LẠI GẶP TRẦN ĐÌNH SỬ VỚI CHUYỆN CHỦ BIÊN SÁCH GIÁO KHOA
Gần đây, bạn Văn Tùng có nhắn tin cho tôi: “Bác ơi. Chính Phủ đang lấy ý kiến về tiêu chuẩn Sách Giáo Khoa. Bác nghiên cứu và có ý kiến giúp cộng đồng ạ” Tôi trả lời: “Cái đó mất thời gian lắm. Mình đã viết rất nhiều, cả về giáo dục, có nhiều vấn đề mình viết do yêu cầu của cơ quan chức năng, vậy mà nhiều chuyện cũng công toi, không xử lý, vậy giờ góp ý theo quần chúng thì cũng lại mất công thôi”.
Mới nhất, dưới bài tôi viết về Dương Thu Hương, Văn Tùng lại “còm” phản đối “tại sao soạn sách giáo khoa lại ca ngợi những đứa phản quốc?” và Tùng gởi kèm hình chụp trang sách giáo khoa văn 12 do Trần Đình Sử chủ biên (xem ảnh).
Vậy là lại Trần Đình Sử, nhắc đến tên ông lại tràn về trong tôi những kỷ niệm đẹp đẽ của thời tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, say mê, khi tôi bắt đầu chinh phục giới sĩ phu Bắc Hà khụng khiệng, cao đạo.
***
Trong cái việc viết lách, tôi có những mối quan hệ tinh khiết, bởi chúng được nảy sinh trên những giá trị cao quý của văn chương, hoàn toàn không vương một chút “bụi trần”. Chúng vượt qua ranh giới của tuổi tác, vị trí và danh tiếng. Như với Nhà thơ Chế Lan Viên, hơn tôi 35 tuổi, hơn cả cha tôi. Sau khi ông đề nghị trao giải thơ trong một cuộc thi cho tôi, rồi bảo, và chính ông đã tự đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM, tôi đã có một mối quan hệ vô cùng thân thiết, vô cùng đẹp đẽ với ông, và tôi chính là người đã chứng kiến trọn vẹn “cuộc ra đi” về cõi vĩnh hằng của ông.
Có một sự bất ngờ nữa hồi tôi mới thân với Nguyễn Quang Thiều, một lần Thiều gọi điện báo: “Ông Trần Đình Sử thích cái bài ông viết về Siêu thực đấy”. Tôi bất ngờ vì hồi ấy Trần Đình Sử đã là Giáo sư, Trưởng khoa ở ĐHSP HN, là nhà phê bình lý luận hàng đầu, còn tôi mới chỉ là “cây viết trẻ”, nhất là trong lĩnh vực lý luận phê bình. Sau đó, một lần ra Hà Nội, với sự sắp xếp của bạn bè, tôi đã gặp ông, còn cùng nhau bia bọt, còn chở tôi đến tận nhà thăm ông. Thấy trên tường, ông treo bức tranh chữ 忍 (NHẪN). Ông giải thích, chữ Tàu là chữ tượng hình nên chữ NHẪN chính là bộ đao đè trên chữ TÂM. Tôi cũng hiểu, đơn giản là vì hồi phổ thông tôi có học tiếng Tàu, còn từng đoạt giải “kiện tướng nhớ từ” của trường cấp III Thanh Miện, HD nữa.
Một lần vào TP HCM công tác, ở một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, ông đã gọi tôi đến uống cà phê, ông bảo: “Tôi có mấy chục học trò là tiến sĩ nhưng không ai viết bằng anh”.
Rồi ngay từ khi mới có internet, tôi có đất dụng võ, có nhiều điều kiện để trình bầy những hiểu biết và các mối quan tâm của mình, tôi lại ngạc nhiên về Trần Đình Sử vì ông có đọc các bài của tôi trên mạng, mà với lớp tuổi ông, có rất nhiều người không thèm biết internet là gì. Trần Đình Sử không chỉ đọc mà còn sưu tập các bài tôi viết. Một lần ông gọi điện nói để lạc đâu mất cái bài tôi viết về Đỗ Hoàng Diệu nên ông bảo tôi gởi cho ông. Rồi từ chỗ ông bảo có mấy chục học trò là tiến sĩ nhưng không ai bằng tôi, thì lần này ông nói toạc ra là: “Tôi rất khâm phục anh”. Chưa hết, ông còn viết thư nói lên tình cảm của mình dành cho tôi:
Tran Dinh Su <dinhsutran@yahoo.com> (6/6/09) to me:
“Thân gửi anh Đông La,
Tôi rất vui mừng vì sau bao chuyện bất công mà anh vẫn viết và đăng trên báo mạng. Đọc anh tôi thấy thái độ làm việc nghiêm túc, có tinh thần phê phán khoa học, không hùa theo cảm tính. Mong anh khoẻ và viết được nhiều bài hay. Sự thành công sẽ đánh bạt những định kiến, phe phái tầm thường. Rất thân ái”; Tran Dinh Su; <dinhsutran@yahoo.com> 8/22/09 to me
“Thân gửi anh Đông La,
Tôi đã đọc nhiều bài của anh và rất có cảm tình về một lối làm việc nghiêm túc, phân tích sắc sảo, có chủ kiến. Tôi cũng thích một số bài phản biện của anh về phương diện khoa học tự nhiên, đó là lĩnh vực mà tôi mù tịt…
Tôi rất quý mến Đông La... Rất thân mến. Trần Đình Sử”.
Một người viết, có gì mừng hơn khi có một mối quan hệ và nhận được những lá thư như thế. Vì thế cái tên Trần Đình Sử trong tôi luôn là một niềm vui, một sự ấm áp!
***
Vậy mà tôi thật đau buồn khi thấy tên Trần Đình Sử lại có tên trong danh sách 72 người đòi thay Hiến Pháp, bỏ Điều 4, đòi tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng v.v… Ông cũng có tên trong danh sách gửi thư cho CT Nguyễn Minh Triết bênh vực Phương Uyên; và ông cũng bênh vực Nhã Thuyên!
Về chuyện “lật pháp” là chuyện quá lớn, là chuyện chính trị vượt tầm tư duy của một GS chỉ chuyên nghiên cứu phê bình lý luận văn học như ông, nên ông có những quan điểm không đúng có thể thông cảm. Nhưng ông bênh vực Phương Uyên và Nhã Thuyên thì không thể.
Phương Uyên là cô sinh viên rải truyền đơn chống phá, sử dụng cờ của VNCH; trương khẩu hiệu viết bằng máu lợn: “Đảng Cộng Sản chết đi”; còn mưu đồ đặt bom tượng đài Bác Hồ; v.v… Vậy một GS như Trần Đình Sử sao lại bênh vực những hành động phạm pháp đó?
Còn Nhã Thuyên? Ông cho phê phán Nhã Thuyên là do không hiểu chuyện “trung tâm, ngoại biên”; là sự xung đột về “khung tri thức và thế hệ”; là “giới hạn việc nghiên cứu khoa học”; là “phê bình kiểm dịch” v.v… Nhưng thực tế không ai phê phán Nhã Thuyên như vậy. Không ai phê phán Nhã Thuyên nghiên cứu thơ Mở miệng. Mà sự phê phán chính là phê phán những nhận thức sai trái, những quan điểm sai trái của Nhã Thuyên qua luận văn nghiên cứu thơ Mở miệng. Nhã Thuyên không chỉ sai lầm về học thuật mà còn liên quan đến lịch sử, đến lãnh tụ, đến chính trị tư tưởng, đến văn hóa nghệ thuật, đến đạo đức và thuần phong mỹ tục. Trong văn chương có chuyện dơ bẩn, tục tĩu, vì cuộc sống có như vậy, nhưng nó hoàn toàn khác với chuyện nhóm Mở miệng cho dơ bẩn, tục tĩu là thi pháp, là chuẩn giá trị. Vậy mà Nhã Thuyên ca ngợi: “Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ “thi phẩm”) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng cảm xúc”! Nhã Thuyên viết: “Hiếm có bài thơ nào sử dụng những chữ vốn bị cho là cấm kỵ tài tình và hấp dẫn đến thế, thẳng băng ngang hàng, không kêu gọi lật đổ, mà bản thân nó đầy sức mạnh lật đổ”. Ngoài hành động kích động có tính chất phạm pháp của những kẻ nổi loạn, kêu gọi lật đổ, nhóm Mở miệng còn sử dụng tùy tiện hình ảnh các bậc thần thánh. Đó là hành động báng bổ của kẻ lưu manh, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tín ngưỡng giáo dân.
Tôi đã viết: “lỗi này không chỉ là lỗi của Nhã Thuyên và những người liên quan mà còn là lỗi của Trường ĐH Sư Phạm HN và của cả Bộ Giáo dục. Giáo hội Thiên Chúa giáo và Giáo hội Phật giáo cần phải kiện những kẻ phạm pháp và kiện Trường Đại học Sư phạm đã gieo mầm và dung túng một công trình phản giáo dục đến thế!”
Đặc biệt, cộng đồng mạng có truyền nhau rộng khắp cái ý Trần Đình Sử viết trên facebook: “Gia Long là vị vua vĩ đại bậc nhất phong kiến Việt Nam. Tên ông cần được đặt cho con đường đẹp nhất Hà Nội”. Đến đây thì ông đúng là bị tâm thần rồi, nếu không ông đã trở thành một kẻ bất lương, vì ai có lương tri cũng không thể viết như ông về Gia Long, một người “Cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả Tổ”, mà rắn và voi chính là nước Pháp sau này đã bắt chính con, cháu, chắt, chít ông đi đày, gây ra thảm hoạ núi xương, sông máu sau 100 năm đô hộ VN.
Trong các chuyện trên, hoàn toàn không phải là chuyện tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến, mà Trần Đình Sử đã xuyên tạc, lộn ngược lịch sử, đã đồng tình, bảo vệ sự phạm pháp thì chính ông đã phạm pháp. Nếu pháp luật nghiêm ông có thể bị truy tố. Thật buồn cho cái giới sĩ phu VN, trong đó có TĐS, họ rất cao đạo, nhưng ngoài tí chuyên môn được học, họ rất dốt về nhiều thứ, trong đó có pháp luật.
***
Quay lại chuyện Văn Tùng “còm” sao Trần Đình Sử chủ biên sách giáo khoa “lại ca ngợi những đứa phản quốc”. Đúng thật, sách giáo khoa văn 12 đã ca ngợi những đứa phản lịch sử cách mạng, chống chế độ như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Phạm thị Hoài, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo (về văn); Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều (về thơ).
Như vậy, tên nhà văn Đông La tôi không có trong danh sách trên của sách GK do “bạn thân”, GS Trần Đình Sử chủ biên, người từng rất khâm phục mình. Phải chăng do văn chương của tôi ngoài tầm với của tài năng và tri thức cỡ Trần Đình Sử, đúng như ông đã “mù tịt” khi viết thư cho tôi, chắc phải tầm Chế Lan Viên, Nguyễn Khải mới thấy được giá trị của văn thơ Đông La chăng? Viết như trên, Trần Đình Sử chỉ chạy theo dư luận bầy đàn, không đủ bản lĩnh và tư duy để viết nên diện mạo thực của nền văn chương VN, tự ông phát hiện những tác phẩm có giá trị đích thực, tác giả đích thực. Trên Báo Văn nghệ mà Trần Đình Sử là Hội viên HNVVN chắc chắn được biếu, tôi đã đăng khá nhiều văn, thơ. Tôi là “bạn thân” lẽ nào ông không đọc, nếu ông chỉ đọc những tác giả được lăng xê thì ông đã viết theo dư luận bầy đàn.
Trên báo Văn nghệ TRẺ, tôi đã đăng truyện ngắn “Lễ tưởng niệm” mà đọc xong Nguyễn Khải bảo: “Một đời người viết may ra mới viết được vài cái như thế”, ngay cô Vàng Anh gặp tôi trên vệ đường Lý Chính Thắng trước cửa NXB TRẺ nói: “Em mới đọc cái truyện ngắn trên báo Tuổi trẻ của anh”. (Biết tính cô này, nói vậy nghĩa là phải ghê gớm lắm nó mới đọc). Truyện ngắn này tôi cũng dự thi ở HNV TPHCM, Nhà thơ Vũ Ân Thi ở Báo Sài Gòn GP, đọc xong đã mời tôi đến để “xem mặt”; Nhà văn Trần Thanh Giao báo cho cô Anh Thơ “Kỳ này truyện ngắn của Đông La được giải đấy!” Trên Báo Văn nghệ, tôi đã đăng truyện ngắn “Bài toán”, chính Nguyễn Quang Thiều trong lần đến nhà chơi đã đưa tận tay tôi tờ báo nói: “Truyện này ông viết được đấy”. Nhà Văn Trần Huy Quang biên tập viết thư tay khen văn tôi “đổi mới, viết về lĩnh vực rất khó là nghiên cứu khoa học, trên Văn nghệ còn thiếu, rất mong tiếp tục hợp tác”. Trên mục “Bạn đọc”, truyện của tôi cũng được cho là “hay nhất”; cuối cùng, truyện của tôi còn được Đạo diễn Đỗ Chí Hướng dựa vào dựng thành phim “Hoa trạng nguyên”.
Về thơ, tôi đăng trên hai báo văn nghệ (HNV VN) nhiều hơn văn xuôi, có thời có thể nói là rất nhiều, Trần Đình Sử là “bạn thân”, không thể không trông thấy tên tôi. Nếu không đọc thì ông là loại vô cảm, đọc mà không thấy gì thì đúng là “mù tịt”. Đặc biệt, tôi có đăng chùm thơ dự thi, trong đó có bài dài “Cánh đồng quê”. Một hôm tôi bất ngờ nghe điện thoại, người gọi giới thiệu là Hải Như, ông chính là lão nhà thơ tác giả lời ca khúc bất hủ “Thành phố Hoa phượng đỏ”, và bài thơ nổi tiếng “Chúng cháu canh giấc ngủ, Bác Hồ ơi”, ông giới thiệu mình từng đứng tên giới thiệu Vũ Tú Nam (chức như Chủ tịch HNV VN bây giờ) vào hội, ông nói nếu ông có quyền sẽ cho chùm thơ của tôi giải nhất, “thơ anh hiện đại, đổi mới, mà đạt được sự giản dị, không như thơ Nguyễn Quang Thiều rối rắm, bắt chước nước ngoài”. Cuộc thi trên “Chào đón Giao thừa Thiên niên kỷ” ở báo Văn nghệ. Tôi dự thi vì một lần Thiều gọi: “Ông Hữu Thỉnh khen bài thơ Những nhịp cầu của Đông La vừa đăng trên Văn nghệ hay quá, Thiều bảo Đông La dự thi kỳ này đi”. Tôi sẽ đăng bài thơ này để kết thúc bài viết, nhưng trước khi kết thúc, tôi xin nhắc lại chuyện thú vị, cứ mỗi lần tôi đăng lại bài thơ dài “Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu” là có rất nhiều comment khen hết lời, trong đó tôi thích nhất “còm” của Bác sĩ Hoa Huynguyen, một người rất am hiểu những tinh tế, cao sâu của văn chương, đã “còm” như thế này: “Sách giáo khoa Văn 12 và sách Giáo dục công dân không biết bài này là lỗi lớn”; “Cảm xúc. Tư tưởng. Tiên tri. Tầm vóc. Tổng luận. Khải hoàn. Mở ra suy tư. Đọc lại vẫn cứ mới và cứ lôi cuốn. Nên là bài thơ tiếng Việt lớn nhất thế kỉ 20. Đoạn đầu chỉ 6 - 7 dòng, như Lời mở đầu của 1 Hiến Pháp! Đoạn 2, chỉ 6 dòng, như 1 Lược sử xứ sở. 2 đoạn lại tràn ngập văn chương. Như 2 Thánh Thi!”
Còn bài thơ “Những nhịp cầu” dưới đây thì ngắn thôi nhưng lại thể hiện được cái đặc trưng nhất của nguồn cội xã hội VN: đất nước của nghề nông, và còn tồn tại nhiều nghịch lý đối với người nông. Một bài thơ hay là có tư tưởng, ý, tứ cao sâu, ngôn ngữ giàu hình ảnh, độc đáo, sáng tạo, và như cô Anh Thơ thủa ban đầu dạy tôi là “cháu không được viết giống ai”.
NHỮNG NHỊP CẦU
Cong cong như lưng ong
Cong cong như lưng tôm
Như mẹ tôi
Như ông nội tôi
Như Tổ Tiên tôi
Những nhịp cầu
Trên bao cánh đồng quê
Không phải bằng sắt thép bê tông
Những nhịp cầu xương thịt
Không phải để dòng sông chảy qua
Mà máu chảy
Không phải để xe cộ đi qua
Mà lịch sử đi qua
Trên đó có bước đi của văn minh
Có bước đi của vinh quang
Cuộc sống đã vươn tới những tầm cao nhất
Luôn ở tầng thấp nhất những nhịp cầu.
***
Văn chương của tôi như vậy mà không được nhắc tên, không được xuất hiện trong sách giáo khoa, trước nhất là do những người biên soạn như GS Trần Đình Sử dốt, không công tâm, và đúng như tôi đã viết, đó chính là do lỗi, hơn cả thế, còn là một sự bất công, sự sai trái, có những người được lăng xê tột đỉnh với ý đồ xấu, lật sử, trở cờ, phản trắc; có người thành danh, thành đạt do giỏi luồn lách, móc ngoặc, liên minh, liên kết; tất cả điều đó đã tạo ra những tài năng giả, giá trị giả, có những đứa ngu như lợn nhưng được truyền thông tuyên truyền đến lợn cũng biết chúng nó là nhà thơ, nhà văn.
7-5-2023
ĐÔNG LA