập” thời nay?!
Nhà trường thông qua môn Sử học dạy cho những
công dân tương lai biết phân biệt phải trái, chính tà; biết căm giận và biết
yêu thương; biết chấp nhận và biết loại trừ; cao hơn nữa là biết ủng hộ điều
chính nghĩa và chống lại điều phi nghĩa. Những tấm gương trong sử học như cây cầu
nối giữa quá khứ với hiện tại nên phải rõ ràng. Hoặc là tấm gương sáng để noi
theo hoặc là tấm gương phản diện để tránh đi vào vết xe đổ đã từng. Nhiều nhà
giáo dạy sử có chung nhận xét: Trẻ em rất yêu thích môn lịch sử, nhất là lịch sử
nước nhà. Nhưng chính người lớn làm cho nó hết yêu! Người lớn là những ai?
Trong đó có những nhà sử học?!
Cuối cùng là: Điều hậu thế cần với một triều đại
là di sản tinh thần để lại. Các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và
Tây Sơn còn để lại không ít công tích biến thành di sản tinh thần phi vật thể
trong khi những di sản vật thể thật hiếm hoi, mà những đời sau vẫn thấy tự hào.
Riêng triều đại Nguyễn Gia Long dù để lại bao nhiêu thành quách, lăng tẩm, đền đài…
Nhưng mối hận mất nước của cả dân tộc và nỗi nhục nô lệ của nhiều thế hệ, vẫn
là một trang sử đen tối đau buồn xen giữa những trang sử vàng vinh quang Đại Việt.
Toan tính chiêu tuyết cho vương triều Nguyễn đã có từ lâu với ý đồ rất thâm
sâu. Bằng nhiều hình thức: Tổ chức rầm rộ cuộc hội thảo lớn rồi phân tán ra làm
các cuộc hội thảo tự phát, tận dụng các kênh truyền thông, sự mất cảnh giác của
các cơ quan quản lý, sự lúng túng trước các luồng thông tin đa chiều, kích động
lòng tự hào quê hương của các địa phương, dùng các hình thức nghệ thuật biến
nhân vật phản diện thành chính diện để cảm hóa lòng người, đi đến đích cuối
cùng là đảo lộn lịch sử! Mấy vị lão nông miệt vườn miền Tây đã qua ngưỡng tuổi
“xưa nay hiếm”, nói: “Kỳ lạ! Lứa tui chỉ “học đại” chớ không “đại học”, mà ở tuổi
học trò như tụi tui dưới trào Pháp, đám con cháu dưới trào Mỹ, đến trường đều
nghe các thầy giảng: “Vua Gia Long cõng rắn cắn gà nhà”. Vậy mà bây giờ nước
nhà độc lập thống nhất rồi, lại nghe ở Đồng Tháp ta đây, một đại gia cho xây
cái Linh từ gì đó to lắm, rồi cho đúc tượng đồng, lập bài vị, thờ hàng trăm ông
công tội dở hay lẫn lộn, mà lại được các ông sử học, hàn lâm chi đó ngoài Hà Nội
vô nói ngược! Người lớn còn rối mù lên huống chi con nít. Vậy học lịch sử để mần
chi?!”. Câu trả lời quá tầm người viết. Chờ các nhà “phương diện quốc gia” giải
đáp. Được biết ở Nga cũng có một thế lực muốn đảo ngược lại giá trị của cuộc
chiến tranh vệ quốc vĩ đại hồi Thế chiến II. Nhưng Tổng Thống Putin đã ra sắc lệnh
thành lập “Ủy ban bảo vệ lịch sử”, hoạt động rất tích cực.
Người ta còn dẫn lời ông Võ Văn Kiệt: “Đánh giá,
sử dụng những sự kiện lịch sử như thế nào là thuộc trách nhiệm của các nhà lãnh
đạo chính trị, nhưng đối với các nhà sử học thì tính chân thực của lịch sử là
quan trọng”. Đành rằng chính trị có lúc phải nói theo thời. Nhưng làm chính trị
với mục tiêu chân chính bao giờ cũng phải hướng về sự thật. Sử học là cái nền của
chính trị. Nói chính trị phục vụ lịch sử là với tinh thần ấy. Một khi chính trị
với lịch sử trái chiều nhau thì kiểu chính trị ấy không bền.
Đáng buồn là hiện ta thiếu những bộ óc lớn có uy
tín về văn hóa. Song cũng không thiếu những người làm sử tài năng tâm huyết, những
nhà lý luận, những người hoạt động xã hội có kinh nghiệm, hiểu biết lịch sử các
địa phương và đất nước mà vì những lý do gì đó nản lòng không muốn viết? Trong
khi những người được giao ngồi trên cái ghế sử gia thì nhấp nhổm, ngó trước
nhìn sau, ngả nghiêng trước những biến đổi xã hội bất thường không sao lường trước!
Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Số 344 Thứ năm ngày 12 tháng 3 năm 2015