VỀ TÁC GIẢ ĐÔNG LA

NGUYỄN HUY HÙNG
*Quê quán: Thanh  Miện, Hải Dương.
*Nghiên cứu Hóa Học, viết văn, làm thơ, viết phê bình.
*Giải thưởng cuộc thi thơ
Hội Nhà Văn  TPHCM 1986.
*Tặng thưởng thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998.
*Tặng thưởng phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1997.
*Giải A sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TPHCM 1993.
T Á C   P H Ẩ M
*Những dấu vết không phai (truyện, 1995, 1996).
*Những khúc quanh cuộc đời (tr, ngắn, 1997).
*Đêm thiêng (thơ, 1996).
*Biên độ của trí tưởng tượng (phê bình, 2001).
*Bóng tối của ánh sáng  (phê bình, 2012).

PHỎNG VẤN ĐÔNG LA CỦA NGUYỄN TÝ

         Thân gởi nhà văn Đông La
         Em Nguyễn Tý gởi anh 9 câu hỏi. Anh dành ít thời gian trả lời giúp em nhé. Nếu có thiếu sót, anh bổ sung thêm giúp em. Có tấm ảnh chân dung nào của anh cho em xin.
         Cảm ơn anh nhiều
         Nguyễn Tý: 09030.22229


ĐÔNG LA – 4 TRONG 1

           Bài phỏng vấn này được Phóng viên Nguyễn Tý thực hiện ngay sau khi lễ ra mắt Nguyệt san Văn chương Hồn Việt, khi mà tôi như còn đang đi trên mây vì thấy sản phẩm mình làm ra vừa ý người này người nọ, mà toàn là GSTS, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhiều năm làm báo. Ở bài phỏng vấn này, tôi vẫn luôn nhất quán thể hiện bản tính của mình, không tự kiêu, nhưng không giả vờ khiêm tốn, mà luôn tự tin nói những gì mình có, bởi tôi thấy nếu không tự tin người ta sẽ không dám làm gì và cũng không chịu trách nhiệm về cái gì! (ĐL)
NGUYỄN TÝ: Đọc truyện ngắn “Mẹ mất rồi hồn mẹ có còn không?” được biết bút danh Đông La tên thật Nguyễn Huy Hùng vào đời bằng kỹ sư. Duyên cớ nào anh rẻ sang văn học từ nhà thơ, nhà văn đến nhà viết phê bình lý luận?
ĐL: Nói theo giáo lý nhà Phật là do duyên nghiệp đấy. Chuyện này cũng dích dắc lắm. Hồi nhỏ mình chỉ thích học tự nhiên, mơ ước được trở thành nhà phát minh cơ. Rồi khi còn đang là sinh viên, có một sáng chợt thức giấc trong ký túc xá, mình đã nghĩ ra trong đầu bài thơ đầu tiên “Tình yêu và biển” (tập Đêm thiêng, NXB Trẻ, 1995), một bài thơ tình gồm toàn những hình ảnh mình tưởng tượng ra. Có lẽ do ngọn lửa tình yêu nó đốt cháy bùng lên cái hồn thơ hay sao ấy. Rồi người yêu đầu tiên bảo: “Không hiểu sao bạn bè em chúng nó cứ bảo anh viết thư và làm thơ hay lắm!” Đến khi đi làm ở một viện nghiên cứu về Dược của Bộ Y tế, năm 1982, một hôm có anh bạn học cùng lớp Hóa rủ sang nhà một bà đồng hương của ổng, đó chính là Nhà thơ Anh Thơ. Thấy bà là nhà thơ mình liền đọc một bài cho bà nghe, bà nói: “Hình như cháu có năng khiếu, nhưng thơ chưa được. Thơ bây giờ phải thực, tình cảm, sâu sắc và không được giống ai”. Đây chính là bài học duy nhất của tôi về văn chương. Tôi tự nghĩ “Thế thì mình làm cũng được”. Tối ấy tôi nhớ về mẹ và làm bài thơ “chính quy” đầu tiên. Sáng sau lại sang nhà đưa cho nhà thơ coi. Bà hỏi: “Ai làm đây”/ “Cháu đấy ạ”/ “Cháu ơi, mày có tài đấy cháu ạ!” Rồi bà bảo tôi làm tiếp và tôi đã làm bà ngạc nhiên, bà hay nói tôi là người thông minh nhất mà bà đã gặp, rồi sẽ “hậu sinh khả uý”, cuối cùng bà bảo: “Nếu mày mà được ông Chế Lan Viên giúp đỡ thì nhất định thành công, nhưng ông ấy khó tính và cũng kiêu lắm, thôi thế này, cô sẽ viết thư giới thiệu, cô cho chai rượu thuốc mày mang đến nhà biếu rồi đưa thơ cho ông ấy đọc, nếu ông ấy mà bảo được thì cháu nhất định sẽ thành danh”. Tôi đã gặp CLV và mấy tháng sau mới đưa được chùm thơ, không ngờ đọc xong không chỉ khen được mà ông còn cho tôi giải ngay tại nhà ông trong cuộc thi thơ của HNV TPHCM năm 1986. Từ đó ông rất quý tôi, tự đứng ra giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn TPHCM, đến báo Văn nghệ TPHCM gởi gắm tôi cho anh Chim Trắng và Hoài Anh, rồi còn xin cho tôi đi làm báo nữa… Chính từ tình cảm của nhà thơ lớn CLV giành cho tôi ấy, tôi đã có thái độ nghiêm túc đối với công việc sáng tác của mình. Từ thơ đến văn rồi đến phê bình, tôi cứ viết, tất nhiên là phải lao tâm khổ tứ, nhưng hoàn toàn tự nhiên. Và gần như tất cả những chữ tôi đã viết ra đều được đăng hết.
NGUYỄN TÝ: Trong bốn nhà đó, anh ưu ái cho “nhà” nào nhất?
ĐL: Mình coi 4 cái khả năng đó như con mình vậy. Nhưng nghiên cứu khoa học là khó nhất, nó cần tư duy chính xác và được kiểm chứng bằng những kết quả cụ thể và cần phải có phương tiện thí nghiệm đắt giá. Còn thơ, văn, phê bình mình yêu ngang nhau; nhưng thơ cần cảm hứng để lóe sáng; văn cần tích lũy vốn sống; và phê bình cần tri thức; có đủ những cái đó, thiên tư trong mỗi nhà sáng tác sẽ chế biến thành tác phẩm. Báo viết đăng rải rác mà đâu dễ được đăng đâu, nên người thì bảo mình là nhà thơ, người bảo là nhà văn, còn phê bình thì nhiều người biết hơn, đơn giản là vì nó có tính “giật gân”. Bạn vào vanchuongviet.org sẽ đọc được những sáng tác chính của tôi ở cả 3 lĩnh vực trên.
NGUYỄN TÝ: Từ cuốn phê bình tiểu luận Biên độ của trí tưởng tượng, người đọc không thấy anh tiếp tục trình làng tác phẩm thứ hai. Phải chăng anh ngại “đụng chạm”?
ĐL: Tôi đã hoàn thành 1 tập thơ, 1 tập truyện ngắn và 1 tập phê bình, cả 3 đều khá dầy dặn, tôi sáng tác chỉ vì văn chương nên không sợ gì hết. Từ từ sẽ in. Mấy năm qua cũng gặp lắm chuyện. Chính văn chương đã nâng đỡ tinh thần mình, nhất là khi nghiên cứu về Đạo Phật để viết về cuốn “Nghiên cứu loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh” của bạn tôi là PGS TS Nguyễn Hữu Sơn.
NGUYỄN TÝ: Gần đây, người đọc thấy một Đông La nghiên cứu và đang viết nhiều về triết học. Được biết, trong Biên độ của trí tưởng tượng, anh có bài viết “Những điều cần bàn về một công trình triết học: Đọc Tư tưởng phương Đông gợi những điểm hình tham chiếu” của cố Giáo sư Cao Xuân Huy có gây “phản ứng”?
ĐL: Tính khoa học của nền học thuật nước mình còn kém. Mà tất yếu thôi vì nó cũng giống như trình độ khoa học công nghệ của nước mình vậy. Cao Xuân Huy là một cái tên rất lớn, cụ là thầy của những giáo sư (về văn học và KHXH) hàng đầu Việt Nam , nên có lẽ giới khoa học xã hội và văn chương nghệ thuật đều nghĩ cụ không thể sai. Nếu bạn hiểu về KHTN bạn sẽ thấy, đến Einstein vĩ đại nhất cũng còn sai huống gì Cao Xuân Huy! Nhận ra cái sai của cụ Cao Xuân Huy là dễ dàng nhất đối với tôi trong số những bài tôi viết về học thuật, vì cụ đã sai hiển nhiên khi cho Thuyết Tương đối sai và Einstein đã “hư cấu” ra Không gian, Thời gian…
NGUYỄN TÝ: Trong bài viết “Về cái gọi là “Hai ứng cử viên giải Nobel” cho văn chương Việt Nam” trên Văn chương Hồn Việt, anh đã phê bình những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh rất gay gắt, trong đó anh đã dẫn chứng họ còn “đạo văn”. Vậy sau khi bài viết công bố anh nhận sự chia sẻ khen – chê hay phản ứng nào?
ĐL: Thực ra ông Triệu Xuân thêm vào 3 chữ “cái gọi là” mang tính diễu cợt, còn tôi chỉ muốn phân tích và phê phán những sai trái. Trong tất cả các bài viết, tôi đều tỏ thái độ, và thái độ của tôi sẽ tuỳ vào sự sai trái mà tôi chỉ ra, tôi không bao giờ vô cớ phỉ báng người khác. Tất cả những nhận xét của tôi đều từ văn bản tác phẩm, có trích dẫn đầy đủ, tôi rất ít nhận xét theo cảm tính suông, một điều rất nhiều người viết thưòng làm; còn tôi, với tư duy từng được giải A sáng tạo KHKT, tôi không bao giờ làm vậy. Có rất nhiều người thích bài này của tôi, như những bạn tôi là cán bộ lãnh đạo cũng như giảng dạy ở những khoa văn, sử, triết ở Trường ĐHKHXH &NV TPHCM, họ đều là cựu binh và học cùng khóa với tôi ở ĐHTH cũ; còn giới viết lách có nhà văn còn bảo đã lấy tư cách một công dân photo bài của tôi gởi đi những nơi cần thiết, tôi cũng có thễ dẫn ra cụ thể vài cái tên như bạn tôi Đại tá tiến sĩ vật lý Đỗ Kiên Cường; nhà thơ rất nổi tiếng Bằng Việt, sau khi đọc bản tôi gởi, ông đã mail khen, tôi còn giữ trong inbox. Còn chê thì tôi chưa thấy ai nói trực tiếp với tôi. Tôi viết chỉ vì đạo lý nên tôi sẵn sàng tranh luận với những ai phản đối.
NGUYỄN TÝ: Sau “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” được anh “đề cử” giải trên Nobel. Đề tài chiến tranh đối với những cây bút trẻ dường như ít hoặc không thấy họ đụng đến. Theo nhà phê bình Đông La tương lai dòng văn học này thế nào? ĐL: Nền sáng tác của chúng ta sau thời kỳ “đổi mới”, thời xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, có nhiều tính a dua, cơ hội, không chỉ ở các nhà văn trẻ mà ngay cả những người giờ đã rất nổi tiếng. Tôi đã viết trong bài đọc “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu : “Có điều, những quan niệm về cái mới, về tài năng và giá trị tác phẩm của một số người được coi là “cấp tiến” thời gian qua thường cực đoan và không toàn diện. Có tác giả, tác phẩm được họ đẩy lên tột cùng, có tác phẩm được ca ngợi chỉ vì cách viết mà không để ý gì đến nội dung, bất kể đúng sai, tốt xấu. Với một số người, đổi mới đồng nghĩa với việc trước ca ngợi thì nay phản kháng; trước êm đềm thì nay giật cục; trước nghiêm trang thì nay giễu cợt, khinh bạc; trước tế nhị, lịch sự thì nay nanh nọc, thô tục… Theo tôi, đổi mới như vậy mới chỉ là đổi mới cái vỏ văn chương, khi không khám phá được điều gì nghiêm túc, sâu sắc, lớn lao thì gây ấn tượng bằng những điều lập dị, ngược ngạo, sản phẩm của trí tuệ nông cạn nhưng hãnh tiến”. Trong thực tế nhiều tác phẩm như vậy lại được nước ngoài khen với mục đích ngoài văn chương và chúng trở thành thời thượng. Các bạn trẻ thường thiếu bản lĩnh nên viết theo những chuẩn mực đó, và như vậy “đề tài chiến tranh” với những “lý tưởng”, sự hy sinh “cao cả” làm sao có trong chuẩn mực đó được, việc phủ nhận thì đã có Bảo Ninh làm quá tốt rồi. Chỉ có những người có bản lĩnh sẽ viết tiếp về chiến tranh, nhưng để hay cần phải có tiềm lực trí tuệ để nhìn chiến tranh toàn diện và khoa học hơn, trong số đó có mơ ước của tôi.
NGUYỄN TÝ: Sau “Chân dung đối thoại” của Trần Đăng Khoa, “Biên độ của trí tưởng tượng” của Đông La, “Phê bình của tôi” của Nguyễn Thanh Sơn, gần đây có “Bàn phím và cây búa” của Nguyễn Hoà gây tranh luận diễn đàn. Tác phẩm về phê bình-lý luận gần đây ít thấy xuất hiện gây tiếng vang. Anh hy vọng gì thể loại “bớt bạn thêm thù”? Là nhà phê bình, anh có đọc sáng tác của những cây bút trẻ. Anh nhận định gì về sáng tác của họ, hay chú ý đến tác giả nào?
ĐL: Viết phê bình cần tri thức, muốn có tri thức cần phải tiêu hóa được tri thức của thiên hạ, để đưa ra những chuẩn mực mới toàn diện và cao hơn. Tiếc là thời gian qua, những cái gọi là “mới” về văn thường là theo đuôi Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh; về thơ thì theo đuôi nước ngoài. Hết “vụt hiện” theo siêu thực sang thô tục bặm trợn Hậu hiện đại giờ đến lủng củng tân hình thức… Nói chung là loạn chuẩn nên không thể có sáng tác cũng như phê bình có tính mới mà tầm cỡ được.
NGUYỄN TÝ: Nguyệt san Văn chương Hồn Việt do NXB Văn học vừa ấn hành, hai nhà văn Triệu Xuân và Đông La cùng thực hiện rất ấn tượng về nội dung và hình thức. Trong đó, phần thơ có trích dẫn hai tác giả tiền chiến Đinh Hùng và Nguyên Sa, liệu có “vượt rào” chăng? Và giữa muôn loại hình văn chương từ báo giấy, báo nói, báo hình đến internet…, anh có tự tin nguyệt san Văn chương Hồn Việt “trụ” được không?
ĐL: Ông Triệu Xuân là đồng hương, ông ấy bảo ổng đánh giá tôi rất cao nên đã chọn tôi trong số rất nhiều nhà văn ổng quen để về sửa soạn nội dung cho VCHV. Đây là việc tôi rất thích, khi bắt tay làm tôi cảm thấy như cá được bơi trong nước vậy. Có điều, về công việc biên tập và dẫn dắt người đọc, tôi làm đến 95% nhưng tôi chỉ thực hiện được ý mình khoảng 60% thôi, vì còn phần ông TX bảo để ngoại giao. Tôi thấy cũng đúng thôi. Cuộc đời mà. Còn thơ Đinh Hùng và Nguyên Sa, tôi không tìm hiểu kỹ lắm chuyện họ có “tội ác” hay không? Mà chỉ chọn thơ họ với tinh thần giống như chuyện người ta thấy Dinh Độc Lập đẹp thì sử dụng chứ không đập bỏ đi. Số đầu ra tôi thấy rất nhiều người khen, nhà văn Hoài Anh, Trần Văn Tuấn là những người nổi tiếng và nhiều năm làm báo đều rất thích; Hoài Anh nói: “Có tiền đạo TX và Đông La đá, TX lo giấy phép và quản lý, ĐL lo chất lượng là tôi hoàn hoàn yên tâm”. Còn bạn hỏi VCHV có “trụ” được không thì tôi không trả lời được, không phải tôi không tự tin mà vì bản thân tôi có “trụ” được không tôi cũng không biết. Vì anh TX hoàn toàn “có quyền”, cần thì anh ấy nhờ, không cần thì thôi, nên khi người khác làm, bạn bảo tôi sao mà dự báo được.
4-4-2009

An Khe (TS Đỗ Thị Hạnh,Trưòng ĐH KHXH&NV TPHCM)14/04/2009 15:21
… Qua that, toi da doc va thay thich thu, nguong mo nha van Dong La o chat tri tue trong van, cach the hien kha moi la trong tho, doc dao trong phe binh, va hon ca la DAM LA CHINH MINH …
(lethieunhon.com)


Hanh Hoa (Chưa biết là ai-ĐL)
15/04/2009 08:50
... mấy ngày vừa qua tôi phải đi tìm cuốn phê bình của ĐL đọc xem thế nào. Tôi thấy đây là một lối phê bình có trí tuệ và khoa học. Tất nhiên, mỗi người đọc có những ý kiến khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng đọc và kiến văn của mỗi người.
Trong khi đó, có không ít người có danh tiến sỹ hoặc giáo sư làm lý luận phê bình văn học nghệ thuật tên tuổi từ ngày trước để lại thì tác phẩm của họ lại làm tôi thất vọng.


16/04/2009 09:14

Đến bài này của ĐL thì tôi rất kính nể ông. Viết sòng phẳng như vậy cũng hỏi có mấy người. Viết như vậy là không vì cá nhân mình. Các vị cứ ngẫm kỹ xem tôi nói có đúng không? Nếu là tôi thì có lẽ tôi không dám viết. Vì người Việt mình thường nghĩ xấu chàng hổ ai. Nước mình nói dối nhau lâu quá rồi. Hãy học cách nói thật đi. Tôi xin đăng kí lớp học này đầu tiên.

Đỗ Thị Hạnh Hoa

(lethieunhon.com)

Reader1xx (Kỹ sư,Việt kiều, Mỹ)

Comments:

…Cháu đã đọc thêm một số bài viết của bác và nói thật cháu rất thích những gì bác viết, gần đây là "Vì vậy, chúng ta đã trở thành nạn nhân của lòng tham của những nước lớn, rồi dẫn đến chuyện chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính chúng ta, bởi những cố chấp, thù hận; bởi sự nô lệ cho những ý thức hệ xơ cứng, mòn cũ, phản tiến bộ và phản nhân văn."

… (trên internet) tự do phát biểu ý kiến nhưng… dân chủ nó cũng cần một số điều kiện căn bản ví dụ như là ăn nói có học thức một chút, dân Mỹ biểu tình chống lại các chính sách của Tổng thống nước họ nhưng cũng có chú dân đen nào dám thóa mạ TT đâu, lơ mơ ngồi nhà đá bóc lịch đếm thời gian qua kẽ tay ngay.

Chúc bác Đông La luôn mạnh!

Thursday, April 30 2009 - 08:48 PM

(vanchinh.net)

HOÀI ANH
ĐỌC ĐÊM THIÊNG
(Tập thơ, Nxb Trẻ,1996)

… Thơ ĐÔNG LA có thể là ví dụ về thơ của lớp trẻ hiện nay, lớp người đã làm quen với thao tác của tư duy khoa học, khi sáng tác thơ, cũng có những quan niệm mới, vận dụng những thao tác mới… Một điểm chung nhất toát lên từ tập Đêm Thiêng của Đông La là cái cách viết, nó giúp anh thấy được tính cụ thể trong cái trừu tượng, tính trừu tượng trong cái cụ thể… Thành công của anh còn do anh may mắn được gần gũi các bậc thầy về thơ như Chế Lan Viên… được thừa hưởng bí quyết tâm truyền…

HOÀI ANH (Trích Tựa tập Đêm thiêng, Nxb Trẻ 1996)

TRẦN NHÃ THỤY ĐỌC
NHỮNG KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI

(Tập truyện ngắn, Nxb Trẻ, 1997)

…Truyện “Những khúc quanh cuộc đời”, một tự truyện, vừa đăng báo đã được đọc ngay đồng thời trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài TP HCM. Nó như một truyện của nhiều chuyện, dung lượng ý tưởng rất lớn, các ý tưởng được cài đặt như một dĩa vi tính. Tôi đã thực sự tràn ngập một cảm xúc rợn ngợp như từng có khi đọc truyện của G.G. Marquez trước những dòng chữ đau đớn của anh khi viết về cái chết của cha mình: “Ông đã uống một loại thuốc với một liều thật chắc chắn, và chắc ăn hơn, ông còn treo mình trên cành bồ kết cạnh ao bèo nhà tôi. Ông đã sáng tạo ra hai cái chết cho một cuộc đời, mà Tạo hóa theo luật, chỉ ban cho mỗi người có một”; “Tôi đã gặp lại cha khi người đã bị dìm sâu dưới một khoảnh đất nghĩa địa ngập ngụa bùn nước”; “Đêm đêm tôi không ngủ được. Trong ngôi nhà cổ hoang vu, mênh mông, giăng kín những dải vải trắng, từng đàn dơi bay phần phật phần phật và tiếng con mèo rền rĩ khóc”…

TRẦN NHÃ THỤY (Trích Báo Văn nghệ TP HCM số 295,1997)


NGUYỄN THỊ TRÂM

VỀ TRUYỆN NGẮN "BÀI TOÁN"
      Bài toán là một truyện ngắn rất hay và theo tôi là hay nhất trong tháng 10 và 11 nữa, được đăng trên số báo 45 ra ngày 8-11-1997 Tuần báo Văn nghệ...
      Cái hay của truyện Bài toán cũng chính là cái tài của tác giả Đông La khi dựng lên được những nhân vật mà mỗi khi đọc chúng ta lại cảm thấy chính là những con người thực từ đời thường đang bước vào tác phẩm của ông...
        Cảm ơn tác giả Đông La đã viết nên một truyện ngắn mà tôi đọc thấy rất phù hợp với tôi và có lẽ nhiều người khác nữa. Câu chuyện quả có sức giáo dục và thuyết phục người đọc suy nghĩ và phải suy nghĩ sâu để cùng tìm ra những đáp số cần thiết cho "bài toán" thường gặp trong cuộc sống.

...đến đây tôi khẳng định một lần nữa rằng Bài toán là một truyện ngắn hay, viết rất công phu. Tôi mong rằng Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn sẽ cho ra đời nhiều những truyện ngắn độc đáo như thế...
NGUYỄN THỊ TRÂM (Trích Mục Bạn đọc với Văn nghệ, Báo Văn nghệ)


NGUYỄN HỮU SƠN
ĐỌC BIÊN ĐỘ CỦA TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

(ĐÔNG LA, Nxb Văn Học, 2001)
          Đến với văn chương bắt đầu từ những trang thơ (Giải thưởng cuộc thi thơ HNV TPHCM 1986; Tặng thưởng Thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân đội 1998); xuất bản tập thơ Đêm thiêng, 1986) và viết văn xuôi Những dấu vết không phai, tập truyện, 1988; Những khúc quanh cuộc đời, truyện ngắn, 1997), cây bút cựu chiến binh – kỹ sư ngành hóa dược Đông La (tên thật là Nguyễn Huy Hùng) (Giải A Sáng tạo KHKT TPHCM 1993) còn xuất hiện trên các trang lý luận phê bình văn học (Tặng thưởng phê bình của Tạp chí Văn nghệ quân đội, 1997). Không chỉ viết ở mục điểm sách, bình văn Đông La tích cực tham dự nhiều cuộc luận chiến văn chương, vừa bàn luận tay đôi tay ba về lý thuyết vừa cập nhật phê bình trực diện nhiều tác giả- tác phẩm đang là “hiện tượng” trên văn đàn, góp phần đẩy cho nhịp độ đời sống phê bình trở nên sôi nổi hơn trong mấy năm qua. Có thể nói tập phê bình tiểu luận Biên độ của trí tưởng tượng của Đông La vừa được Nxb Văn học cho ra mắt bạn đọc chính là sự thể hiện những tìm tòi suy nghĩ, đóng góp bước đầu của tác giả trong suốt khoảng nửa thập kỷ qua đối với đời sống phê bình văn học…
        Phần II: Ở giữa khoảng sáng tối…luận bàn một số tập sách… cũng như mấy phong cách phê bình nổi bật gần đây (Đỗ Văn Khang, Đỗ MinhTuấn, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Khoa…). Một lần nữa bản lĩnh phê bình của Đông La lại được thử thách. Vượt qua tầm mức khen chê xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”, Đông La góp thêm tiếng nói riêng, bổ sung thêm những cách lý giải, hình dung mới trên từng phương diện học thuật cụ thể. Điều đáng quý là anh biết giới hạn vấn đề trong phạm vi trao đổi học thuật, tránh suy diễn, nói quá, quy kết một chiều…
        Phần phụ lục Những ý kiến về tác giả Đông La gồm những trích đoạn nhận định của Đỗ Minh Tuấn, Phạm Quang Trung, Bùi Việt Sơn,Văn (?) và hai bài: đọc tập truyện ngắn Những khúc quanh cuộc đời và điểm tập thơ Đêm thiêng của Trần Nhã Thụy và Hoài Anh. Điều khác người là Đông La không chỉ chọn những lời có cánh khen ngợi văn mình mà lại trích dẫn ý kiến phê phán, tranh luận ngược chiều – cái điều dễ làm nản lòng chính chủ thể tập sách.Tôi không hiểu Đông La tiếp nhận được bao nhiêu phần…, song một thái độ như thế tỏ ra thật trung thực,đàng hoàng, có lẽ cũng nên coi là lối chơi đẹp của người viết phê bình.
        Đọc các trang phê bình của Đông La thấy rõ anh có vốn kiến thức khá sâu rộng. Nhiều vấn đề nan giải, chưa dễ có ý kiến thống nhất như thơ siêu thực, chủ nghĩa hiện đại, cách tiếp cận thơ hiện đại, quan niệm sự khác biệt tư duy Đông – Tây qua phương thức “chủ biệt”, “chủ toàn”… hay việc trao đổi về sự đoán định tương lai văn hóa được anh suy nghĩ nghiêm túc, trình bày có căn cứ lớp lang, hệ thống. Có thể cái nhìn khúc triết trên cơ sở khoa học tự nhiên đã giúp anh phát huy được thế mạnh này. Qua từng trang viết anh thường xây dựng điểm tựa trên quan điểm duy vật lịch sử và biện chứng, chú trọng vận dụng những thành tựu khoa học hiện đại để thuyết minh, biện giải, kiểm chứng các vấn đề văn hóa - vănhọc. Điều này lý giải vì sao Đông La dễ đồng cảm với những sáng tạo giàu suy tư, có khả năng khơi gợi cái mới. Là người có ý thức cổ vũ sự tìm tòi cái mới song trước sau Đông La vẫn không phủ nhận quá khứ, không quay lưng lại các giá trị cổ điển. Khi khác Đông La phê phán quyết liệt kiểu văn chương xa rời đời sống dân tộc, “văn chương của những dục vọng”, “luôn tự cho mình cái quyền phán xét tất cả, lăng mạ tất cả, luôn tuyệt đối hóa những nhận định chủ quan một cách cực đoan, làm méo mó thực tại”, từ đó nhấn mạnh quan niệm về những sáng tạo nghệ thuật chân chính: “Tôi nghĩ, một nhà văn có thể viết tất cả mọi chuyện thuộc về cuộc sống con người, nhưng phải trung thực, toàn diện, phải bằng cái nhìn của lương tri, của văn hóa” (tr. 170 - 172).
       Phê bình văn học vốn là công việc luôn đòi hỏi phẩm chất trung thực và tính khoa học, bản lĩnh cá nhân trước mỗi vấn đề học thuật cụ thể và tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội. Đọc… Biên độ của trí tưởng tượng, chúng ta ghi nhận Đông La bước đầu đã định hình rõ nét những phẩm chất này. Dù có những điểm này điểm khác còn khơi gợi tranh luận, đánh giá khác nhau, song xét trên định hướng lớn, tập sách đã tạo được sự quan tâm của dư luận và thật sự có đóng góp cho đời sống văn học đương đại.
       PGSTS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) (Trích Báo Nhân Dân số 17030, 6-3-2002)


VŨ NGỌC TIẾN
CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC "ĐỌC BÓNG ĐÈ"

(talawas,12.12.2005)
          Gần đây văn đàn trong và ngoài nước bị khuấy động bởi sự kiện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu (ĐHD). Trong hàng chục bài viết về nó, tôi thấy ý kiến đánh giá của anh Đông La là chân xác, đầy đủ nhất. Thật lòng tôi cũng muốn viết đôi dòng về tác giả - tác phẩm này, song bài của Đông La như đã viết hộ mình tất cả. Ta không nên quá thổi phồng một hiện tượng văn học hoặc dùng nó để suy diễn nhiều sang địa hạt chính trị, như thế sẽ làm hại tác giả - tác phẩm. Nói về cái được của ĐHD như anh Đông La là vừa độ. Riêng về cái chưa được, tôi chỉ bổ sung thêm một ý nhỏ về sự chưa đạt tới tầm của nghệ thuật ẩn dụ như Tử cấm nữ của Lưu Tân Hoa (Trung Quốc) hay “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp. Ở Tử cấm nữ, suốt 559 trang bản dịch tiếng Việt, tác giả chỉ mô tả cái ấy mà thật lạ, quá trình vật lộn để khắc phục khuyết tật cái ấy của nhân vật cứ khiến người đọc liên tưởng đến những rào cản hay bế tắc của công cuộc cải cách trong xã hội Trung Quốc. 3 cuộc tình trong 3 giai đoạn khắc phục khuyết tật cái ấy cũng lồ lộ ra 3 thế lực là tác nhân rào cản. Ở “Không có vua”, mọi sự tục tĩu của cái gia đình mục nát, thượng bất chính hạ tắc loạn kia cũng cho người đọc liên tưởng đến hiện thực xã hội không mấy khó khăn. Thế nhưng với “Bóng đè”, mọi ý tưởng cao siêu, thâm ý tuyệt vời mà các nhà phê bình khoác cho nó không được gợi mở, thắt nút rõ. Ngay cả những bạn đọc mà ai đó gọi là bạn đọc trí tuệ, tôi e rằng cũng chỉ là suy diễn có đôi phần gượng ép mà thôi. Có thể ĐHD vốn ấp ủ vài chục phần trăm các ý tưởng ấy đã là quý lắm rồi, nhưng cô vẫn chưa đạt tới tầm của nghệ thuật ẩn dụ, và đó sẽ là cái đích để cô vươn tới sau những “Bóng đè”, “Vu quy”. Dẫu sao hiện tượng ĐHD vẫn là niềm hy vọng của văn chương đổi mới, sau gần 20 năm im ắng kể từ “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, một tác giả cũng bắt đầu mòn cũ.

bản để in

CỐ NHÂN
(Talawas, 13.12.2005)
          Tôi đọc bài của Đông La về Đỗ Hoàng Diệu với rất nhiều mến yêu và trân trọng. Bởi tôi đã từng đọc những bài viết khá công phu, tâm huyết, và cận nhân tình của anh về Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo... trước đây (thực ra thì cũng còn cấn cá đôi chút, khi anh cứ hay lồng mình bên cạnh Chế Lan Viên vào các bài viết, nhưng thôi, chuyện đó cũng có thể coi là vặt, cho vui). Qua những gì đã đọc của anh, cũng qua cả đôi lần gặp gỡ "trùng phùng thi tửu" nữa, tôi hiểu anh là người chân thành, trung thực, đọc (khá) nhiều, hiểu (khá) rộng, và cái chính là dám nói lên cái chính kiến của mình - phẩm chất số 1 của một trí thức chân chính.
          Lần này, trước Đỗ Hoàng Diệu, tôi hiểu là Đông La cũng muốn bày tỏ những suy tư và trăn trở của mình trước văn chương và cuộc sống, dưới hình thức phân tích và tâm sự với nữ sĩ trẻ như một người em, một bạn văn chương, một bằng hữu cùng giới trí thức. Và quả thực lần này anh cũng vẫn (khá) thành công, với giọng văn điềm tĩnh, những phân tích công phu, và thái độ tôn trọng độc giả...

PHONG UYÊN

(talawas)
      Đọc Đông La tôi không thể không liên tưởng tới rượu Pháp có năm đặc biệt ngon được liệt kê là có "niên hiệu" (millésime). Bài bình luận về những câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo tôi, đáng được "millésimé năm heo vàng".
       Hoàn toàn "chịu" Đông La đã khéo léo đưa ra những chỉ số, những dẫn chứng để phản biện những thành tựu được đề cao về tăng trưởng kinh tế và Doanh nghiệp nhà nước. Người ở nước ngoài như tôi có tự do bình luận hơn cũng không có thể thêm thắt gì hơn.
        Về vấn đề "chọn người tài" Thủ tướng đã nói "không có cách nào khác là phải dân chủ ". Đông La đã nhắc khéo là phải thêm chữ thực hiện. Thật quá đúng, vì từ "dân chủ" đã nằm trong tên nước ngay từ thời "dân chủ Cộng hoà" và cho tới tận bây giờ vẫn "dân làm chủ". Nhưng "thực hiện" vẫn là điều cấm kỵ.
        Cần nói "toạc móng heo" là những câu trả lời sau của thủ tướng cũng chỉ loanh quanh để tránh cái cấm kỵ đó, nên trở thành không "ổn":
        "Chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí" không cùng nghĩa với nghiêm cấm tư nhân ra báo chí : Thủ tướng hay Đảng có quyền cấm tư nhân hóa 600 tờ báo thuộc quyền sở hữu của Đảng, Đoàn, nhưng muốn cấm ra báo tư nhân phải có Luật."Chỉ thị" không phải là Luật. Thực hiện dân chủ là phải có luật. Khi không có luật sao gọi là trái một cái không có là luật được.
        Thật ra nghiêm cấm cũng bằng thừa. Trong kinh tế thị trường, báo chí cũng như mọi kinh doanh khác phải theo luật cung cầu: Một tờ báo muốn có tiền để sống được phải có nhiều độc giả, tức là phải viết những gì độc giả thích. Có nhiều độc giả mới có thể thâu được nhiều tiền quảng cáo. 600 tờ báo đảng báo đoàn cũng phải theo quy luật đó. Bởi vậy trước sau cũng sẽ như ở bên Tây này: Một tờ báo cực tả như tờ Libération (giải phóng) lỗ quá phải bán lại cho chủ nhà băng Rothchild. Vẫn viết chửi tư bản và chủ nhân tờ báo cũng không mong gì hơn là được chửi để báo bán chạy mới thâu về được tiền vốn tiền lời. Một ngày kia, theo đà hội nhập kinh tế thế giới, biết đâu báo Nhân dân sẽ không bị một ông "vua" báo chí Úc, Anh, Mỹ nào, gạ gẫm mua.
         Bình luận câu trả lời của thủ tướng về tham nhũng, Đông La nói "...phải tạo những hình thức đối lập ngay trong Đảng... mọi hoạt động của mấy cơ quan đều có sự giám sát lẫn nhau..." Theo tôi, điều đó sẽ mãi chỉ là những ước vọng nếu khôngthực hiện dân chủ dưới hình thức tam quyền phân lập. Vấn đề cách tuyển chọn ứng cử viên Quốc hội tháng 5 này để thực hiện ít nhất một quyền dân chủ không thấy ai đưa ra để hỏi Thủ tướng.

bản để in