Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

VỀ CHUYỆN ÔNG HUỆ CHI DỰA VÀO EINSTEIN CHỐNG CHẾ ĐỘ

 VỀ CHUYỆN ÔNG HUỆ CHI DỰA VÀO EINSTEIN CHỐNG CHẾ ĐỘ



Bài trước tôi có nhắc đến sơ sơ “công trình” nghiên cứu “ruồi bu” của ông GS Hán Nôm Huệ Chi nên độc giả không thể hiểu bản chất vấn đề tôi muốn trình bầy là cái gì, nên hôm nay tôi viết rõ hơn. Câu chuyện buồn cười đó xuất phát từ Cuộc Hội thảo Khoa học “Vật lý học hiện đại - Văn hóa và phát triển” do Tạp chí Tia sáng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban sáng lập Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) tổ chức. Nguyễn Huệ Chi đã đọc bài tham luận: “Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein”.
Tôi đã viết riêng chuyện ông Huệ Chi nghiên cứu vật lý, Báo Văn nghệ TPHCM lại đăng đúng ngày có Hội nghị của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật TW mà tôi có được mời. Tôi bất ngờ khi thấy BS Nhà thơ Vũ Quần Phương, cha của GS Toán Vũ Hà Văn, cầm tờ báo đến chỗ tôi cười cười: “Ngồi bên Đông La tí để lây tí thông minh nào”. Câu đùa thôi nhưng nghe cũng thấy sướng cái lỗ tai.


***
Bản tham luận của Huệ Chi là một mớ những mâu thuẫn. Từ việc đề cao Thuyết Tương đối, Huệ Chi lại ca ngợi Cao Xuân Huy cho Einstein là “sai lầm cơ bản trong tư tưởng logic”; rồi Huệ Chi lại dựa vào Einstein đưa ra tuyên ngôn: “Học thuyết tương đối của Einstein rọi sáng cho cả một thời đại mới: thời đại “giải lý tính””. Đây là một tuyên ngôn đại sai lầm cả về thuật ngữ triết học lẫn nội dung khoa học. Bởi “lý tính” theo triết học là nhận thức của loài người nói chung và Einstein thì chẳng có một Học thuyết Tương đối nào lại “giải lý tính” như thế cả.
***
Đặc biệt, trong bản tham luận đó, Huệ Chi công bố một “công trình” nghiên cứu buồn cười như đã viết. Trong một xe ô tô đang chạy nhanh, ông ta thấy một chú ruồi bay “thung dung như đang bay trong một nơi yên tĩnh”; và ông ta “giả thử như chúng ta nhích người lên lơ lửng thì tất nhiên ta sẽ bị vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau là cái chắc”. Rồi đến khi: “đọc đến cuốn Thuyết tương đối là gì”, Huệ Chi “mới lờ mờ cảm nhận rằng những việc “lạ” mình không lý giải được chắc có liên quan xa gần đến phát kiến “động trời” của nhà vật lý người Đức … Đối với con người ngồi trên ô tô thì vận tốc năm sáu mươi kilômét chẳng ảnh hưởng gì, nhưng với một vật nhỏ như con ruồi thì vận tốc ấy ít nhiều đã tạo nên một trường hấp dẫn mới mà con ruồi sẽ tùy thuộc vào đó... Nghĩa là khi ô tô chạy quả thực đã tạo ra trong lòng chiếc xe một không gian vận động tương đối so với không gian yên tĩnh tương đối ngoài mặt đất, trong phạm vi ấy các con vật bé tí như ruồi có thể hoạt động bình thường, không bị vận tốc ô tô làm cho mình tụt lại”.
Tôi đã viết:
“Hiện tượng “ruồi bay” được như trên là do xe chạy thẳng với vận tốc đều, không gian trong xe là một hệ quy chiếu quán tính. Mà theo Nguyên lý Quán tính: “Nếu một vật không chịu một lực nào thì nó sẽ đứng yên hoặc tiếp tục chuyển động không đổi”; tương tự như ta trong xe lửa hoặc trên máy bay (lúc không rung, không xóc, không quẹo, không tăng tốc) thì việc đi lại, rót nước vào cốc và mọi chuyển động sẽ xảy ra y như lúc xe lửa, máy bay đứng yên.
Còn ông Nguyễn Huệ Chi nghĩ “Cứ giả thử như chúng ta có cách gì nhích người lên khỏi ghế lơ lửng thì tất nhiên ta sẽ bị vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau là cái chắc” là cách hiểu sai hoàn toàn. Bởi nguyên lý quán tính là như nhau với mọi vật trong hệ quy chiếu, nó không phân biệt ông Huệ Chi với con ruồi; không chỉ ông ta mà nếu có cả con bò trong xe “nhích lên lơ lửng” được thì nó cũng không bao giờ bị “vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau” như ông nghĩ đâu. Các vật trong xe chỉ bị tác động khi nguyên lý quán tính bị vi phạm, như khi xe quẹo hoặc có gia tốc tăng hoặc giảm.
Ông Nguyễn Huệ Chi đã sai tiếp khi viết: “với con người ngồi trên ô tô thì vận tốc năm sáu mươi kilômét chẳng ảnh hưởng gì, nhưng với một vật nhỏ như con ruồi thì vận tốc ấy ít nhiều đã tạo nên một trường hấp dẫn mới”.
Khi chuyển động đều sẽ tạo nên một hệ quán tính chứ không phải tạo một “trường hấp dẫn” như ông Nguyễn Huệ Chi viết. Còn “trường hấp dẫn”, theo Thuyết Tương đối tổng quát (General Theory of Relativity), được tạo ra bởi chính khối lượng của vật hoặc do sự chuyển động có gia tốc.
Tóm lại, ông Huệ Chi không hiểu gì về vật lý nói chung và về Thuyết Tương đối của Einstein nói riêng.
***
Huệ Chi làm vậy không phải thuần tuý do ham hiểu biết, do say mê nghiên cứu vậy lý mà ông ta một phần làm dáng, khoe mẽ tri thức, và phần chính ông ta cố ý tỏ ra mình chống chế độ có cơ sở khoa học. Ông ta muốn dựa vào cái công trình “ruồi bu” đó để đưa ra cái tuyên bố ngớ ngẩn thế này: “Học thuyết tương đối của Einstein rọi sáng cho cả một thời đại mới: thời đại “giải lý tính” (dérationnel) của nhận thức khoa học”.
Nhắc tới “lý tính” có lẽ Huệ Chi đã nói leo theo Kant. Nhưng Kant “phê phán lý tính” chứ không phải “giải lý tính” như ý Huệ Chi. Kant, nhà triết học Đức, đã có các công trình chủ yếu là phê phán (Kritik-tiếng Đức) lý tính (Vernunft- tiếng Đức).
Theo Từ điển Triết học, lý tính là cấp độ nhận thức cao hơn lý trí, có tính sâu sắc và toàn diện hơn về sự vật và sự việc. “Phê phán lý tính” theo ý của Kant có nghĩa là ông đã chỉ ra giới hạn của lý tính. Theo Kant, cái "vô điều kiện" (das Unbedingte) và cái "tuyệt đối (das Absolute) trong những quan niệm siêu nghiệm (transzendentale Ideen) như sự bất tử (Unsterblichkeit) của linh hồn; sự vô tận của vũ trụ (Kosmos) và Thượng Đế (Gott) thì ngoài tầm với của lý tính. Kant cũng cho lý tính, về bản chất, có tính antinomi, tức là tách đôi thành các mặt đối lập (theo từ điển triết học), vì vậy ông cho : “…có những vật nằm ngoài chúng ta như những đối tượng của các giác quan; chúng ta không biết được gì về việc chúng có khả năng tự thể là gì, mà chỉ biết được các hiện tượng của chúng” (Kant, Lời nói đầu (1783), p.62-63).
[… es sind uns Dinge als außer uns befindliche Gegenstände unserer Sinne gegeben, allein von dem, was sie an sich selbst sein mögen, wissen wir nichts, sondern kennen nur ihre Erscheinungen (Kant, Prolegomena (1783), S.62-63)]
Như vậy theo Huệ Chi, phát minh của Einstein đã rọi sáng cho thời đại “giải lý tính” thì là thời đại gì?
***
Lúc đầu, tôi không biết GS Nguyễn Huệ Chi là ai. Một hôm tôi quá bất ngờ khi nhận được email của ông Triệu Xuân. Nội dung email chính là “thư của ông Huệ Chi” gởi nhiều người, như “tung truyền đơn trên mạng”. Số là tôi có viết bài “Các Mác-một tình yêu bao la”, tôi muốn viết về chuyện người ta đã hiểu sai Mác là chính chứ không phải ca ngợi, đăng trên trang talawas. Sau khi được đăng, không ngờ Huệ Chi đã tung “truyền đơn” viết về tôi nguyên văn thế này: “Vi. na`y co the la mot hinh nhan the mang cho Tran Manh Hao va MQL (Mai Quốc Liên) ma lau nay D (Đảng) su dung, nhung nay da khong con hieu luc (hiệu lực) nua. Ha?o (Hảo) thi tro+? co+` (trở cờ) trang tron (trắng trợn) con Lien thi im lang de(để) co`n kiem chac (kiếm chác) va hoanh hoe duoc (được) voi mot so nguoi trong gioi van nghe trong nuoc. Cho nen phai co cai gio.ng (giọng) nhu cua Dong La thi may ra moi con "tiep tuc duoc canh bac bip" (tiếp tục được canh bạc bịp) doi voi (đối với) mot vai the he tre nao do...”.


Quả thực, đây đúng là một sự vu cáo, vì tôi viết độc lập, chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu khách quan chứ không vì cái gì hết. Mà tôi cũng không là một đảng viên và cũng đã bỏ công chức từ tận năm 1994 rồi! Vậy Huệ Chi là ai mà lại “chơi đểu” tôi như vậy?
***
Nguyễn Huệ Chi là một GS Hán Nôm ở Viện Văn Học VN. Đã có ba người từng phê phán ông ta trong lĩnh vực văn chương là Nguyễn Hòa, GS Nguyễn Đình Chú và GS Mai Quốc Liên. Nguyễn Hòa trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 41, 12-10-2013, đã “thách đố” Huệ Chi trả lời câu hỏi của mình: “GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay “phóng tác” từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc…?” GS Mai Quốc Liên đã viết bài “Vu cáo chính trị mập mờ học thuật” cho Huệ Chi đã “đoạt thai, hoán cốt”, tức đã “rút ruột” luận án tiến sĩ của bà Trần Hải Yến. GS Nguyễn Đình Chú cho biết sự thực là nhạc phụ của ông là cụ Nguyễn Đức Vân mới chính là có “vai trò chủ công” đối với “Thơ văn Lý – Trần” mà qua tay Huệ Chi “bạn đọc hôm nay dễ thường không biết”.
Huệ Chi cũng chính là người từng theo đoàn do ông Nguyễn Đình Lộc, Cựu Bộ trưởng Tư pháp dẫn đầu (4-2-2013), đã trao tận tay cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bản “Kiến nghị” về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp và đề xuất thay thế bằng bản “hiến pháp mới” do chính nhóm của mình soạn. Lập tức ông ta đã được đài RFA phỏng vấn. Trong bài DỰ THẢO HIẾN PHÁP: THỬ THÁCH SỰ SỐNG CÒN CỦA CHẾ ĐỘ, ông ta huyênh hoang trả lời:
“Chúng tôi thấy cần phải đề xuất cho đến cùng. Đến cái chỗ mà dân tộc Việt Nam hiện nay đang mong muốn, quan tâm nhất. Bản kiến nghị này hình thành là như vậy”.
Một đặc tính chung của các vị trí thức hãnh tiến ở ta là phét lác, “tôi cao, trí thấp, tâm tối”, nhưng lại luôn nhân danh những điều cao cả, luôn thậm xưng, tiếm danh “nhân dân” để thực hiện tham vọng. Huệ Chi nên nhân danh chính ông và nhóm của ông thôi, không được phép ba hoa nhân danh “dân tộc VN” lung tung như vậy!
***
Chính vì trí thấp, không hiểu được những tri thức khoa học phức tạp nhưng lại giàu ảo tưởng, tự tôn, nên từ cái “công trình ruồi bu”, Huệ Chi đã tuyên bố huyên thuyên, đã rút ra “Ý nghĩa của cuộc đấu tranh phát huy tương đối luận” như sau: “Chúng ta đã từng rút được không ít bài học thấm thía về sự cả tin vào ý chí của một thời vốn được mệnh danh là “thời đại cách mạng lay trời chuyển đất” … khi ta mơ ước chân thành mà cũng có phần nông nổi về lý tưởng tối hậu của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giàu và nghèo … Nhưng kết cuộc … Cái giàu bị tiêu diệt nào ngờ cái nghèo càng nghèo thêm”.
Nếu đối chiếu với thực tế, từ năm 1945, nước ta 2 triệu người chết đói đến những năm trước đổi mới bo bo cũng thiếu ăn, chúng ta được như hôm nay mà Huệ Chi viết “nào ngờ cái nghèo càng nghèo thêm”, nói cho gọn ông ta đã xuyên tạc!
Là một Giáo sư, Nguyễn Huệ Chi sao lại có kiểu bôi đen xã hội y như những kẻ chống đối đầy thù hận và ít học đến như thế? Không ngờ một người từng hưởng bổng lộc và danh vị của chế độ, tưởng thâm trầm mô phạm, lại có những phát ngôn cực đoan bất chấp thực tế, đầy thiên kiến méo mó như thế.

15-8-2024
ĐÔNG LA