Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

CHUYỆN NGUYỄN DUY VÀ THƠ NGUYỄN DUY

 CHUYỆN NGUYỄN DUY VÀ THƠ NGUYỄN DUY



Tuần trước tôi toàn viết chuyện Y học, tuần này tôi sẽ bàn toàn chuyện văn chương.
Bài trước tôi có kể làm xong bài “Tuổi thơ”, đã khoe thằng Nguyễn Quốc Chánh, đọc xong nó bảo “Thơ ông hay hơn đám Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo rồi. Theo dòng chính thống thì thơ ông là đổi mới”. Nghe xong tôi ngạc nhiên hơn là thích thú, vì hồi ấy, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo… thuộc hàng siêu sao trong đội ngũ “những nhà thơ chiến sĩ”; tuyên truyền, ca ngợi họ từng được coi là một “nhiệm vụ chính trị” của một thời. Phải là người có tư duy độc lập lắm Nguyễn Quốc Chánh mới có thể nói như vậy. Tiếc rằng về sau Chánh lại độc lập quá, thành ra cực đoan, chống đối.
***
Lần đầu tôi gặp Nguyễn Quốc Chánh khi tôi theo Nhà thơ Chế Lan Viên đến Nhà Văn hoá Phú Nhuận dự đêm thơ của chính ông. Sau khi tôi được ông đề nghị trao giải thơ và được ông giới thiệu vào Hội Nhà Văn TPHCM thì tôi gần như là người nhà ông. Ông còn mấy lần bảo tôi theo ông dự những buổi ông nói chuyện về thơ nữa. Hôm ở Phú Nhuận đó có 3 chàng sinh viên cùng lớp ở trường “Văn Khoa” đến làm quen với tôi là Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Nguyễn Quốc Chánh. Tôi đã chọn Nguyễn Quốc Chánh để chơi, hình như Chánh làm luận văn về CLV được điểm 10. Hồi ấy vợ chồng tôi mới sinh thằng con trai đầu, nhắc đến Chánh, bà xã tôi đến giờ vẫn còn càu nhàu:
-Ông đúng kỳ cục, tôi mới sanh, hai mẹ con trên giường, ông với thằng Chánh dưới nền nhà nhậu, cứ oang oang bàn chuyện văn, thơ.
***
Hồi ấy, là cán bộ ở viện nghiên cứu dấn thân vào văn chương nên tôi chú trọng chuyện đổi mới, thích thơ trí tuệ, thơ có tầm tư tưởng như của Chế Lan Viên; đi sâu tìm hiểu lý luận phê bình, thích chơi với người cá tính như Nguyễn Quốc Chánh, v.v… Tôi nhận thấy văn học kháng chiến có nhiều thành tựu, có góp công cho chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến, nhưng nghiêng về tuyên truyền. Nhiều bài thơ viết trong chiến tranh có giá trị nhưng lặp lại cách viết trong hoà bình thì vô nghĩa. Như bài thơ “xe không kính” của Phạm Tiến Duật viết trong chiến tranh rất hay, nhưng trong thời bình viết chuyện chở gạch, cát xây nhà thì chẳng ai đọc. Vì vậy, về mặt nghệ thuật của thơ kháng chiến vẫn còn những hạn chế, trong đó có thơ của hai tác giả mà Nguyễn Quốc Chánh đã nhắc tới để so sánh với thơ của tôi. Tệ hơn nữa là họ còn thay đổi quan điểm, chống lại chính những điều họ đã viết. Hôm nay tôi sẽ đăng lại vài chuyện đã viết về Nguyễn Duy.
***
Ngày 3 - 3 - 2017, tại quán café Sỏi Đá đường Ngô Thời Nhiệm, Quận III, TPHCM, Nguyễn Quang A là người chi tiền, kiêm việc quay phim và dẫn chuyện cho Nguyễn Duy diễn trò, Nguyên Ngọc cũng có mặt. Bọn họ đã diễu cợt nữ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu là bị “khùng”. Sau khi Liên Xô tan vỡ 1991, những anh hùng chống phát xít cũng đã bị diễu cợt, như anh hùng Dôia bị cho là điên. Bọn họ đã cho việc ca ngợi Võ Thị Sáu chỉ là tuyên truyền ba xạo.
Với Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy làm vậy chẳng khác gì tự phủ nhận chính mình.
Việt Nam, một nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, để có được chiến thắng, đã phải biết kết hợp nhiều nguồn sức mạnh, trong đó có sức mạnh của tuyên truyền. Văn chương từng được coi là một trong những mũi chủ công, nhà văn được gọi là những chiến sĩ cầm bút, và trong đội quân trùng điệp ấy có Nguyên Ngọc và Nguyễn Duy. Nguyễn Duy, khi múa môi chê bai sự tuyên truyền, ông ta đã quên béng, chỉ với những câu thơ cua ốc rơm rạ vụn vặt, nếu không vì tuyên truyền, Nguyễn Duy không thể thành danh.
***
Sau giải phóng, dường như Nguyễn Duy cũng đã tự nhận ra sự vụn vặt, tầm thường của thơ mình, nên đã “đổi mới”, làm bài “Đánh thức tiềm lực” để “Tiễn đưa anh S.D đi làm kinh tế”. S.D. chính là viết tắt hai chữ Sáu Dân, ông Võ Văn Kiệt. Bài thơ mang tính “hiện thực phê phán”, ngược với thời “thơ hô khẩu hiệu” trước của Nguyễn Duy, đã “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả nên khá nổi tiếng. Có điều viết vậy Nguyễn Duy lại quay về thời văn học hiện thực phê phán của Nam Cao, Ngô Tất Tố, đã đổi cũ chính mình chứ không phải đổi mới. Nguyễn Duy liệt kê những yếu kém của xã hội, rồi cũng hô hào “đánh thức tiềm lực”, nhưng dân Việt nếu toàn những trí tuệ như Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc thì lấy đâu ra “tiềm lực” mà “đánh thức”?!
***
Thời đó cũng chính là thời tôi bắt đầu dấn thân vào văn chương, cũng phải tham khảo những “thành tựu” của người viết trước, trong đó có Nguyễn Duy.
Nguyễn Duy từng được giải nhất về thơ trên Báo Văn nghệ với chùm thơ có bài “Hơi ấm ổ rơm”. Trong giới viết lách, hồi đó được “Giải nhất Báo Văn nghệ” còn to hơn được giải Hoa Hậu bây giờ. Nhưng tôi lại thấy bài “Hơi ấm ổ rơm” là dở. Bài thơ kể chuyện anh bộ đội nhỡ đường được một bà mẹ trải ổ rơm cho ngủ nhờ thể hiện tình quân dân thắm thiết. Nhưng bài thơ lại kết bằng hai câu không có tình người:
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người
Không lẽ người mẹ chỉ cho những chiến sĩ lỡ đường ngủ nhờ, còn dân thường thì không cho sao? Hai câu vô tình nhưng lại thể hiện bản chất con người của chính Nguyễn Duy, đã thể hiện trong các mối quan hệ về sau.
Tôi đã làm một bài thơ Bút Tre diễu Nguyễn Duy như thế này:
Thanh Hóa có một Nguyễn Duy
Nổi danh từ một cuộc thi văn nghề (nghệ)
Thơ Duy đậm chất đồng quê
Cua ốc rơm rạ mang về vinh quang
Có lần Duy đã viết rằng
Một đêm lỡ bước qua làng ngủ nhơ (nhờ)
Một bà trải ổ rơm to
Như chui tổ kén Duy mơ như tằm
Rơm thơm như tẩm mật ong
Làm Duy xúc động tấm lòng quân dân
Nhưng mà chỉ với quân nhân
Người dân lạc bước đừng hòng được ngu (ngủ)
Thế là Duy được tung hô
Tài năng xuất chúng của thơ Việt Nàm (Nam)
Vậy mà chưa thoả lòng tham
Nên nay quay bút muốn làm Việt gian
***
Những người đã bầy trò diễu cợt nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu chính là để quấy rối, chống chế độ. Có điều bọn bất nhân thất đức không hiểu thế giới tâm linh là có thực, nhiều người dân ở Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo đã chứng thực chị Võ Thị Sáu đã hiển thánh. Theo luật nhân-quả của Nhà Phật mà luật thánh thần thì không thể đôi khi có thể lách như luật của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được, gieo nhân ác tất sẽ gặp quả xấu. Quả thật đã có tai họa khủng khiếp xảy ra đối với họ.

21-11-2024
ĐÔNG LA