ĐÔNG LA
NHỮNG KỶ NIỆM VÀ TÂM TƯ VỀ
TẾT
Niềm
vui tết năm nay của tôi bị mẻ một miếng to, đơn giản là vì tôi bị bệnh. Bệnh
vặt cảm cúm do trời lạnh đột ngột thôi nhưng triệu chứng rất khó chịu. Sau khi
thực hiện ba mũi giáp công, từ tỏi nhà bếp, thuốc cảm, thuốc chống viêm, thuốc
kháng sinh, sáng nay gần như đã hết khó chịu, cổ họng còn đau chút xíu thôi.
Nhưng
với tôi thực ra từ khi 17 tuổi xa quê tới nay đâu có khi nào vui một cái tết
trọn vẹn. Khi lấy vợ, có con, tức đã có một thế giới riêng, cần phải tổ chức tết
cho con cái, rồi mình cũng vui theo các con, nhưng rõ ràng là lo tết, niềm vui
vẫn không giống mình hưởng những cái tết của cha mẹ dành cho thời bé thơ. 11
năm nay thằng con lại xa nhà, tết lại trống vắng, mất vui già nửa. Buổi sáng
hàng ngày (giờ VN) nó hay gọi điện về cho mẹ nó để giết thời gian, vì bên chỗ
nó là chiều tan tầm, nó thường đang lái xe trên xa lộ về nhà. Gần trưa 30 kỳ
này nó gọi, mẹ nói hỏi “Chuẩn bị đi ngủ
hả?”, nó bảo “Con chuẩn bị đi làm,
Tết có thằng VN xin nghỉ ăn Tết, con làm 3 ca luôn”. Ông con phải đi làm 3
ca trong ngày tết thì làm cha mẹ cũng khó mà vui tết trọn vẹn được.
Tóm
lại với tôi chỉ có thời trẻ con là có niềm vui tết trọn vẹn, và chính tình cảm
thực đó đã tạo cảm hứng cho tôi sáng tác được vài bài thơ về Tết.
Nhớ lại có lần đàm đạo thơ văn với Nhà thơ Hoài Anh và bạn
anh là ông “Lâm râu”. Cả hai người đều đã chết, anh Hoài Anh còn thì giờ đã
chẵn 80 tuổi. Nếu nói cuộc đời có số mệnh thì quan hệ với anh Hoài Anh là một
phần số mệnh của đời tôi. Sau khi cô Anh Thơ xác nhận tôi có khả năng làm thơ,
cô xé một tờ lịch viết: “Thân gởi nhà phê
bình trẻ Hoài Anh… có cậu này làm thơ khá, có bài này nhờ Hoài Anh đưa…”.
Cô viết vậy vì anh Hoài Anh làm ở báo Văn nghệ TPHCM, cũng đã là một tên tuổi trong
làng Văn. Sau đó bài thơ của tôi được đăng, đó chính là lần đầu tiên tôi được
đăng báo nên vui không thể tả được. Hôm đi lấy nhuận bút, chị phát nhuận bút
bảo anh Hoài Anh có nhắn rằng “ảnh” muốn gặp tôi. Tôi ra tìm gặp anh ngay, từ
đó bắt đầu một tình bạn vong niên mấy chục năm. Anh hơn tôi gần 2 chục tuổi,
nhưng rất quý trọng tôi, tính tôi thích ngồi một mình, tại quán cà phê trong
khuôn viên tòa báo, anh đang ngồi bàn với đông người, thấy tôi đến là bỏ sang
ngồi riêng với tôi. Lúc đầu chính tôi cũng thấy lạ, mãi sau mới hiểu. Số là trong
một bài anh viết nhân sự kiện Nhà thơ lớn Chế Lan Viên mất, anh kể chính Chế
Lan Viên đã đến tận báo gởi gắm tôi cho lãnh đạo báo (Nhà thơ Chim Trắng) và chính
anh. Tôi nhớ sau lần đầu tiên Chế Lan Viên đọc chùm thơ dự thi của tôi tại nhà
ông và ông cho giải ngay, ông còn đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn
TPHCM, ông bảo sẽ đến báo giới thiệu tôi. Tôi nghĩ ông nói chơi thế thôi, không
ngờ, tận 3 năm sau khi ông mất (1989), thì qua bài anh Hoài Anh viết, tôi mới
hiểu ông không nói chơi mà nói thật. Vợ con tôi cũng đã được gặp ông, ông cũng
rất quý. Thằng con tôi cũng có chuyện không ngờ, khi lên cấp III lại học cùng
lớp với thằng Đức, cháu ngoại của ông. Vì thế tôi có tình cảm sâu đậm thật với
Nhà thơ Chế Lan Viên chứ không phải cái thói vớ vẩn “thấy kẻ sang bắt quàng làm
họ” như bao kẻ nhỏ nhen trong giới văn chương từng nghĩ về tôi.
Quay lại chuyện đàm đạo về thơ với anh Hoài Anh và ông “Lâm
râu”. Ông “Lâm râu” khoái chí khoe một câu ông làm về cái chuyện va vào nhau
thế nào đó mà tôi không nhớ.
Tôi bảo:
-Va thế ăn thua gì, em đây này, đi lang thang trong chiều,
đêm xuống “va cả vào đêm” mà còn không
biết đây này.
Rồi tôi đọc:
Ta lại một mình lang
thang trên quê
Va cả
vào đêm đặc quánh
Ông “Lâm râu” vỗ
đùi: “Công nhận thơ mày hay!”, còn
anh Hoài Anh chỉ tủm tỉm cười.
Tôi nhắc lại chuyện này đơn giản là vì hai câu đó chính là
hai câu mở đầu cho một bài thơ Tết của tôi.
Dân gian thường nói “Tối
như đêm ba mươi”, “Đêm ba mươi tối
đen như mực”, đó là những ấn tượng giúp tôi có cái cảm giác đêm đặc quánh, có
thể va vào được, và với con mắt nhà phê bình văn học thì “va vào đêm đặc quánh” chính là một sáng tạo ngôn ngữ.
Bài thơ viết về kỷ niệm thời thơ bé đón Tết khi đất nước
còn chiến tranh vô cùng nghèo khổ. Chính vì nghèo khổ nên Tết mới vui hơn, chỉ
ngày tết những đứa trẻ mới có cơ hội được mặc áo mới, mới được ít nhiều ăn
ngon. Tôi dùng chữ “cơ hội” vì là điều không chắc chắn, “ít nhiều” vì có đâu mà
ăn nhiều. Với tôi ấn tượng về cái nghèo khổ chính là về cái lạnh, còn hơn cả về
cái đói. Những câu thơ tôi sáng tác đầu tiên chính là viết về mẹ, về sự gian khổ
của mẹ trong giá lạnh mùa đông, khi tôi đang là một cán bộ nghiên cứu của một
viện Dược thuộc Bộ Y tế, chính vậy mới khiến cho nhà thơ Anh Thơ phải kêu lên
là “Cháu có tài đấy cháu ạ”. Những
câu thơ rất thật nhưng lại rất sống động, ấn tượng, “không giống ai”, khiến cho một nữ thi sĩ, đến nay hình như vẫn là
duy nhất được Giải Hồ Chí Minh, khen tôi là có tài như trên, đã khuyến khích
tôi vào con đường văn chương (vô tích sự), lại còn giới thiệu tôi đến với Chế Lan
Viên nữa:
Ôi mùa Đông rét trụi cành xoan
Rét quăn mép chiếc lá chè thưa thớt
Rét làm đọng hơi mặt giếng khơi ngùn ngụt
Rét làm dài con đường ngắn ngủi trên quê
Những ấn tượng đó tôi cũng
viết trong bài thơ về Tết nói trên:
Lại một mình trên con đường
thân quen
Thấy lăn lóc đầy dấu chân
một thời thơ bé
Dấu chân của thời không giày
không dép
Bao năm rồi còn nằm đó lạnh
run
Cúi nhặt lên ủ ấm giữa lòng tay…
Nếu không hiểu, không trải nghiệm, những nhà phê bình quen
thói bắt bẻ dễ cho tôi là “làm văn”,
“làm dáng chữ nghĩa”, làm sao thấy
được dấu chân mấy chục năm trước, còn “Cúi
nhặt lên ủ ấm giữa lòng tay”. Có điều cần phải phân biệt, sự sáng tạo chữ
nghĩa nếu dựa trên một nền tảng của hiện thực, của cuộc sống tất sẽ có giá trị,
còn không thì đúng chỉ là thứ văn chương sáo rỗng. Để viết được những câu thơ
trên tôi đã phải trải qua cả một tuổi thơ đói rét. Hồi nhỏ, lũ trẻ con chúng
tôi trong giá lạnh cắt da nhưng toàn phải đi chân đất, không có giày dép gì cả.
Nên một đôi giầy ba ta bình thường luôn là mơ ước của tôi, mơ trong khi ngủ chứ
không phải lúc thức, vì lúc thức thì chẳng dám mơ.
Trong
một bài khác tôi cũng viết về cái lạnh:
Tuổi thơ con lăn lóc trong lam lũ nhọc nhằn
Những con chữ cũng bị đói lây trong giờ lên lớp
Ngón chân tím bầm suốt mấy mùa đông
Viết về Tết không thể không nhớ về ông bà, cha mẹ.
(Cha mẹ tôi)
Cả
tuổi thơ, người tôi ở gần nhiều nhất là mẹ, người thứ hai là ông nội chứ không
phải cha tôi vì cha tôi luôn bận “công tác”. Ông là y sĩ, trưởng trạm Y tế xã,
là người có bằng cấp tây y đầu tiên ở quê tôi. Ông thường bảo: “Bác sĩ thì là cái đếch gì, tại tao già chứ
học thêm vài năm là thành bác sĩ chứ có gì đâu”. Hồi nhỏ tôi thấy người ta thường
gọi ông là “BS Xuất”, bệnh gì cũng gọi, ông chữa tất, nặng quá thì chuyển lên “tuyến
trên”, có khi vừa về đến nhà là lại có người gọi. Chữa bệnh cứu người như một sứ
mệnh, ông không bao giờ từ chối, nhưng tôi thấy ông hay chửi tục một câu rồi
mới đi: “Tiên sư nó! Bố vừa về đã gọi
rồi!”. Ông một tay xách một cái túi nhựa nhỏ đựng hộp ống và kim tiêm (tôi
còn giữ), tay kia cầm cái xoong nhỏ có cán để luộc ống và kim tiêm khử trùng.
Hầu như ông chữa bệnh cho tất cả mọi người trong xã, không "ăn tiền" như bây giờ, chỉ khi nhà người ta có cỗ thì hay mời ông, có những trường hợp đặc
biệt ông được coi như là ân nhân cứu mạng. Như thằng Mạnh “Yêng”, gọi thế vì nó
con bà Yêng cùng xóm tôi. Khi mẹ nó sinh, nó bị ngạt, tím tái hết cả rồi, cha
tôi hôm đó bận hay do thế nào đó mà không có mặt kịp thời. Khi người ta gọi
được ông đến ông đã kiên trì cứu sống được nó. Chính bà ngoại nó, chứ không
phải mẹ nó như tôi vẫn tưởng, đã làm lễ mang ra nhà tôi, xin cho nó làm con nuôi
chính thức và xin được đặt trùng tên với thằng Mạnh em ruột tôi. Thằng Mạnh này
giờ đã là Phó Bí thư thường trực huyện tôi. Thằng Mạnh em ruột tôi nói “Nó to thứ hai huyện mình. Đi đường không đội
mũ bị công an bắt cứ gọi cho chú Mạnh!”. Ông anh tôi cũng mới cho tôi biết
thêm chính thằng cháu con ông trưởng họ tôi, cũng từng bị bệnh nặng thuộc
“diện” cha tôi cứu sống.
Vì thế tôi luôn tự hào về cha tôi, có ý thức học
hành vì noi gương ông. Ông hay nói với mẹ tôi: “Thằng Hùng nó thông minh giống tôi”. Nhưng thực tế mẹ tôi không
biết chữ nhưng về sự thông minh thì chưa biết ai hơn ai, còn tính nết tôi lại
giống ông nội nhiều hơn chứ không phải cha tôi. Tôi giống ông tôi ở chỗ cái gì
cũng biết làm. Cha tôi ngoài công việc y sĩ ông không giỏi, không chăm làm một
điều gì. Tôi nói với thằng con “Mày đúng
là giống ông nội mày, còn tao giống ông nội tao”. Tôi cũng có dáng khòng
khòng của ông nội, có người bảo tướng quý đấy, tướng của nhà tư tưởng đấy! Thời
ông tôi chuyện học hành quá hiếm, chỉ được học ông giáo làng thôi, nhưng ông
tôi học giỏi nhất nên được ông giáo gả con gái cho, đó chính là bà nội tôi. Ông
tôi là người thường nhưng lại rất có uy ở vùng quê tôi, chính là người đã đứng
ra bảo vệ nhà thờ họ nên nó còn đến ngày hôm nay khi mà thời “Cải cách” người ta đã tính phá đi hết cả.
Vì vậy tôi cũng luôn tự hào về ông nội tôi. Tôi hay
nhớ chuyện ông tôi làm món ăn, nhất là ngày tết giã giò, thái nem, gói bánh. Ông
thường để dành một phần để cúng giỗ vợ, tức bà nội tôi, ngày 14 tháng giêng,
cũng chính là ngày cưới “chạy tang” của cha mẹ tôi. Kỷ niệm tết thời nhỏ không
thể không nhớ chuyện “ăn đụng” thịt, mấy nhà chung nhau một con lợn. Giờ thấy
chuyện sát sinh ghê ghê nhưng hồi nhỏ, đêm mấy nhà chung nhau mổ lợn chính là
niềm trông đợi, là niềm vui, là không khí tết. Tiếng giã giò từ mấy chục năm
trước vẫn luôn vang trong ký ức tôi và còn vang lên cả trong thơ tôi nữa. Tôi
đã viết:
Cúi nhặt lên
ủ ấm giữa lòng tay
Nghe
vọng lại cái háo hức những ngày nào mong Tết
Vọng
lại tiếng giã giò ngày nào “cục quyếch”
Bóng
ông lầm rầm trước bàn thờ Tổ trầm tư
Chưa
kịp dạy con khấn vái cha đã ra đi
Giỗ
Tết về chỉ biết gọi cha bằng những lời im lặng
Những sợi
khói hương có bắc được nhịp cầu
giữa hai bờ cách biệt ?
Cha
đã mất rồi hồn cha có còn không?
***
Tết nhất không chỉ là chuyện vui mà còn gắn bó với tâm
linh, không thể có Tết mà không có chuyện cúng Tết. Câu hỏi linh hồn có còn
không là câu hỏi đến cả nền khoa học cũng không trả lời dứt khoát được. Nhưng
đến nay qua những chứng cớ của hiện tượng ngoại cảm xuất hiện ở VN đã giúp tôi
khẳng định có thế giới của linh hồn, có cõi tâm linh, nhưng nó cụ thể như thế
nào thì không biết đến bao giờ người ta mới có thể tường tận được, dù các tôn
giáo đã tồn tại từ mấy ngàn năm, dù nhiều nhân vật có khả năng siêu phàm từng
xuất hiện trong toàn bộ lịch sử của thế giới, và tôi trong chính những ngày hôm
nay đây cũng đã tròn hai năm chứng kiến một người như thế. Đó chính là cô Vũ
Thị Hòa.
Vì
vậy trong ngày Tết tôi không thể không nhắc lại mấy chuyện ấn tượng nhất trong
năm qua liên quan đến thế giới tâm linh mà cô Vũ Thị Hòa đã thể hiện khả năng
siêu phàm của mình. Đó là chuyện tìm hài cốt một liệt sĩ dưới chân tường một
ngôi nhà ở Củ Chi trước sự chứng kiến của tôi và nhiều người, cô nói trước sâu
1m8, vật chứng là cái răng vàng và cái bút máy “kim tinh”, những mảnh quần áo
và những mẩu xương còn lại. Tất cả đã được tìm thấy đúng như cô nói. Chuyện thứ
hai là chuyện cô dẫn một chủ nợ đi bắt sống kẻ trốn nợ, đã biệt tăm tích mấy
năm, ở ngay giữa rừng sâu! Vợ tôi sau khi nghe tôi kể bảo “Bộ Công an mà tin cô, trọng dụng cô phá án thì đỡ tốn biết bao công sức”.
Có điều tôi băn khoăn, khả năng của cô có phải là vô hạn không, hay chỉ tùy
trường hợp thôi? Chuyện thứ ba còn đặc biệt hơn vì là chuyện tìm mộ thất lạc
của chính bà nội tôi. Vật chứng là chiếc hũ gốm mà thằng thầy đểu người Tầu,
ông nội tôi nhờ nó yểm bùa “hóa hung
thành cát”, nhưng nó lại lừa ông nội tôi, bí mật bỏ theo tiền xu lỗ vuông một
chiếc đinh bọc giấy “trang kim” để yểm nhà tôi “độc đinh” rồi tuyệt tự luôn. Cô
cũng nói sao thì đào lên đúng như vậy.
Lại
nói chuyện “mổ lợn”, trước tết, ông BS Thành cũng nhắn tin, tôi phải chụp đưa
lên để bọn xấu không nghĩ tôi xạo để tuyên truyền trục lợi:
Trước nữa Hường cũng nhắn tin cho tôi. Tôi bảo giờ mọi
chuyện về cô tốt đẹp rồi, tôi hoàn thành sứ mệnh rồi. Những ngày lễ, tết, những
lúc vui vẻ, nhiều người có thể phụ giúp cho cô tốt hơn tôi, tôi không gặp cô
nữa cũng được. Hường nói chuyện, mà chính cô cũng đã nói với mọi người trong đó
có tôi, là giờ cô hay đi “công tác”, nhà nước trọng dụng cô rồi, rước cô đi bằng
xe có gắn dấu hiệu “gặp công an cũng không sợ” rồi;
giờ cô sáng như ban ngày rồi,
vậy mà, nguyên văn Hường viết: “anh lại
hết duyên với cô thì em tiếc lắm ạ!” Tôi viết giữa tôi và cô có quá nhiều
chuyện ân nghĩa chuyện hết duyên cũng là khó.
Đúng như thế, mấy ngày sau cô gọi:
-Anh Đông La ra ngoài này đi, em sắp đi làm từ thiện ở vùng
cao đấy.
-Thôi cô ạ, em mới đi Bắc hai lần liền.
-Vậy mồng 8 Tết anh phải ra đấy.
-Em ngại quá, cô cứ ưu ái quá sợ người ta ganh tỵ, hay để
nhường người khác, cô cho người khác đi.
-Ông Đông La ơi, cái tôi của ông còn to lắm. Thôi, không
được nói lôi thôi, mồng 8 Tết anh phải ra. Anh không ra là em làm cho anh điên
luôn đấy!
Tôi nghĩ thầm, bà này có phép thần thông, cáu tiết lên làm
mình điên thật thì sao?
Nhưng
chuyện đi Bắc ăn Tết cũng là chuyện sướng chứ không phải chuyện khổ, cũng không
khó khăn gì để mà chiều theo ý cô, nên tôi cuối cùng đã OK.
Mồng 3 Tết Bính Thân
10-2-2016
ĐÔNG LA