Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

SO SÁNH THƠ VỀ CÁC AHLS CỦA ĐÔNG LA VỚI NGUYỄN QUANG THIỀU

 SO SÁNH THƠ VỀ CÁC AHLS CỦA ĐÔNG LA VỚI NGUYỄN QUANG THIỀU


Tôi tin những người có lương tri, thiện tâm trên đất nước VN đều thương tiếc khi TBT Nguyễn Phú Trọng mất bởi tài năng, đức độ và công lao của ông. Dù rằng theo lẽ thường, chắc chắn ông cũng có những khuyết điểm và thiếu sót, bởi công việc của ông quá phức tạp, quá nặng nề, quá lớn lao khi là người đứng đầu thể chế của một đất nước đang phát triển mà trình độ mọi mặt còn yếu kém. Nhưng như ông cha ta nói “sống gởi thác về”, và theo Đạo Phật “Đời là cõi tạm”, chết không phải là hết, với một người lập nhiều công đức, tích nhiều nghiệp thiện như TBT Nguyễn Phú Trọng thì linh hồn ông chắc chắn sẽ được hưởng những quả lành. Vậy mọi người có thể an tâm trở lại với nhịp sống bình thường.

Hôm nay cuối tuần tôi sẽ bình thơ, so sánh vài bài thơ viết về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ của chính tôi với thơ của ông đương kim Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, một việc có lẽ rất ít người làm được.
***
Trước khi vào chuyện chính, tôi viết ít dòng về những kỷ niệm có liên quan đến văn chương.
Vừa rồi, ông bạn PGSTS Nguyễn Hữu Sơn vào bình luận có nhắc chuyện tôi hay kể về Chế Lan Viên, còn lộ một bí mật của tôi nữa: “Hai, chịu khó nghe thơ lão (Đông La): "Thơ tôi hay đấy. Ông Chế Lan Viên khen đấy... Ông đ... hiểu gì thơ tôi". Chỉ ngồi nghe và gật. Không tranh luận nhé... Lại nói, chả hiểu sao, có lần theo về quê ổng, thấy có ông Côp, có xe Côp đưa đón”.
Quả thật, kỷ niệm với CLV thì tôi không bao giờ quên được. Nếu nói Tố Hữu là lãnh đạo thì CLV từng như giáo chủ của nền thơ cách mạng VN. Hoài Anh, một người đến Nguyễn Khải từng nói trực tiếp với tôi: “Nó bách khoa toàn thư đấy!”, đã viết CLV là “bác học nghệ thuật thơ”. Thú vị là khi giới thiệu Tập thơ “Đêm thiêng” của tôi, Hoài Anh cũng lại viết CLV đã trao cho tôi (Đông La) “bí quyết tâm truyền”. Thực tế không phải vậy, vì chưa gặp ông tôi đã làm thơ rồi. Lần đầu ông biết tôi làm thơ là lần ông đọc chùm thơ đầu tay của tôi, ông đã khen và bảo tôi sẽ “được giải” luôn; ông còn lon ton vào buồng bê cả chồng bản thảo ra khoe cách làm thơ của ông với tôi. Sau đó ông còn trực tiếp đứng tên giới thiệu tôi vào HNV TPHCM. Chính vậy mà tôi không sao quên được ông, đến nay sau mấy chục năm, tôi vẫn chưa gặp được một ai làm thơ sau tôi như CLV từng gặp tôi như vậy. Với con đường văn chương, tôi luôn coi việc đưa chùm thơ đầu tay cho CLV đọc như là cuộc thi lớn nhất của cuộc đời mình, và có lẽ chỉ cỡ CLV mới đủ tầm đủ tâm để công bằng với thơ tôi mà thôi. Ngược lại, với tôi ông cũng rất gần gũi, với một “bác học nghệ thuật thơ” như thế, nhưng tôi đã bình thơ ông ngay trước mặt ông một cách rất tự nhiên: “Cháu rất thích hai câu thơ của chú: “Con đi ngủ thì cò cũng ngủ/ Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”. Lấy cánh cò thực đắp cho đứa bé đã là lạ rồi, còn ở đây cánh cò lại ở tận trong lời ru cơ”. Nghe tôi bình, ông rất khoái chí nói: “Cái Thắm đấy, cái Thắm đấy!” Nghĩa là bài thơ đó ông làm về Thắm, cô con gái ông.
***
Hôm nay tôi sẽ đăng hai bài thơ tôi viết về sự hy sinh của đồng đội tôi, của các anh hùng LS, sự nhớ thương của những người mẹ để so sánh với bài thơ của Nguyễn Quang Thiều cùng chủ đề. Làm vậy thực lòng tôi phải hạ mình xuống, bởi như một GS văn chương nói, thơ ca kháng chiến của những nhà thơ chiến sĩ được viết từ một “hiện thực vàng ròng”. Bài thơ tôi viết về chuyện chôn Khu, người đồng đội cùng xã 19 tuổi hy sinh, đúng là như vậy. Còn bài thơ TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG của Nguyễn Quang Thiều, nếu xét theo tiêu chuẩn chân, thiện, mỹ, đúng là mớ câu chữ lảm nhảm, nó không chỉ không đúng với Đời mà còn trái về Đạo.
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ được coi là trang lịch sử vàng chói lọi của dân tộc ta vì quân dân ta đã đánh đuổi được ngoại xâm, giành lại được chủ quyền đất nước, để từng bước đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến nay, dù còn nhiều tệ nạn, nhưng đúng như ý của Cố TBT Nguyễn Phú Trọng nói, so với toàn bộ lịch sử dân tộc, có bao giờ nước ta được như thế này không? Vì vậy, các liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến luôn được gắn với hai chữ anh hùng, những người mẹ sinh ra các liệt sĩ ấy được họi là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Vì vậy, sự hy sinh, sự tiếc thương đó được gọi là bi hùng, chứ không phải là bi thương, não nề, ảm đạm, u tối như Nguyễn Quang Thiều đã viết trong bài TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG. Cụ thể, Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng một loạt hình ảnh như thế: “chiều phủ kín”; “Sông ngửa mặt lên trời thở”; “Ai gọi đò bơ phờ bến vắng”; “gió lạnh, cỏ đầy sương”; “Mẹ run run thắp những nén hương”.
Theo Đạo Phật, bố thí là một việc tạo nghiệp lành, sẽ được phước, mà bố thí được phước cao nhất chính là bố thí chính thân thể mình. Có tiền kiếp, Đức Phật từng bố thí thân mình làm thức ăn cho con hổ mẹ bị thương để nó có sữa cứu đàn hổ con sắp chết đói. Vì vậy, các liệt sĩ đã hy sinh thân mình đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền đất nước, tôi không dám nói họ sẽ thành Phật, thành Thánh cả, nhưng chắc chắn họ sẽ không bị đoạ thành súc sinh như mong ước của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, viết trong bài thơ trên. Bởi chỉ khi họ đã phạm tội ác mới bị như vậy. Với Nguyễn Quang Thiều thì nghĩ và viết như vậy là rất logic, vì Thiều từng ca ngợi là “nhà văn tìm đạo cho dân” đối với Nguyễn Huy Thiệp, người từng “nhổ vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”; từng ca ngợi “chạm vào mẫu số chung nhân loại” với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, người từng viết ý cha dặn con đi bộ đội “đừng ngu mà mà chết vì lý tưởng”!
Không chỉ vậy, trong thơ, Thiều cũng hay mong mình trở thành con vật, như “Ở đó tôi được tự do làm con giun… làm con chim…” hoặc khẳng định kiếp sau mình “phải là con vật” và mong được làm chó:
“Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”.
Xem chừng với những sai trái trong sáng tác, trong nhận định, khi làm giám đốc NXB, Chủ tịch HNV, Thiều đã linh cảm về chuyện mình sẽ bị đoạ làm súc sinh ở kiếp sau.
***
Còn tôi làm bài thơ “ĐÊM ĐẮP MỒ BẠN TRONG RỪNG”, quả thực nếu không trải qua hiện thực “vàng ròng”, không ai có thể viết được: “Tưởng như đất không muốn nhận về lòng mình/ Người lính trẻ chưa đầy 19 tuổi/ Lưỡi cuốc chúng tôi bật trên đá sỏi”. Đất đỏ Miền Đông, sỏi, đá gan gà chặt như nêm, đúng là bổ cuốc chim xuống là cứ bật lên. Điều này đã làm Nhà Thơ Đông La bật ra cái tứ, trước sự hy sinh của người bộ đội quá trẻ, đất cũng muốn họ hồi sinh, không muốn chôn họ trong lòng mình. Khi nằm, thông thường người ta gối đầu lên gối, dã ngoại nằm trên cỏ thì có thể kiếm cái ụ đất gối đầu, nhưng tôi viết đồng đội tôi nằm trong huyệt mộ “đầu gối Phương Nam”. Nghĩa là cả đất nước, quê hương Miền Nam thân yêu nâng niu người lính trẻ yên giấc ngàn thu. Một lần thấy hình ảnh một bà mẹ thăm mộ con LS ở nghĩa trang, tôi đã làm bài thơ BIA MÒN có 4 câu. Làm thơ ngắn chỉ có 4 câu mà hay, còn khiến người đọc xúc động được thì bút lực đúng là phải cao cường. Tôi đã dùng cái tứ, nước mắt của người mẹ khóc con rơi mòn cả bia đá để viết nên bài thơ này.
Xin đăng 2 bài thơ của tôi và bài của Nguyễn Quang Thiều để “nói có sách, mách có chứng”.
21-7-2024
ĐÔNG LA

BIA MÒN


Nghĩa trang mẹ thường đến thăm con
Khắc trong tim hình dáng ấy mãi còn
Có phải thời gian trôi mòn bia đá?
Hay bia đá mòn bởi nước mắt mẹ tuôn?

ĐÔNG LA
ĐÊM ĐẮP MỒ BẠN TRONG RỪNG
Tưởng nhớ Khu, Thinh
Tưởng như đất không muốn nhận về lòng mình
Người lính trẻ chưa đầy 19 tuổi
Lưỡi cuốc chúng tôi bật trên đá sỏi
Đêm rừng sâu mưa rơi giọt ngậm ngùi
Những nhát cuốc làm đau nhói tim tôi
Đời trai trẻ chưa từng chôn người chết
Nay lại đi chôn thằng bạn thân thiết
Mưa ướt đất rừng, Khu ơi lạnh lắm không?
Chúng tao chôn mày đầu gối phương Nam
Trên mảnh đất súng mình vừa ran nổ
Còn mặt hướng về ngôi sao Bắc Đẩu
Quê hương chúng mình ở phía ấy Khu ơi!
Rừng Miền Đông 1974
Viết năm 1983

NGUYỄN QUANG THIỀU
TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG
Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi
Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng
Ai gọi đò bơ phờ bến vắng
Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương
Mẹ run run thắp những nén hương
Cắm trước từng bia mộ
Kìa khói lên... khói lên… lặng lẽ…
Những con đường cát trắng của làng quê
Hồn những chàng trai giờ ở đâu?
Nhìn thấy khói mà về với mẹ
Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi
Các anh về với mẹ một đêm thôi
Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt
Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn
Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm
Các anh về không hóa được thành người
Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp
Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ
Hóa thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ
Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn
Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ
Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ
Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người.
1984