Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

VÀI CHUYỆN VỀ KT LE

 VÀI CHUYỆN VỀ KT LE

KT Le (Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn), 10-7, ngày giỗ cha, đã viết trên facebook liên quan đến lịch sử đất nước, mượn lời kể của cố PTT Vũ Khoan cho rằng Liên Xô không muốn VN ta giải phóng Miền Nam, nên ta không cho LX biết kế hoạch của ta trong những ngày tháng 4-1975. Vì vậy Đại sứ LX Sherbakov cứ phải gặng hỏi phía VN và tức giận khi không được trả lời, và khi ta chiến thắng thì “LX là nước duy nhất không gửi điện mừng tới Trung ương Đảng ta, mà chỉ gửi đến MTDTGP miền Nam”.
Phan Việt Hùng với những chứng cớ rõ ràng: Hồi ký của đại sứ LX thời điểm đó là Chaplin (chứ không phải Sherbacov), rồi báo Nhân Dân 2-5-1975 đăng tin “Các vị lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc nhiệt liệt chúc mừng thắng lợi lịch sử của nhân dân ta”, đã chứng tỏ những thông tin mà KT Le đưa hoàn toàn là “tin vịt”. Cộng đồng mạng đã nổi giận, đã chửi KT Le ghê gớm.
***
Về KT Le, tôi đã có lần viết khi bạn này (bằng tuổi tôi) khoe ảnh chụp chung với hai nhà thơ “lừng danh” Trần Đăng Khoa và Nguyễn Quang Thiều. Tôi hơi bị thất vọng vì thấy Lê Kiên Thành cũng chỉ như “chúng sinh” bầy đàn, đàn đúm với Khoa và Thiều chỉ vì cái danh được bọn truyền thông ngu tô trét chứ không vì bản chất sâu xa của con người. Lê Kiên Thành nghĩ gì khi cộng đồng mạng chửi Khoa khi Khoa kêu gọi phát động chiến tranh đánh TQ vì TQ đang rất yếu và máy bay TQ không đủ xăng bay đến các mục tiêu ở VN ném bom? Rồi chuyện Khoa cho nền Tư pháp VN “xúm lại” muốn giết oan Hồ Duy Hải, cho anh hùng Phạm Xuân Thệ là Lý Thông cướp công Thạch Sanh Bùi Tùng trong sự kiện 30-4-1975?
Còn với Nguyễn Quang Thiều đã hiện nguyên hình là một kẻ cơ hội, đón gió, trở cờ, phản bội, đang phá huỷ nền văn chương chân chính VN sao con trai của đ/c cố TBT Lê Duẩn lại kết giao thành một bạn tâm giao! Với kiến văn của Lê Kiên Thành thì tôi tin Thành không thể biết được Thiều từng viết “cố hương” của mình “mê mẩn và lạc đường” trong những “cánh rừng đầy quỷ”, mà “con quỷ chúa” Thiều muốn ám chỉ ở đây, không ai khác chính là cha của ông Thành!

***
Trong “tút” trên, tại sao KT Le lại viết sai (hay cố tình viết sai) Đại sứ LX 1975 ở ta là Sherbacov? Chắc bạn không ngờ sao lại có “thằng” Phan Việt Hùng biết chính xác đến cái chuyện li ti vị Đại sứ năm đó là Chaplin chứ không phải Sherbacov. Còn tôi thì loạt chuyện: nhắc đến tên Sherbacov, chuyện cho LX không muốn ta thống nhất đất nước, chuyện cho LX tung tin giả “Mỹ ném bom nguyên tử”, chuyện “ba tôi” không viết hồi ký không như những ai đó viết cả chục cuốn kể công, …, đã khiến tôi nhớ tới lá thư 16 trang, chưa được xác thực tác giả, từng được lan truyền ồn ào trên mạng, ký tên Nguyễn Thị Vân, tự giới thiệu là “vợ nguyên cố TBT ĐCSVN Lê Duẩn”. Lá thư đã tố cáo đích danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều tội. Lê Quỳnh, 24 tháng 9- 2014, trên BBCVietnamese.com, viết: “Trong cố gắng chứng thực lá thư, BBC đã liên lạc với ông Lê Kiên Thành, con trai bà Nguyễn Thị Vân, nhưng ông từ chối xác nhận”. Lê Kiên Thành đã “từ chối xác nhận” như vậy sao không kiên quyết phủ nhận lá thư rất độc hại bôi đen hình tượng vị Đại tướng huyền thoại? Tưởng mọi chuyện không hay sẽ qua đi, nhưng rồi những chuyện sai trái cứ được nhai đi nhai lại, còn dắt mũi được nhiều người. Vì vậy, hôm nay tôi xin chỉ ra một vài chuyện trong lá thư.
***
Trong trang 3, lá thư đã viết chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy một mạng lưới ở ta làm gián điệp cho LX, mà “người chỉ đạo mạng lưới tình báo là Đại sứ LX tại VN là Sec-ba-cốp”, người được KT Le nhắc tới trong ngày giỗ cha.
Trong bài về “TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” tôi đã viết:
“… có thời điểm, bộ đội ta phóng tên lửa nhưng tên lửa không bay tới máy bay Mỹ mà quay đầu rơi xuống đất, có khi thành bom rơi xuống nhà dân. Bộ đội ta đã nghiên cứu biết do Mỹ đã biết được tần số của sóng điện từ dẫn tên lửa tới mục tiêu, nên họ đã chế thiết bị gây nhiễu. Vì vậy, cần phải thay đổi linh kiện để thay đổi tần số dẫn bắn. Theo Đại tá Nguyễn Thụy Anh, trong phim tài liệu “Vạch nhiễu tìm thù”: “Những người đại diện tập đoàn tên lửa không đồng ý cho mở cái khối điều khiển vô tuyến… Lúc bấy giờ đ/c Đại sứ LX ở VN đã rất quyết đoán, đ/c nói: “Có gì là bí mật nữa vì người Mỹ đã phát hiện ra rồi, đã gây nhiễu đánh chúng ta thì bây giờ chúng ta phải mở ra và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều này”. Quyết định quan trọng này đã giúp bộ đội tên lửa ta bắn B52 “rụng như sung”. Vị đại sứ đó chính là Ilya Sherbakov, ông đúng là một đại ân nhân của dân VN. Nhưng có thông tin không chính thống trong một lá thư tố cáo, ông là trùm tình báo của LX mà vụ án gián điệp chống Đảng ở ta có liên quan đến ông, và còn liên quan đến cả vị đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp. Nhưng tôi thấy hơi buồn cười là, trước nay người ta chỉ thấy làm gián điệp cho quân địch chứ làm gì có chuyện làm gián điệp cho người “anh em”? làm gián điệp cho đại ân nhân cứu giúp chúng ta?

***
Theo lá thư, đó là lần thứ 2 ĐT Võ Nguyên Giáp “làm gián điệp”, còn ở trang 2, lá thư tố cáo lần thứ nhất Đại Tướng đã làm “gián điệp cho Pháp”. Bằng chứng là từng có một lá thư của tên Chánh Mật thám Pháp gọi ĐT Võ Nguyên Giáp là con: “Mes chèrs enfants mai Giap”. Trong Bộ phim tài liệu mà tác giả là Nhà sử học, nhà báo người Mỹ Stanley Karnow “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình”, một tác phẩm được đánh giá là có quy mô, khách quan và trung thực nhất cho tới tận ngày nay. Trong tập 2, khi tái hiện lại chuyện cuối năm 1946, Pháp quay lại xâm lược VN, từ 9’23”, bộ phim chiếu hình ảnh Jean Julien Fonde, viên tướng Pháp, nói về chuyện đã gặp và cố gắng thuyết phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp : “Tôi nói tôi biết chiến tranh thảm khốc như thế nào. Nhiều người sẽ chết, nhà cửa bị thiêu hủy, thật là không thể tưởng tượng nổi. Chúng ta cần phải ngăn chặn không cho điều đó xảy ra. Ông ta (Võ Nguyên Giáp) nói với tôi: “Anh hãy nghe đây, quân Pháp rồi sẽ bị tiêu diệt. Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng. Chiến tranh có thể kéo dài 2 năm hoặc 5 năm nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”. Như vậy, có ai làm gián điệp cho Pháp lại trả lời Pháp như thế? Hơn nữa, có lẽ nào Bác Hồ và BCT Đảng ta lại giao cho một “tên gián điệp cho Pháp” làm chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh Pháp, một trận sống mái “nếu không thắng ta sẽ hết vốn”, và cuối cùng ta đã chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động Địa Cầu”, tống cổ Pháp về nước. Thật quá ngu xuẩn khi người ta tố cáo ĐT Võ Nguyên Giáp như vậy, và có những người đã tin điều này thì cũng ngu xuẩn không kém.

***
Cũng về Trận Điện Biên Phủ, trong trang 6 lá thư trên viết: “Ông Giáp tự nhận mình là người đưa ra quyết định thay đổi phương châm đánh nhanh thắng nhanh bằng phương châm đánh chậm thắng chắc và gọi đây là quyết định khó nhất cuộc đời của ông”. Theo tác giả lá thư, phương châm “đánh chậm, thắng chắc” là sự chỉ đạo của Bác Hồ và Bộ Chính trị từ trước, nên “Vậy thì khi ông Giáp nói rằng đây là quyết định khó nhất cuộc đời ông có phải là ông ta hàm ý bởi vì ông ta có quyết định khác với quyết định của bác Hồ với Bộ Chính trị khi đó nên mới cảm thấy khó … Đây thực sự là một kiểu chơi chữ đầy xúc phạm và vô cùng hỗn láo trước Bác Hồ và các đ/c trong BCT khi đó”. Một sự kết tội có vẻ rất có lý. Thực tế, đúng là Bộ Chính trị trong phiên họp tháng 10, tại Tỉn Keo (Ðịnh Hóa, Thái Nguyên), đã xác định nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là "đánh ăn chắc, đánh chắc thắng" (theo Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tr. 193). Nhưng thực tế đã diễn ra phức tạp hơn nghị quyết nhiều.
Ngày 9-12-1953, bộ phận tham mưu đánh giá địch ở Ðiện Biên Phủ đang ở trạng thái lâm thời phòng ngự, chưa kịp xây dựng công sự vững chắc, nên đã chọn phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và Cố vấn Mai Gia Sinh gọi là "oa tâm tạng chiến thuật" (chiến thuật moi tim). Như vậy cách đánh nhanh thắng nhanh hoàn toàn có lý. Cả Ðảng ủy mặt trận và Cố vấn Vi Quốc Thanh đều tán đồng phương án đánh nhanh, thắng nhanh đó. Cố vấn Vi nói: "Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ".
Nhưng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nhận thấy "phương án đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm", nhưng mới đến mặt trận, ông chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ, đành phải tạm thời chấp nhận. Nhưng rồi chuyện kéo pháo dự kiến hoàn thành trong 3 đêm, thế mà sau 7 đêm, pháo vẫn chưa vào vị trí. Lúc đó, quân địch đã tăng lên 12 tiểu đoàn, một tập đoàn cứ điểm kiên cố đã hình thành. Trước khi ra trận, Bác Hồ trao cho Ðại tướng nhiệm vụ "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" và căn dặn: "Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Ðảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau". Thế là sau 11 ngày đêm suy tính, đêm 25-1-1954 hầu như không chợp mắt, Ðại tướng đi đến quyết định phải thay đổi cách đánh. Sáng 26-1, ĐT đi gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh trao đổi, ông Cố vấn đã đồng ý.
Đặc biệt, để có “Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, có một sự đóng góp quan trọng của Tướng Phạm Kiệt. Trong bức thư viết ngày 19/1/1995, gửi cuộc Hội thảo về tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Đặc biệt, tại mặt trận Điện Biên Phủ, cũng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh (tướng Phạm Kiệt) đã được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Anh đã … phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm” thì qua điện thoại: “Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kể hoạch đánh nhanh”.

Như vậy, đúng là Đại tướng đã theo đúng chỉ đạo của Bác và BCT là “đánh chắc, thắng chắc”, nhưng ông đã phải thay đổi được diễn biến của thực tế đã diễn ra bằng thiên tài quân sự của mình, bằng lương tâm và trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Bác, vì dân, vì nước, chứ hoàn toàn không phải như lá thư tố cáo ông đã suy diễn một các ác độc như trên.
14-7-2023
ĐÔNG LA