TBT, CHỦ TỊCH, ĐẠI TƯỚNG TÔ LÂM- GÁNH NẶNG ĐẤT NƯỚC TRÊN VAI
Ngày hôm qua, báo chí đồng loạt đưa tin, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư. Như vậy, lần đầu tiên một vị có quân hàm Đại tướng Công an làm TBT. Phải chăng đây là một điềm may, bởi đất nước trước nạn giặc nội xâm chứ không phải ngoại xâm thì một vị đại tướng công an tiếp tục chỉ huy cuộc chiến chống nội xâm do cố TBT Nguyễn Phú Trọng khởi xướng là rất phù hợp. Tôi từng viết bài “Gánh nặng đất nước trên vai” khi Cố TBT Nguyễn Phú Trọng nhận chức. Nay ông vừa mất đã để lại sự nghiệp dở dang, công việc bộn bề, như vậy gánh nặng đất nước đó đã chuyển sang vai TBT, Chủ tịch, ĐT Tô Lâm.
***
Trong bài trước tôi đã viết, một nhà lãnh đạo, một nguyên thủ quốc gia cũng cần phải như một bác sĩ giỏi, phải chẩn bệnh đúng, phải thấy được cái gì là nguy hiểm nhất cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Cố TBT Nguyễn Phú Trọng từng nói ra những “nguy cơ tồn vong” của thể chế; và ông đã nói một câu mà tôi thấy là hay nhất: “Suy thoái về mặt chính trị còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”.
Có điều, thực tế việc chống tham ô, tham nhũng đã được thực hiện và có những kết quả cụ thể, còn việc chống “suy thoái, biến chất” lại rất kém, nhất là chuyện lật sử, phản văn chương, phản văn hoá, cơ hội, đón gió, trở cờ, phản trắc, v.v… Có những nhân vật suy thoái, biến chất đã không bị xử lý mà lại còn được tôn vinh, trọng dụng.
Vậy hôm nay, nhân sự kiện Chủ tịch nước, ĐT Tô Lâm vừa được bầu làm TBT, tôi viết đôi nét về những chuyện ngang trái từ lâu đã gây bức xúc trong nhân dân, ở các lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn chương và giáo dục.
***
Trong sự suy thoái, biến chất thì nguy hiểm nhất là sự suy thoái về chính trị tư tưởng. Khi cả hệ giá trị bị lộn ngược thì kẻ xấu, kẻ lưu manh, kẻ ác sẽ thành người tốt, chúng sẽ được xã hội lựa chọn để nắm quyền. Đó chính là lúc ở Liên Xô người ta đã bầu từ Khơrutsop rồi đến Goocbachov nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất, và chính họ đã đập vỡ Liên Xô. Kỳ quái là chuyện này lại chính là bài học cho nhóm 72 trí thức nước ta áp dụng. Họ gần như đã copy từng bước, từng hành động của những kẻ đã đập vỡ LX ngày nào. Từ việc nhân danh đấu tranh cho dân chủ đến việc đưa Kiến nghị thay thế Hiến Pháp, xóa bỏ sự hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, tách quân đội và công an khỏi Đảng, thay đổi chế độ! Nhưng họ đã mù điếc trước thực tế.
Từ năm 1989, Gooc-ba-chov bắt đầu cải tổ làm tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, ông ta đã phải quỳ gối cầu viện từ Mỹ và phương Tây, mở đường cho Mỹ và Phương Tây thực hiện mong ước xóa xổ LX bằng mồi nhử kinh tế với kế hoạch Harvard; mỗi năm họ hứa sẽ viện trợ cho Liên Xô từ 30 tỷ - 50 tỷ USD, tổng cộng trong 5 năm là 150 -200 tỷ USD, đáp lại Liên Xô phải thực hiện cải tổ. Nhưng thực chất Tổng thống Nixon đã nói: “Lợi ích chiến lược lúc này không phải là cứu vớt Moscow về kinh tế mà là phá hủy chế độ XHCN ở Liên Xô”. Kết quả LX không nhận được một xu nào mà tan vỡ.
***
Trong lĩnh vực Sử học, Phan Huy Lê chính là người có “công đầu” lật sử, đã được Pháp thưởng cho cái danh Viện sĩ. Phan Huy Lê có nhiều sai trái, trong đó có ý cho rằng Vua Gia Long Nguyễn Ánh, người mà chính sử ghi là “cõng rắn (Pháp) cắn gà nhà”, đã có công diệt được Vua Quang Trung thống nhất đất nước”. Nếu chỉ biết ghi chép các sự kiện theo tư duy kiểu “con vẹt” thì không cần nhà sử học. Nhà sử học khác con vẹt là trước các sự kiện phải hiểu được bản chất chính tà, thiện ác của chúng. Chính Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đã dẹp được loạn Trịnh-Nguyễn và đánh thắng ngoại xâm Thanh và Xiêm ở hai đầu đất nước, chính là người có công thống nhất đất nước, đã lên ngôi. Đối với đất nước, người lãnh đạo quân dân chiến thắng được ngoại xâm là công trạng lớn nhất, lên ngôi vua là chính danh, chính đáng nhất. Vì vậy, Nguyễn Ánh nhân cơ hội Vua Quang Trung mất, cướp ngôi, thực chất là đảo chính, giành quyền.
Noi theo Phan Huy Lê ca ngợi Gia Long, xoá tội cho Pháp, Dương Trung Quốc cho rằng Pháp không xâm lược VN, chỉ mượn đường VN để đánh Trung Quốc. Còn Vũ Minh Giang, trên báo Công Lý của TAND Tối cao ngày 29/4/2019, đã cho “cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến ý thức hệ Quốc – Cộng khiến cho người dân ở 2 miền Nam- Bắc đều là nạn nhân!” Đây là cách nói của quân địch, bởi chính sử của ta ghi bản chất hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của VN là đánh đuổi ngoại xâm, giành lại chủ quyền đất nước chứ không phải là cuộc chiến ý thức hệ.
***
Trong lĩnh vực văn chương, suốt hơn 40 năm, ngược với sự tâng bốc bầy đàn Nguyễn Huy Thiệp lên mây xanh, NHT chưa một lần được các cơ quan văn chương công nhận tài đức. Phải chăng hoà cùng khuynh hướng lật sử, các chuẩn mực văn chương cũng đã thay đổi theo, nên Giải thưởng Nhà nước đã được trao cho NHT, một người như Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Văn Lưu từng chứng kiến, Trần Đăng Khoa đã viết trên TC Văn nghệ Quân đội số 596, 4-2004, NHT đã tuyên bố trước phóng viên nước ngoài: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”. Cụ thể, tác phẩm được chọn để trao giải là Truyện ngắn “Tướng về hưu”. Vài ngày nay tôi thấy báo chí đồng thanh rên rỉ thương tiếc ông Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi làm phim "Tướng về hưu" qua đời. Riêng phim này thì chứng tỏ ông Nguyễn Khắc Lợi không hiểu gì về văn chương, đã chạy theo dư luận bầy đàn để làm phim. Có những tướng lĩnh, cựu chiến binh đã nổi giận khi xem phim này bởi Truyện ngắn "Tướng về hưu" đã cho rằng cái thời thực dụng, mất nhân tính của “ông con” đã chiến thắng cái thời sống vì lý tưởng, vì đạo lý của “ông bố” tướng về hưu. Những người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã không có đất sống trong chính ngôi nhà của mình! Ông Tướng lại phải quay lại với chiến tranh, lại ra biên giới, và bị hy sinh ở đó. Chuyện này nếu có chỉ là trường hợp hãn hữu, Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn sai sự thật. Ở Việt Nam, những cựu chiến binh khi về hưu, họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và tình cảm cho con cháu, vẫn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Nếu theo tiêu chí “chân, thiện, mỹ” thì văn Nguyễn Huy Thiệp đã xuyên tạc sự thật nên “Tướng về hưu” chưa xứng là một tác phẩm hay bình thường, nên càng không thể là một tác phẩm được tôn vinh “Giải thưởng Nhà nước”!
Ông Chủ tịch HNV VN Nguyễn Quang Thiều từng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp là “Nhà văn tìm đạo cho dân”, trong khi Nguyễn Huy Thiệp, trong truyện ngắn “Tướng về hưu” cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”; viết về con người với con mắt bất nhân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; v.v…
Nếu bên Sử Vũ Minh Giang cho cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến ý thức hệ Quốc – Cộng thì bên Văn có Bảo Ninh cũng hoàn toàn sai trái khi cho là “nội chiến”. Bảo Ninh là tác giả của cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” mà Nguyễn Quang Thiều cũng tâng bốc là “chạm vào mẫu số chung nhân loại”, nhưng chính Bảo Ninh đã thú nhận mình xuyên tạc sự thật khi miêu tả đội quân anh hùng toàn là hiếp dân lành, hành lạc tập thể, hút hồng ma, trốn chạy, chôn sống tù binh, con ra trận bố dặn đừng ngu mà chết vì lý tưởng, và coi cuộc kháng chiến vĩ đại giành lại chủ quyền và nền độc lập của dân ta là “nỗi buồn”.
***
Với ngành giáo dục, cộng đồng mạng từng giận dữ phê phán sách giáo khoa mà Tổng chủ biên là Nguyễn Minh Thuyết.
Chương trình Cải cách Giáo dục (CCGD) của VN lại được WB (World Bank Ngân hàng thế giới) là chủ đấu thầu, được chọn thành viên Hội đồng CCGD, người tham gia xây dựng chương trình không được là công chức của Bộ. Và chỉ khi nào WB đồng ý phê chuẩn danh sách do VN "đệ trình" thì khoản "xin vay" 77 triệu đô la mới được giải ngân. Và họ đã chọn Nguyễn Minh Thuyết, người có tên trong cái danh sách “KIẾN NGHỊ” đòi thay thế Hiến Pháp để lật đổ chế độ.
4-8-2024
ĐÔNG LA