Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

CHUYỆN QUY Y

ĐÔNG LA
CHUYỆN QUY Y

Tôi quả là có đại phúc vì cô Vũ Thị Hòa thường xuyên gọi cho tôi. Có Phật tử thân thiết hàng năm gọi cho cô không được, có ông bộ trưởng mấy tháng gọi cô cô không nhấc máy. Không phải do cô kiêu kỳ, làm bộ làm tịch mà đơn giản là vì cô quá bận, người muốn gặp cô cả trực tiếp lẫn trên điện thoại lại quá nhiều, những cuộc gọi cô thấy không thật cần thiết cô sẽ không nghe. Ngược lại, hàng đêm cô ngồi thiền, quán chiếu khắp nơi, thấy nhà nào có chuyện là cô sẽ chủ động gọi báo cho họ biết. Còn tôi có giai đoạn cô gọi liên tục, ngày mấy lần. Nhất là thời kỳ cô giận dỗi chúng sinh bỏ vào rừng, lấy lá cọ làm mái che, ngồi thiền liên tục nửa tháng bên suối, cô cắt mọi liên lạc với cõi nhân gian, chỉ còn giữ liên hệ với Hiền, cô con gái cả, Hường, hàng xóm, xem có thư từ giấy tờ gì, và vẫn liên lạc thường xuyên với tôi. Cô bảo khi thiền cô là người của cõi âm, không gọi điện thoại được nhưng vẫn liên lạc được với tôi bằng nhắn tin. Cô đã cảnh báo chuyện giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta chính vào những ngày này. Có lần cô bảo “Anh Đông La ơi, một ngày không gọi cho anh là em như thấy thiếu cái gì”. Nghe cô nói mà muốn phát khóc lên được. Ấy vậy mà tôi có khi lại “tinh tướng”. Hồi đầu cô gọi tôi hay hỏi: “Có chuyện gì không cô?”. Cô nói ngay: “Không lẽ cứ có chuyện mới gọi cho anh hay sao?”. Ý tôi là quan tâm đến công việc, làm sao giúp cho cô được bình yên và thực hiện được sứ mệnh của cô tốt nhất thôi, chứ không phải ý bị quấy rầy. Tôi nhớ hoài hình ảnh tôi gặp cô lần đầu tại nhà ông Đại tá Sử mặc chiếc áo gụ thật giản dị nhưng rất đẹp, rất thanh khiết, thấy cô nhỏ bé, mong manh như một cô em gái, tôi đã thầm nguyện là mình sẽ phải hết mình bảo vệ người phụ nữ này:
(Bà Ba (mẹ Lịch), Lịch, anh Thu,
Đông La (lần đầu gặp cô Hòa tại nhà Đại tá Sử), cô Hòa)
Vì vậy, bảo vệ cô với tôi là một sứ mệnh, cái tôi chú ý trước hết là công việc, nên mới hay hỏi cô “ chuyện gì không?” là như thế. Vậy mà cô cũng chú ý, một lần đến nhà gặp bà xã tôi, cô bảo: “Mỗi lần em gọi cho anh ấy là anh ấy lại hỏi “có gì không?” như thế đấy!”
Hôm qua cô lại gọi:
-Ới ông Đông La ơi! Cái bài về chùa làm tiền sao ông viết hay thế. Em nói có mấy câu mà anh viết thành cả một bài, có đầu có đuôi, đầy đủ lý lẽ chặt chẽ, uyên bác. Nhưng chưa đủ đâu, anh lại viết nữa cho em. Biết anh còn quan tâm chuyện chính trị nhưng viết về đạo cũng là viết về chính trị đấy. Hiểu đạo sẽ giúp cho người ta suy nghĩ đúng, hành động đúng, như vậy cũng sẽ giúp cho xã hội ổn định, phát triển, thế cũng là chính trị đấy.
Ý cô quả là rất hay. Mấy ông “chấy thức rận sĩ”, các “chiến sĩ rân trủ” đang tối ngày chống phá, quấy rối vì tham, sân, si nhưng lại ba xạo, nhân danh đủ thứ cao cả trên đời, nếu hiểu đạo chắc chắn sẽ sợ quả báo mà dừng ngay những trò ba lăng nhăng. Tiếc là mấy ông “giời con” lại dốt nát, vô minh, những lý lẽ đời phàm cũng không hiểu, làm sao hiểu được những lý lẽ cao siêu, huyền diệu?
-Thế ý cô muốn viết về cái gì?
-Lại mấy cái bà ở Yên Bái đấy họ theo nhau đến chùa quy y. Còn thanh minh thanh nga, kể sư thầy giúp họ quy y bảo thầy có cái này cái nọ do gia đình thầy khá giả chứ không phải tiền của chùa đâu. Anh cứ viết lên cho em, bảo cô Hòa nói ông thầy nói thế là bao biện. Mà dù gia đình có khá giả thì người đi tu cũng phải sống thanh bần, nhà sư ngày xưa thường xưng là “bần tăng” mà!
-À cô ơi, cái bài hôm qua em quên mất tiêu cái ý cô bảo ăn chay gì mà còn nặn thành con tôm, thành giò, thành chả. Như vậy tâm họ vẫn muốn ăn thịt, họ buộc phải ăn chay vì họ sợ chứ không phải là tu để giảm đi tính tham ăn và vì tình thương chúng sinh. Còn chuyện quy y, em nhớ có lần cô trả lời một người “Phật ở bàn thờ nhà anh rồi không quy còn quy ở đâu?” Khổ nỗi tâm lý người ta sính hình thức, cứ nghĩ phải quy y ở chùa thì mới chính danh Phật tử.
-Em đã nói rồi, tu thứ nhất là phải tu tại gia, thứ hai tu chợ rồi thứ ba mới tu chùa. Ở nhà cứ hiếu kính với bố mẹ đi, chung thủy với vợ chồng, chăm sóc dạy dỗ con cái tử tế đi, đó là quy y đấy. Đến chùa quy y, có được cái pháp danh về nhà vẫn bất hiếu, vẫn ngoại tình, vẫn bỏ bê con cái, đắm chìm sắc, tài, tửu khí thì quy y làm gì?
Nhớ lại hôm mồng 8 tết, cô làm bữa tiệc mời mọi người đến cô chúc phúc. Cô lên nói, cô bảo có nhiều phụ nữ “Có khi Phật sống trong nhà/ Nhưng ai biết được Phật là ở đâu?”. Cha mẹ sống lù lù nhưng không bưng bát tử tế cho cha mẹ. Có người đàn ông đang sống tử tế với mẹ nhưng vô phúc lấy được người vợ về là thành quái, bỏ qua bố mẹ luôn. Có việc rắc rối thì lại đi cầu cúng, cầu ở đâu? Cần phải thực hành mà thực hành ở đâu? Thực hành là thực tâm, thực nghĩa, thực tình, thực hiện ngay trong nhà mình, không làm được thì làm sao mà cầu được. Phật chỉ cần tâm đức nên không cần cầu đâu xa mà cầu chính mình, Phật ở trên trời sẽ dõi tâm con người nên không cần phải đến cầu nơi đền, chùa. Mọi người phải tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba mới tu chùa. Nhiều người cứ nghĩ nghĩa là thắp hương cho Tổ Tiên ông bà xong, ra chợ rồi đến chùa. Không phải vậy mà tu tại gia nghĩa là kính cha mẹ, vợ chồng hòa thuận thủy chung, dạy dỗ con cái đàng hoàng, con cái biết hiếu thảo, người đàn bà phải khoan dung độ lượng, lời nói nhẹ nhàng, giữ cho nhà mình yên ấm, hạnh phúc. Như thế Phật mới chứng. Người đàn ông cũng vậy mới là tu tại gia. Có người con dâu chuẩn bị sắp lễ người mẹ không biết lấy quả chuối, kêu la “Ới Giời ơi, cái này con mang lễ chùa đấy”, thế là không biết tu tại gia. Không phải cứ sắp lễ đàng hoàng đến chùa cầu xin là có phúc đâu. Mình có tu tốt tại gia không? Mình có chăm sóc cha mẹ già không? Không phải có tiền vất cho ông bà 500, 1 triệu là được đâu, phải là cái tâm, phải thực tình, thực tâm. Người đàn bà ra chợ mua một bán mười, con cá tám lạng lừa người mua là một cân, buôn gian bán lận, làm đồ giả, làm vậy thì làm sao mà đi cầu? Với người đàn ông công tác, làm tội, bon chen, làm khổ người khác rất nhiều, người vợ ở nhà đi cầu thì Phật nào phù hộ? Phải tu tại gia được, tu chợ được rồi mới đến chùa cầu xin, mà không cần đến chùa cũng được. Tu tại gia được rồi thì tiếp đến là phải yên tại gia, là phải thờ cúng Tổ Tiên ông bà, phải thuận âm mới thuận dương, thuận đường, thuận chợ. Có người bỏ ra hàng trăm triệu cầu cúng khắp nơi nhưng ở nhà hương lạnh khói tàn. Cứ đốt tiền, vàng mã, ngựa xe mà không biết là sai, là gây thêm tội chồng, tội chất, con cái càng làm cho các cụ ở dưới không yên ổn. Còn cứ cúng mặn thì các cụ càng lâu siêu thoát, cúng hoa quả trái cây chay tịnh thì hạnh phúc nhất cho các cụ, cho con cháu hạnh phúc đời đời về sau.
Quy y trong Đạo Phật là quy y Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng), có nghĩa là "quay về cõi Phật". Trong kinh Phệ-đà nguyên nghĩa là quay về nơi chúng sinh có thể đến, nương vào uy lực của Tam bảo để đạt được yên ổn, thoát mọi khổ não. Như vậy quy y là một việc tốt, với những người tốt, giống như đến một trường học, người ta có môi trường, đạo hữu, lòng từ, tính thiện sẽ được cộng hưởng, giúp nhau tinh tấn tốt hơn; ngược lại, với những người không hiểu, quy y tưởng là đã được nương nhờ uy của Trời Phật sẽ lợi dụng để trục lợi thì quy y cũng bằng không.
3-6-2015
ĐÔNG LA