Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI Phần II-ĐÁY BỂ MÒ KIM

ĐÔNG LA
ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI
Phần II-ĐÁY BỂ MÒ KIM

Gặp lại chiến hữu ai cũng nhớ lại những kỷ niệm chiến trường. Từ giây phút ban đầu bỡ ngỡ từ Bắc vào Nam mà tôi đã viết trong một truyện ngắn:
 “Lúc đầu, bộ mặt ghớm ghiếc của chiến trường chưa hiện ra trước những người lính trẻ. Mảnh đất “Gian lao mà anh dũng” đã mang đến cho họ nhiều chuyện lạ; họ được biết nhiều loại trái cây rừng như gùi, trường, dâu da…; họ cũng vô vàn thích thú khi ban đêm được đội đèn đi săn cùng những bậc đàn anh kỳ cựu, rồi được thưởng thức đủ loại thịt thú, từ heo, nai, mễn, cheo, rùa, kỳ đà đến cá sấu... Ban ngày họ tập lại những bài tập đánh lấn, đánh công sự vững chắc, đánh binh chủng hợp đồng,... Ban đêm, tòng teng đu đưa trên những cánh võng, dưới mái lá trung quân; giữa nền đêm sâu thẳm, tĩnh lặng, họ nằm nghe tiếng sông Đồng Nai rì rầm trò truyện cùng với những vách đá rêu phong, tiếng thú rừng thảng thốt gọi bạn  giữa đêm khuya... Thì ra, giữa chiến trường không chỉ có ác liệt, mà cũng nhiều thơ mộng lắm. Đó chính là những lúc hiện về trong đáy sâu tâm khảm họ hình bóng của mẹ và những người thân yêu, và bồi hồi hơn cả là những cô bạn gái! Dù tuổi 17, 18 ở thôn quê thời ấy, hầu hết họ thường mới chỉ biết thập thò trước ngưỡng cửa của ngôi nhà tình yêu, còn bao nhiêu bí mật huyền diệu, nguyên trinh vẫn được cất giấu rất kỹ lưỡng phía sau những cánh cửa!”
Đến:
“Những buổi chuyển quân vai chảy máu khi phải vác những quả đạn to như con lợn nhỡ; mùa mưa đất đỏ bám theo mỗi bước đi nặng trịch như đeo hai quả chùy; dốc cao trơn nhẫy, bàn chân phồng rộp, bỏng rát, tứa máu, còn luôn bị trượt khỏi dép, đạp lên những hòn sỏi, buốt thấu đến tận tim óc! Những đêm đào công sự sỏi trắng, sỏi đỏ chặt như nêm, cuốc chim tóe lửa, không gì thất vọng cho bằng phía dưới lại hiện ra lù lù cái lưng tảng đá xám ngoét như lưng con voi; giờ G đã sắp điểm mà phải bắt đầu đào lại”.
Và đặc biệt, chiến tranh là chiến trận ác liệt, là máu lửa, là thịt tan, xương nát. Vậy mà không ít kẻ được hưởng nhiều ưu đãi, thành đạt, thành danh bởi chế độ. Chỉ vì cay cú so bì, ăn thua, được mất, đã trở thành những kẻ quấy rối tầm thường. Hiện đang to giọng đòi “đánh Trung Quốc”. Nhưng TQ to thế đánh bao lâu mới xong, giả sử có thắng thì nước ta có còn nguyên không?
Đúng là thực tế xã hội ta còn nhiều tệ nạn, sai trái, yếu kém, như thảm họa môi trường cá chết trong những ngày hôm nay chẳng hạn. Chính phủ đang quyết tâm, nhờ cả chuyên gia nước ngoài xác định nguyên nhân, để khắc phục, sửa chữa. Rõ ràng là một chuyện không hay, nhưng với quy mô quốc gia thì có nước nào mà không có những chuyện không hay, kể cả Mỹ. Nên nếu có tinh thần xây dựng thì ai cũng mong tìm nhanh ra nguyên nhân để khắc phục. Còn lại lợi dụng như lũ ruồi nhặng bu vào những vết lở loét để quấy rối làm loạn thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Có điều khi nước loạn thì khốn nạn tất chứ có chừa một ai. Bọn chúng biết cả nhưng vẫn hành động đơn giản vì đó là nghề kiếm sống của họ. Khốn nạn và đểu cáng chính là ở chỗ đó.
Còn tôi, với tư cách là một người từng tham chiến, đúng như lời một bài hát “chiến tranh không phải trò đùa”! Đã 42 năm trôi qua nhưng luôn hiển hiện trong ký ức tôi hình ảnh những đồng đội đã hy sinh, trong đó có Hậu và Nga mà chúng tôi đi tìm hài cốt lần này.
Như tôi đã kể về Hậu, là liên lạc đi theo chính trị viên đại đội là anh Thọ. Một quả cối nổ đã làm anh Thọ bị đứt động mạch chủ ở cổ chết ngay, còn Hậu bị thương nặng ở chân, được cáng đi trạm quân y nhưng đã không qua khỏi. Tôi bị rốt rét có mặt ở đó nên đã chứng kiến việc an táng Hậu. Còn Nga trong một lần cùng một nhóm đi làm nhiệm vụ, bất ngờ gặp quân địch, mọi người tản ra, Nga bị thương núp ở một lùm cây. Về đơn vị mọi người không thấy Nga đâu, quay lại tìm thì thấy Nga bị thương vỡ toang cả ổ bụng. Chính Đảm, một thành viên trong đội kiếm tìm đồng đội kỳ này, đã cáng Nga đi trạm quân y và cũng đã chứng kiến Nga hy sinh, an táng cạnh mộ Hậu.
***
Từ Biên Hòa chúng tôi thuê xe 7 chỗ đi Định Quán, đến đoạn đường gần tổng kho Long Bình, tôi hỏi Đảm:
-Sau giải phóng, tao đi học, có quay lại chơi với thằng Học cùng làng lúc đơn vị đóng quân ở kho Long Bình này này. Thằng Học nó kể cái chuyện róc xác mày có biết không?
-Tao cũng có mặt làm sao không biết? Xác đó là xác thằng Thanh ở Bắc Ninh. Nó là lính thông tin, hôm đó nó mở máy, tao bảo có máy bay trinh sát đấy, coi chừng nó bắt được sóng nó bắn đấy. Nó bảo không mở máy thì làm sao liên lạc được. Không ngờ y như rằng, một viên đạn bất ngờ bắn ngay vào đầu làm nó gục xuống. Sau giải phóng, chắc mới hơn năm, bố nó từ Bắc vào muốn mang hài cốt con về quê. Bọn tao đi đào lấy xác, trời ơi nó còn nguyên mày ạ. Bố nó bảo tôi là bác sĩ, với người khác tôi có thể làm được nhưng với con tôi thì không thể, thôi nhờ các anh róc ra. Các anh cứ mua can rượu, uống thật say cho mất hết tính người đi rồi mới có thể làm nổi. Bọn tao phải nghe thôi chứ biết làm sao! Tao lại Đảng viên phải gương mẫu. Biết thế đếch vào Đảng, biết đâu có thể trốn được cái nhiệm vụ khủng khiếp ấy. Mày biết không nó còn nguyên, gân cốt trắng nhởn, róc ra cả mấy chục ký thịt mang đi chôn đấy!
Sau đó anh Lộc y tá hiện ở Vũng Tầu gọi cho tôi hỏi thăm công việc, tôi kể lại chuyện trên, anh Lộc bảo:
-Bố thằng Thanh cũng kỳ, làm gì mà phải gấp gáp thế, cứ chôn mấy năm cho rã hết rồi vào lấy hài cốt mang về thì có phải hơn không?
***
Đến cầu La Ngà, chúng tôi xuống xuồng máy, ông Năm Tùng chở về nhà ông. Cũng là một cơ duyên kỳ diệu, nhà ông làm ở chỗ khúc sông cong nên nhìn thẳng xuống Thác Thanh Sơn, và nếu không lầm thì phía bờ bên kia sông chính là nơi chôn đất đồng đội của chúng tôi.
Nhưng lúc đầu đến tôi thất vọng quá, không có một dấu tích gì của trạm quân y ngày xưa cả. Ngày xưa cây rừng um tùm, tầm nhìn bị che chắn nên trong ký ức tôi, trạm quân y ngày nào là mấy căn nhà lá, cột bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, nằm ở bên bờ một khúc sông phẳng, nước mấp mé, êm đềm. Hiện tại, tất cả cây rừng đã bị đốn hạ để trồng tỉa, tất cả địa hình toang hoang ra. Sông vẫn chảy nhưng nước không đủ ngập những vạt đá nhấp nhô dưới lòng sông.
(Hoàng hôn trên thác Thanh Sơn)
Khung cảnh làm tôi thấy quá lạ lẫm. Ngày xưa tôi như ở trong một căn phòng cô lập, chỉ biết vị trí trong phòng, còn căn phòng ở đâu so với không gian xung quanh thì tôi không biết:

Nhưng trong đoàn có Đảm:

          Ngày xưa Đảm ở tiểu đoàn bộ, đóng ở phía phải khi nhìn đối diện thác Thanh Sơn. Đảm kể thường xuyên ra sông tắm, trước mặt còn thấy một con tầu đắm nhô lên, nhìn chéo lên là thấy Trạm Quân Y K113. Như vậy, từ bờ sông bên kia nhìn sang sẽ là cả một vùng lõm của khúc sông cong mênh mông như một mặt hồ, không phải là một khúc sông, lại còn tiếng thác nước ầm ào không ngừng, hoàn toàn khác trong ký ức tôi, trước K113 chỉ là một khúc sông thẳng, yên tĩnh, hiền hòa. Nhưng rồi mọi người giải thích vùng lõm cong của sông chính là do bị lở, gần nửa thế kỷ dòng chảy đã khoét dần thành như thế, trước kia dòng sông thẳng và hẹp hơn. Quả thật, khi chị vợ anh Năm Tùng chở chúng tôi qua sông, đến điểm định vị K113 theo cái nhìn chéo của Đảm, nếu cây rừng còn che phủ, tôi cũng chỉ có thể thấy được một khúc sông thẳng phía trước mặt mà thôi. Hồi đó là cuối năm, nước ngập nên cũng không có tiếng thác đổ:
 
             Có điều tôi lại băn khoăn ở chính trí nhớ của Đảm. Đảm bảo từ phía Định Quán cáng Nga đi K113 chỉ qua một nhánh sông, còn đến chỗ trên thì phải qua hai nhánh. Đảm dẫn tôi và Trung đến nhánh sông trước mặt, cũng có chỗ dân gọi là Thác Thanh Sơn, Đảm chỉ chỗ K113 mà cho là thấy giống hơn trong ký ức của mình. Nhưng tôi thấy lại hoàn toàn không phải vì nền đá lổng chổng, không phải một bờ sông phẳng và trước mặt là một vùng trũng mênh mông nhìn thẳng được về tận phía Định Quán, hoàn toàn không phải là một khúc sông trước mắt tôi.
          Trong đội tìm kiếm có Trung:
Trung là người sau giải phóng được đơn vị cử theo một nhóm quay lại sửa sang mộ Hậu và Nga. Có điều trí nhớ của Trung cũng là một điều ngạc nhiên của trí óc con người. Theo Trung, K113 ở bên này sông chứ không phải bên kia sông. Ý này bị tất cả phản đối vì từ đơn vị phía Định Quán phải cáng thương binh qua sông mới đến K113 thì K113 buộc phải ở bên kia, còn phía ngược lại, không lẽ đơn vị chúng tôi phải đóng ở phía đối diện với Định Quán sao?
Còn một nhân chứng nữa theo lý cũng rất đáng tin cậy, đó chính là ông Cành, chính trị viên của chính K113. Do cơ duyên rồng rắn thế nào đó, cô Hồng với quyết tâm tìm anh trai đã tìm gặp được ông Cành, còn gặp được cả nữ y tá gây mê của trạm Quân Y k113 nữa. Ông Cành vẽ một sơ đồ Trạm Quân Y đúng như trí nhớ tôi. Có điều tôi nhớ, quay lưng ra sông nhìn vào thì lán tôi ngủ phía trái, Hậu chết được khâm liệm ở phòng mổ nằm giữa, rồi mang đi chôn phía tay phải, lùi phía sau một ít, nhưng ông Cành lại bảo chôn Hậu phía trái. Ông Cành, trước lần này, đã vào tận nơi chỉ chỗ cho cô Hồng đào mộ anh trai, nhưng ông lại chỉ chỗ ngược với bản vẽ của chính ông, vị trí mộ lại sát chân thác, theo tôi hoàn toàn không phải chỗ đó, nên cuối cùng đúng là không thấy.
***
Từ những chuyện trên, chúng ta hãy thử nhớ lại các chương trình Trở về từ ký ức của cô Thu Uyên. Để phủ nhận khả năng ngoại cảm, Thu Uyên cong cớn nói về phương pháp “thực chứng”. Bằng hồ sơ của quân đội, bằng thông tin từ mồm cô ta, sẽ tìm ra được những nhân chứng tận mắt chứng kiến việc mai táng liệt sĩ, đó chính là phương pháp chắc chắn và chính xác nhất. Theo lý thì đúng là “có lý” quá nhưng Thu Uyên ngu ở chỗ trí nhớ con người không như máy tính, sau gần nửa thế kỷ địa hình không giữ y nguyên, sẽ bãi bể nương dâu, nên không dễ thực hiện được cái phương pháp thực chứng của cô ta.
Vì vậy, để tìm mộ mất dấu, ở một địa hình mất dấu, tôi khẳng định chỉ có thể bằng khả năng ngoại cảm mà thôi. Tất nhiên là khả năng thật chứ không phải của bọn lừa đảo.
Còn việc tìm hai đồng đội của tôi, trong thâm tâm tôi nghĩ cứ thử xem sao, tôi đã về thành phố, “có gì chúng tôi sẽ báo ngay cho ông biết”, những người ở lại nói với tôi như thế.
9-5-2016

ĐÔNG LA