Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

“GSVS” PHAN HUY LÊ MÙ LƯƠNG TRI, MÙ NGHĨA LÝ

ĐÔNG LA
“GSVS” PHAN HUY LÊ MÙ LƯƠNG TRI, MÙ NGHĨA LÝ

Trên trang http://www.trelangblog.com/2017/10/may-van-e-nho-gs-phan-huy-le-giai-thich.html có đăng lại bài của Giá Khê Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 470: “MẤY VẤN ĐỀ NHỜ GS PHAN HUY LÊ GIẢI THÍCH”, viết:
“Trên tạp chí Xưa và Nay số 486 – tháng 8-2017, Giáo sư Phan Huy Lê có bài viết “Công cuộc khôi phục thống nhất quốc gia cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX”… cho rằng “Đến đầu triều Nguyễn, đất nước mới thật sự được thống nhất”; “Năm 1802, Nguyễn Ánh sau khi đánh bại chính quyền Tây Sơn cuối cùng là vương triều Nguyễn Quang Toản, đã làm chủ cả nước, xây dựng vương triều nhà Nguyễn trên toàn bộ lãnh thổ đất nước, bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài trước đây. Nước Việt Nam với quốc hiệu do Gia Long đặt tên năm 1804, nước Đại Nam với quốc hiệu do Minh Mệnh đặt năm 1838 là quốc gia thống nhất với lãnh thổ gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay, từ Cao Bằng đến Cà Mau, từ Trường Sơn đến Biển Đông bao gồm cả các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là một nước thống nhất về phương diện lãnh thổ, tổ chức chính quyền và quản lý hành chính quốc gia. Đó là một thực tế lịch sử được minh chứng qua nhiều nguồn sử liệu khác nhau và không một nhà sử học nào phủ nhận”; “Kể từ khi từ Xiêm trở về chiếm lại Gia Định năm 1787-1788, Nguyễn Ánh đã vừa xây dựng lực lượng ở Gia Định, vừa tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Tây Sơn cho đến năm 1802 mới giành được thắng lợi. Đó là một cuộc chiến tranh kéo dài 14 năm rất gian khổ với nhiều bước thăng trầm rất ác liệt. Đánh bại Nguyễn Lữ năm 1787 rồi tiến lên đánh bại Nguyễn Nhạc năm 1793 sau khi vua Quang Trung từ trần và cuối cùng đánh bại chính quyền Tây Sơn cuối cùng của Nguyễn Quang Toản. Chính thắng lợi của cuộc chiến tranh này mới đưa tới sự thống nhất đất nước”.

Giá Khê viết:
“Thưa Giáo sư … Theo tôi, đó chỉ là thâu tóm quyền lực về một mối, cũng có thể nói là sự thống nhất về mặt quyền lực cai trị… chứ không phải là hành động để thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ… Dẫu biết rằng lịch sử diễn ra không có chuyện “nếu”, nhưng cũng xin được hỏi Giáo sư, “nếu” Quang Trung – Nguyễn Huệ không đập tan tập đoàn của chúa Trịnh, đánh tan 20 vạn quân Thanh, đưa Đàng Ngoài vào sự quản lý chung của triều Tây Sơn, thế lực của chúa Trịnh còn mạnh thì liệu Nguyễn Ánh có thể làm cái việc gọi là thống nhất được không?”
***
 Tôi cũng đã phản bác ông Phan Huy về những vấn đề này nay đăng lại mấy ý.
 Không ai có thể phủ nhận công lao các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam để nước ta có được hình hài như hiện nay. Nhưng cũng phải hiểu việc này không phải là kết quả của mục đích khai khẩn hoặc chiến tích của Nhà Nguyễn mà khởi thuỷ là việc Chúa Nguyễn Hoàng chạy trốn khỏi sự tiêu diệt của Chúa Trịnh, rồi về sau là việc Nguyễn Ánh xây dựng căn cứ địa để chống lại quân Tây Sơn.
Trong bối cảnh Nhà Lê suy tàn, thượng bất chính hạ tắc loạn, nên mới gây ra cuộc Trịnh, Nguyễn phân tranh, đẩy dân ta vào cảnh nồi da xáo thịt mấy trăm năm. Trong cảnh loạn ly đó, nếu ai có tài, có lực tất có chuyện thời thế tạo anh hùng. Người như vậy lại có đức để dân tin theo, ủng hộ, rất dễ đi đến thành công. Chính Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là người như thế. Ông đã dẹp loạn trong nước, thắng giặc ngoại xâm hai đầu đất nước, khi vua cuối triều Lê chạy trốn lưu vong, đã lên ngôi vua. Theo thông lệ thời đó, ông đã được Nhà Thanh công nhận (như sau này quốc tế công nhận), tức việc lên ngôi của Nguyễn Huệ đã hoàn toàn chính danh, hợp pháp.
Còn Nguyễn Ánh chính sử ghi là “cõng rắn cắn gà nhà”; “rước voi về giày mả tổ” bởi vào cuối năm 1783, để chống lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã giao cho Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), một Giám mục người Pháp, một tờ quốc thư, quốc ấn cùng người con cả là Nguyễn Phúc Cảnh như là con tin, để vị giám mục này thay mặt mình sang Pháp cầu viện triều đình vua Louis XVI. Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, mỗi năm sẽ phải trả dần tiền viện trợ cho Pháp đồng thời cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông. Sự cầu viện chưa thành, với sự đại bại trước quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lại đi cầu viện quân Xiêm, dẫn đến họa quân Xiêm làm đủ điều tàn bạo với dân chúng. Nguyễn Ánh đã bất lực buông xuôi, giao hết việc lại cho thuộc tướng rồi bỏ ra các đảo. Vậy Nguyễn Ánh nhân cơ hội Vua Quang Trung bệnh chết đột ngột, tiêu diệt Nhà Tây Sơn, chính là sự phản nghịch, cướp ngôi, như ngôn ngữ hiện đại, đó chính là sự đảo chính phi pháp.
Nếu chỉ biết ghi chép các sự kiện theo tư duy kiểu “con vẹt” thì không cần nhà sử học. Nhà sử học khác con vẹt là trước các sự kiện phải hiểu được bản chất chính tà, thiện ác của chúng. Phan Huy Lê viết Nguyễn Ánh có công “thống nhất đất nước” chẳng khác gì nói bọn phong kiến phương Bắc cũng từng hàng ngàn năm thống nhất VN, Pháp cũng 100 năm thống nhất VN. Vì vậy chỉ có mù lương tri, mù nghĩa lý như Phan Huy Lê mới cho Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước như vậy mà thôi! Vì thế Phan Huy Lê đã làm ô cái danh “GS” trong giới Sử học. Còn cái danh  “Viện sĩ” của Phan Huy Lê đã ì xèo một thời về chuyện lạm danh, với tôi cứ cho là danh thật đi thì cái danh về sử học mà được một nước từng có tội với dân ta trong lịch sử ban cho thì thực chất chỉ là cái danh phản dân tộc! Phải chăng đã nhận được ơn huệ rồi thì Phan Huy Lê cố công lộn ngược lịch sử VN để trả công đó cho nước Pháp?
Tôi cũng đã viết các giá trị trong khoa học công nghệ là khách quan, tài năng đúng là tài năng, giá trị đúng là giá trị. Còn các giá trị mang tính xã hội như lịch sử, văn chương…  thì luôn mang tính chủ quan. Có những nhân vật được nước ngoài tung hô nhưng tài năng của họ lại là tài chửi đất nước mình, và họ đã được nước ngoài trả công xứng đáng, như Nguyễn Huy Thiệp viết truyên ngắn về Gia Long liên quan đến nước Pháp, Bảo Ninh viết tiểu thuyết về cuộc chiến tranh VN  liên quan đến Mỹ!
Thực tế Nguyễn Ánh sau khi tiêu diệt được triều đại Tây Sơn, lập ra Vương triều Nguyễn thay thế nhưng sự cầu viện Pháp của Nguyễn Ánh lại là cái cớ cho Pháp xâm chiến VN. Nhà Nguyễn đã để mất nước vào tay Pháp, Vua thì bị bắt đi đầy, tên nước cũng bị xóa, nên “công lao” của Nguyễn Ánh theo Phan Huy Lê cũng “của thiên lại trả địa”! Chính Bác Hồ và ĐCSVN đã lãnh đạo dân ta giành lại được chủ quyền đất nước.
Sự thực lịch sử là như thế không thể viết khác!
26-10-2017

ĐÔNG LA