Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG VỚI NHỮNG LÝ LẼ THÙ ĐỊCH KỲ QUÁI

ĐÔNG LA
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG VỚI NHỮNG
LÝ LẼ THÙ ĐỊCH KỲ QUÁI

(Đồng đội, sau 40 năm, Lộc-Hùng (Đông La))
          Với cơ quan lý luận cao nhất, Nguyễn Đình Cống đã không vòng vo mà công kích trực diện với giọng điệu của một kẻ thù địch với ĐCSVN, ông ta viết: “Một số ngụy biện của tuyên giáo cộng sản Việt nam” với lý lẽ: “CNCS vào VN không phải qua con đường đấu tranh giai cấp mà qua tinh thần chống thực dân của các chiến sỹ yêu nước”. Bản chất của việc phân chia giai cấp chính là dựa vào tính thống trị và bị trị, bóc lột và bị bóc lột. Vậy ông Cống cho chống Thực dân Pháp không phải “đấu tranh giai cấp” là cái nhìn của một người mới biết đọc, mù lý luận.  Ông ta viết tiếp: “Nhưng khi đảng CS đã mắc vào vòng cương tỏa của Quốc tế cộng sản, đã lấy CNML làm Kim chỉ nam thì dần dần vướng vào sự ngụy biện đã thành hệ thống”. Chủ nghĩa Mác- Lê nin là con đường đấu tranh cho công bằng, đứng về phía quần chúng bị trị, bị bóc lột; vậy nước ta đang kiếp nô lệ, lấy Chủ nghĩa Mác- Lê nin làm kim chỉ nam cho con đường cách mạng là quá đúng đắn, Nguyễn Đình Cống cho là “ngụy biện” thì chính ông ta đã ngụy biện.
Chưa hết, ông ta còn cho thế này:
“Khi ĐCS còn trong giai đoạn vận động làm CM, để lôi kéo được đông đảo quần chúng đi theo thì có nhu cầu tuyên truyền về sự chính nghĩa, về lực lượng hùng hậu, về tài năng và đạo đức của lãnh tụ, về tương lai tươi sáng của xã hội. Những thứ đó phần lớn là chưa có thật, phải dùng lối ngụy biện để bịa ra, bịa một thời gian dài rồi người nói và người nghe đều tưởng như thế thật”.
          Cuộc cách mạng giành nền độc lập là chính nghĩa, tài năng và đạo đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh là sự thật, sao Nguyễn Đình Cống cho là “phần lớn là chưa có thật” nên đã cho ĐCS là “tuyên truyền ngụy biện”?
***
          Việc chính nghĩa sẽ bàn sau, trước hết chúng ta xem lại đôi nét về tài năng và đạo đức của Bác Hồ.
Tôi đã viết: “Một trong những thiên tài của Bác, đó là khả năng tiên tri. Khi hiểu hơn về thế giới tâm linh, tôi thấy chỉ có những bậc thần thánh mới có khả năng như thế. Bác chính là một vị Bồ tát, vị thánh thị hiện giữa đời phàm với sứ mệnh cứu dân ta thoát khỏi vòng nô lệ và giành lại nền độc lập”. Như năm 1942 Bác đã tiên đoán: “1945 Việt Nam độc lập”. Năm 1947, Bác đã nói: “Phải đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm trên đất Điện Biên Phủ”. Năm 1954, sau khi nhận tin vui chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng Bác lại nói với ông Tố Hữu, với ông Võ Nguyên Giáp là ta “Còn phải đánh Mỹ”. Năm 1960, Bác đã tiên đoán: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định thống nhất”, v.v...
Để trở thành lãnh tụ kính yêu ngoài thiên tài, Bác Hồ cũng có một cái Đức cao cả. Chỉ như vậy Bác mới thu phục được nhân tâm của cả một dân tộc. Trường hợp Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng theo cách mạng là trường hợp điển hình. Trong một cuộc phỏng vấn của báo Pháp, ông cho biết dù xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn, từ nhỏ ông đã rất sợ người Pháp vì chứng kiến cảnh binh lính Pháp đánh đập dân An Nam. Lớn lên, ông càng thấy sự phân biệt giữa người Pháp và người Việt. Nhưng những ai đỗ đạt và có tài năng như ông thì sẽ bị mua chuộc để phục vụ cho chế độ bảo hộ. Từ khi còn là học sinh ông đã hâm mộ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu tiên ông gặp Việt Minh là được họ mời đi chữa bệnh cho một ông cụ già mà ông rất ấn tượng bởi cụ có “hai con mắt rất sáng”. Ông thấy cụ là một con người khác thường, kỳ lạ, có sức mạnh vô hình lôi cuốn ông. Sau thì ông được biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã gọi Chủ tịch là “cụ” xưng “con” vì cảm thấy trước Người, ông bé nhỏ như đứa con nít. Vì cảm phục tinh thần yêu nước, con đường cứu nước của Bác, ông đã dễ dàng từ bỏ hết cuộc sống sang trọng, tiện nghi vào rừng theo kháng chiến, mang theo người vợ mới cưới mới 16 tuổi và đứa con mới 6 tháng. Ông kể Bác thường không nói chuyện chính trị mà chỉ nói chuyện đạo đức bình thường, nghi Bác chính là Nguyễn Ái Quốc, nhiều lần tính hỏi nhưng gặp Bác lại sợ. Ông nói: “có cái gì đó, cái thương, cái nể lắm, làm cho tôi gắn bó với ông cụ lắm”.
Với phát minh “cắt gan có kế hoạch”, GS Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học nhiều nước. Ngót một phần tư thế kỷ, ông đã sống, làm việc và trưởng thành dưới sự quan tâm ân cần của Bác Hồ. Khi nghe tin Bác mất ông đã viết những dòng vô cùng xúc động như sau:
Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”.
Việc khâm phục và kính trọng những bậc vĩ nhân có công với dân tộc là lẽ tự nhiên với những người có lương tri và thiện tính. Vậy mà Nguyễn Đình Cống cho tài năng và đạo đức của lãnh tụ “phần lớn là chưa có thật” thì, giống như Võ Thị Hảo cũng cho Bác chỉ được “thần thánh hóa bởi bộ máy tuyên truyền”, so với những trí thức cao cấp như Tôn Thất Tùng, tầm của Đình Cống cũng chỉ thuộc hạng Thị Hảo mà tôi đã viết, chỉ như “bãi cứt trâu so với trái núi sừng sững” mà thôi!
***
          Nguyễn Đình Cống viết: “Sau khi nắm được chính quyền, ĐCS VN, vì ý thức hệ mà phải theo sự chỉ đạo của Stalin, Mao Trạch Đông để làm cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa…Càng làm theo CNML càng dẫn dân tộc vào con đường bế tắc, bần cùng”.
          Cho nước ta “vì ý thức hệ mà phải theo sự chỉ đạo của Stalin, Mao Trạch Đông để làm cải cách ruộng đất” cũng là viết bậy. Theo ông Hoàng Tùng, một người chứng kiến vì lúc đó là chánh văn phòng của Tổng bí thư, trong hồi ký ông viết: “Mùa hè năm 1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Sau thấy không thể từ chối được nữa Bác mới quyết định phải thực hiện”. Ông cũng cho biết: “Trong một cuộc họp Thường vụ Trung ương, Bác nói Stalin không được như thế đâu, chỉ vì người ta cần có một ngọn cờ mà đưa lên như thế. Nghĩa là Bác biết rõ Stalin. Người không sùng bái, cũng như không sùng bái Mao Trạch Đông. Nhiều lúc Bác cũng phải ngoại giao”. Như vậy, vì làm cách mạng với hai bàn tay trắng, chúng ta phải nhờ Liên Xô và Trung Quốc nên phần nào cũng phải chiều lòng họ. Nhưng chính trong CCRĐ, dù có sai lầm nhưng chúng ta đã có bản lĩnh vượt qua toan tính của Trung Quốc. Theo Hoàng Tùng “Họ muốn qua cải cách ruộng đất để “chỉnh đốn” lại Đảng ta. Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số tổ chức khác của Đảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, ai lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến 1953, thế mà họ thẳng tay bỏ hết”. Khi nhận ra sai lầm chúng ta đã quyết dừng lại sửa sai, không nghe Trung Quốc nữa. Như Bác Hồ đã bảo xé đi cái danh sách tướng lĩnh, có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp,  mà Trung Quốc muốn loại đi. Cũng cần phải đánh giá toàn diện về CCRĐ, dù có sai lầm nhưng Cải cách ruộng đất đã xóa bỏ được mối quan hệ phong kiến đã từ ngàn đời đè nặng, mọc rễ sâu trong mọi ngõ ngách trong xã hội nông thôn VN, xóa bỏ địa vị và lợi ích của tầng lớp quan lại và giai cấp địa chủ bóc lột tàn ác, từng được diễn tả rất rõ trong các tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan và Tắt đèn của Ngô Tất Tố, và đem lại ruộng đất cho dân cày. Chỉ có vậy cả dân tộc mới có quyết tâm chiến đấu giành lại nền độc lập.
          Chi với con mắt thù địch, mù lịch sử, Nguyễn Đình Cống đã nhai lại những luận điệu xuyên tạc như thế này:
Trong lúc cần duy trì chế độ và sự thống trị của mình Đảng lại phải ngụy biện, phải gian dối trong tuyên truyền. Sau 1954 đất nước bị chia cắt. Thống nhất là nguyện vọng của toàn dân. Cả hai Hiệp định Genève và Paris đều ghi là sẽ thống nhất bằng đường lối hòa bình, thông qua tổng tuyển cử. Thế nhưng cả 2 hiệp định đều bị phá hoại, dẫn tới cuộc chiến tàn khốc 20 năm và ĐCS đã thắng trong cuộc chiến đó. Ai đã phá hoại hiệp định. Chúng ta dựa vào một phần sự thật để tuyên truyền là chính Mỹ-Ngụy (Diệm, Thiệu) phá hoại hiệp định và gây chiến tranh, nhưng phía bên kia và phần lớn thế giới lại nêu đầy đủ chứng cứ là chính Bắc Việt mới là bên phá hoại hiệp định trước tiên và chủ động gây chiến”.
Nguyễn Đình Cống phải biết sự thật, vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, hội nghị Genève về Đông Dương chính thức được khai mạc mà Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của ta do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Sau một thời gian Pháp giữ lập trường cứng rắn nhưng trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí Pháp muốn duy trì Đông Dương là lãnh thổ thuộc Liên hiệp Pháp, hội nghị Geneva mới họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đàm phán trực tiếp, chọn giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam. Ranh giới tạm thời sẽ ở vĩ tuyến 17, Sông Bến Hải, phù hợp với ý kiến của Anh và Mỹ. Điều 6 Bản Tuyên bố chung ghi rõ: “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. Vì vậy, không có chuyện theo Hiệp định Genève thì lãnh thổ ở sau vĩ tuyến 17 thì thuộc quyền quản lý Việt Nam Cộng hòa. Đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam không ký vào Hiệp định, đã phản kháng, nhưng không được hội nghị để ý, như lời Ngoại trưởng Trần văn Đỗ nói với báo chí: "Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến”. Như vậy Hiệp định Genève được ký giữa người chiến thắng ngoại xâm là đại diện của nhân dân VN và bên bại trận là Pháp, Quốc gia Việt Nam lộ nguyên hình là bù nhìn, không có vị trí gì trong hội nghị khi ông chủ đã bị thất bại. Việt Nam Cộng hòa, hậu thân của Quốc gia Việt Nam, với sự giật dây của ông chủ mới là Mỹ, đã vi phạm Hiệp định, từ chối tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước; rồi quá yếu kém đã trở thành cái cầu bắc cho Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến tại VN. Nhưng VN từng vượt qua được những toan tính của những nước lớn trên lưng mình, đã không chấp nhận sự nhào nặn của Mỹ và đã sẵng sàng “đánh Mỹ” giành lại nền độc lập và cuối cùng chúng ta đã chiến thắng! Sự thật lịch sử là thế, không ai có lương tri mà nghĩ như ông Cống thế này cả: “Một phần rất lớn nữa của sự thật, mà lại là phần quan trọng đã bị che dấu, bị bỏ qua. Đó là chỉ vì theo chủ thuyết CS mà những người lãnh đạo đã biến đất nước thành tiền đồn phe XHCN, xô đẩy nhân dân vào chiến tranh, bỏ qua nhiều cơ hội hòa bình thống nhất đất nước”.
Ông Cống cần phải biết, Tuyên ngôn Độc lập của Bác nhắc đến Mỹ và Pháp; năm 1946 Bác cũng viết nhiều thư muốn nước ta quan hệ với Mỹ; ta tiến hành hai cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập đúng là có nhờ viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước “phe XHCN”, nhưng mục đích là nền độc lập của ta chứ không phải muốn làm “tiền đồn” cho ai cả, dù thực tế nếu cần xin viện trợ, người ta đã hô rất to khẩu hiệu như thế!
***
Chưa hết, không ngờ một GS, từng là trưởng khoa tại một trường đại học “dưới chế độ XHCN”, lại có một lý sự kỳ quái như thế này:
Thực chất là chế độ Diệm đàn áp cộng sản nhưng người ta lại dùng cách đánh tráo khái niệm để ngụy biện thành “Đàn áp những người yêu nước, đàn áp nhân dân”. Đánh tráo như vậy nhằm kích động hận thù dân tộc”.
Thật là khùng điên khi cho chế độ của Ngô Đình Diệm chỉ “đàn áp cộng sản” chứ không phải đàn áp “người yêu nước”, cho cái ý “người cộng sản là người yêu nước” là “đánh tráo khái niệm để ngụy biện”, để “nhằm kích động hận thù dân tộc”. Chỉ là một kẻ thù điên cuồng của chế độ mới có một sự phân chia thù địch như vậy.
Trước bao linh hồn của các chiến sĩ cộng sản hy sinh trong tù ngục thời cách mạng còn trứng nước, trước bao linh hồn các chiến sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt để có được ngày hòa bình hôm nay, trong đó có đồng đội của tôi, tôi không chửi Nguyễn Đình Cống là một “thằng già láo” thì tôi không còn là tôi nữa!
“Thằng già” này cần phải biết về Ngô Đình Diệm. Ngày 8 tháng 3 năm 1949Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại, thực chất là con bài giúp Pháp thuyết phục Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự để có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương. Rồi đến khi Pháp thua tại Điện Biên Phủ, Eisenhower muốn có một chính phủ mở rộng hơn là chính phủ của một ông Vua bù nhìn để làm giảm sự hấp dẫn của Hồ Chí Minh. Ngô Đình Diệm đã được Mỹ chọn là quân bài giúp Mỹ thế chân Pháp. Bảo Đại đã phải cho Diệm một chức vụ Thủ tướng. Ý thức được rằng mình đang ném ngai vàng đi, Bảo Đại đã bắt Diệm phải thề trung thành. Diệm đã quỳ xuống trước Hoàng Hậu Nam Phương thề là sẽ làm hết sức để giữ ngai vàng cho Hoàng Tử Bảo Long. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, Diệm đã dùng tiền của CIA tổ chức cuộc Trưng Cầu Dân Ý gian lận để phế bỏ Bảo Đại và lên làm Tổng Thống.  (http://www.sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls06.php)
Ấy vậy mà đến tận giờ vẫn không ít người tôn thờ Ngô Đình Diệm và tính chính nghĩa của “Nền Đệ nhất Cộng hòa”. Hãy xem đoạn văn dưới đây gởi những quan thầy Pháp của Ngô Đình Thục, anh ruột Ngô Đình Diệm, người đã dựa vào thế lực công giáo, giúp em mình đoạt quyền từ Bảo Đại, để xem rõ hơn cái tính “chính nghĩa” đó:
     "...Với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi (Ngô Đình Khả) cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ-an và Hà-tịnh.
      Có thể tôi lầm, tuy nhiên, thưa Đô Đốc, tôi xin thú thực là không tin – cho đến khi được chứng minh ngược lại – rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp...."
Vậy có lẽ nào những người cộng sản chống Diệm lại không phải là “người yêu nước” như cái nhìn thù địch của Nguyễn Đình Cống?

     ***
Riêng ý này của Nguyễn Đình Cống:
 “Đó là sự hy sinh xương máu của hàng triệu chiến sĩ để có được thành quả CM là giành chính quyền cho Đảng thì chính quyền đó đang rơi vào tay một nhóm người, bị dùng để tạo ra và bảo vệ lợi ích cho bọn có quyền. Đó là những tệ nạn như tham nhũng, mua quan bán tước, dối trá tràn lan và nhiều tệ nạn khác”.
 Tiếc thay một phần ý trên lại đúng là sự thật. Cái sự thật mà ngay trên diễn đàn quốc hội người ta gọi là “lợi ích nhóm”. Các vị lãnh đạo cao nhất cũng không chỉ một lần nói. Như TBT Nguyễn Phú Trọng nói hiện tại trong Đảng cũng phân hóa, có người giầu, người nghèo; nếu không chỉnh đốn, không ngăn chặn tệ nạn và yếu kém thì chế độ sẽ bị đẩy đến “nguy cơ tồn vong”; Chủ tịch Trương Tấn sang nói “Đụng đâu vướng đấy”, tức sai lầm đã thành hệ thống, bọn tham nhũng đã như “bầy sâu”!
Nguy hiểm ở chỗ có khuynh hướng giống Liên Xô thời chuẩn bị tan vỡ là muốn đẩy nhanh quá trình tư bản hóa, đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến Pháp, tước quyền lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ, hợp thức hóa tài sản đen. Tài sản đen đối với nền kinh tế là tài sản chết, chỉ nuôi béo bầy sâu, không duy trì sản xuất. Quá trình tư bản hóa Liên Xô cũng vậy, tài sản chủ yếu có được do quyền lực, khi LX tan vỡ, nền kinh tế trì trệ đã đẩy các mảnh vỡ vào cảnh hỗn loạn. Khác với tài sản của các nhà tư bản ở các nước phát triển. Họ tự xây dựng nên đế chế của mình đồng thời tạo ra tài sản đó; tài sản đó là tài sản sống, duy trì hoạt động vương quốc của họ, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Khác với thời tư bản hoang dã, vì tự do cạnh tranh, chỉ các công ty nào sinh sôi, mang lại lợi ích cho không chỉ ông chủ, người lao động mà còn cho cả xã hội thì mới tồn tại và phát triển.
                  Chính vì vậy, tôi không phải Đảng viên mà vẫn viết bảo vệ chế độ, vì tôi thấy dù Đảng có thoái hóa biến chất nhưng vẫn có một nền móng vững chắc là một lịch sử hào hùng, lý tưởng của Đảng vẫn là tốt đẹp. Một Đảng trong chớp mắt của lịch sử đã lãnh đạo dân ta đánh thắng đến 4 cuộc xâm lược. Một Đảng đã từng sai lầm rồi sửa chữa, đã từng trì trệ rồi đổi mới, đã đưa được nước ta từ kiếp nô lệ đến được những ngày như hôm nay. Vì vậy dù đứng trước “nguy cơ tồn vong”, việc chỉnh đốn Đảng hiện có sẽ dễ dàng hơn, cuộc sống người dân sẽ đảm bảo hơn, chắc chắc là sẽ hơn tình trạng sụp đổ, khi các đảng tham ác, lưu manh sẽ tranh giành nhau, xâu xé đất nước như nước Nga thời Enxin.
Theo tôi, trước thực trạng tham nhũng vì có nhóm lợi ích, toa thuốc tốt nhất chính là tăng cường cơ chế giám sát có hiệu quả. Ngoài sự vận dụng cơ chế kiểm soát quyền lực theo cơ chế tam quyền phân lập một cách phù hợp trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện, một lần tôi đã viết: “cần phân chia và kiểm soát quyền lực theo nguyên lý cân bằng âm dương của triết cổ phương Đông và của cấu tạo vật chất: Cần tăng quyền cho phía ít lực, ngược lại cần tăng lực cho phía ít quyền. “Lực” ở đây là sức mạnh (như quân đội chẳng hạn) và là tiền. Nếu “lực” mà có quyền tuyệt đối sẽ thao túng được tất cả. Còn quyền là quyền chất vấn, quyền giám sát, quyền truy tố”. Giống như Mỹ, tổng thống có quyền rất lớn, đứng đầu chính phủ, là tổng tư lệnh quân lực và cũng là nhà ngoại giao trưởng; nhưng tổng thống lại bị giám sát và luận tội bởi Hạ viện và bị cách chức bởi Thượng viện nếu phạm pháp.
***
Có một “ông anh” nhà thơ rất quen biết tôi nói với một “ông anh” khác còn quen biết tôi hơn là: “Chế độ này rồi sẽ sụp đổ, thằng Hùng rồi sẽ hối hận”. Văn nghệ sĩ thường có năng khiếu, nhưng năng khiếu không phải trí tuệ, nên tôi thường ít coi trọng trí tuệ giới văn nghệ sĩ dù có người sáng tác rất hay. Trước nay tôi viết “bảo vệ đất nước” là muốn trình bầy những điều hay lẽ phải chứ không phải để bảo vệ lợi ích của bản thân gắn với chế độ vì tôi không có lợi ích gì cả. Nếu chế độ này mà sụp đổ thì sẽ có rất nhiều người hối hận, trong đó chắc chắn có “ông anh” trên, vì họ có lợi ích chứ không phải tôi. Còn đất nước mà loạn thì tôi cũng rất tiếc cuộc sống thanh bình hôm nay, khi ấy thì khốn nạn tất chứ không riêng một ai.
          19-8-2015
(Ngày Cách mạng Tháng 8)
          ĐÔNG LA