Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

GIẢI TRÍ KHOA HỌC CUỐI TUẦN: PHÂN TÍCH NHỮNG Ý PHẢN BIỆN THUYẾT TƯƠNG ĐỐI HẸP THEO YÊU CẦU

ĐÔNG LA
GIẢI TRÍ KHOA HỌC CUỐI TUẦN:
PHÂN TÍCH NHỮNG Ý PHẢN BIỆN THUYẾT
TƯƠNG ĐỐI HẸP THEO YÊU CẦU

Tôi mới nhận được một email như thế này:
Thanh Nguyen
Chào anh Đông La,
Tôi có vài bài phản biện ngắn, chống lại thuyết tương đối hẹp, vừa được đăng tải trên trang web toituduy.net.
Phản biện thuyết tương đối đã khó, nhưng tìm được người chịu đọc và phân tích chúng như anh đã làm đối với ông LVC (Lê Văn Cường), thì lại càng khó hơn.
Anh cứ tự nhiên viết bài phân tích chúng trên blog này, nếu thích”.
Tôi tìm hiểu thêm một chút thấy Nguyễn Giang Thành (tên đầy đủ của người viết thư) viết trên một diễn đàn:
“Thưa quý vị,
Tôi chờ các cao thủ thuyết tương đối không biết đến bao giờ....
Ngày nào thuyết tương đối còn chưa có một nền móng khoa học, thì ngày đó lý thuyết này vẫn chỉ là một tượng đài xây trên nền cát trắng hoang vu. Nhóm chữ "thành trì khoa học bất khả xâm phạm" mà người ta đang dùng để ca ngợi nó, thiệt là quá mỉa mai, bởi vì nó vốn không phải là một bức tường thành. Nó chỉ là một cái mai rùa, mà các nhà khoa học chánh thống đang rúc vào đó, chìm sâu trong giấc ngủ triền miên. Cái mai rùa này được họ gọi là "bất khả xâm phạm", không phải là bởi vì nó vững chắc, mà là bởi vì họ đang bị giam giử trong những ảo giác về không gian và thời gian.
Các cao thủ danh môn chánh phái, hãy tỉnh giấc đi. Hãy bước ra khỏi cái mai rùa cổ xưa để ngắm nhìn bầu trời trong xanh bát ngát, để cảm nhận làn gió biển nồng nàn tươi mát, để nghe tiếng chim rừng ca hát thánh thót, líu lo....”
“Với các vị ủng hộ viên của thuyết tương đối, tôi có thể thượng đài ở bất cứ diễn đàn, blog, báo,... nào mà các vị muốn.
Như vậy lại có thêm một Lê Văn Cường, Phùng Truyền mới.
Tất nhiên sẽ không có “cao thủ” vật lý thuộc “chánh phái” khoa học chánh thống nào chấp nhận “thượng đài” với Nguyễn Giang Thành đâu vì họ biết viết như bạn là không hiểu vật lý. Tôi cũng hiểu như họ nhưng vì còn là một nhà lý luận phê bình, cũng cần có bài để cập nhật trên trang cá nhân và cũng vì bạn nhiệt tình hỏi tôi, tôi sẽ viết bài này. Tôi chỉ ngại là cũng như Lê Văn Cường, Phùng Truyền, bạn khó mà hiểu được vấn đề để thay đổi nhận thức, tôi đã mất công lại còn bị bạn giận. Thêm nữa tôi cũng sợ “thầy Phúc Anh”, không phải sợ tôi sai vì ông “thầy” này có đọc cũng mù tịt mà chỉ sợ ông ấy cười tức là bị tâm thần, rồi sẽ bỏ rơi lũ “con” là những người tôi quen biết bơ vơ.
***
Nhớ lại một chút Lê Văn Cường đã “láo” như sau:
“Từ khi ra đời thuyết Tương đối (năm 1905) đến nay, có thể nói gần như cả nhân loại chúng ta bị nhầm theo cái tiên đề thứ hai trong thuyết Tương đối của Einstein rằng: vận tốc ánh sáng là hằng số tuyệt đối không đổi trong “chân không”...
Đau đớn quá! Một thế kỷ qua cả nhân loại bị nhầm lẫn theo cái thiếu sót của Einstein. Tôi lấy làm lạ rằng sự việc đơn giản như vậy mà mấy tỷ con người không ai phát hiện ra và dám đứng lên phát biểu bênh vực cho lẽ phải, tránh để câu chuyện diễn ra ví như chuyện anh thợ may láu cá may quần áo cho Vua bằng vải “không khí”, nếu ai “ngu dốt” thì mới không nhìn thấy”.
Lê Văn Cường và tất cả nhân loại cần phải hiểu “vận tốc ánh sáng bằng hằng số” không phải là phát minh của Einstein mà là kết quả thực nghiệm. Nó mâu thuẫn với vật lý cổ điển (không có phép cộng vận tốc) nên từng làm đau đầu các nhà khoa học thời ấy. Einstein nhận thấy “vận tốc ánh sáng bằng hằng số” là bản chất của quy luật tự nhiên mà Tạo Hoá đặt ra, ông coi là tiên đề để đưa ra Thuyết Tương đối hẹp, mang đến những nhận thức mới cho nhân loại về sự phụ thuộc của không gian, thời gian và khối lượng vào sự chuyển động.
Còn Phùng Truyền, từ công thức Plank: E (năng lượng pho ton) = h.υ và công thức Einstein: E (vật chất) = mc2, tính ra “khối lượng” của một pho ton (ánh sáng) m= h.υ/c2.
Tôi đã viết: “Bạn cần phải hiểu photon là năng lượng, mà theo vật lý, đã là năng lượng thì không thể có khối lượng. Như một vật được nung nóng thì không ai có thể cân được độ nóng đó nặng bao nhiêu. m được tính ra như trên là khối lượng của bất kỳ chất nào tương đương với giá trị năng lượng của một photon chứ không phải là khối lượng của photon”. Ông bạn Lương Chí Thành từng comment “ý Đông La photon không có khối lượng, ý Phùng Truyền photon có khối lượng” là chưa được chính xác, nếu đúng như ý ông Thành thì tôi được giải Nobel rồi! Thực tế photon không có khối lượng là ý của Tạo hoá mà nền khoa học đã phát minh ra chứ không phải ý của tôi.  
Phùng Truyền từ việc tìm ra “khối luợng” photon và “GIA TỐC DAO ĐỘNG SÓNG” tính ra được lực tương tác của dao động sóng điện từ (F = m.a) nên đã cho là “thống nhất được 4 trường tương tác” và đã đưa ra được “LÝ THUYẾT THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG TƯƠNG TÁC  đã “bổ sung thêm vào kho tàng khoa học vật lý”.
Viết vậy Phùng Truyền không chỉ hiểu sai về “khối lượng” photon mà cũng không hiểu gì về “THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG TƯƠNG TÁC!
***
Phùng Truyền hay “like” và còn chia sẻ những bài của tôi viết nên tôi không vui vẻ gì khi viết ra cái “sự thật mất lòng” trên. Giờ đến bạn Nguyễn Giang Thành lại viết thư cho tôi với thái độ lịch sự muốn tôi “phân tích” (chứ không phải thách tôi “thượng đài” như với người ta) bài “Phản Biện Thuyết Tương Đối Hẹp” của bạn ấy.
Trong bài “Phản Biện Thuyết Tương Đối Hẹp
Nguyễn Giang Thành viết:
“Trong thuyết tương đối hẹp, có một phát biểu như vầy: “Hai sự kiện xảy ra đồng thời trong một hệ quy chiếu quán tính, không nhất định cũng xảy ra đồng thời trong một hệ quy chiếu quán tính khác” và mô phỏng thí nghiệm tưởng tượng của Einstein. Có một người đứng yên bên một đường ray, tại trung điểm của hai ngọn đèn A và B, và có một người trên xe lửa chạy hướng từ A đến B với vận tốc thẳng đều. Khi người trên tầu ngang qua người dưới đất thì hai ngọn đèn A và B cùng lúc lóe sáng. Einstein cho rằng người trên tầu sẽ nhìn thấy B lóe sáng trước vì tầu di chuyển đến gần B hơn còn người đứng dưới đất vì ở giữa sẽ thấy A và B sáng cùng một lúc. Vì vậy hai sự kiện xảy ra đồng thời với người dưới đất nhưng lại không đồng thời với người đang chuyển động trên tầu. Đó không phải là ảo giác (illusion) mà là hiện thực tồn tại trong đời sống.
Nguyễn Giang Thành phản biện bằng cách lặp lại thí nghiệm trên 10 giây sau, hai sự kiện gọi là A1 và B1. Cho Ao và Bo là hai ánh lửa phát ra từ hai nòng súng của hai xạ thủ A và B. Theo thuyết tương đối, đối với người đứng yên dưới đất hai xạ thủ này đồng thời khai hỏa; còn đối với người trên xe lửa thì xạ thủ B khai hỏa trước.  Cho A1 và B1 là hai sự kiện A và B trúng đạn. Theo thuyết tương đối, đối với đứng yên dưới đất thì hai xạ thủ này trúng đạn cùng lúc; còn đối với người trên xe lửa thì xạ thủ B trúng đạn trước.
Nguyễn Giang Thành viết: “Thuyết tương đối hẹp bảo rằng: Đối với người trên toa xe, xạ thủ B là người khai hỏa trước, rồi B trúng đạn trước. Logic của thuyết tương đối hẹp rõ ràng không phù hợp với thực tế. Hai xạ thủ được trang bị hai khẩu súng như nhau, thì không thể nào người bắn trước lại lãnh đạn trước rồi chết trước, dù cuộc đấu súng được thực hiện tại bất cứ hệ quy chiếu quán tính nào trong không gian tự do (free space). Và vì thế, chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định rằng các kết luận của thuyết tương đối hẹp rút ra từ cuộc thí nghiệm tưởng tượng nói trên là sai lầm”.
***
Thực ra không phải Thuyết Tương đối sai mà Nguyễn Giang Thành hiểu sai và khi phản biện đã mô phỏng sai thí nghiệm tưởng tượng của Einstein.
Thực ra Einstein đã đưa ra thí nghiệm tưởng tượng về “đoàn tàu bị sét đánh” ở hai đầu tương tự như thí nghiệm mà Nguyễn Giang Thành đã dẫn ra. Nếu hiểu đúng theo Einstein thì trong thí nghiệm phản biện của Nguyễn Giang Thành A và B cùng nổ súng chứ không phải B nổ súng trước, hai người trúng đạn phải là hai người quan sát, và như thế người đứng yên dưới đất trúng đạn của A và B cùng lúc, còn với người chuyển động trên tầu, trong thời gian để viên đạn tới đích, đã chạy tới B gần hơn một đoạn, chạy ra xa A hơn một đoạn, nên sẽ trúng đạn của B trước so với người đứng yên, trúng đạn của A sau so với người đứng yên.

Minh hoạ thí nghiệm của Einstein
Nguyễn Giang Thành viết tiếp bài “Một Vấn Đề Trong Thuyết Tương Đối Hẹp”, trong đó có đoạn:
“Trong bài “Khối Lượng và Phương Trình của Thế Kỷ”, giáo sư Phạm Xuân Yêm dứt khoát: “Khối lượng m mang tính chất nội tại của một vật, nó không phụ thuộc vào bất kỳ hệ quy chiếu nào. Khối lượng m phải là một bất biến (như vận tốc ánh sáng c, hay điện tích e của electron), trong bất kỳ hệ quy chiếu nào nó phải như nhau. Không có khối lượng của vật chuyển động m(v) hay khối lượng của vật đứng yên m0 = m(v = 0), nó không thay đổi với vận tốc, chỉ có một khối lượng duy nhất m = √(E2–|p|2c2)/c2.”[3]. Trong khi đó, giáo sư Stephen Hawking, trong tác phẩm “Lược Sử Thời Gian”, đã phát biểu hoàn toàn khác: “Khối lượng cũng có thể thay đổi. Tốc độ càng nhanh thì khối lượng của vật thể càng tăng.  Nhiều cuộc thí nghiệm đã chứng tỏ rằng vật thể bắn lên không gian với tốc độ lên tới 86% tốc độ ánh sáng, sẽ cân nặng gấp đôi so với khi còn nằm yên dưới đất.”[4]. Hai vị giáo sư vật lý hàng đầu trên thế giới có hai câu trả lời khác hẵn nhau về khối lượng!?
… Thuyết tương đối hẹp bắt buộc phải có một quan điểm duy nhất về khối lượng. Ngày nào lý thuyết này còn chưa thống nhất được về khối lượng, thì ngày đó, thuyết tương đối hẹp vẫn chưa phải là một lý thuyết khoa học.
Tác giả: Nguyễn Giang Thành”
Cần trích dẫn lại chính xác ý của ông Yêm:
“Trước hết cần minh định là chỉ có phương trình E0= mc2 hay E = γmc2 mới thực sự phản ánh ý nghĩa của thuyết tương đối, E thay đổi theo vận tốc của vật, động năng (½) mvlà thí dụ cụ thể nhất, còn E0 là năng lượng khi vật đứng yên … ta không nên đưa ra hai ký hiệu: m(v) ≡ γm và m0 ≡ m(v = 0) của một vật, theo đó m0 là khối lượng khi vật bất động và m(v) = m0/√(1− v²⁄c²) là ‘khối lượng tương đối tính’ khi vật chuyển động với vận tốc v.

Chỉ có một khối lượng m trong các định luật vật lý, không có khối lượng m0 của một vật bất động hay khối lượng ‘tương đối tính’ m(v) thay đổi với vận tốc v của mỗi hệ quy chiếu”.
Trước hết người ta hiểu sai, hiểu khác nhau là do lỗi của người ta chứ không phải vì vậy mà Thuyết Tương đối phải sửa đổi, nếu có hàng triệu ý khác nhau cũng phải chiều theo thì biết sửa làm sao?
Còn Nguyễn Giang Thành viết Phạm Xuân Yêm và Stephen Hawking là “Hai vị giáo sư vật lý hàng đầu trên thế giới” thì tôi thấy chỉ đúng với Stephen Hawking thôi, còn ông Yêm viết: “Chỉ có một khối lượng m trong các định luật vật lý, không có khối lượng m0 của một vật bất động hay khối lượng ‘tương đối tính’ m(v) thay đổi với vận tốc v của mỗi hệ quy chiếu” thì xem chừng ông này không chỉ ở “hàng cuối” mà còn phải xét xem ông ấy có xứng với cái danh GS vật lý không? Vì viết “không có khối lượng ‘tương đối tính’ m(v) thay đổi với vận tốc v của mỗi hệ quy chiếu” ông Yêm đã phủ nhận Thuyết Tương đối hẹp. Với kết quả thực nghiệm và bây giờ thì cả nền khoa học đã xác nhận vận tốc ánh sáng là một hằng số là một tiên đề. Từ nguyên lý đó đã dẫn đến những chuyện lạ, khác hẳn vật lý cổ điển mà Einstein đã chỉ ra bằng Thuyết Tương đối hẹp: không chỉ khối lượng mà không gian, thời gian cũng biến đổi theo chuyển động. Tất cả đã được thực nghiệm kiểm chứng đúng. Vì vậy người ta mới vinh danh Einstein.
Việc khối lượng của một vật tăng theo chuyển động hàm nghĩa chỉ có cái nào không có khối lượng mới đạt được vận tốc ánh sáng, còn vật nào có khối lượng thì khối lượng sẽ tăng đến vô cùng khi đạt được vận tốc ánh sáng, một điều không thể xảy ra trong thực tế!
Giới hạn của Thuyết tương đối, tính chính xác “tương đối” của thuyết Tương đối khi các nhà vật lý muốn khám phá quy luật tận cùng của tự nhiên đó là nó không tương thích khi tổ hợp với Cơ học lượng tử để thống nhất tất cả các trường tương tác chứ không phải là những cái sai mà từ Lê Văn Cường, Phùng Truyền nay là Nguyễn Giang Thành do không hiểu vật lý đã tưởng tượng ra.
29-10-2017
ĐÔNG LA