ĐÔNG LA
LÊ VŨ ANH,
CHÚNG NÓ ĐÃ GIẾT CHỊ MỘT LẦN
NỮA!
(Về cái chết của con gái cố
TBT Lê Duẩn)
Năm 2015, Viktor Maslop đã xuất bản cuốn Hồi ký 19
chương
Việc đăng tải, chia sẻ một câu chuyện tình vượt biên giới
và bao rào cản để ca ngợi sức mạnh của tình yêu là lẽ thường tình, nhưng chuyện
tình của Viện sĩ Maslop lại không thường tình như thế. Vì ông không chỉ viết về
tình yêu với vợ ông là Lê Vũ Anh, con gái cố TBT Lê Duẩn, mà ông chủ ý viết về cái
chết của vợ mình với nghi vấn là bị ám sát hơn.
Thời dân chủ người ta có quyền viết không chỉ về vợ con của
cố TBT Lê Duẩn mà còn về chính ông nếu tôn trọng sự thật và không phạm pháp.
Nhưng cuốn hồi ký trên không như thế, nó viết về chuyện riêng của gia đình
nhưng lại có liên quan đến những chuyện chung, chuyện đại sự quốc gia liên quan
đến các nhà lãnh đạo Việt Nam
và gia đình họ, liên quan đến cả lịch sử, cả thể chế. Tiếc là cuốn hồi ký có
nhiều ý suy diễn chủ quan sai trái. Bình thường những chuyện riêng của một gia
đình, dù là người trong cuộc viết cũng chưa chắc đúng , vì vợ với chồng, cha mẹ
với con cái, hiểu lầm nhau là chuyện không hiếm.
Vậy mà khi cuốn Hồi ký của Maslop xuất bản, một số người
Việt ta đua nhau dịch và đăng tải, đủ các thành phần, băng nhóm. Đầu tiên là
bọn Google TL, nhóm luôn gào thét chống “rận” nhân danh bảo vệ thể chế, yêu
nước, nhưng vì yêu nước quá hóa hỗn láo, chúng hung hãn chống tất cả những gì,
những ai khác ý chúng nó, từ chiến lược ngoại giao hiện tại của VN với Mỹ đến các
Ủy viên Bộ Chính trị, các trí thức, nhà văn, nhà báo; kế đó là nhóm “mang gen
Huy Đức”, tiêu biểu cho cái phần xấu xa nhất của tính tiểu nông, tiểu nhân,
thiển cận, thích ngồi lê đôi mách, chõ mõm vào nhà người khác; cuối cùng là
nhóm vốn coi thể chế VN là kẻ thù, coi Hồi ký Maslop như chứng nhân phủ nhận
đạo đức cách mạng của các nhà lãnh đạo VN, tính chính nghĩa của cách mạng VN.
Vì vậy, tôi không cần đọc luật thông tin báo chí cũng biết
sự đăng tải và chia sẻ cuốn Hồi ký Maslop là sai. Khi đăng tin, truyền tin sai,
không chứng cớ, ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, gia đình, xuyên tạc sự thật lịch
sử ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước tất sẽ là phạm pháp, thể hiện sự yếu
kém cả về trình độ pháp luật lẫn trình độ chính trị. Có điều vì trình độ luật
pháp ở ta kém quá, bắt hết người phạm pháp thì không biết có bao nhiêu nhà tù
mới chứa đủ, như Philippin hiện không đủ nhà tù chứa tội phạm ma túy.
Với nước Mỹ chồng ca sĩ Thu Phương khi cắn hạt dưa trên máy
bay bị một người nói là “văn hóa mọi rợ”. Chỉ vậy thôi đã báo với phi hành
đoàn, khi máy bay hạ cánh, cảnh sát đã đợi sẵn để giải quyết vụ việc. Còn
chuyện trong Hồi ký Maslop là chuyện tầy đình, chuyện giết người, không chỉ
giết người bình thường mà giết người vì chính trị, vì tham vọng chính trị giết
con.
***
Trong
Hồi ký Maslop có câu: "На похоронах
ее мать безумно переживала. Она сказала, что отец Ань просто убит и
хочет мне помочь - забрать детей во Вьетнам". Bản dịch của Phan Doc
Lap mà Google TL đăng cũng vì kém tiếng Nga không hiểu nên đã tránh không dịch
ý chính, thêm thắt vào thành như sau: "Tại đám tang, mẹ nàng lo lắng đến mất trí.
Bà nói, Vũ Anh mất rồi, một mình tôi sẽ phải vất vả với 3 đứa nhỏ nên muốn giúp
đỡ tôi, mang theo 3 đứa trẻ về Việt Nam nuôi"
Còn bản
dịch của Cao Kim Ánh thì câu trên được dịch là: "Trong đám tang bà mẹ đau khổ đến mất trí. Bà ấy nói rằng cha
của Vũ Anh đã giết con và muốn giúp đỡ tôi –
đưa bọn trẻ về ViệtNam”.
Phan Việt Hùng,
một người rành tiếng Nga đã góp ý cho Cao Kim Ánh dịch vậy là sai,
đã dịch động từ убить ở dạng chủ động chứ không phải bị động: “отец Ань просто убит ” là “cha của Vũ Anh đã giết con”
thay vì phải dịch chính xác là “cha của
Anh đơn giản là bị giết”, như ý tiếng Việt ta, con gái bị chết đột ngột như
thế ông ấy như đã bị giết.
Một
số người có sở thích như lũ ruồi nhặng thích bu vào chỗ lở loét và lũ kền kền
thích ăn xác thối đã khoái chí chọn đăng bản dịch của Cao Kim Ánh dịch là “Ông Lê Duẩn đã giết con”. Còn Google TL,
khi Cao Kim Ánh đã thừa nhận mình dịch sai và cảm ơn sự góp ý
của Phan Việt Hùng, đã nhanh nhảu đăng tải ý xin lỗi trên như tỏ thiện chí,
minh oan cho cố TBT Lê Duẩn.
Nhưng
trong Hồi ký Maslop đâu chỉ có một chi tiết giật gân trên. Toàn bộ cuốn sách đã
toát lên cái ý ông Maslop cho rằng vợ mình đã bị giết, và mối quan hệ với người
cha TBT Đảng CSVN có liên quan đến cái chết của vợ ông. Những ý sau đây chỉ rõ
điều đó:
“Khi nàng đi ra ngoài để đến điểm dừng xe buýt, một
chiếc xe "Volga " màu đen chầm chậm
chạy theo nàng, rồi dừng lại cách nàng một khoảng không xa. Nàng bước thêm vài
bước, người lái xe ngay lập tức nhấn ga. Cô vội chạy nhanh thì chiếc
"Volga" cũng tăng tốc thêm. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu nàng
không kịp chạy đến bến và lên kịp chiếc xe buýt chạy điện vừa dừng. Về đến nhà,
nàng xuất hiện trước mặt tôi với nước mắt lưng tròng. Nàng kể lại với tôi nàng
đã sợ hãi như thế nào khi bắt đầu thấy chiếc xe đuổi theo nàng:
- Bây giờ em đã tin chắc rằng, họ muốn bắt và đưa em
về Việt Nam !
- Sao em bảo rằng ba mình sẽ không làm điều đó.
- Như sự việc xảy ra hôm nay, em đã nhận ra rằng ba em
đã sẵn sàng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Điều này có nghĩa, em
sẽ phải cam chịu số phận thôi”;
“Nàng đã phải chịu áp lực lớn, nàng tin rằng, nàng đã
gây ra một tội lỗi khủng khiếp, và nàng sẽ bị trừng phạt”;
“Trước đây nàng không thực sự muốn ở trong căn phòng
với những khe hở lớn như pháo đài tôi đã xây, còn bây giờ nàng lại luôn yêu cầu
tôi khóa chặt cửa và nàng ở trong phòng cùng với Lena suốt cả thời gian khi tôi
đi vắng vì công việc ở Moscova. Nàng luôn giữ bên mình khẩu súng săn của tôi.
Nàng nói rằng căn phòng này là nơi an toàn nhất trong cả nước. Nàng không còn
sợ bị đuổi bắt từ các đường phố, từ bên trong phòng này nàng có thể thoải mái
để bắn ra ngoài. Rõ ràng, nàng có thể đang hồi tưởng về tuổi trẻ du kích của
mình”;
“…Anh không không hiểu à, Ba em sẽ làm mọi chuyện có
thể. Cuộc hôn nhân của chúng ta làm suy yếu quyền lực của ông ấy trong Đảng,
tiếp tay cho các đối thủ chính trị của ông;
“Ba yêu thương em, em cũng yêu ba em nhiều. Nhưng điều
quan trọng nhất đối với ba em là lợi ích của đất nước”;
“Ngay sau đó bé Lêna đã bị ốm, phải nhập viện. Trước
khi vào bệnh viện cùng nằm để chăm sóc bé, nàng đã viết cho tôi một bản tuyên
bố chính thức: "Nếu tôi bị bắt mang đi một mình hoặc cùng con gái và đưa
đến Đại sứ quán Việt Nam, mọi người cần phải biết, điều này được thực hiện bằng
vũ lực, trái với ý muốn của tôi, bất cứ điều gì do người thân trong gia đình
tôi hoặc đại sứ quán phát ngôn đều không có giá trị. Tôi muốn sống với chồng
Viktor Maslov ở Liên Xô, và tôi muốn chồng tôi nuôi dưỡng con gái của chúng tôi
trưởng thành và thấm nhuần nền văn hóa Nga ". Tôi cho cất giữ tờ giấy này
vào một nơi an toàn”;
“Lê Duẩn đã gửi cho nàng một món quà lưu niệm - một
mai rùa. Nàng đã rất kinh hãi khi nhìn thấy món quà của ba cô:
- Đã gửi quà tặng là mai rùa thì phải tặng một cặp đôi
cơ. Đây là biểu tượng của tình yêu và cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chỉ một mai
rùa – một dấu hiệu xấu. Thật kỳ lạ, sao ba em lại không nghĩ đến điều này cơ
chứ."
- Ba em không cần phải nghĩ về điều vô nghĩa như vậy.
Bởi ba em là một người cộng sản.
- Vâng, nhưng ông coi trọng truyền thống và biết rõ
rằng đây là một điềm báo của cái chết. Một điều gì đó nhất định sẽ xảy ra ...”.
Chuyện xảy ra vào "Đêm sóng gió", đêm Lê Vũ Anh sinh
Anton, con trai và là con thứ ba của Lê Vũ Anh và Viện sĩ Maslov, ngày 5 tháng
7 năm 1981:
“Khi đó người ta dành cho nàng một phòng riêng đầy đủ
tiện nghi với TV và điện thoại… Nhưng lần này nàng không muốn đến nằm ở nhà hộ
sinh này nữa, tất cả là chỉ vì nàng lo sợ một điều gì đó. Có một lần nàng nói
với tôi, rằng nàng sẽ chết khi sinh nở:
- Ở Việt Nam sẽ sớm có bầu cử. Vì lợi ích
của cuộc bầu cử đối với ba em, họ sẽ đi đến cùng làm tất cả mọi chuyện .
- Ai là "họ"? Tôi lo lắng hỏi.
- Những người đã luôn muốn ngăn cản tình yêu của chúng
ta”.
Và cuối cùng là cái chết của Lê Vũ Anh, Maslop đã nghi vấn
vợ mình bị giết bằng chất chống đông máu:
“Tôi trở lại Nhà hộ sinh. Lúc này, nàng đã được phẫu
thuật xong. Bác sỹ trưởng chính của Cục 4 đã trực tiếp mổ cho nàng. Ngay sau
khi ông bước ra khỏi phòng mổ, tôi vội vã lao tới gặp ông:
- Vợ tôi sẽ không chết?
- Cơ thể của một người trẻ tuổi có khả năng vượt qua
được. Chúng ta hy vọng vào điều tốt nhất ...
Nàng chỉ có thể sống được thêm hai giờ nữa thì qua
đời. Tôi được phép vào phòng của nàng. nàng nằm trên giường, người nàng được
phủ một tấm ga vải trắng- nàng trông vẫn đẹp, như thể chỉ đơn giản là đang ngủ.
Trên cổ nàng vẫn còn gắn bóng thở.
Tôi lật tấm ga để lộ cơ thể của vợ, trên người nàng
phủ kín những đốm nhỏ màu xanh và đỏ. Nhìn thấy như vậy, tôi đã kêu gào thảm
thiết với nỗi kinh hoàng rùng rợn.
Nhiều năm sau, khi tôi đang nằm điều trị vì một cơn
đau tim tại phòng khám tim mạch và quan sát thấy, để làm loãng máu cho các bệnh
nhân, người ta tiêm heparin vào tĩnh mạch và trên da họ xuất hiện các nốt xanh
đỏ cùng một chỗ như vậy, trong đầu tôi lóe ra nghi vấn, theo quan điểm của tôi,
một giả thuyết khá hợp lý: nàng chảy máu là do người ta cố ý bằng cách tiêm
thuốc heparin này. Nàng đã linh cảm được trước tai họa. Và rồi nàng đã bị băng
huyết, chảy máu đến chết ...”
***
Hồi
ký Maslop không chỉ viết mối quan hệ cha con TBT Lê Duẩn liên quan đến cái chết
của Lê Vũ Anh mà còn chỉ đích danh một cố TBT khác là Trường Chinh cũng có liên
quan:
“Tình yêu của chúng tôi có thể làm tổn thương đến ba của nàng, trở thành con át chủ bài của các đối thủ trong cuộc đấu đá quyền lực. Phía sau lưng ông là Trường Chinh, đối thủ chính trị cạnh tranh đã từng là Tổng bí thư trước ông”.
“Tình yêu của chúng tôi có thể làm tổn thương đến ba của nàng, trở thành con át chủ bài của các đối thủ trong cuộc đấu đá quyền lực. Phía sau lưng ông là Trường Chinh, đối thủ chính trị cạnh tranh đã từng là Tổng bí thư trước ông”.
Ta
có thể phần nào thông cảm cho tâm trạng một người chồng mất vợ, người cha có những
con nhỏ mất mẹ; lại lắm nghi hoặc khi kết hôn phạm luật Việt Nam, vi phạm quy
chế nghiêm ngặt của VN thời chiến tranh, như Maslop, khi viết như trên. Nhưng
với người Việt, việc hả hê chia sẻ những điều suy diễn đầy cảm tính, không
chứng cớ, thậm chí tác giả cũng tự thấy mâu thuẫn, về những điều ảnh hưởng đến
danh dự, uy tín của các nhà lãnh đạo VN, những nhân vật lịch sử, tất xúc phạm đến
con cháu họ đang sống, là hành vi không chỉ bất lương mà còn phạm pháp. Nếu có một
phiên tòa được mở để xét tội vu khống, công tố viên hỏi “Chứng cớ đâu?” thì
những người đăng tin sẽ trả lời ra sao? Tôi hay viết bọn Google TL khoe học
luật nhưng vì ngu như bò nên vẫn hay phạm luật là vì thế.
***
Thực
tế, chỉ những người coi thể chế hiện tại là kẻ thù mới thích đăng nhưng loại
chuyện như Hồi ký Maslop. Lê Duẩn là vị trí công kích số 1 vì ông chính là lãnh
đạo cao nhất nước ta khi nước ta giành lại được nền Độc lập, thống nhất đất nước,
sau khi phải trải qua thử thách ác liệt và hiểm nguy nhất trong toàn bộ lịch sử
chiến tranh thế giới, đối đầu trực diện với không quân Mỹ, trong đó có B52 “ném
bom trải thảm” Thủ đô HN trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối 1972; hoặc
những người nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu như dạng Huy Đức, mờ mắt vì tiền, mới
hả hê bới móc những chuyện giật gân mang tính thâm cung bí sử.
Nhưng
có những sự thật dù gian manh đến mấy người ta cũng không thể viết khác. Trong
bài Ben-thang-cuoc-tham-cung-bi-su-hay-cai-nhin-tam-toi-cua-Huy-Duc? tôi đã viết:
“Nhiều chi tiết về TBT Lê
Duẩn, vì là sự thực, Huy Đức không thể viết khác đi, nên đã khắc họa nên một Lê
Duẩn, không chỉ là nhà cách mạng quên mình vì nghĩa lớn mà còn là một con người
rất đức độ, tình nghĩa: “đến nhà bà mẹ nào, anh em thư ký, bảo vệ leo lên
nhà ngủ, còn anh ngủ dưới ghe”; “Theo quyết định của Trung ương, sau khi sắp
xếp tình hình xong, anh sẽ tập kết. Nhưng, anh liên tục điện ra Trung ương và
tới lần thứ 3 thì Trung ương và Bác Hồ đồng ý cho anh ở lại”; “nhổ neo, nhưng
chỉ ít giờ sau, có một chiếc ca-nô âm thầm cập sát vào thành tàu. Ông Lê Duẩn
hôn chia tay vợ con, bà Thụy Nga kể: Nước mắt anh chảy xuống mặt tôi, anh nói:
“Anh thương vợ con anh thế nào thì anh cũng thương vợ con đồng bào, đồng chí
như thế, nên anh phải ở lại. Em ra Bắc ráng nuôi dạy hai con nên người”…
Không chỉ là người chồng
tình nghĩa, Lê Duẩn cũng có một tình đồng chí với Trường Chinh thật cao đẹp, nó
vượt cao hơn tình người thông thường, một tình cảm vì dân vì nước. Như lẽ
thường, TBT Lê Duẩn phải muốn giao quyền cho ông Lê Đức Thọ, người luôn gắn bó
với mình, nhưng không, ông đã trao quyền cho Trường Chinh, người ông thấy sẽ
gánh vác trọng trách tốt hơn. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng chính Lê Duẩn
đã gạt đi những chuyện rắc rối quanh ông…
Riêng chuyện về TBT Lê Duẩn
thì quả thật tôi phải cám ơn anh chàng “San Hô” này, vì “Bên thắng cuộc” đã cho
biết thêm những điều thú vị về ông”.
***
Trước đây truyền thông chính thống của VN là hay “gói lại”
những vấn đề nhạy cảm, nhưng bây giờ với không gian mạng làm sao gói khi chuyện
đã vỡ lở, đã huỵch toẹt hết cả ra. Trước mắt ai cũng thấy danh dự cá nhân của cố
TBT Lê Duẩn và gia đình ông là bị xúc phạm, nhưng nhìn xa hơn sẽ thấy Hồi ký
Maslop như góp gió thành bão, như tác nhân làm tăng khả năng di căn của mầm
mống bệnh ung thư, trong việc làm mất ổn định của đất nước. Vì thế những người
có trách nhiệm, những người có liên quan cần phải phản hồi, phản biện, nếu
không, im lặng có nghĩa là đồng ý.
Lúc đầu khi đọc Hồi ký Maslop thì tôi thấy rõ ràng là Lê Vũ
Anh đã bị giết, dù không phải do chính tay cha mình thì cũng do chủ mưu từ phía
VN. Nhưng thật mừng khi có bài phản hồi của Lê Kiên Thành, em trai của Lê Vũ
Anh. Người đọc dễ dàng hiểu được căn nguyên thái độ của Maslop trong cuốn hồi
ký khi Lê Kiên Thành cho biết về tính khí của ông ta:
“Maslov cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi
ở Nga được thằng từ tiến sĩ lên viện sĩ (bỏ quan chức danh viên sĩ thông tấn).
Nhưng Maslov cũng rất “điên”, Maslov có cách nghĩ và hành vi rât khác với người
thường. Thay vì cho con cái của mình đến trường để chúng thích nghi với xã hội
và có điều kiện giao tiếp, ông ta chỉ để con quanh quẩn ở khu nhà ngoại ô và
mời các gia sư về dạy. Maslov cũng luôn bị ám ảnh một điều: Luôn có âm mưu nào
đó từ Việt Nam
đe dọa sự an nguy của ông ta và các con”.
Chính Maslop viết thế này: “Ngoài nàng ra, Lê Duẩn còn có hai con gái từ cuộc hôn nhân đầu tiên của
mình và hai con trai cùng với bà Bảy Vân”. Tôi dù không phải là con rể Lê
Duẩn cũng biết chắc chắn ông con rể này viết như vậy là sai. Điều đơn giản, hữu
hình về gia đình vợ mình như thế mà ông ta còn viết sai, thử hỏi những điều rắc
rối hơn, vô hình, ở tận trong suy nghĩ người ta, trong tình cảm người ta, thì
ông ta làm sao mà viết đúng cho được?
Lê
Kiên Thành viết về nguyên nhân cái chết của chị mình:
“Chị tôi qua đời, vì không một bác sĩ nào ở bệnh viện
khi đó dám mạo hiểm quyết định việc phẫu thuật cho chị, bởi họ biết chị tôi là
con gái của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam . Lúc đó chị tôi rơi vào tình
trạng hiểm nghèo, người ta đã gọi các bác sĩ đầu ngành đến bệnh viện nơi chị
tôi đang nằm cấp cứu sau sinh để hội chẩn. Nhưng chị Vũ Anh đã qua đời trươc
khi họ kịp đến. Chị tôi qua đời vì sự cẩn trọng thái quá của những người biết
chị tôi là ai, chứ không phải vì bất cứ âm mưu chính trị nào đằng sau đó”.
Một
bác sĩ đã có ý kiến rất đúng với ý trên của ông Thành. Khi ông học Cấp cứu, có trường
hợp người mẹ bị băng huyết sau khi sinh con là rất nguy hiểm dù dùng mọi biện
pháp cầm máu, truyền máu, đủ các loại thuốc... mà vẫn không cầm được, máu cứ chảy
từ rỉ rả đến ồ ạt. Người thầy của ông đã nói, Cô Vũ Anh, con gái ông Lê Duẩn
cũng chết vì trạng thái này. Nguyên do vì tình trạng bị ĐỜ TỬ CUNG, tức là Tử
cung không co lại sau khi dãn nở để đựng đứa con, vết rách khi bóc tách nhau
thai sẽ gây chảy máu mạnh. Chỉ có một biện pháp cấp cứu duy nhất là mổ cắt tử
cung, thắt động mạch chậu trong, bệnh nhân mới được cứu sống. Lê Vũ Anh là con
Bác Lê Duẩn nên hội chẩn rất nhiều, phía Liên Xô chờ phía Việt nam quyết định,
phía Việt Nam
chờ Bố bệnh nhân quyết định... Kết quả khi có thể mổ thì đã quá sức chịu
đựng của bệnh nhân, Vũ Anh đã không qua khỏi.
***
Chuyện
tình của Lê Vũ Anh, con gái TBT Lê Duẩn, rõ ràng là chuyện không hay đối với
gia đình ông, chị thật đáng trách vì yêu mà bất chấp sự giận dữ phản đối của
cha, bất chấp sự vi phạm pháp luật VN, vi phạm thuần phong mỹ tục VN; nhưng chị
cũng không đến nỗi bị lên án vì lỗi chị gây ra lại do cái bản tính tuyệt diệu
nhất mà Tạo Hóa đã phú cho con người, đó là tình yêu. Sẽ là chuyện tình rất hay
nếu Maslop tỉnh táo hơn, khách quan hơn, bỏ đi những suy diễn chính trị sai
trái mang tính chủ quan; chuyện đăng tải bản dịch Hồi ký Maslop cũng sẽ hay nếu
người đăng hiểu biết pháp luật hơn, có ý thức chính trị hơn, chỉ cần cắt đi vài
ý, vài câu, và ghi là “trích đăng”. Một người có lương tri càng cần phải như
thế vì khi đăng cuốn Hồi ký Maslop không chỉ ảnh hưởng chính trị mà còn liên
quan trực tiếp đến danh dự con cháu cố TBT Lê Duẩn và những người liên quan
khác trong Hồi ký. Bình thường khi vô ý khơi lại nỗi đau bình thường thôi của
người khác người ta đã phải xin lỗi rồi kia mà.
Lê
Kiên Thành viết:
“Đoạn hồi ký trên
mạng lưu truyền trong những ngày qua đã chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của gia đình
tôi. Nhưng tôi coi đây cũng là dịp để một lần duy nhất chúng tôi nói về những
điều riêng tư mà chúng tôi chưa từng nói”.
Còn tôi thì thấy cả dịch giả đăng tải lẫn người chia sẻ; cả
cố tình lẫn vô tình; vì trình độ, vì thiếu thiện tính và thiếu lương tri; khi
đăng nguyên bản Hồi ký Maslop họ đã giết chị Lê Vũ Anh một lần nữa!
1-9-2016
ĐÔNG LA