Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

TIẾP BƯỚC THEO ÁNH SÁNG HỒ CHÍ MINH (Nhân TT Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ)

ĐÔNG LA
TIẾP BƯỚC THEO ÁNH SÁNG HỒ CHÍ MINH
(Nhân TT Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ)


Lịch sử của mối quan hệ Việt-Mỹ hôm nay đang tiếp bước
theo tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, dù không được trải thảm mà đã phải bước qua những bước gập gềnh, chông gai, băng qua cả lửa và máu. Năm 1919, khi lãnh đạo của các nước Đồng Minh thắng trận trong Thế chiến thứ Nhất họp tại Lâu đài Versailles, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã đưa ra chủ thuyết về quyền tự quyết cho mọi dân tộc, Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) đã cùng Phan Châu Trinh,  Phan Văn Trường trong Hội những người An Nam yêu nước (Association des Patriotes Annamites) đưa ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple annamite) với mục đích chính là “để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lí như người châu Âu”, kêu gọi lãnh đạo các nước Đồng Minh hãy thực thi những lý tưởng Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson nêu ra.
          Tiếc là các lãnh đạo của các cường quốc như Pháp, Mỹ đã không đủ thông thái để nhận ra một thứ ánh sáng văn hóa kỳ diệu tỏa ra từ một thanh niên bình dị ở một nước nhỏ đã mất quyền làm chủ, bị Pháp đô hộ; họ tiếp tục rồi thay nhau thực thi chính sách thực dân, muốn áp đặt ý mình bằng sức mạnh quân sự lên đất nước nhỏ bé đó, để rồi các cuộc chiến đẫm máu đã nổ ra và chính họ là người chịu thất bại.
          ***
          Nước Mỹ từng là Đế quốc đứng đầu thế giới chống cộng nhưng từ ngày 6 đến 10/7/2015, đã mời TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Ý thức hệ của VN đã được Mỹ tôn trọng như tôn trọng tự do tín ngưỡng. Không như ngày nào, 1954, Tổng thống thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã khai sinh ra “Học thuyết đô-mi-nô” đã đẩy Mỹ vào và bị sa lầy tại cuộc chiến cay đắng chống Việt Nam làm gần 60000 người Mỹ thiệt mạng và làm chết gần 3 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Nhiều sử gia của Mỹ đã cho rằng cuộc chiến đó có thể đã tránh được nếu phía Mỹ hiểu được lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Cộng, hiểu được Hồ Chí Minh không phải là một người Cộng Sản với những quan niệm thô kệch và hạn hẹp mà Người, sao bao năm lăn lộn trên khắp thế giới, tâm trí Người đã hấp thụ tất cả những gì tinh túy nhất của tất cả những tư tưởng và văn hóa của loài người.         
***
          Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Minh đã cứu những phi cơ Mỹ bị quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản bắn rơi. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đích thân đưa trung úy phi công Mỹ Shaw vượt núi rừng Việt Bắc đến Côn Minh, trao trả cho người Mỹ, gặp tướng Claire L. Chennault, tỏ một cử chỉ thân thiện để đặt nền tảng đầu tiên cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Đáp lại, phía Mỹ, tại Côn Minh, vào tháng 5, tháng 6 năm 1945, cũng đã lập ra Đội Nai (Deer Team) dưới sự chỉ đạo của Archimedes Patti, Phụ tá đặc trách Ðông Dương, nghiên cứu về Việt Minh, đội trưởng là Thiếu tá Allison Thomas. Prunier, một đội viên, đã hồi tưởng: “Trước khi Đội Nai nhảy dù xuống Tân Trào, không ai biết nhiệm vụ là gì”, “chỉ biết rằng ‘Mr. Hồ’ đang ở Tân Trào, và rằng chúng ta phải huấn luyện cho lực lượng của ông”. Sau này ông mới biết rằng nhiệm vụ chính là xây dựng mối quan hệ hợp tác để giải cứu các phi công của Đồng minh, đồng thời nhận báo cáo tình báo về phátxít Nhật và thời tiết cho Đồng minh.
Ngày 16/7/1945, toán biệt kích Con Nai bắt đầu nhảy dù xuống căn cứ Kim Luông. Đội trưởng, thiếu tá Alison Thomas kể với sử gia Lady Borton rằng khi họ vừa nhảy dù xuống giữa cánh đồng, còn đang lúng túng giữa những người dân địa phương và quân Việt Minh thì Hồ Chí Minh xuất hiện: “Ông nói với tôi bằng tiếng Anh rất giỏi. Sau ngày đó, ông gửi đến một bức thư viết tay cũng bằng tiếng Anh, dưới ký tên “Hồ”. Tôi nhớ mãi câu đầu tiên trong thư đó: “Xin gửi chai rượu để các bạn khai trương nhà mới”… Đời tôi đã gặp nhiều người rất thông minh nhưng tôi chưa từng gặp người nào thông minh như Hồ Chí Minh”. Còn theo Prunier, khi tiếp đất, ông thấy trong đám người vây quanh có một người thấp hơn, mặc áo vải lanh màu trắng, đi giày đen, đội mũ phớt cũng màu đen, được mọi người gọi là “anh Văn”, mãi sau đó nhóm biệt kích mới được biết tên của ông là Võ Nguyên Giáp. Nhóm được dẫn tới làng Tân Trào, được đón tiếp với một biểu ngữ bằng tiếng Anh có nội dung “Chào mừng các bạn Mỹ của chúng tôi”. Sau đó Prunier cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp lực lượng du kích quấy rối quân Nhật. Chúng tôi đã cùng họ phá hủy đường ray tàu hỏa, các cơ sở viễn thông. Nhưng không đối đầu trực tiếp với quân Nhật vì chúng tôi không đủ hỏa lực”. Trong một lá thư viết trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mong: “Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông (trung úy Fenn) và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2002, tr.550).
Đặc biệt, khi viết Tuyên ngôn độc lập, ngày 29 tháng 8, Bác Hồ đã đề nghị Archimedes Patti tới gặp Người. Bác thông báo ngày 2 tháng 9 sẽ trở thành ngày Độc Lập của Việt Nam, Người muốn tham khảo ý kiến của Patti về Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mà lời mở đầu đã được trích từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ:
"Tất cả mọi người được sinh ra đều có quyền bình đẳng; Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Sau khi yêu cầu phiên dịch đọc lại, Patti nói Bác đã đổi chỗ "quyền được sống" và "tự do". Bác đã trả lời: "Tại sao ư, dĩ nhiên rồi, không thể có tự do nếu không có cuộc sống, và không có hạnh phúc nào lại thiếu mất tự do".
Theo bà Lady Borton, nhà sử học, nhà văn Mỹ, Bác viết Tuyên ngôn Độc lập cẩn trọng “như một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp”. Bác đã gọi điện thoại cho Charles Fenn, nhân viên đầu tiên của phái bộ OSS được gặp Bác từ hồi tháng 3-1945, (OSS- Cơ quan tình báo chiến lược, tiền thân của CIA), nhờ kiểm tra lại nội dung Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ. Charles Fenn kể: “Tôi vào thư viện soát lại, rồi tôi gọi điện đọc cho Lucius nghe lời văn chính xác” (Lucius là bí danh của Hồ Chí Minh khi làm việc với OSS do Charles Fenn đặt).
Bà Lady Borton đã chỉ ra Bác đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng có sự thay đổi để thể hiện quan điểm riêng. Bản của Mỹ viết: “We hold these Truths to be self-evident, that all Men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the pursuit of Happiness”, nghĩa là “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người (all men) sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thời đó, từ “men” chỉ chỉ những người đàn ông Mỹ da trắng. Trong khi đó, Bác Hồ đã thay chữ “men” bằng “mọi người”, tức đã thể hiện tính bình đẳng và dân chủ một cách toàn diện: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”.
          Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes đề ngày 1-11-1945, Bác vẫn thể hiện mong muốn mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển: “Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ… và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam” Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2002, tr.80).
Trong lần được mời thăm Mỹ, tại cuộc gặp ngày 25/7/2013, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đưa cho Tổng thống Obama lá thư của Bác Hồ gởi TT Harry Truman năm 1946:
"Hà Nội 28/2/1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hà Nội
Gửi đến ngài Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Washington DC
Thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi … đưa ra lời yêu cầu tha thiết nhất tới Ngài và nhân dân Hoa Kỳ, hãy can thiệp khẩn cấp và hỗ trợ cho nền độc lập của chúng tôi, đồng thời giúp cho các cuộc đàm phán tôn trọng các nguyên tắc của Điều lệ Đại Tây Dương và San Francisco hơn.
Kính thư,
Hồ Chí Minh"
Đến tháng 1-1947, Bác vẫn muốn nối được quan hệ ngoại giao với Mỹ khi Người “hy vọng Mỹ gửi giúp chúng tôi vài chiếc” (máy bay). Và, cho đến tận tháng 5-1948, Hồ Chủ tịch vẫn cho rằng nước Mỹ “tất nhiên phải đồng tình với nước Việt Nam tranh đấu giành độc lập”. Mãi cho đến tháng 3-1949, khi Mỹ giúp cho Pháp vũ khí để đánh Việt Nam, lần đầu tiên Bác mới phản đối: “Chúng tôi tiếc rằng Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người chúng tôi, phá phách xứ sở chúng tôi” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2002, tr.573).
         Bắt đầu từ đây, mối quan hệ Việt – Mỹ đã bị cắt đứt hoàn toàn. Cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ “đi theo vết xe đổ” của Pháp đã tiêu tốn cả núi tiền của và làm thiệt mạng gần 60.000 lính Mỹ.   
***
Phải  66 năm sau (1949-1995). Tổng thống Mỹ Bill Clinton, ngày 15 tháng 7 năm 1995, đã tuyên bố thiết lập bang giao đầy đủ với Việt Nam. Sau này ông tâm sự: “Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là thời khắc tuyệt vời trong nhiệm kỳ của tôi”; “Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”.  Trong một lần thăm VN, ông đã nói với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết rằng: “Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Roosevelt đã muốn hai nước Việt - Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh. Tuy nhiên, tôi vô cùng hạnh phúc chứng kiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà đáng lẽ phải có từ cách đây 60 năm”.
TT Bush, trong một diễn văn đọc tại Philadelphia (23/06/04), từ bạn (friend) đã được ông nhắc lại nhiều lần khi nói về quan hệ với Việt Nam: "You’ve got a friend in America". Năm 2006, ông và phu nhân đã sang thăm chính thức VN và dự Hội nghị APEC lần 14. Trong buổi tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông đã cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị và nói: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về VN và cảm nhận được sự phát triển của VN giống như một con hổ trẻ. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để củng cố mối quan hệ giữa hai nước”.  Sáng 19/11, ông cùng phu nhân tới cầu nguyện tại nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội.
          ***
Mỹ, tên gọi đầy đủ là Hợp chúng quốc Mỹ (tiếng Anh: United States of America), quốc gia được thành lập ban đầu gồm mười ba thuộc địa của Vương quốc Anh. Các tiểu bang đã đánh bại Đế quốc Anh trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, nổ ra từ năm 1775 cho đến năm 1781. Quân đội đã được thành lập dưới quyền Tư lệnh George Washington. Quốc hội đã chấp thuận bản Tuyên ngôn Độc lập do Thomas Jefferson thảo vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 và Tổng thống George Washington nhậm chức vào năm 1789 với thủ đô đầu tiên là Thành phố New York. Vương quốc Anh đã phải công nhận chủ quyền của Mỹ vào năm 1783.
          Đến cuối thế kỷ 19, Mỹ đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chiến tranh Thế giới thứ II đã xác định vị thế siêu cường toàn cầu của Mỹ.
Mỹ đã và đang dẫn đầu trong việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là nhờ vào chính sách di dân rộng rãi, Mỹ đã trở thành miền đất thu hút các nhà khoa học đến từ các nước khác, đặc biệt từ Châu Âu khi nhiều người trốn tránh chế độ Phát xít trong Thế Chiến Thứ Hai và Chiến tranh lạnh.  Như hai nhà bác học điển hình là Albert Einstein và Von Braun. Einstein khi đến thăm nước Mỹ, ông quyết định không trở lại Đức khi Adolf Hitler lên làm tổng thống và trở thành công dân Mỹ vào năm 1940. Von Braun, cha đẻ bom bay của quân Đức từng làm dân chúng nước Anh kinh hoàng, nhưng cũng bị Hitler bắt giam nửa tháng vì ông đã chú trọng đến việc chinh phục không gian hơn là tìm cách tàn phá các thành phố London và New York. Năm 1945, quân Đồng Minh tiến vào lãnh thổ Đức, Von Braun quyết định tới gặp quân Mỹ với một gói tài liệu về dự án chế tạo hỏa tiễn liên lục địa và vệ tinh nhân tạo. Ông đã được lên máy bay sang Mỹ. Sau đó, thành công của ông về hỏa tiễn liên lục địa và thám hiểm không gian đã khiến cho toàn thể Thế Giới phải chú ý.
Obama một người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu làm TT Mỹ. Khi nắm quyền, về chính sách ngoại giao, ông theo đuổi nguyên tắc: “Không đưa quân ra nước ngoài”, “không làm chuyện điên rồ”, tức là không phát động các cuộc chiến tranh như ở Iraq  Afghanistan của người tiền nhiệm, vận động các đồng minh và đối tác hành động tập thể, chia sẻ trách nhiệm và phân tán rủi ro.
Nhưng rồi với Lybia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi trả lời phỏng vấn đã nói về sự thừa nhận sai lầm của ông Obama: "ông coi đó là một sai lầm khi can thiệp vào Libya”. Biết tin, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ sự tôn trọng: “Trước hết, thực tế này một lần nữa khẳng định, nhà lãnh đạo hiện nay của Mỹ là một người đàng hoàng”; “Thật tốt khi người đồng nghiệp của tôi đã đủ dũng cảm để đưa ra những tuyên bố như vậy, không phải ai cũng làm được điều đó”. Ông Obama từng chỉ trích Nhà Trắng về hành động tại Iraq nên Putin nói: “nhưng, thật không may, trong thời gian làm tổng thống Mỹ, ông ấy lại mắc phải chính những sai lầm mà ông ấy từng chỉ trích tại Libya”.
Những bài học thường dễ thuộc nhưng ứng dụng được vào thực tế lại quá khó. Ông Obama cũng như những người tiền nhiệm lại mắc sai lầm mà cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Robert McNamara, đã từng chỉ ra khi kinh qua Chiến tranh VN: “Chúng ta không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn”.
Nước Mỹ là nước đưa ra Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ do Tổng thống Abraham Lincoln đề xuất đúng theo tinh thần của Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản của Mác và Ăngghen cho sự bóc lột và sự nô dịch chính là nguyên nhân của đấu tranh giai cấp, nhưng rồi nước Mỹ lại đứng đầu thế giới chống cộng. Có lẽ vì lợi ích quốc gia, phe nhóm, tự tin thái quá vào sức mạnh vật chất, Mỹ đã hiểu sai bản chất nhiều vấn đề nên đã hành động sai, trong đó có việc không hiểu người cộng sản Hồ Chí Minh và ánh sáng văn hóa tỏa ra từ con người bình dị mà vĩ đại ấy.
Rất mong, sau cuộc thăm Mỹ của Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc theo lời mới của Tổng thống Donald Trump, lần gặp nhau của lãnh đạo hai nước trong nhiệm kỳ mới, nước Mỹ sẽ tiếp tục hiểu đúng về VN hơn, nhất là vấn đề nhân quyền. VN luôn coi trọng những quyền chính đáng của người dân, nhưng không coi sự quấy rối, chống phá chế độ, chống phá hiến pháp của một số người mà Mỹ còn đang ủng hộ là quyền. 
30-5-2017
ĐÔNG LA