ĐÔNG LA
BÊN THẮNG CUỘC: “THÂM CUNG BÍ SỬ”
HAY CÁI NHÌN TĂM TỐI CỦA HUY ĐỨC?
(PHẦN KẾT)
Hôm nay tôi sẽ kết
lại loạt bài viết về cuốn Bên thắng
cuộc bằng việc bàn về những chuyện thâm cung bí sử mà Huy Đức đã viết.
Nhưng trước hết, phải công bằng với Huy Đức, chúng ta xem thử dư luận gần
đây.
Về phía ca ngợi Huy
Đức, số lượng bài viết xem chừng áp đảo phía công kích. Nhưng trong lĩnh vực
tri thức phức tạp, số lượng không có ý nghĩa gì. Như khi Einstein đưa ra
Thuyết Tương đối, biết có danh sách 100 nhà bác học phản đối, ông đã cười mà
rằng: “Nếu tôi sai thì 1 cũng đủ cần gì tới 100!”. Huống hồ số người ủng hộ
Huy Đức hầu hết thuộc phe “thua cuộc”,
làm sao mà họ chả ủng hộ một người biện hộ cho họ? Ta thử xem ý kiến một vài
nhân vật có trình độ.
Alan
Phan, một doanh nhân tài danh và thành đạt, viết sau khi đọc Bên thắng cuộc: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nghịch lý hiện diện sau 1975. Cuộc
sống của 95% người thua cuộc sau vài năm (phải lang bạt kỳ hồ khắp năm châu)
lại sung túc về vật chất gấp 10 lần 95% những người thắng cuộc… Trong khi phe
thắng cuộc vẫn loay hoay tìm lối ra trong cái đầm lầy họ tự đào” (gocnhinalan.com)
Đọc xong tôi bật cười thấy vị doanh nhân này cũng ngu ngơ y như Ngô Bảo Châu
viết về Hà Vũ vậy. Nếu “bên thua”
các ông chạy sang một nước khác có thực trạng y như VN, hoặc sang vùng Trung
Đông hoặc Châu Phi chẳng hạn, mà các ông cũng giàu được như vậy, thì hãy tự
hào. Còn các ông thực chất chỉ là những kẻ ăn theo tại những nước, khi mà dân
ta còn là nô lệ và 2 triệu người chết đói, thì người ta đã chế tạo được bom
nguyên tử rồi. Các vị giàu có cũng tốt thôi nhưng chỉ là tha phương cầu thực,
vẫn có cái phần nhục trong đó, không nên tự hào, kể cả chính bản thân tôi đây
khi cũng có khá nhiều người thân bên Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh
Hùng, Đại học George, khen Huy Đức “chuyên
nghiệp và công bằng hiếm có” thì “bên
thua” cũng có những người phản bác. Tôn Nữ Hoàng Hoa trên tieng-dan-weekly.blogspot.com:
“GS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tác giả Huy
Đức rất công bằng khi viết cuốn Bên Thắng Cuộc này. Chúng tôi xin trả lời ngay
nếu nói tác giả Huy Đức có ý công bằng là sai”. Bởi họ cho rằng Huy Đức
muốn "hồi chánh thật sự" thì
phải dũng cảm còn kiểu bắt cá hai tay để cầu danh lợi như Huy Đức là “Nếu không viết được những dòng trung thực thì
phải viết những dòng nịnh, bợ. Khi đã viết những dòng nịnh, bợ thì không còn
chữ TRUNG mà chỉ còn lại là một chữ HÈN”.
Lão Móc trên hennhausaigon
trong bài Mặt
thật Huy Đức viết:
“…Ở Mỹ, người Mỹ sẽ hỏi Huy Đức là thằng nào? Ở Việt Nam khá
nhiều người … biết nó là … Trương Huy
San, biệt danh “San Hô”,
do đồng nghiệp Tuổi Trẻ đặt cho một cách khinh miệt”; “Kim Hạnh ném San Hô ra
thị trường thông tin đạt kết quả tốt… Huy Đức nhanh chóng tự biến thành “tên nhà báo làm tiền” … Nhìn chung,
công trình xây dựng nào cũng không ít thì nhiều cũng có vấn đề! Huy Đức tìm
gặp để… tìm hiểu… Sau những câu hỏi bắt mạch… thằng “San Hô” có trong tay một
số căn chung cư, villa… mua theo giá hữu nghị… San Hô chỉ cần kiếm thân chủ
bán trao tay! “Chưa tới 10 năm làm
báo, cứ nhìn tài sản của thằng San Hô là đủ biết!”, Sỹ H., phóng viên thể thao nói so
sánh. Còn H. Ngọc, chuyên mục nhà
đất báo Sàigòn Tiếp Thị, kể rằng, “Nguyễn
Phụng Thiều, nguyên Gám đốc kinh doanh nhà Tân Bình, có lần cho biết “báo TT đưa tin trước nhất về công trình
chung cư Bàu Cát, Huy Đức là khách hàng đầu tiên”. Bài báo kết luận: “THS, HĐ, San Hô, một thằng làm báo thiếu đạo
đức nghề nghiệp,… lợi dụng sự tò mò của những ai chưa biết, viết về
những chuyện cũ kỷ hơn 30 năm để móc đô-la của người Việt tại Mỹ, rõ ràng, có
quá nhiều người đã trúng kế dân vận của một tên “hăng rô” lưu manh chữ nghĩa”.
Đã có những “ông con Việt Cộng” khen Huy Đức như
Nguyễn Giang BBC (Anh), Trần Hữu Dũng (Mỹ) thì “Việt cộng chiêu hồi” như Bùi Tín cũng khen: “Đây quả là một công trình hiếm có, công phu, bởi vì anh có gan, có ý
chí”. Về phần góp ý, Bùi Tín viết: “Những thiếu sót gốc phải gia
công hơn nữa, ví dụ như là ‘cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước’ nói như thế
có đúng hay không, theo tôi là không đúng. Thế còn nói ‘ngày toàn thắng,’
‘ngày giải phóng,’ thì ngay cái tít ‘giải phóng’ cũng đã là mỉa mai rồi”.
Những kẻ chiêu hồi
thì dù chiêu hồi phe thắng, phe chính nghĩa cũng đã là nhục, nên trong Tam Quốc, phía Lưu Bị đã phải mất bao
công thuyết phục thì Hoàng Trung mới quy hàng. Còn Bùi Tín, nếu không có nghề
gì để kiếm sống thì nên đi hầu bàn hoặc làm gì đó, đã trốn chạy, trở cờ mà
lại còn đòi giảng giải đạo lý thì da mặt ông dầy thật! Nói đúng cũng đã là
khó nghe huống hồ lại nói sai. Nước ta khi vua bị bắt, tên nước cũng bị xóa
bỏ, khi ta giành lại nền độc lập thì không phải là giải phóng thì là cái gì?
Tôi tin là dù nước ta có biến đổi thế nào thì ngàn đời sau những người có
lương tri cũng sẽ còn nguyền rủa những thằng phản bội, phản đạo lý! Trên
trang Hiệu Minh có một comment thật
hay, đã ví Bùi Tín như “miếng giẻ chùi
máu”:
“Dove says : Khi đọc đến câu:
“‘cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước’ nói như thế có
đúng hay không, theo tôi là không đúng”, tôi đã rời màn hình đi thắp một nén
nhang để viếng hương hồn của hàng triệu bà con bị chết đói năm 1945 và hàng
nghìn người Hà Nội, trong đó có ko ít giáo dân đã chết thảm do Christmas
Bombing. Tôi đã thề rằng, từ nay sẽ ko bao giờ đọc Bùi lão gia nữa, bỡi nhẽ
ông ta chẳng qua là một miếng giẻ chùi máu trên giày của bọn thực dân đế quốc
nói chung và tù binh phi công Mỹ nói riêng”.
Chưa hết, trong số
ca ngợi ủng hộ Huy Đức còn có những ông “Việt
cộng” chính hiệu nữa.
Nguyên Ngọc viết: “Cuốn sách này nói về những sự thật khốc
liệt, nhưng vì rất trung thực nên nó khiến ta bình tĩnh hơn trong thế giới và
giữa đất nước khốc liệt ngày nay”. Về mặt văn chương, ở đây Nhà văn Nguyên Ngọc lại
sai về “tiếng Việt” rồi. Như lần
trước tôi cũng đã chỉ ra trong truyện ngắn Rẻo cao khi nhà văn ngửi thấy mùi
hương mang màu tím. Hiện tại đất nước chúng ta có những trì trệ, tệ nạn,
nhân dân có nhiều “bức xúc”, nhưng vẫn đang tăng trưởng, nhà văn viết “đất nước khốc liệt” là sai! Trong quá
khứ, “vụ Báo Văn Nghệ” có thể là “khốc liệt”, nhưng chỉ với
riêng ông mà thôi. Còn Huy Đức theo ông là “trung thực” thì chỉ xin trích ý kiến người trong cuộc là
Nhà báo Lưu Đình Triều, con nhà báo kỳ cựu Lưu Quý Kỳ, viết trên Tuổi trẻ: “Huy Đức đã viết không đầy đủ, nên làm sai lệch
bản chất. Anh đã “vẽ” ra một “hố sâu thực sự” giữa hai cha con và cả gia đình
tôi nữa. Sự việc còn cay đắng hơn là qua đó hiện lên hình ảnh của một người
cha không có tình cảm, tình người ngay với chính đứa con trai duy nhất của
mình.
Huy Đức à, ba tôi mất cách đây ba mươi năm, nói theo dân
gian là đã mồ yên mả đẹp rồi, thế mà...
Vâng, sự trích đoạn tới đâu là quyền chủ quan của người
viết, nhưng nếu trung thực và để đúng bản chất sự việc thì Huy Đức không thể
“cắt cúp” theo chủ kiến của mình”
Giáo sư Chu Hảo,
nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, viết:
"Huy Đức viết công trình khảo cứu lịch sử đặc
sắc này với lương tâm trong sáng và tay nghề lão luyện của một nhà báo chuyên
nghiệp có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước. Có công minh lịch sử mới
có hòa giải dân tộc thực sự".
Công nhận đoạn này “hay” thật, “hay” ở chỗ một người như ông Chu Hảo sao lại dở đến thế! Việc ông
cho Huy Đức “lương tâm trong sáng”;
“có trách nhiệm”; “công minh lịch sử”. Điều này thì có
quá nhiều lý lẽ để phản bác nhưng ở đây tôi chỉ hỏi ông một câu: vậy ông trả
lời sao đây cho hương hồn cha ông, cụ Chu Đình Xương, nguyên Giám đốc Ty Liêm
phóng (Công an) Bắc Bộ, như chính ông kể trên Báo Lao động, là người từng “có nhiệm vụ tổ chức bảo vệ vòng trong cho
Bác” khi Bác Hồ viết “Tuyên ngôn
độc lập”; khi Huy Đức ca ngợi những sĩ quan VNCH tự sát là “tuẫn tiết”?
Tôi xin tra giúp ông: Tuẫn tiết có nghĩa là “chết vì nghĩa lớn”!
Vậy theo logic, mà chắc ông là GS vật lý phải giỏi, ông cho Huy Đức "công
minh" khi cho phía VNCH là chính nghĩa, thì cha ông, rồi kể cả ông
nữa, đã đi theo con đường phi nghĩa sao?! (Trích dẫn theo http://googletienlang).
Còn những chuyện mà
Trần Hữu Dũng (Mỹ) viết: ““Bên Thắng
Cuộc” lột trần nhiều “huyền thoại” về một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam””;
và Nguyễn Giang (BBC) viết: “Các vụ
‘thâm cung bí sử’ trong chính trường Việt Nam, nhất là giới tướng
lĩnh như cái chết của các tướng Nguyễn Chí Thanh thời chiến tranh,
rồi những chuyện đột tử của các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng
Tấn, Đinh Đức Thiện sau này cùng một âm mưu bao vây, hạ thấp tướng
Võ Nguyên Giáp được mô tả thật sinh động”?
Trước kia, với dạng
thông tin “nhạy cảm” như vậy, các nhà chức trách chỉ cần cấm phát tán là
xong, nhưng giờ sao chặn được thông tin trên internet lan truyền bằng sóng
điện từ? Vậy chỉ còn cách là đối thoại sòng phẳng thôi.
Với Bác Hồ, Huy Đức
cũng có thấp thoáng viết về Bác. Như với trích dẫn: “Sau Hồ Chí Minh, Lê Duẩn là nhà thiết kế chính, nếu không nói là duy
nhất, của mô hình kinh tế miền Bắc suốt từ năm 1960 đến 1975”; và chuyện
TT Phạm Văn Đồng, khi viết Công hàm gửi cho Trung Quốc “tán thành” tuyên bố của họ về hải phận, thì cũng đã “hỏi ý Bác”.
Một nền kinh tế (từ
1960 đến 1975) mà tất cả tinh lực
giành hết cho cuộc kháng chiến còn kém là lẽ thường thì có gì mà phải bàn.
Nhưng cần phải hiểu, chuyện khoán sản cũng không phải là chân lý tuyệt đối.
Nên nhớ chính kinh tế tập thể đã làm Liên xô trở thành siêu cường chứ
không phải “khoán sản”. Tối trước xem ti vi thấy cảnh làm từ thiện cho người
vô gia cư ở Nga trong lễ Giáng sinh mà thấy quá xót xa! Chính sự sùng bái cá
nhân, vứt bỏ cơ chế kiểm soát quyền lực của Lê-nin đã biến LX trở về một dạng
phong kiến mới, đã phá hủy LX, chứ không phải chỉ là những yếu kém của nền
kinh tế tập thể!
Còn chuyện Công hàm của TT Phạm Văn Đồng thì phải
hiểu, cái chuyện lo giành lại cả nửa nước phải quan trọng hơn chuyện mấy hòn
đảo rất nhiều. Nhiều kẻ cho TT Phạm Văn Đồng đã “bán nước” thì thật bậy bạ. Nếu tự dưng mang biển đảo dâng cho
ngoại bang để mưu cầu quyền lợi cá nhân thì rất đáng bị lên án, như Nguyễn
Ánh dâng Côn Đảo cho Pháp để xin viện trợ đánh Quang Trung chẳng hạn. Còn
Công hàm của TT Phạm Văn Đồng mà “có
hỏi Bác” chỉ là một hành động ngoại giao tế nhị, là việc lướt qua chuyện
nhỏ để mưu cầu chuyện lớn. Còn bây giờ ta có điều kiện để đấu tranh đòi chủ
quyền thì phải đấu tranh, nhưng phải dựa vào chứng cớ pháp lý của lịch sử,
dựa vào luật biển quốc tế, kết hợp với sức mạnh của chính trị, ngoại giao,
kinh tế và quốc phòng; còn như mấy đứa đi biểu tình lăng nhăng thì chỉ làm
trò hề chứ được tích sự gì?
Còn với Bác, chỉ với
hai câu của Bác cũng đủ chỉ ra tầm vóc của Người, chúng là kim chỉ nam đã dẫn
công cuộc giành độc lập của ta đến thành
công:
“Chính sách của ta hiện nay là chính sách Câu
Tiễn, nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục”; “Chủ nghĩa Mác-Lênin Việt Nam là chủ nghĩa
Mác-Lênin có lý có tình!”.
Chính chủ nghĩa dân
tộc gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản; lý tưởng “dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do” là những nền tảng cơ bản của
tư tưởng HCM. Chính vậy tư tưởng của Người đã cao hơn cả Stalin, cao hơn cả
Mao Trạch Đông, cao hơn cả mấy ông tổng thống Pháp và Mỹ hồi gây chiến với
VN; nó vượt qua ý thức hệ, qua chiến tranh lạnh, qua cả hận thù, và chính là
con đường mà thế giới đang đi hôm nay. Chính vậy, từ năm 1923, trên Báo “Ngọn lửa nhỏ”, Ôxip Manđenstam đã
viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một
thứ văn hoá… có lẽ là một nền văn hoá của tương lai”. Và cũng chính vì
thế mà UNESCO đã tôn vinh Người là "Anh
hùng giải phóng dân tộc,danh nhân văn hóa" (Hero of national
liberation and Great man of culture). Vậy mà Huy Đức, giống như việc lấy bát
ăn cơm sao đong được nước biển cả? Lấy gang tay chăm chăm nhặt xu lẻ sao đo
được cao rộng của Trời Đất?
Còn các nhà lãnh đạo
là những “Học trò xuất sắc của Người”
cần phải hiểu họ là những bậc vĩ nhân chứ không phải thánh nhân, mà vĩ nhân
thì cũng là người, cũng có những thói tật thường tình của con người. Với tôi,
dù những chuyện thâm cung bí sử là có thật đi chăng nữa thì các vị vẫn là
những con người buộc ta phải kính phục. Vì trước hết họ từng là những nhà
cách mạng đã sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, bất chấp lao tù, đầu rơi máu
chảy, và cuối cùng đã giành lại được nền độc lập cho Tổ quốc, cho chúng ta
được sống những ngày yên bình hôm nay.
Trường Chinh, người
trực tiếp lãnh đạo Cách mạng tháng 8 thành công, người cực kỳ nguyên tắc
nhưng cũng là người quyết liệt đổi mới, đã trở thành một “Tổng Bí thư của đổi mới”. Nhân cách của
ông thật vĩ đại, một lần chịu mất chức TBT nhận kỷ luật thay cho tập thể, một
lần từ chức TBT nhường cho thế hệ sau. Ông phải chí công vô tư đến như thế
nào, trí tuệ đến như thế nào, để đến như TBT Lê Duẩn cũng luôn quý trọng và
rồi tin tưởng trao lại trọng trách cho ông.
Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, người “anh cả quân đội”, “anh
hùng Điện Biên”, “Tổng Tư lệnh” một quân đội bách chiến bách thắng. Trong
“Bên thắng cuộc”, Huy Đức cũng đã
theo đuôi một số người cũng như các nhà sử học nước ngoài cho rằng vai trò
của Đại Tướng bị TBT Lê Duẩn làm lu mờ trong giai đoạn chống Mỹ. Trong khi
chính ông viết trong hồi ký: "Với tôi, những năm công tác trong Bộ
Chính trị, Anh (Lê Duẩn) đã thường xuyên trao đổi ý kiến, thường là nhanh
chóng đi đến nhất trí trong những vấn đề lớn; khi có ý kiến khác nhau thì
tranh luận thẳng thắn, những điều chưa nhất trí thì chờ thực tiễn kiểm
nghiệm. Lúc mới ra Bắc, Anh thường tâm sự với tôi những khó khăn trong công
việc... Từ sau Đại hội III và Đại hội IV, tôi đã ba lần đề nghị Anh là Tổng
Bí thư kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Anh nói với tôi: “Anh
là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như
vậy có lợi cho lãnh đạo”.
Cứ cho những chuyện
“thâm cung” quanh đời ông mà Huy
Đức kỳ công kể trong “Bên thắng cuộc”
là có thật đi chăng nữa thì có hai điều:
Thứ nhất, xã hội
chúng ta quả là tốt đẹp, đúng là “cây
ngay không sợ chết đứng”. Với chính trị thì cái gì cũng có thể xảy ra.
Thời phong kiến, ta từng đau đớn cho số phận của Nguyễn Trãi đã bị tru di tam
tộc sau khi có công rất lớn đuổi giặc Minh. Trước nữa bên TQ, Hàn Tín sau khi
giúp Lưu Bang lên ngôi Hán Cao tổ, đã bị Lã Hậu chém chết cùng ba họ. Nguyên
soái Zhukov, vị anh hùng diệt Phát xít cứu nhân loại, cũng đã bị cách chức
đột ngột và bị sỉ nhục công khai. Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ thời Cách mạng Văn
hóa thì bị cắt gân chân, khi chết bị thiêu với con số 123. Với nước Mỹ thì
gọn hơn, chỉ cần một tay súng núp đâu đó và một con dao, đã có mấy đời tổng
thống bị hạ sát. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta thì vẫn còn đó,
vẫn trường thọ.
Thứ hai, nhân cách
của ông thật vĩ đại, một vị tướng từng chiến thắng bao quân thù, nhưng với
đồng chí, đồng bào, ông lại thật khoan dung, độ lượng, đó là thái độ được hòa
quyện bởi một nhà văn hóa và một thiền sư. Chứ ông đâu có như mấy người thuộc
lớp đàn em, đàn cháu thuộc cấp, mất tí quyền lợi, tí danh tiếng, đã vội trở
cờ, lật lọng, lộ nguyên hình bản tính tầm thường của mình. Vì thế danh tiếng
của ông sẽ mãi mãi ngời sáng. Theo wikipedia,
Bách khoa
toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được
kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh
tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực
khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược
của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”. Suốt cuộc đời
mình, ông đã thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ. William Westmoreland gọi ông là "Tướng huyền thoại" (Legendary
Giap)!
Theo “Bên thắng cuộc” mà Huy Đức đã cop nhặt
từ những “tác phẩm” của Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, v.v… Lê Đức Thọ hiện lên như “hung thần” của chế độ.
Với lê Đức Thọ, theo
tôi, có lẽ vì ông làm công tác tổ chức cả mấy chục năm, liên quan đến chức
tước, quyền lợi, khen thưởng, kỷ luật của cả hệ thống, nên người được thì hàm
ơn, còn người mất thì oán thán ông chăng?
Huy Đức đã cố công
bôi đen hình ảnh của của ông. Nhưng qua những sự kiện lịch sử và những đánh
giá của những người có trọng trách, Lê Đức Thọ trong “Bên thắng cuộc” lại là người có nhiều công trạng và có trách
nhiệm cao.
Huy Đức viết: “Trần Nhâm, thư ký riêng của Trường Chinh,
kể: Trong một phiên họp Bộ Chính trị, cụ Duẩn đã ốm lắm nhưng vẫn dự. Ông mặc
bộ đồ pi-gia-ma tới, chỉ mặt Lê Đức Thọ: “Có phải có những trung ương ủy viên
anh rút từ trong tay áo ra?” Lê Đức Thọ tái mặt” (tr.357).
Trần Nhâm không thể
được họp Bộ Chính trị sao có thể thấy “Lê
Duẩn chỉ mặt Lê Đức Thọ”?
Nhưng ở chỗ khác, cũng chính Huy Đức đã viết ngược lại: “ Đối với các trường hợp được giới thiệu vào
Bộ Chính trị, theo ông Nguyễn Đức Tâm: “Anh Thọ càng thận trọng xét đi xét
lại kỹ lưỡng, báo cáo Bộ Chính trị rồi trao đổi lại với từng người một, cứ
như vậy cho đến khi có sự nhất trí trong Bộ Chính trị rồi mới giới thiệu ra
Trung ương” (tr. 372).
Còn chuyện tham vọng
làm Tổng Bí thư, Huy Đức viết:
“Theo ông Đoàn Duy Thành và Hoàng Tùng, …
Lê Đức Thọ …xin Lê Duẩn: “… anh giới thiệu với Bộ Chính trị… để tôi thay anh
đi”. Ông Lê Duẩn nói: “Với tình hình Đảng ta bây giờ, anh chưa thay tôi được
mà phải Trường Chinh”. Tháng 4-1986, Lê Đức Thọ lại đến, lần này … Ông Thọ,
được tả là đã quỳ xuống chân Lê Duẩn nhưng bị Lê Duẩn hất ra: “Anh lạ thật,
tôi đã từ chối rồi. … Tôi đã nói rồi, Trường Chinh”.
Cứ cho chuyện này
hoàn toàn là có thật tôi cũng thấy bình thường, bởi tham vọng quyền lực cũng
là lẽ thường. Có điều thể hiện ở mỗi người, mỗi nơi mỗi khác, ở Mỹ thì nó
huỵch toẹt cả ra; như Obama trúng cử, cả ông, cả gia đình, cả những người ủng
hộ đã mừng vui đến thế nào. Lê Đức Thọ, với tài năng và công lao, ông hoàn
toàn xứng đáng làm Tổng bí thư. Còn ông thực sự tham ác, như Huy Đức theo
đuôi dư luận đểu thêu dệt về ông, thì với một người nghe nói đã lập ra cả
chục ban bệ kiểm soát, có quyền sinh quyền sát với biệt danh “Sáu Búa”, ông hoàn toàn có thể đoạt
được quyền lực bằng hành động cực đoan. Nhưng không, khi thấy mình không đủ
uy tín, ông đã “chịu thất bại”. Như
vậy, ông đúng là có tinh thần dân chủ và là người nghiêm chỉnh phục tùng tổ chức.
Còn câu Huy Đức viết ông Lê Duẩn nói với Lê Đức Thọ: “Những khi nào cần nổi danh là anh cứ xin tôi, đi Paris, rồi đi miền
Nam khi sắp giành chiến thắng”(tr. 358) thì thật buồn cười, có thể trong
một giây phút cáu gắt ông Lê Duẩn nói không chuẩn, còn chuyện đi Pa-ri,
chuyện vào chiến trường của Lê Đức Thọ là chuyện đại sự quốc gia, có lẽ nào
một vị TBT lại hành xử như vậy!
Thực tế đã
chứng tỏ ngược lại, Lê Đức Thọ từng là nhà cách mạng sẵn sàng quên mình vì
nghĩa lớn, mới 15 tuổi đã tham gia hoạt động, 18 tuổi đã bị Pháp bắt tù,
chính Huy Đức viết: “Hoàng Tùng, một
người cùng quê, bị bắt chung, kể: “Phan Đình Khải (tên thật Lê Đức Thọ) bị
tra tấn rất dã man, vẫn không khai về hoạt động bí mật của mình. Sau một lần
bị đánh đau trả về buồng giam, trông thấy tôi trong lỗ cửa sổ buồng khác, anh
nói nhỏ: ‘Phải dũng cảm, khai thì chết bỏ mẹ đấy’ (tr.440).
Với TBT Lê Duẩn,
người lãnh đạo cao nhất nước ta giai đoạn đất nước giành toàn thắng. Cũng thật
là bậy bạ khi cũng có dư luận cho ông cùng Lê Đức Thọ làm những chuyện mờ ám.
Cả thế giới từng chứng kiến bài điếu tang ông đọc trong lễ truy điệu Bác, có
lẽ là hay nhất trong toàn bộ lịch sử thế giới. Chính trong “Bên thắng cuộc” Huy Đức cũng viết: “Khi đứng cạnh linh cữu Hồ Chí Minh, như nằm
ngủ trong cỗ quan tài bằng pha lê, trước sự chờ đợi của muôn dân, theo ông
Đậu Ngọc Xuân: “Anh Ba khóc. Chưa bao giờ anh khóc, nhưng lần đó anh đã khóc”.
Còn có chỗ Huy Đức nhắc lại ý một số người cho TBT Lê Duẩn muốn “vượt mặt Bác”, thì chỗ khác Huy Đức
lại viết: “Lê Duẩn đã tuyên bố: “Ở Việt
Nam chỉ có Bác xứng đáng làm Chủ tịch Đảng. Ai muốn làm chủ tịch thì cứ làm,
tôi không dám”.
Nhiều chi tiết về
TBT Lê Duẩn, vì là sự thực, Huy Đức không thể viết khác đi, nên đã khắc họa
nên một Lê Duẩn, không chỉ là nhà cách mạng quên mình vì nghĩa lớn mà còn là
một con người rất đức độ, tình nghĩa: “đến
nhà bà mẹ nào, anh em thư ký, bảo vệ leo lên nhà ngủ, còn anh ngủ dưới ghe”;
“Theo quyết định của Trung ương, sau khi sắp xếp tình hình xong, anh sẽ tập
kết. Nhưng, anh liên tục điện ra Trung ương và tới lần thứ 3 thì Trung ương
và Bác Hồ đồng ý cho anh ở lại”; “nhổ neo, nhưng chỉ ít giờ sau, có một chiếc
ca-nô âm thầm cập sát vào thành tàu. Ông Lê Duẩn hôn chia tay vợ con, bà Thụy
Nga kể: Nước mắt anh chảy xuống mặt tôi, anh nói: “Anh thương vợ con anh thế
nào thì anh cũng thương vợ con đồng bào, đồng chí như thế, nên anh phải ở
lại. Em ra Bắc ráng nuôi dạy hai con nên người”.
Khi lần đầu đọc Hồi
ký của bà Thụy Nga, bản thân tôi đã quá bất ngờ vì cứ nghĩ TBT Lê Duẩn
quyền uy tuyệt đối sao lại có thể gặp rắc rối vì luật Hôn nhân Gia đình do
hoàn cảnh hoạt động cách mạng đặc biệt của ông: “Tôi nói: ‘Các anh chị đề nghị chúng ta ly dị nhau’. Anh khóc và nói:
‘Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau, giờ trong hoàn cảnh nào chúng ta bỏ
nhau? Có làm Tổng Bí thư đi nữa mà phải bỏ nhau trong lòng anh sẽ không bao
giờ yên ổn. Người cộng sản thì phải có thủy, có chung, có tình có nghĩa’. Tôi
khóc”.
Không chỉ là người
chồng tình nghĩa, Lê Duẩn cũng có một tình đồng chí với Trường Chinh thật cao
đẹp, nó vượt cao hơn tình người thông thường, một tình cảm vì dân vì nước.
Như lẽ thường, TBT Lê Duẩn phải muốn giao quyền cho ông Lê Đức Thọ, người
luôn gắn bó với mình, nhưng không, ông đã trao quyền cho Trường Chinh, người
ông thấy sẽ gánh vác trọng trách tốt hơn. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng
chính Lê Duẩn đã gạt đi những chuyện rắc rối quanh ông.
Với tư cách nhà lãnh
đạo, công trạng bao trùm của Lê Duẩn có lẽ là việc ông đã truyền cái
quyết tâm sắt đá giải phóng Miền Nam của ông cho cả dân tộc. Cuộc
tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu
Thân năm 1968
đã nổ ra theo ý đồ táo bạo "Một cú
đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị" của ông. Một sự kiện
lịch sử chấn động cả thế giới. Chúng ta đã phải trả một cái giá rất đắt bằng
máu nhưng đã đạt được mục đích vô cùng quan trọng: tạo bước đột phá cho chiến
tranh, đánh bại ý chí của Mỹ và buộc Mỹ đi vào đàm phán. Bản lĩnh lãnh đạo,
tính kiên quyết của ông cũng đã thể hiện đặc biệt rõ sau chuyến đi của Nixon,
Trung Quốc tuyên bố ‘mi không đụng đến
ta, ta không đụng đến mi’, mở cửa cho Mỹ ném bom Hà Nội. Khi Chu Ân Lai
sang ta, ông đã không thèm bắt tay nói: “Các
đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt
Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng
tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng”!
Không chỉ là một nhà
lãnh đạo kiên quyết, cứng rắn, khi cần Lê Duẩn cũng có một thái độ rất mềm
dẻo vì mục đích tối tượng của đất nước. Theo Trần Quỳnh, khi Lê Duẩn được cử
sang “kiến nghị Liên Xô xem xét lại
quan điểm của mình” trong giai đoạn “xét
lại”, phía Liên Xô đã chuẩn bị “phản
kích lại ta”. Nhưng khi gặp, Lê Duẩn lại nói về triển vọng của cách mạng
Miền Nam
và yêu cầu Liên Xô giúp đỡ. Khơ-rút-sốp đã “nhẹ nhõm cả người” và vui vẻ chấp nhận. Cuối cùng Lê Duẩn mới
trao bức thư của Đảng ta. Đúng là tuyệt, vẹn cả đôi đường. Rồi chuyện sau
giải phóng, Huy Đức viết: “theo ông Đậu
Ngọc Xuân: Cu Ba nhiều lần thiết tha mời anh Ba Lê Duẩn sang thăm. Phidel cứ
giục mãi, nhiều đồng chí nhắc anh Ba, anh mắng: “Các chú muốn dân đói à?”.
Rồi, anh Ba nói với Bộ Ngoại Giao:“Đúng là Phidel sang ta mấy lần, nhưng ta
mới thắng Mỹ, sang Cu Ba không tuyên bố chống Mỹ thì Cu Ba không chịu, tuyên
bố chống Mỹ thì, các chú thấy, sang cạnh nhà nó chửi nó, nó cấm vận mình suốt
đời thì mình chết. Vì lợi ích quốc gia, tôi chưa thể đi được”.
Riêng chuyện về TBT
Lê Duẩn thì quả thật tôi phải cám ơn anh chàng “San Hô” này, vì “Bên thắng cuộc” đã cho biết thêm những
điều thú vị về ông.
Còn rất nhiều chuyện
viết về “Bên thắng cuộc”, nhưng có lẽ 4 bài của tôi cũng đã nói lên
được những nét chính. Để kết lại tôi thấy 2 điều cơ bản:
- Vô cớ khơi gợi nỗi
đau người khác, cái điều người ta muốn quên đi, đã là không nên. “Bên thắng cuộc” đã không thế mà lại
còn cắt xén, làm sai lệch bản chất sự việc, bôi xấu nhân phẩm người ta, thì
thật là bất nhân, như trường hợp anh Lưu Đình Triều chẳng hạn.
- Không chỉ dừng lại
ở chuyện xúc phạm cá nhân, gia đình, dòng tộc, mà Huy Đức còn liều lĩnh xổ
toẹt công lao của bao thế hệ quân dân cả nước, những anh hùng liệt sĩ đã hy
sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, khi viết:
“Nhưng không phải chiến trường mà truyền thông
Mỹ đã làm thay đổi nhận thức của người dân Mỹ” về chiến tranh VN.
Thật là ngớ ngẩn, không có chiến trường thì truyền thông Mỹ đưa tin gì?
Rồi:
“Thật khó có thể hình dung điều gì sẽ xảy
ra cho miền Bắc Việt Nam
nếu như không có sự kiện 30-4-1975. Cuộc chiến được nói là để giải phóng miền
Nam
trên thực tế còn có tác dụng mở mắt cho người dân miền Bắc”.
Thật là phi
lịch sử, phi thực tiễn, mới có cái nhìn lộn ngược như thế!
Thực ra hoàn toàn
không phải do ngu dốt mà Huy Đức có cái nhìn khác, mà Huy Đức là người tỉnh
táo bình thường nên hoàn toàn hiểu những lẽ hiển nhiên ở đời. Huy Đức viết
vậy là đã cố tình nói ngược để mưu cầu những toan tính của mình. Rất mong các
cơ quan có chức năng cần có biện pháp thích đáng với Huy Đức. Nếu được tự do
xúc phạm người khác, được tự do lộn ngược và bôi đen lịch sử , kích động bất
ổn của cả xã hội, sẽ không chỉ xúc phạm đến danh dự cá nhân mà còn là nguy cơ
dẫn đến sự mất tự do của cả dân tộc!
Cần phải lên án và
ngăn chặn!
TPHCM
21-1-2013
ĐÔNG LA
|