Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

DOANH NGHIỆP CHÙA

ĐÔNG LA
DOANH NGHIỆP CHÙA

Vừa rồi tôi đi chơi với ông chú họ ở Bắc vào, vợ tôi gọi:
-Ông đi đâu mà cô Hòa gọi không được?
-Đi chơi với ông Kiếm chứ đi đâu? Yên tâm đi, tôi nghe cô gọi rồi.
Nói vậy để mọi người biết là có chuyện quan trọng cô muốn nói với tôi. Chuyện đó chính là chuyện này:
-Anh Đông La, em buồn quá, thấy người ta tội quá, em tính viết lên facebook nhưng chỗ mới chưa có mạng nên anh phải viết ra cho em, em thấy người ta đi lễ chùa đấy, nhất là những người ở Yên Bái đấy, em bảo họ cái tiền họ công đức ở chùa, bố thí ở chùa sẽ là tốt hơn, họ sẽ có phước hơn nếu họ làm từ thiện cho các cụ già, những đứa bé không ai chăm sóc. Còn họ cứ đi cúng chùa, nuôi mấy sư càng béo hơn, có ông còn gái gú nữa thì họ sẽ không có công đức gì đâu mà còn thêm tội đấy. Họ bảo họ cứ đi lễ chùa, Phật sẽ chứng cho lòng tốt của họ, còn có ông sư nào làm sai thì các ông ấy phải chịu. Nhưng các bà ấy đâu hiểu các bà ấy không làm sai thì người ta đâu có điều kiện để mà sai!
-Tại dân người ta chuộng hình thức mà không hiểu bản chất vấn đề. Người ta cứ nghĩ phải đến chùa có tượng Phật, có sư thầy, sư cô thì sự bố thí của họ mới được chứng nhận, họ mới lập công rồi sẽ được phước. Còn đi làm từ thiện ở những nơi tồi tàn, rách nát thì ai thấy, công của họ sẽ thành công cốc. Như vậy sự bố thí của họ là mong có đi có lại, họ cho đi để mong nhận lại. Họ đâu hiểu theo Đạo Phật bố thí là phải xuất phát từ tình thương, cho đi không mong nhận lại, vị tha chứ không vị ngã, như vậy mới gieo được nhân lành. Phật tại tâm sẽ chứng điều đó, mà dù Phật có không chứng thì họ vẫn có công đức, bời đó là quy luật, là luật nhân quả mà.

(Tượng Đức Phật tại Sarnath, thế kỷ thứ 4 Công Nguyên)
-Anh Đông La ơi, tội quá, bây giờ người ta cứ thi nhau xây chùa, chùa đẹp đẽ cao sang như cung điện ấy. Phật nào ngự những nơi ấy. Tu là tu sửa, tu rèn, tu mà sướng như vậy ai mà không tu được. Lẽ ra tiền xây chùa ấy người ta mua thực phẩm cho các cụ già, em bé không ai chăm sóc, xây trường học, bệnh viện, cầu đường nơi vùng sâu vùng xa,…, Phải như thế mới là đúng đạo anh ạ.
Ý cô như vậy quá là đúng rồi. Riêng tôi nghĩ có như vậy bởi những người có chức trách cả về đời lẫn đạo đã phàm tục hóa, kinh tế thị trường hóa đạo Phật. Họ thích đứng đầu, thích là độc nhất vô nhị, thích lập kỷ lục, nên mới xây chùa to nhất, đúc tượng Phật, tượng Quán Thế âm Bồ Tát to nhất, đẹp nhất. Với đời phàm, để lại những công trình nguy nga, hoành tráng, chứng tỏ dân giầu, nước mạnh, tự do tín ngưỡng được coi trọng, phát triển đúng là quá tốt rồi. Nhưng họ quên mất rằng Phật Tổ là Thái tử đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, hành khất, tu luyện, tìm đạo cứu đời. Những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời Ngài không xảy ra nơi cung vàng, điện ngọc mà toàn dưới tán cây ngoài thiên nhiên. Như ngài đản sinh bên gốc cây vô ưu, vườn Lâm tì ni; Ngài giác ngộ, đắc đạo bên gốc cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya);

Và cuối cùng ngài nhập Niết Bàn dưới tán cây Sàla trong cánh rừng ven phía Nam Thành phố Câu-thi-na (kuinagara).
 Khi có đệ tử hỏi ý ngài xuất gia như vậy thì ngôi thái tử cùng cung vàng, điện ngọc ngài có trao lại cho con trai không? Ngài trả lời ý rằng “Các thứ ta đã bỏ đi, không màng đến thì sao ta lại có thể trao cho con trai yêu quý của ta được?” Triết lý cao sâu nhất của Đạo Phật là Tính Không, cái gốc của mọi sự, mọi vật là không, cái tôi là giả tạm, các sắc đều vô thường, biến hoại, kể cả cái quý nhất là thân xác chúng ta đây. Đời phàm thanh tịnh, vị tha là quý giá nhất bởi nó giúp ta giải ô trược, giúp cho chân ngã là tiểu linh quang được hoàn nguyên, trở về nguồn, bất tử.
Có điều, thật khó làm được như vậy bởi được thế thì ai cũng sẽ thành Phật cả, nên ta chấp nhận sự “tương đối” thôi. Đất nước ta đang ngày ngày được xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ, chùa chiền được xây dựng nhiều và to đẹp cũng là phù hợp. Có điều song hành với sự phát triển về cơ sở vật chất đó người dân cả nước cũng phải ngộ đạo tương ứng. Ai cũng hiểu luật nhân quả thì cán bộ không tham nhũng, dân chúng không có kẻ giết người, cướp của, ngành pháp luật sẽ thất nghiệp. Ai cũng vị tha, từ bi, độ lượng, lá lành đùm lá rách, xã hội sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản!
Tiếc là thực tế lại đang trái ngược, lễ hội người ta đi đông như kiến nhưng không hiểu đạo gì cả, họ đi cầu xin lợi lộc là chính, còn tìm cách hối lộ cả Trời Phật. Vì thế mới có chuyện cổng phủ , cổng chùa có rất nhiều bàn mua bán, đổi tiền lẻ, toàn mới tinh, kẹp chì, để người dân đặt tiền, dán tiền vào tay, vào người tượng phật, ném tiền lẻ bừa bãi.
Còn tiền công đức do việc quản lý không thống nhất, lỏng lẻo, sơ hở nên xảy ra thất thoát, mất mát. Tiền của người dân đóng góp nhiều mà có đình, chùa lại không được sửa sang, dịch vụ cho người dân đến chùa không tốt. Mới có chuyện nhà sư dùng tiền công đức mua xe, điện thoại quá sang trọng; có người còn gửi tiền về quê xây nhà, tậu trang trại… Ông Đỗ Đức Dục, một cán bộ làm ngành Ngân hàng, nơi nhận tiền gửi công đức của rất nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ cho rằng, con số  tiền công đức, cúng tiến của hàng ngàn đình, chùa, đền của cả nước mà các cơ quan quản lý ngành văn hóa thống kê là khoảng 200-300 tỉ đồng/năm là chưa chính xác. Ông nói: “Theo tôi, thực tế lớn hơn rất nhiều vì ngoài các khoản tiền công đức, giọt dầu…thực tế, đến chùa, người ta còn cung tiến nhiều khoản khác. Ví dụ như một doanh nhân, một gia đình…khi muốn gặp thượng tọa một chùa lớn thì ngoài lễ thì cũng phải có những khoản dâng, tặng riêng. Nhiều khi đây là khoản rất lớn mà không vào sổ và không gửi ngân hàng như ngân hàng chúng tôi không thấy nhà chùa gửi khoản này, mặc dù biết đó là nguồn rất lớn” (theo motthegioi). Chính vì vậy mới có những chuyện tai tiếng. Năm 2014, một ông sư tu tại chùa ở Hải Dương khoe xe MayBack, khoe iPhone 6, điện thoại Vertu và những tài sản mình có trên facebook cá nhân, sau thanh minh là quảng cáo hộ người khác; dù vậy cũng là trái đạo. Một ông sư ở Bắc Ninh thì “chơi” chiếc xe Ford Mustang (khoảng 2 tỉ đồng). Nhà sư Thích Thanh An, chùa Nôm, Hưng Yên nói:“Tôi thấy mấy trường hợp đó còn ít đấy. Có chùa, tôi biết, nguồn thu chỉ trong tháng sau Tết và dịp lễ hội đã có 30 tỉ đồng. Ở đó, có vị riêng dàn xe sở hữu đã trị giá 100 tỉ đồng với hơn 10 chiếc và tiền xăng một năm đi đã tốn gần 500 triệu đồng”. Một doanh nhân ở Hà Nội cũng hay đi lễ chùa kể, tháng trước, anh vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, anh em tổ chức đi vào thăm một ngôi chùa lớn ở thành phố. Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy nhà chùa đưa cả 2 xe Lexus 570 mới coóng ra đón anh em, nhưng vẫn thiếu nên một ông trong ban quản lý chùa lại gọi thêm một chiếc nữa ra đón. “Lexus 570 cũng là xe sang, khá đắt tiền không phải xe hạng sang nhất nhưng có đến 3 chiếc mà theo tôi biết nhà chùa còn vài cái y như vậy nữa, cũng đủ biết nhà chùa rất biết chơi”, anh nói. (Cũng theo motthegioi).
Như vậy chùa chiền đã thành doanh nghiệp, dân đi chùa đông lại không hiểu đạo là gì, quan chức lấy tiền tham nhũng mua lễ vật đến chùa cầu lên ghế để tham nhũng tiếp và nhiều hơn. Tất cả là do không hiểu đạo, không biết luật nhân quả nên không sợ quả báo.
Nhưng đạo là gì? Học ở đâu? Cả những người có trọng trách và Giáo hội Phật giáo VN hiện không trả lời được! “Nguy cơ tồn vong” theo lời TBT Nguyễn Phú Trọng bắt nguồn từ đây!
2-5-2015
ĐÔNG LA