Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

NGÔI NHÀ CỦA THỂ CHẾ

 NGÔI NHÀ CỦA THỂ CHẾ



Nhân chuyện Phạm Thái Hà, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt, xin đăng lại mấy ý đã viết.
23-4-2024
ĐÔNG LA

Tôi hay ví thể chế như một ngôi nhà, những yếu kém, sai trái, tệ nạn của xã hội như những chỗ nứt dột, mục ruỗng, sụt lún. Cái quan trọng là cần nhận ra những khuyết tật đó để chỉnh sửa. Điêu này sẽ dễ dàng, thực tế và hiệu quả hơn tỷ lần việc đập bỏ để xây dựng ngôi nhà mới khi trong tay không có xu nào. Giả sử như sự kêu gào của bọn dân chủ cuội, nước ta cần phải thay đổi thể chế, nhưng có lẽ nào những người tài đức như Nguyên Ngọc, Phan Huy Lê, Chu Hảo, Quang A, Huệ Chi, Nguyễn Trung, Tương Lai, Nguyễn Minh Thuyết, Trần Đình Sử, Dương Thu Hương, Nguyễn Đình Bin, Dương Trung Quốc, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, v.v… sẽ đưa nước ta lên được Thiên Đàng?
***
Có điều tình trạng đất nước như TBT Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói “Đứng trước nguy cơ tồn vong”. Sai phạm, tệ nạn đã thành “lỗi hệ thống”, gây bức nhất chính là tham nhũng, thành giặc nội xâm, đến quan chức trụ cột cũng sai phạm, chẳng khác gì “nhà dột từ nóc”, có nguy cơ làm nền nhà bị lún, sụp, đổ cả căn nhà.
Dù vậy, nhìn xuyên suốt toàn bộ lịch sử, đúng như câu thơ của Chế Lan Viên đã viết từ lâu “Đất nước bao giờ đẹp như thế này chăng?” và TBT Nguyễn Phú Trọng khi tới thôn Phật Tích (xã Phật Tích, H.Tiên Du, Bắc Ninh) dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cũng nói:
"Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”
Sự thật đúng như vậy, khi nước ta vua thì bị bắt đi đầy, tên nước đã bị xóa, chính ĐCSVN đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, khai sinh một nước VN mới, rồi chiến đấu bảo vệ và giành lại được nền độc lập, thống nhất đất nước, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân ấm no hơn xưa rất nhiều, vị thế đất nước hiên ngang sánh vai cùng tất cả các cường quốc trên thế giới!
Để giữ được những điều đó, công cuộc chỉnh đốn buộc phải thành công, nếu không đất nước sẽ không đứng vững “trước nguy cơ tồn vong”. Liên Xô từng đánh thắng Phát xít Đức, trình độ và sự phát triển hơn nước ta rất nhiều, nhưng cũng trì trệ, sinh sôi các tệ nạn. Goocbachov đã thực hiện công cuộc đổi mới nhưng bất tài, ảo tưởng, mong dựa vào Mỹ, phản lại nền tảng tư tưởng của xã hội Sô Viết, đã dẫn tới thảm hoạ LX sụp đổ. Kết quả những ngày hôm nay hai nước thành viên lớn nhất là Nga và Ukraina vẫn đang đánh nhau, không biết bao giờ mới xong?
***
Nhìn lại thời kỳ kế hoạch hóa, cuộc sống diễn ra trong khung của một kế hoạch, một nhóm người nghĩ thay cho mọi người, vì thế đã dẫn đến sự quan liêu, không phát huy sức sáng tạo toàn dân, bó buộc sức sản xuất. Điều này mang tính cứng nhắc siêu hình ngược với Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là động lực của phát triển. Người lãnh đạo tập thể khác với các ông chủ ở chỗ, ông chủ coi tư sở là của nhà mình nên hết sức vì nó, còn nhà lãnh đạo bất tài thất đức sẽ coi công sở là nơi mình cai quản một thời gian để kiếm danh lợi, nên họ làm việc không vì sự phát triển mà vì sự củng cố quyền lực, để ngồi lâu hơn. Vì thế xã hội tập thể hóa kiểu như vậy sẽ không có ưu thế phát triển. Có lẽ, đó là một trong những nguyên nhân chính đã khiến các nước đi theo hướng XHCN thất thế.
Theo báo Nhân dân online, Brezhnev từ câu nói của Khrushchev: “Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công” đã phát triển thành chế độ chức vụ suốt đời, hình thành một xã hội phong kiến kiểu mới, giúp cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi. Đến thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền đã biến thành giai cấp tư sản mới. Khi đất nước trước nguy cơ tồn vong, họ đã công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH, tức là lại làm cuộc cách mạng từ phong kiến chuyển sang CNTB, để hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Đó chính là nguyên nhân của đổ vỡ. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói chí lý: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”.
***
Nước ta đã từ bỏ mô hình XHCN Liên xô mấy chục năm và đã đi theo mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một mô hình theo lý thuyết là rất hay, bởi vừa phát huy được sự năng động của nền sản xuất tư bản vừa đi theo lý tưởng XHCN với những chính sách hướng tới số đông người lao động. Tiếc là mô hình này trong thực tế lại nảy sinh những chuyện bất ổn.
Thứ nhất, nó đã sinh ra cái tình trạng công tư nhập nhằng, chưa có cơ chế giám sát phù hợp. Trong cuộc sống, không ai không mong muốn thành đạt, giàu có. Nhưng ở ta, đồng lương của cán bộ thực chất rất thấp. Thế là ai ai cũng phải tìm mọi cách để kiếm thêm. Trong muôn hình vạn trạng của cái việc kiếm thêm ấy, ranh giới giữa những việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Tiền bất chính lại rớt vào túi dễ như nước chảy xuôi, trái lại, kiếm được đồng tiền chính đáng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đó chính là cái gốc rễ đã sinh ra quốc nạn tham nhũng.
Nhiều quan chức không chỉ thiết lập vương triều tại cơ quan mà còn là chỗ dựa cho các doanh nghiệp thân, quen để rồi được nhận lại “quà”. Dựa vào quyền thế, người ta dễ dàng có vốn và có cửa đầu tư vào những lĩnh vực béo bở nhất. Chúng ta thật e ngại khi có thực trạng đất đai và nền kinh tế bị xẻ ra như những miếng bánh bỏ vào túi riêng. Sự định giá tài sản công rẻ mạt để chia nhau cổ phần, nhưng người lao động được rất ít và cũng không ít người lại không tiền mua. Như vậy một phần nào đó Kinh tế thị trường lại định hướng Tư bản chủ nghĩa, đã tạo ra một sự bất công mới, có người giầu người nghèo trong chính tổ chức ĐCS, như TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu từng được chiếu lại trên VTV.
Ở những nước tư bản, những nhà tư bản thành đạt đều do mồ hôi, tâm sức và tài năng của họ, như Ford, Bill Gates, v.v… Nước ta không có những đại doanh nhân tạo ra những vương quốc của mình bằng kỹ thuật công nghệ cao, bằng chất xám. Người giàu ở ta đã có nhiều nhưng chủ yếu do may mắn, do trúng mánh trong buôn bán, do trúng mánh về biến đối giá cả đất đai, khai thác tài nguyên; có sản xuất thì cũng chỉ là gia công, hoặc làm công việc thiên về cơ bắp. Nhà nước nắm những ngành kinh tế quan trọng, trong khi đó năng lực của những lãnh đạo tại các đại công ty nhà nước lại kém, dẫn đến tình trạng không có sức cạnh tranh, làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ nần, làm thất thoát tiền bạc công, tham nhũng, lãng phí, như đã từng xảy ra ở các tập đoàn Vinashin, Than – Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Dầu khí, Xăng dầu, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Xi măng, Mía đường, Thép v.v… Tất cả đã đẩy đất nước đến tình trạng đúng như TBT Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo là “nguy cơ tồn vong”.
Trên diễn đàn Quốc hội, từng có chuyện nhìn mấy ông bộ trưởng về đầu tư, về tài chính v.v… mặt ngây ngô nói không biết chuyện Vinaline bỏ ra mấy chục triệu đô mua đống sắt rỉ là ụ nổi về, không phải để dùng mà để sửa chữa, đến tận hôm nay chưa xong! Tại sao chúng ta đã nói quá nhiều, đã nói liên tục những lời rất hay ho, soạn ra vô vàn văn bản rất chặt chẽ, vậy mà sao lại có cái chuyện những cá nhân có quyền chi tiêu tự do công quỹ nhà nước!
***
Trong bài trước tôi có viết: “… tôi hiểu biết nhiều làm gì để đi phê người này, phán người nọ, để rồi chỉ gây thù chuốc oán?
Đúng ra việc phân định đúng sai cao thấp là trách nhiệm thuộc về những người có chức trách. Nhưng để phân định được phải có tâm và có tài. Nhưng thời “dân chủ”, để có chức quyền người ta không chỉ cần tâm và tài mà quan trọng hơn là phải được lòng nhiều người trong các cuộc bầu bán. Ý kiến số đông là kết quả cuối cùng nhưng nhiều trường hợp ý kiến số đông không phải là chân lý. Vì thế mà có nhiều kẻ bất tài, thất đức lại thành ông nọ, bà kia, chính họ không làm tròn chức trách mới để xảy ra nhiều chuyện sai trái, tệ nạn; và tệ hơn họ còn phạm pháp, làm xã hội bất ổn, dân chúng bất an, mất niềm tin”.
Vì vậy, nguyên nhân chính của “nguy cơ tồn vong” chính là công tác cán bộ. Phải có cơ chế làm sao đó để những người tài, đức được trọng dụng, ai cũng ngồi đúng vị trí của mình. Cần phải tránh đánh giá con người qua bề nổi, chỉ giỏi luồn lách, giỏi quan hệ, tìm cách lấy lòng số đông, nhưng thực chất lại bất tài, thất đức. Kết quả những ngày hôm nay, quan chức lũ lượt bị “thôi chức”, bị kỷ luật, bị đi tù là sự chứng minh rõ ràng nhất. Trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến tiền, cần phải tạo ra một cơ chế sao đó để có thể giám sát được các hoạt động kinh tế, giám sát được sự chi tiêu ngân sách. Cần phải công khai tài sản của quan chức và những người thân một cách thực chất, đúng đắn, minh bạch hóa những khoản thu nhập lớn, buộc phải chứng minh được nguồn gốc của các loại tài sản. Đó chính là toa thuốc trị căn bệnh tham nhũng hôm nay. Nghĩa là càng thực hiện kinh tế thị trường phát huy sức sản xuất càng phải coi trọng “đấu tranh giai cấp”, cụ thể là việc chống tham nhũng và làm giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái việc một thời cả nước đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi.

23-4-2024
ĐÔNG LA