Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

NHỚ VỀ SỰ “SÒNG PHẲNG LÝ LUẬN” CỦA ÔNG TƯƠNG LAI NHÂN CHU HẢO BỊ KỶ LUẬT


ĐÔNG LA
NHỚ VỀ SỰ SÒNG PHẲNG LÝ LUẬN
CỦA ÔNG TƯƠNG LAI NHÂN CHU HẢO BỊ KỶ LUẬT

Tương Lai là một chiến hữu của Chu Hảo, người thuộc trường hợp hiếm hoi mới bị kỷ luật thuộc hàng nhân sĩ trí thức danh tiếng thoái hoá, biến chất, cơ hội, trở cờ. Chu Hảo là GSTS, nguyên thứ trưởng một bộ về Khoa học công nghệ thì Tương Lai (hay được gọi là GS nhưng thực chất là PGS) từng là Viện trưởng Viện Xã hội học, từng có 13 năm (1993 – 2006) là thành viên nhóm tư vấn các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Năm 2007, Tương Lai cũng như Chu Hảo từng cùng Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, v.v... lập ra Viện nghiên cứu Phát triển - IDS rồi đã bị giải tán.
Bài tôi viết đầu tiên về Tương Lai liên quan đến một chuyện thú vị của cuộc đời tôi. Một lần tôi đã được một vị nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng mời tôi đến một cuộc gặp gỡ mà cơ quan ông tổ chức để những người có chức trách gặp gỡ và trao đổi với tôi về những lĩnh vực lý luận liên quan đến cả chính trị lẫn Văn học Nghệ thuật. Đến cuộc gặp tôi thấy một vị ôm một chồng văn bản photo chính những bài viết của tôi, thầm nghĩ, thì ra mình đã được họ cho vào sổ, và may là sổ đỏ chứ không phải sổ đen. Vì vậy gặp nhau để biết mặt, vui vẻ tiệc tùng với nhau một chút là chính, chứ thực ra họ đã quá hiểu về tôi rồi. Sau cuộc gặp, vị chủ trì đưa cho tôi một cuốn sách và muốn tôi có ý kiến, đó là cuốn Tôi chỉ có một Đảng, ĐẢNG CỦA BÁC HỒ của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA. Cuốn sách đã được họ gởi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Tuyên giáo TW, đề nghị mở rộng nghiên cứu các vấn đề cấp bách của Việt Nam.
*** 
 Trong cuốn sách, Tương Lai có bài “Vòng tròn nhỏ trong vòng tròn lớn”, viết: “Nếu không sòng phẳng về mặt lý luận, để khẳng định rõ đồng thuận là động lực, đại đoàn kết là động lực chứ không phải đấu tranh giai cấp là động lực như trước đây, thì không thể thúc đẩy sự nghiệp Đổi Mới”.
Ông ta cho rằng: “Đã từng một thời có những câu thơ bốc lửa giục giã con người đi làm cách mạng: “…Nuôi đi em cho đến lớn, đến già? Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu/ Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu” thì giờ đây ngẫm lại có cái gì không ổn từ chính logic của hệ tư tưởng”. Ông ta giải thích bằng câu chuyện trong “Thế giới phẳng” của T. L. Friedman: một gia đình bị chia đôi sống ở Ấn độ và Pakistan, người con hỏi cha tại sao phía sống ở Ấn độ lại khá hơn thì người cha trả lời rằng tại vì bên Ấn độ, một thanh niên nghèo thấy người giàu thì khâm phục cố phấn đấu cho bằng, còn bên Pakistan người thanh niên nghèo thấy một người giàu thì thù hận quyết chí giết người ta. Tương Lai cho rằng “mầm hận” trong câu thơ của Tố Hữu giục giã dân ta đi làm cách mạng nói trên tương tự như thù hận của người thanh niên nghèo ở Pakistan kia, và đó chính là sự thể hiện cụ thể của “động lực đấu tranh giai cấp” sai lầm, cần phải phế bỏ. Ông ta cũng cho chính cái “mầm hận”, cái “động lực” ấy đã khiến chúng ta “đã có những trải nghiệm đau đớn với “cải cách ruộng đất”, với đấu tranh chống “Nhân văn Giai phẩm”, với đấu tranh ai thắng ai bằng “cải tạo tư sản” và “công tư hợp doanh”, rồi quá trình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp”, “hợp tác hóa bậc cao” ngăn sông cấm chợ… đã đẩy đất nước đến bên bờ sụp đổ… nếu soi kỹ những sai lầm kéo dài hàng thập kỷ sẽ thấy “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là cái “mầm hận” đã thấm vào “lồng xương ống máu” nhằm đẩy tới cuộc đấu tranh giai cấp được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội”.
Hiểu khái niệm “đấu tranh giai cấp” giống như hận thù cực đoan và đố kỵ giàu nghèo như trên, ông Tương Lai đã không hiểu gì về Triết học. 
 Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản... là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất... trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”; “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”. 
Như vậy, nội hàm chính của khái niệm “đấu tranh giai cấp” chính là tước bỏ quyền nô dịch người khác và xóa bỏ sự “bóc lột”. 
Chính một thời ấu trĩ, người ta đã hiểu một cách cực đoan về “đấu tranh giai cấp” như ông Tương Lai hiểu nên đã đẩy đất nước chúng ta đến những giai đoạn “đã có những trải nghiệm đau đớn”. Nếu phủ phận “đấu tranh giai cấp”, coi căm thù sự bóc lột và sự nô dịch là “không ổn từ chính logic của hệ tư tưởng” như Tương Lai thì nước ta sẽ không có cách mạng, thế giới cũng không có cách mạng. Và như vậy, nếu cứ giữ nguyên hiện trạng như thời thực dân cũ, thế giới chỉ chia làm hai, ba mảng, chủ yếu thuộc Anh và Pháp. Nước Mỹ cũng sẽ không tồn tại mà chỉ là trang trại của những ông chủ bên Mẫu quốc Anh; nước ta cũng sẽ không còn tên trên bản đồ thế giới, sẽ là trang trại của những ông chủ nô Pháp.
Ngay cả những “trải nghiệm đau đớn” như Cải cách ruộng đất, muốn “sòng phẳng”, cũng cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện, không thể xổ toẹt một cách thô thiển nông cạn được. Rõ ràng qua đó chúng ta đã đạt được thành quả rất lớn là người cày có ruộng; đạt được tiến bộ xã hội là xóa bỏ được mối quan hệ phong kiến đã từ ngàn đời đè nặng, mọc rễ sâu trong mọi ngõ ngách của xã hội VN, chỉ có cái sai là sự cực đoan. Một mặt, về khách quan, trong kháng chiến chúng ta buộc phải nhờ vả bên ngoài nên đã phải chịu sức ép từ bên ngoài (LX và TQ). Còn mặt chủ quan, đó chính là sự ấu trĩ. Triết học Mác chỉ rằng, chỉ có trong đấu tranh đối kháng mới dùng bạo lực. Nhưng cũng cần phải phân biệt, CCRĐ ở ta hoàn toàn khác với Cách mạng Văn hóa kiểu Mao Trạch Đông, bởi những việc đó đã được tính toán kỹ và thực hiện có chủ đích, còn chúng ta khi thấy CCRĐ sai đã sửa sai nhanh nhóng và quyệt liệt nhất, đã cách chức đến cả Tổng Bí thư Đảng.
*** 
Tương Lai cũng sai khi cho “đấu tranh ai thắng ai bằng “cải tạo tư sản”” sau 1975 cũng là hậu quả sai lầm của “đấu tranh giai cấp”. Trước hết phải xách định rằng, việc “đánh” tư sản mại bản và “cải tạo tư sản” sau chiến thắng 1975 là đúng và tất yếu. Bởi dân tộc ta từng hy sinh hàng mấy triệu người để giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước không phải là để cho bọn tư sản Ba Tàu làm giàu. Nền kinh tế của Việt Nam Cộng hòa, theo Googlle: “Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện...và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường”.
Còn cái sai của ta thời đó chính là do trình độ, sau mấy chục năm chiến tranh, cả nhà nước cũng như toàn dân ta thực sự chưa biết làm kinh tế. Chúng ta cũng sai lầm mang tính lý luận, khi xây dựng XHCN chỉ bằng hai bàn tay trắng, mà sau này tự phê là “căn bệnh duy ý chí”. Triết học Mác chỉ ra, xã hội XHCN chỉ được xây dựng trên nền tảng XHTB cực phát triển với phạm vi toàn thế giới. So với với quy luật “lượng đổi chất đổi” của phép biện chứng thì chỉ khi nào lượng chất mới tích lũy đủ khi đó chất cũ mới thành chất mới, chứ không thể nào có chuyện một chất cũ đột nhiên biến thành chất mới được. Vì vậy việc đánh tư sản mại bản sau 1975 là đúng, nhưng xóa bỏ ngay mọi thành phần sản xuất tư nhân là sai. Trong thực tế con đường đến với mỗi tiến bộ luôn phải trả giá đắt, bằng rất nhiều mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu nữa; còn trí thức giả cầy như Tương Lai, sau khi mọi chuyện đã rồi, ngồi phán đúng sai, nên thế này, nên thế kia thì quá dễ.
Việc ông Tương Lai lấy “đại đoàn kết” đối nghịch và thay thế “đấu tranh giai cấp” ông cũng tỏ ra không hiểu gì về triết học cũng như thực tiễn cuộc sống.
Theo Quy luật Thống nhất và Đấu tranh của các mặt Đối lập của triết học Mác, các mặt đối lập luôn tồn tại khách quan và phổ biến, từ đó sẽ tạo ra mâu thuẫn. Rồi mâu thuẫn lại tồn tại trong sự thống nhất và đồng thời trong sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự thống nhất chính là sự chuyển hóa lẫn nhau giữa những phần giống nhau của các mặt đối lập; còn đấu tranh chính là sự phủ định lẫn nhau giữa những phần khác nhau của các mặt đối lập; hai cái không thể tách rời nhau, tạo ra sự vận động và phát triển. Khi mâu thuẫn đã được giải quyết thì sự vật cũ mất đi, cũng là lúc sự thay đổi về lượng đủ để chất mới ra đời. Và rồi cứ thế lặp lại theo quy luật phủ định của phủ định, sự vận động phát triển diễn ra mãi mãi.
Làm ngược cơ sở lý luận đó, theo Tương Lai cần bỏ đi sự đấu tranh, chỉ “đồng thuận” và “đại đoàn kết” với kẻ ác, với kẻ tham thì có thể tiến đến được một xã hội “dân chủ cộng hòa” tươi đẹp được sao! Nhưng sự đoàn kết có thể coi như một phần “thống nhất” của quy luật Mâu thuẫn, khi người ta bỏ qua những mâu thuẫn không có tính đối kháng để thống nhất với nhau đi tới một mục tiêu chung; đoàn kết cũng còn là sự tác động chuyển hóa của những phần giống nhau giữa các lực lượng đối nghịch cũng góp phần vào quá trình biến đổi tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Vì vậy “đoàn kết” và “đấu tranh” luôn luôn gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, trong quá trình vận động phát triển. Chỉ khi nào loài người sinh ra toàn thiện thì mới không cần đến “đấu tranh”, chỉ cần đoàn kết với nhau thì xã hội vẫn có thể vù vù tiến lên!
Còn cái ý ông Tương Lai cho là do “đấu tranh giai cấp” mà đẩy đất nước đến bờ vực giai đoạn sau Giải phóng 1975 cũng là cái nhìn thiển cận, phiến diện. Ai cũng thấy sau chiến tranh nước ta đã kiệt quệ toàn diện. Chúng ta chưa có một nền sản xuất đúng nghĩa, cả về trình độ, máy móc lẫn nguyên vật liệu. Cả hai miền Nam Bắc đều đột ngột bị cắt nguồn viện trợ to lớn, còn bị cô lập, cấm vận. Chưa hết, chúng ta lại phải tiến hành 2 cuộc chiến ở biên giới, phía Tây Nam và phía Bắc. Tất cả những điều đó đã đẩy đất nước ta đến bên bờ vực thẳm, giai đoạn lạm phát gần 800% (1986) chứ đâu có đơn giản như ý ông Tương Lai là do “đấu tranh giai cấp”! Trái lại, chính do “đấu tranh giai cấp”, chúng ta mới giữ được ổn định. Vẫn biết đại đoàn kết là điều tốt đẹp nhất, nhưng lòng người đâu chỉ có muốn đoàn kết mà luôn có sự vô minh. Chính sự vô minh đã đẻ ra hận thù, đẻ ra đố kỵ, đẻ ra cố chấp, nên “chuyên chính” như là một điều tất yếu của chính trị đối với bất cứ đất nước nào, thể chế nào, nhất là sau khi một quốc gia phải trải qua một cuộc chiến. Nước ta thời hậu chiến với hận thù ngút trời, đến hôm nay, Việt kiều, từ ông lãnh đạo đến trí thức, văn nghệ sĩ ở chế độ cũ đã nườm nượp về nước. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước luôn bình yên, không có một lần bom nổ, mới thấy “nền chuyên chính” của chúng ta mới thật kỳ diệu làm sao!
*** 
Ông Tương Lai viết: “Lịch sử Cách mạng VN đã chứng minh một sự thật không thể bác bỏ là lúc nào lấy dân tộc làm động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng lúc ấy cách mạng giành thắng lợi, còn lúc nào nống đấu tranh giai cấp lên làm động lực, lúc ấy cách mạng gặp khó khăn”; “Hiểu điều này, mới hiểu được bản lĩnh của Hồ Chí Minh vào năm 1951, khi Đảng có điều kiện để ra công khai đã đổi tên Đảng là Đảng Lao động VN: “Chính vì Đảng Lao động VN là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động , cho nên nó phải là đảng của dân tộc VN”.
Thực ra do ấu trĩ, là cộng sản mà không hiểu chủ nghĩa cộng sản nên có những giai đoạn ở ta đã có cái nhìn hạn hẹp về giai cấp, chỉ cho những người cùng khổ mới là giai cấp cách mạng, trong khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen viết: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê”; rồi: “Từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản”.
Vì vậy ông Tương Lai đã rất sai lầm khi lấy “dân tộc” đối nghịch với “giai cấp”, coi tư tưởng của Bác Hồ đối nghịch với lý luận của ĐCS, lấy tinh thần “dân tộc” của Bác đối nghịch với tinh thần “quốc tế vô sản”.
Trước hết, phải thấy nước ta không thể chỉ lấy “dân tộc” làm “động lực” mà giành được Độc lập. Thực tế, 1945, ta tận dụng cơ hội thế giới chiến thắng phát-xít mới làm Cách mạng tháng 8 thành công.
Việc Tương Lai lấy câu nói của Bác “Đảng là Đảng của dân tộc” để đối nghịch giữa Bác với lý luận của ĐCS cũng rất sai trái. Bởi chính trong Đại hội đó Bác đã nói về lý luận một cách dân dã: “Quân đội ta từ chỗ yếu tiến đến chỗ mạnh, từ chỗ nhỏ tiến đến chỗ to, từ không thắng tiến đến thắng, từ thắng ít đến thắng nhiều, rồi từ thắng nhiều tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là vì đâu? Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi mặt công tác khác, Đảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa”. (Hồ Chủ tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine) ( Theo HỌC TẬP - Nội san Đảng Bộ Liên Khu Bốn, Số 35, 4 - 1951). Về mặt đối ngoại, cần phải hiểu Bác là người rất khôn khéo. Bác đã trích dẫn Tuyên ngôn của Mỹ, Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập vì không muốn thế giới nhìn ta theo phe phái để rồi phải lún sâu vào cuộc chiến ý thức hệ. Rõ ràng tư tưởng của Bác rất đúng và đi trước thời đại. Đó chính là tư tưởng chủ hòa, luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình hoạt động của Bác. Nhưng thật tiếc, nhìn lại lịch sử, ta thấy những kẻ mạnh luôn tham lam, luôn muốn thống trị kẻ yếu, nên tất cả cố gắng của Bác đều không thành. Chính vì vậy tư tưởng của Bác không chỉ là “Đoàn kết”, mà trước cái ác, tư tưởng của Bác cũng chính là “đấu tranh”. Còn ai quyết liệt hơn Bác, như trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” ; 7-1945, sau một cơn sốt, Bác cũng nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”.
Vì vậy, việc đem “Đại đoàn kết” đối nghịch với “đấu tranh giai cấp”; “tinh thần dân tộc” đối nghịch với tinh thần “quốc tế”, và những những quan điểm phiến diện về Bác của ông Tương Lai là đại sai lầm.
***
Hiện nước ta càng thực hiện kinh tế thị trường phát huy sức sản xuất thì càng phải hiểu chính xác, sâu sắc và vận linh hoạt học thuyết “đấu tranh giai cấp”, cụ thể là việc chống tham nhũng và làm giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái việc một thời cả nước đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi. Còn trong thực trạng như vậy, Tương Lai cũng như cái công trình hiến kế của cái viện nghe rất lạ tai kia, Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA, lại đi kêu gọi “đoàn kết”, “đồng thuận”, phát huy sức mạnh văn hóa” thì tôi thấy các vị như là làm “văn chính trị”. Hoặc giống như tình trạng có người đang bị nhiễm trùng nặng, cần thuốc kháng sinh mạnh, thì các vị lại bảo cần phải đi nghe nhạc sẽ tốt cho sức khỏe. Theo cái toa thuốc mà các vị kê cho xã hội VN này thì xã hội sẽ chỉ hỗn loạn thêm mà thôi.
Vườn Vải Phúc Yên
20-11-2018
        ĐÔNG LA