GIẢI TRÍ VĂN NGHỆ CUỐI TUẦN: THƠ THIẾU NHI CỦA ĐÔNG LA
Đã lâu không văn nghệ, văn gừng, hôm nay cuối tuần, lại giải trí thơ thẩn chút, tôi sẽ lần đầu tiên đăng trên mạng những bài thơ, nhưng không phải thơ người lớn mà là thơ thiếu nhi.
Cách đây ít ngày, một chiều đón Tina, cô cháu ngoại, học sắp hết lớp 1, đột nhiên cô bé hỏi:
-Ở đây người ta có biết ông ngoại là nhà văn không?
Tôi bị bất ngờ, thì ra cô cháu đã bắt đầu hiểu được giá trị của danh tiếng. Trước đó, cô bé cũng nói khi bị một bạn trai chọc ghẹo: “Ông ngoại, sao ông ngoại không nói mình là nhà văn các chú công an cũng nể để bạn ấy sợ đi!”. Số là một lần tôi chở cô bé vượt đèn đỏ bị cô bé la, tôi bảo: “Ngày xưa, ông ngoại cũng chở bác Huy vượt đèn đỏ, bị các chú công an chặn lại, ông ngoại chỉ nói một câu là họ cho đi. Bác Huy hỏi: “Ba nói câu gì mà hay thế?”, ông ngoại trả lời: “Ba lấy thẻ nhà văn ra bảo, tôi viết báo công an của ông Hữu Ước, vội đi nộp bài”. Kỳ này trước câu hỏi của cô cháu, tôi lúng túng một lát rồi trả lời:
-Ông ngoại là nhà văn cao cấp nên ở đây người ta không biết đâu, cũng như lát nữa mình về qua chợ, mấy cô bán rau muống cũng không biết ông ngoại là nhà văn. Phải ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các hội nhà văn, và trên mạng internet thì sẽ có rất nhiều người, ở cả trên thế giới, họ cũng biết ông ngoại là nhà văn luôn.
Về nhà, thấy không thể nói suông, càng không thể để đầu óc non tơ của cô cháu nghĩ ông ngoại mình nói dóc, khoác lác, tôi bảo:
-Ông ngoại còn làm cả thơ thiếu nhi cho lứa tuổi các con nữa đó!
-Ông ngoại lấy cho con coi đi.
Tôi lục tìm tập thơ thiếu nhi nhiều tác giả mà tận từ năm 1986, một hôm Nhà thơ Thái Thăng Long, tác giả lời nhiều bài hát nổi tiếng mà Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc (Chiều phủ Tây Hồ, Mơ về nơi xa lắm, v.v…) vì hồi ấy ở cùng khu tập thể, bảo tôi:
-Tao có làm một tuyển tập thơ thiếu nhi, mày làm mấy bài góp cho vui.
Thế là tôi cắm cúi làm một lúc thì xong mấy bài thơ, thú vị là tên bài “Mùa thu mở cửa” của tôi được anh Long chọn làm tên tập thơ luôn. Tập thơ có bài Thành phố 10 mùa hoa của Lê Bình được phổ thành bài hát nổi tiếng, còn một bài của tôi cũng được Nhạc sĩ Cửu Thọ phổ nhạc, tiếc là không được như vậy.
Hôm kia, tôi mới kết bạn với Phan Việt Hùng, một nhà báo, hoạ sĩ, rất rành về LX, nước Nga, khi viết về Bác Hồ, tôi nhớ có lần đọc Phan Việt Hùng viết một bài rất hay góp ý cho GS Hoàng Chí Bảo vì trong 1 video ông kể chuyện Stalin đã “khệnh khạng” với Bác Hồ, thú vị là Phan Việt Hùng cũng làm ở báo Thiếu niên Tiền phong, nghĩa là cùng ngành “thiếu nhi” với anh Thái Thăng Long.
Tôi tìm được tập thơ đưa cho cô cháu, cô cháu đọc thích quá bảo: “Con sẽ khoe với cô giáo và các bạn”. Tôi làm chùm thơ vào năm 1986, tức lúc đó tôi mới có cậu con trai, vì vậy nó chính là nhân vật trong chùm thơ.
Xin giới thiệu chùm thơ với các bạn.
ĐÔNG LA
20-5-2023
VỀ THĂM QUÊ NGOẠI
Con theo má về thăm quê ngoại
Vàm Cỏ Đông dừa nước mọc ngút ngàn
Bên xuồng nhỏ, con bơi đùa thoả thích
Mái vòm xanh, tiếng chim hót âm vang
Trên ấp nhỏ bóng hàng dừa xoã tóc
Bận bịu ôm con suốt tháng, suốt ngày
Mượt mà rẫy thơm nhuộm tím chiều biêng biếc
Triệu mắt tròn núp sau lá thơ ngây
Con như tan vào giữa thiên nhiên xanh ngát
Bàn chân trần lấm bùn đất quê hương
Nhìn bóng ngoại lui cui bên bờ mía
Tự trong lòng trào dâng sóng yêu thương!
Rồi con lại theo má về thành phố
Sớm sớm tới trường dưới mái lá me non
Nhưng dòng sông thắm một màu xanh ấy
Theo tháng ngày lòng sẽ mãi yêu hơn./.
Lương Hoà, Bến Lức, Long An
1986
Cháu sinh ở thành phố
Đâu biết cánh đồng làng
Một đời bà cặm cụi
Bàn chân nứt dọc ngang
Thân cháu như nụ hoa
Gót hồng mầu sen thắm
Sao chân bà cáu vàng?
Móng nhét đầy bùn sẫm!
Cháu hiểu rồi bà ơi
Đời bà nhiều vất vả
Nuôi ba con nên người
Bà hy sinh tất cả
Bà là gốc cổ thụ
Ba cháu vươn tán dầy
Trong nắng vàng, trời thắm
Chồi cháu biếc trên cây!
9-1986
Con theo ba về thăm quê nội
Mùa đông gầy trời chiều phủ kín sương
Bên giếng nước, chiếc lá chè quăn mép
Đêm nằm nghe gió Bấc rít bên tường
Nép bờ ao, con cá rô lạnh cóng
Góc sân phơi rụng nhẹ lá xoan vàng
Cây tre nào cọ vào nhau kẽo kẹt?
Lất phất bụi mưa chờ đón xuân sang
Con ấm áp ngồi bên bà trong bếp
Đêm ba mươi nồi bánh đượm than hồng
Trước ngưỡng cửa mùa xuân pháo đì đẹt
Sáng mai về hoa đào có nở không?
Con đang ở giữa hai mùa khác biệt
Đông cằn khô còn xuân lại thắm tươi
Có phải cuộc đời cũng vui, buồn như vậy?
Qua gian nan khổ luyện mới nên người.
Đông La, Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương
1986
MÙA THU MỞ CỬA
Không gian cởi chiếc áo choàng mùa hạ
Thêu nắng chói loà, long lanh những hạt mưa
Và khoác lên chiếc áo thu xanh ngắt
Thêu tơ mây, đọng vàng nắng ban trưa
Em ríu rít trên đường vui tới lớp
Hoa khăn quàng nở hồng thắm trên vai
Trên bục giảng mắt cô hiền dịu thế
Con lặng đi trong tiếng “mẹ” giảng bài
Cô là mẹ giữa đàn con ríu rít
Bài giảng thiên nhiên như cuộc dạo chơi
Con bỗng hiểu đất nước mình giầu đẹp
Càng trào lên niềm yêu mến, mẹ ơi!
Phải mùa hạ là ngôi trường đóng cửa?
Mùa thu về nhộn nhịp bước chân vui
Phải tiếng trống là người mở cửa?
Trang vở xinh lại rộng những khoảng trời.
1986
ĐÔNG LA