Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

NGUYỄN CÔNG KHẾ LÀM GIẦU BẰNG CÁCH NÀO?

ĐÔNG LA
NGUYỄN CÔNG KHẾ
 LÀM GIẦU BẰNG CÁCH NÀO?

Nhân vụ Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng, Hoàng Hải Vân đã viết loạt bài công kích Nguyễn Bá Thanh với mục đích chỉ ra có nhóm quyền lực tối cao trong thể chế VN “xé bỏ pháp quyền” bảo kê cho các “nhóm lợi ích” khiến đến PTT Vũ Đức Đam đi xem xét đất ở Đà Nẵng cũng phải “ấp úng” không dám nói ra sự thật, cũng vì thế mà trước đó trong vụ PMU18 các nhà báo đã bị oan, trong đó có chính Hoàng Hải Vân bị tước thẻ nhà báo và Nguyễn Công Khế bị mất chức TBT Báo Thanh niên. Có điều khi mạnh miệng chê mặt ai đó bẩn thì cũng nên tự soi gương xem mặt mình có lấm không?
Vừa rồi các nhà báo chĩa bút về phía ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý buôn “chổi đót, lá chit” mà xây được “biệt phủ” khiến dư luận cuồng lên. Nhưng cần phải hiểu tài sản của ông Quý to tướng như vậy nhưng có khi không bằng một miếng đất vàng, đất kim cương nhỏ ở Hà Nội hoặc TpHCM. Nên chuyện ông vay ngân hàng gần 20 tỉ và mượn của anh em bạn bè nữa thì hoàn toàn có thể xây được biệt phủ như vậy trên cái mảnh đất miền rừng ngày xưa có khi cho không ai thèm lấy. Nguyễn Công Khế cũng khoe làm giầu bằng nuôi chim yến mà có được những dinh thự như thế này:
Có điều nuôi yến giầu rồi thì ông ta cần gì phải bày nhiều trò như trong những đơn tố cáo làm gì? Trong đó có chuyện cũng như bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa biến Công ty Điện Quang thành công ty của gia đình mình, Nguyễn Công Khế cũng đã lợi dụng danh nghĩa Báo Thanh niên lập ra công ty để làm tiển và rồi cuối cùng cũng biến công ty đó thành của nhà mình.
          *** 
Nhóm “CLB Nhà báo trẻ” đã công bố một loạt bài đã vài năm nay, còn tràn ngập trên mạng về chuyện “Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt tập đoàn Thanh Niên như thế nào?”, hôm nay tôi chỉ tóm lại vài nét chính.
Đầu tiên Nguyễn Công Khế lấy danh nghĩa Báo Thanh Niên lập ra Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thanh Niên sau chuyển thành Tập đoàn Thanh Niên (TNCorp) với mục đích “cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên Báo Thanh Niên”. Giai đoạn 2012 đến cuối năm 2014, TNCorp có vốn điều lệ 103,4 tỷ đồng, báo Thanh Niên giữ quyền kiểm soát với 51%, phần còn lại thuộc cán bộ công nhân viên của Báo Thanh Niên và Nguyễn Công Khế chỉ sở hữu 8.506 cổ phiếu, tương đương với 0,082% CP.
Với cớ cần vốn  “đầu tư”, Nguyễn Công Khế đã chỉ đạo việc tăng vốn điều lệ TNCorp bằng cách phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu tương đương với 300 tỷ đồng rồi thông qua nghị quyết công bố danh sách nhà đầu tư chiến lược là chính bản thân mình. Văn bản có đóng dấu đỏ chót và người ký cũng chính là Nguyễn Công Khế.
Như vậy, Nguyễn Công Khế đã thành công ngoạn mục trong việc chuyển sở hữu TNCorp từ Báo Thanh Niên thành tập đoàn kinh tế “gia đình trị”. Cổ phần của Báo Thanh Niên chỉ còn 11,89%, còn riêng Nguyễn Công Khế từ tỷ lệ sở hữu 0,082% đã lên tới 74,39%:

***
 “CLB Nhà báo trẻ” viết bài “ Nguyễn Công Khế và cú lừa 300 tỷ ngoạn mục!” (https://anhbasam.wordpress.com/2015/12/11/6098-nguyen-cong-khe-va-cu-lua-300-ty-ngoan-muc/) đã chỉ ra chuyện Nguyễn Công Khế dùng thủ đoạn “lấy mỡ cá rán cá”, “đảo nợ” để từ tay không có được số tiền 300 tỷ khổng lồ để góp vốn.
Đầu tiên với mục đích đầu tư xây dựng Khu Du lịch sinh thái cao cấp Vĩnh Hy trên lô đất 29,65 ha ở Bãi Lớn và Bải Hời, thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng, Nguyễn Công Khế dùng quyền của Chủ tịch HĐQT chỉ đạo mở tài khoản của TNCorp tại Eximbank, chuyển tiền từ TNCorp vào dưới danh nghĩa “góp vốn mua cổ phần công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên”. Sau đó Nguyễn Công Khế cùng vợ là Đặng Thị Thanh Xuân đã móc nối cùng Nguyễn Văn Thu (thường trú tại 154 Ngõ 158, phố Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, Q. Bà Đình, Hà Nội) – Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư Thương mại và Kinh doanh Bất động sản NewStar để lập hồ sơ hợp tác đầu tư khống nhằm thuyết phục tỷ phú Phạm Nhật Vượng (ông chủ VinGroup) bảo lãnh cho vợ chồng Khế vay 300 tỷ của Sacombank nhằm “trả nợ”  số tiền trên cho TNCorp.

Bản tố cáo viết một chuyện khó tin, để có tiền trả lãi cho Sacombank khoảng 2,4 tỷ đồng/tháng, Nguyễn Công Khế đã gửi 300 tỷ của TNCorp vào ngân hàng Kiên Long (chi nhánh Sài Gòn), sau đó, Khế lại tiếp tục làm thủ tục vay chính 300 tỷ đó từ Ngân hàng Kiên Long với mục đích được ghi rõ: “Góp vốn vào Công ty CP Tập Đoàn Truyền Thông Thanh Niên”(!?) với tài sản thế chấp lại là sổ tiền gửi của TNCorp (!?). Văn bản đưa ra không thấy có dấu đỏ và chữ ký.
***
Nhưng dù thế nào tiền vay ngân hàng có giấy trắng mực đen đến hạn là phải trả lãi và vốn, không trả cả chủ nợ lẫn con nợ là phải đi tù như một loạt vụ án ngân hàng đã và đang xử. Nhóm tố cáo không nói rõ Nguyễn Công Khế trả nợ như thế nào để không chỉ không bị truy tố mà còn đường hoàng làm chủ TNCorp. Nguyễn Công Khế cao tay chính là vì như thế.
Phải đọc bài “Thủ đoạn cướp tiền doanh nghiệp của TNCorp và Nguyễn Công Khế thông qua chiêu bài truyền thông” thì mới có thể hiểu được phần nào.
Bài viết cho rằng nguồn thu chính của TNCorp vẫn đến từ lá bài “tài trợ” đều đặn hàng năm từ các doanh nghiệp cho các chương trình truyền thông.
Ví dụ giải đấu “U21 Quốc gia / Quốc tế báo Thanh Niên 2015” (10-11/2015) tổng nguồn tài trợ cho 2 giải đấu lên tới 15,23 tỷ đồng, chưa kể nguồn lợi nhuận từ bán vé, quảng cáo. Chi phí thực tế chỉ là 5.65 tỷ đồng.
Ngoài khoản chung chi cho “lãnh đạo” liên quan và chia cho thuộc cấp phần lớn còn lại thuộc về “doanh thu” của TNCorp, nói cách khác là vào túi riêng của Nguyễn Công Khế. TNCorp có cuốn sổ bìa đen mang tên “hoa hồng” “một luật bất thành văn mà Nguyễn Công Khế thiết lập tại TNCorp từ năm 2009 đến nay, đội ngũ săn “tài trợ” dùng mọi thủ đoạn, kể cả hăm dọa “đăng báo” để o ép doanh nghiệp phải “cúng hiến”, mỗi nhân sự đem tiền tài trợ về sẽ được hưởng 20%-30% “hoa hồng” từ nguồn tài trợ ấy”.
Bên cạnh đó, hàng loạt các thương hiệu truyền thông khác như “Hoa hậu Hoàn vũ”, “Hoa hậu trái đất”, “Duyên dáng Việt Nam”, “Hoa khôi sinh viên”,… cũng là những con gà đẻ trứng vàng đều đặn, góp phần vào khối tài sản khổng lồ của gia đình Nguyễn Công Khế.
Nếu đúng như vậy, TNCorp chính là “doanh nghiệp ăn xin” kiêm tống tiền trá hình. Vậy mà trên báo New York Times và trả lời phỏng vấn của RFA, Nguyễn Công Khế cho rằng báo chí VN chưa được tự do. Chưa được tự do mà đã vậy thử hỏi có được tự do như ông Khế mong muốn, bọn kền kền báo chí sẽ tống tiền các doanh nghiệp đến thế nào?
***
Người tố cáo Nguyễn Công Khế là nặc danh nhưng chứng cớ lại chính danh, có dấu đỏ chót và chữ ký của chính Nguyễn Công Khế, thậm chí được những người bênh vực Nguyễn Công Khế công nhận. Thông tin trên mạng đúng là nhiều bịa đặt nhưng với những chứng cớ thật thì không thể là bịa đặt. Vì vậy mà những cá nhân và cơ quan có trọng trách cần phải xem xét những dự án đầu tư để Nguyễn Công Khế "kiếm cớ tăng vốn" có được thực hiện đúng pháp luật không? Việc Nguyễn Công Khế đặt ra những sự kiện truyền thông để câu tài trợ kiếm lợi riêng có đúng không? Cũng là để minh oan cho ông Khế nếu sự thật không như các bài tố cáo.

3-10-2017

ĐÔNG LA