Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

VỀ VIỆC PGS. TS. LÊ TRỌNG ÂN BỊ KỶ LUẬT KHI VIẾT PHÊ BÌNH, GÓP Ý SÁCH GIÁO KHOA TRIẾT HỌC

 VỀ VIỆC PGS. TS. LÊ TRỌNG ÂN BỊ KỶ LUẬT KHI VIẾT PHÊ BÌNH,

GÓP Ý SÁCH GIÁO KHOA TRIẾT HỌC
Có một kỳ, một người tôi quen ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh là ông PGS TS Triết học Lê Trọng Ân chỉ vì viết phê bình sách giáo khoa triết học mà bị kỷ luật! Tôi đã viết một bài và giúp ông Ân “cãi lại”, kết quả là ông Ân đã được phục hồi danh dự.
Những ngày hôm nay dư luận xã hội đã bất bình về chương trình dạy môn Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và vấn đề đang được thảo luận tại cơ quan quyền lực tối cao là Quốc hội, tôi thấy môn Triết học, qua vụ ông Ân bị kỷ luật, cũng từng có khuynh hướng như vậy. Vì môn triết quá khó hiểu nên không thể tạo dư luận như môn lịch sử.
Hôm nay, vì một bạn đọc đang cần nghiên cứu môn triết, muốn coi lại bài tôi đã viết, tôi đã sửa lại cho gọn, đăng lại những ý chính.
5-6-2022
ĐÔNG LA
Trên Tạp chí Triết học số 7 (230) năm 2010 đã đăng bài Đổi mới giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin trong các trường đại học, cao đẳng – một vấn đề cần được xem xét cẩn trọng của PGS. TS. LÊ TRỌNG ÂN và TS. TRẦN CHÍ MỸ thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, phê phán Giáo trình Những Nguyên lý Cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 2-9-2010, một trong hai người chủ biên đã viết đơn gởi từ Trung ương cho đến Bộ Giáo dục, và các cơ quan liên quan, đã tố cáo hai tác giả trên “quá nhiều sai sót về kiến thức” và đã “xuyên tạc” lời nói của ông. Ngày 7-9-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gởi công văn cho Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Ngày 17-9-2010, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã chấp hành ra “Quyết định kỷ luật” PGS. TS. Lê Trọng Ân.
Vậy bản chất của vụ việc như thế nào?
***
PGS. TS. Lê Trọng Ân đã phê phán Giáo trình triết học:
“Phần thứ hai của Giáo trình chỉ đề cập đến “Học thuyết Kinh tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Phương thức sản xuất Tư bản Chủ nghĩa” và loại bỏ hẳn, loại bỏ hoàn toàn những tư tưởng, quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề kinh tế trong Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản... làm cho học thuyết của Chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên khập khiễng”…
Theo tôi, phần viết về kinh tế này chính là phần quan trọng nhất và nhạy cảm nhất.
Quan trọng vì Chủ nghĩa Mác - Lênin coi vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất.
Nhạy cảm nhất là vì đến thời điểm hiện nay, giữa thực tiễn cuộc sống và cở sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin còn “vênh” nhau.
Chính vậy, để soạn sách giáo khoa phần này đòi hỏi bản lĩnh tri thức của những nhà biên soạn có chuyên môn cao nhất. Trước thực tế các nước có nền kinh tế theo phương thức XHCN bị tụt hậu so với các nước có nền kinh tế theo phương thức TBCN, có lẽ ở đây phải cần tư duy của bậc “thầy”, không phải “thầy giáo” mà là “thầy tư tưởng”, mới đủ sức phân tích, giải thích thỏa đáng sự “vênh” nhau đó, và chỉ ra được giá trị vĩnh cửu của Học thuyết Mác - Lênin; để sinh viên có thể hiểu rằng, tại sao hiện nay ngay trong các nước Tư bản mà Mác vẫn được coi là nhà tư tưởng số một.
Ở Giáo trình đang bàn, các vị đã không rút gọn mà là cắt gọt, tất sản phẩm làm ra khiếm khuyết và Chủ nghĩa Mác - Lênin trong đó không còn nguyên vẹn nữa. Việc này giống như việc họa sĩ vẽ chân dung một người không phải ký họa mà là cắt gọt hình ảnh, vậy làm sao nhận ra gương mặt khi đã mất một góc hay mất mắt, mũi gì đó?
Thay cho việc cắt gọt trên, các nhà biên soạn viết hẳn một Chương IX: Chủ nghĩa Xã hội hiện thực và triển vọng (tr.467-491). PGS. TS. Lê Trọng Ân đã đề nghị bỏ hẳn chương này vì chỉ là “những ý kiến nhận định vu vơ... không đáng tin cậy”.
TS Trần Chí Mỹ, trong một bài trên Tạp chí Triết học cũng cho Chương IX là “không cần thiết” vì “chỉ là ý kiến chủ quan, những nhận định, những kết luận vội vàng của một cuốn Giáo trình không đáng tin cậy, không thuyết phục”.
Riêng tôi, lại thích nhất cái Chương IX này. Đã từ lâu tôi luôn tự hỏi, trước thực tế đời sống như vậy, không biết mấy ông dạy triết Mác - Lênin ra sao? Ở phần trên các vị biên soạn đã dở khi cắt gọt làm khiếm khuyết tri thức thì phần này tôi lại thấy các vị thật dũng cảm khi đã dám đối mặt và phân tích những vấn đề nhạy cảm, cái phần mà giữa lý luận và thực tiễn còn chưa khớp nhau; dù rằng, mới chỉ là những nét sơ lược, nhiều câu hỏi thực tiễn đặt ra còn phải rất lâu mới có người và có kết quả cụ thể trả lời.
Ở Chương IX của Giáo trình, các tác giả đã trình bày những nét chủ yếu quá trình ra đời, phát triển, những thành tựu, sự khủng khoảng, cuối cùng là sự tan rã của một loạt nước XHCN. Các tác giả cũng đã khẳng định sự sụp đổ chỉ là sự sụp đổ của những mô hình cụ thể trong quá trình vươn tới mục tiêu XHCN chứ không phải là sự sụp đổ của Hình thái Kinh tế - Xã hội XHCN lý thuyết. Tuy nhiên sự phân tích còn quá sơ lược và chưa thỏa đáng so với loạt bài trên báo Nhân dân online: Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô (http://www.nhandan.com. vn/tinbai/? top=45 & su b=84&artic le= 181537).
Riêng tôi cũng thấy trong thực tế chưa có mô hình nào thực sự là XHCN cả, ví dụ Liên Xô thời Brezhnev, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, nguyên thủ quốc gia như một ông hoàng, vậy chế độ xã hội là nửa phong kiến nửa XHCN chứ chưa phải là XHCN.
Theo báo Nhân dân online (http://nhandan. com.vn/tinbai/?top =45&sub =84&Article=181002), Brezhnev từ câu nói của Khrushchev: “Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công” đã phát triển thành chế độ chức vụ suốt đời, giúp cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi. Đến thời “cải tổ” của Gorbachev, tầng lớp đặc quyền biến thành giai cấp tư sản mới. Khi đất nước trước nguy cơ tồn vong, họ đã công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH, theo CNTB, để hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói chí lý: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”.
Còn Trung Quốc? Có thứ CNXH nào lại có thể đẻ ra một cuộc cách mạng như Cách mạng Văn hóa?
Như vậy, một quy trình thực hiện sai dẫn đến sản phẩm kém hoặc không ra sản phẩm thì cũng không thể nói được quy trình đó là kém. Có lẽ trong thực tiễn vẫn còn chưa có một kết quả cụ thể nào trả lời cho câu hỏi về tính ưu việt của chế độ xã hội. Phải chăng chỉ khi có một xã hội xây dựng đúng theo lý luận của CNXH với một cơ chế đảm bảo được tính công bằng và tính công minh thì có thể hy vọng một lúc nào đó sẽ có được câu trả lời cụ thể chăng?
Còn việc các tác giả cho các nước Mỹ - La tinh đang là điểm sáng chứng minh xu hướng phát triển của CNXH thì chưa thỏa đáng, vẫn mang tư tưởng phe phái thời chiến trạnh lạnh. Những phân tích về thành tựu của CNXH hôm nay cũng chưa chứng minh được tính ưu việt của phương thức sản xuất XHCN so với TBCN. Tôi thấy các tác giả hay hơn khi viết rằng có những yếu tố XHCN xuất hiện trong lòng xã hội Tư bản. Điều này rất thú vị bởi nó càng chứng minh lý luận về Chủ nghĩa xã hội là khoa học, mang tính khách quan, vượt qua những áp đặt chủ quan của con người. Thực tiễn cũng đã chỉ rõ không phải cứ nhân danh XHCN là thành XHCN tốt đẹp và áp đặt TBCN là thành xấu xa! Các tác giả cũng rất đúng khi cho rằng xã hội Tư bản dù đã có nhiều mặt tốt phát triển, bản chất của CNTB vẫn không thay đổi.
Sài Gòn,
Chiều 26-9-2010
ĐÔNG LA