ĐÔNG LA
VIỆN BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT
METROPOLITAN (MET)
Bảo
tàng Nghệ thuật Metropolitan (gọi tắt là Met) là một trong những bảo tàng mỹ
thuật vào hàng lớn nhất, lượng khách tham quan cũng lớn nhất không chỉ ở Mỹ mà
trên toàn thế giới. Nó nằm trên Đại lộ số 5 cùng với toà tháp Empire, tháp
Trump và nhiều công trình khác, nối từ phía Đông đến Công viên Trung tâm New
York.
Hôm đó, sau khi leo lên Tháp Empire ngắm toàn cảnh New York,
đi lòng vòng khá nhiều nơi, lúc đến Met thì cũng đã trưa, nắng gắt, chân cũng đã
mỏi, tôi bảo con trai chụp vài kiểu ảnh
thôi, không cần vào coi nữa, cần thì tôi lên mạng coi một lúc là sẽ biết trong
đó có gì. Chụp vài kiểu ảnh xong chúng tôi ra công viên trung tâm ngồi nghỉ. Từ
rừng nhà bê tông chọc trời ồn ào, khói, bụi được ngồi dưới bóng cây um tùm xanh
mát thật thú vị. Có lẽ bởi rừng cây chính là nguồn cội sinh sống của thuỷ tổ
loài người. Cây không chỉ toả ra oxy mà các nhà khoa học còn phát hiện ra cây
còn tạo ra “ion âm”, cũng như nơi biển cả, sông hồ, thác nước, sau mỗi trận
mưa… “ion âm” cũng được sinh ra, làm cho người ta dễ chịu, tốt cho sức khoẻ.
Đang nóng khát, mua cây kem ăn nữa thấy đúng là “đã đời!”.
***
Bảo
tàng Met sở hữu rất nhiều bộ sưu tập nghệ thuật giá trị và độc đáo nhất trên thế
giới. Từ nghệ thuật Ai Cập cổ đại, phương Ðông cổ đại, những báu vật Hy Lạp cổ
đại, rồi La Mã, Hồi giáo trung cổ, đặc biệt là hội họa châu Âu ở các thời kỳ.
Trong số các kiệt tác mỹ thuật thế giới được trưng bày tại Bảo tàng Met có “Ðức
Mẹ với Chúa Hài Ðồng và cây đàn” của Raphael, “Thần Vệ Nữ và cây đàn” của
Titian, “Phong cảnh Toledo” của El Greco… Cũng có phần triển lãm của các họa sĩ
Mỹ còn Hội họa Âu Châu được trưng bày có tới hơn 30 gian, trưng bầy nhiều tuyệt
tác của Cezanne, Van Gogh, tượng Rodin, tranh Rembrands, Renoir, Monet, Boticelli
và Raphael El Greco.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu mấy tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp
đơn giản là vì thấy Bảo tàng Met, một bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới,
nhưng lại trân trọng lưu giữ không phải tác phẩm hoàn chỉnh mà chỉ là bản phác
thảo (bản nháp) bức tượng Cupid and Psyche của nhà điêu khắc Ý lừng danh Antonio
Canova (1757 – 1822). Còn tác phẩm hoàn chỉnh Antonio Canova có không chỉ một
mà là hai Cupid and Psyche được lưu giữ ở Bảo tàng Louvre, Paris và Hermitage
Museum, Saint Petersburg, nơi 1990 tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng cùng với bức
The Three Graces và nhiều bức khác của Canova. Có một bức The Three
Graces khác cũng tuyệt đẹp nhưng tác giả khuyết danh được trưng bầy tại Louvre.
Một tác phẩm khác là Naid (nữ thần) cũng của Antonio Canova được một nơi khác
cũng ở Mỹ lưu giữ là National Gallery,
Washington DC.
Met cũng lưu giữ tác phẩm California của tác giả Mỹ
Hiram Powers (1805–1873) lớn
lên ở Woodstock, Vermont nhưng rồi ông đã trở về cái nôi của nghệ thuật điêu khắc
và cuối cùng chết ở đó là Florence, Ý. Tác phẩm California là tượng một cô gái
tuyệt đẹp, không tìm hiểu sẽ không có ai có thể hiểu tác giả thể hiện cái gì.
Đó là thời kỳ dân Mỹ đổ xô đi tìm vàng từ năm 1848. Trong tay trái của cô, cô
giữ “cây đũa thần” của người thợ mỏ, phía dưới chân cô có những viên pha lê thạch
anh mà trong đó có chứa vàng. Tay phải, để phía sau lưng, bị bao phủ bởi nhành
cây có gai. Tác giả biểu thị sự đối nghịch giữa cái tốt (thánh thần) với cái ác
(gai) trong sự đi tìm vàng của dân Mỹ. "California" là tác phẩm điêu
khắc đầu tiên của một nghệ sỹ người Mỹ được đưa vào bộ sưu tập của
Metropolitan. Hiram Powers còn có tác phẩm tuyệt đẹp khác là The Greek Slave được
lưu giữ tại Yale Art Gallery.
Cũng
vì tìm hiểu lai lịch các bức tượng mà tôi được thấy nhiều tác phẩm của các tác
giả khác nữa. trong đó có “Veiled truth” (Sự thật được che giấu) và các tác phẩm
khác của Antonio Corradini (1688 – 1752, Italian). Tác giả này độc đáo ở
chỗ các "tấm màn che" ở các tác phẩm của ông được người ta ca ngợi là
“đã được điêu khắc với kỹ năng phi thường”. Và cuối cùng tôi cũng được thấy tác
phẩm Cleopatra, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử thế giới, một Nữ Pharaoh của Ai Cập cổ đại, được tạo ra bởi nhà điêu khắc của
Đức Leonhard Kern.
Los Angeles
16-9-2017
ĐÔNG LA