ĐÔNG LA
“ÔNG KỄNH” TRUNG TRUNG ĐỈNH-
“LỖ THỦNG" NHẬN THỨC VÀ NHÂN
CÁCH
Bên “xóm Hội
Nhà Văn”, sau vụ tôi phát biểu trên diễn đàn Hội nghị Phê bình ở Tam Đảo và
lá thư ngỏ phản đối Hội Nhà Văn đề nghị trao giải thưởng Nhà nước 2016 cho cuốn
“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh,
lại có vụ ồn ào mới, chuyện về hưu của ông nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc
NXB Hội Nhà Văn thuộc HNVVN.
Nhà phê bình, Đại tá Hồng Diệu, nguyên Trưởng ban Phê
bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong bài viết trên báo Tiền phong, đã hỏi
chính Trung Trung Đỉnh chuyện về hưu có phải do Trung Trung Đỉnh viết về chuyện
Hữu Thỉnh từng đi buôn không? Trung Trung Đỉnh trả lời: “Âm ỉ nhiều thứ rồi, không phải từ bài chân dung đó đâu… Ông ý ghét tôi
vì nhiều thứ. Hồi tôi còn ngồi BCH họp cái gì tôi cũng nói thẳng, nói thật. Hôm
trước họp BCH ai cũng ca ngợi ông Thỉnh tốt đẹp, trong sáng, tình cảm, tôi biết
tôi thua rồi nhưng tôi không có ý chiến đấu mà chỉ muốn nói thẳng, nói thật ý
của tôi. Tôi không có nhu cầu xin gì cả”.
Trước đó, Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNV, đã gặp
Trung Trung Đỉnh: “…em thừa lệnh của
đồng chí Chủ tịch, đưa thông báo về hưu của bác…” thì Trung Trung Đỉnh
không chịu, nói: “Tôi thấy quyết định này
không hợp lí, tôi trả lại anh. Anh cứ đem về báo cáo lại với ông chủ tịch đi”.
Theo tâm sự sau đó, Trung Trung Đỉnh hành xử như vậy vì “…nghĩ đến chuyện cơ quan phải tổ chức như thế nào trước khi về cho vui
vẻ. Tự nhiên làm như thế, tôi sốc. Tôi bỏ đi”.
Theo luật nhà nước, Trung Trung Đỉnh đã quá tuổi về
hưu 7 năm, theo “du di” của riêng Hội Nhà Văn thì cũng quá 5 năm, bản thân Trung
Trung Đỉnh cũng “đã làm 3 đơn xin về hưu”,
chính ông cho biết việc ông trả lại quyết định do ông không muốn bàn giao chức
giám đốc cho ông phó là Trần Quang Quý mà theo ý ông phải là người khác. Ông từng
muốn những người thay mình như Nguyễn Bình Phương, Cao Duy Sơn, Sương Nguyệt
Minh. Nhưng Sương Nguyệt Minh cho Nguyễn Văn Lưu là “phê bình chỉ điểm”, tức cho Đảng lãnh đạo đất nước như quân giặc,
sao lại là lựa chọn của Trung Trung Đỉnh?
Như vậy Trung Trung Đỉnh đúng là một “ông kễnh”, đã biến
cơ quan thành vương triều của mình, muốn truyền ngôi thái tử theo ý mình.
***
Còn Nhà thơ Hữu Thỉnh, theo chính Trung Trung Đỉnh,
Hữu Thỉnh nói: “Khi tôi đi làm lí lịch về
đại biểu Quốc hội có mục bạn thân nhất của ông là ai, tôi đã trả lời: Là Trung
Trung Đỉnh. Tôi về nhà con tôi, con tôi hỏi: Bạn thân nhất của bố bây giờ
là ai? Tôi nói: Trung Trung Đỉnh”.
Như vậy với Hữu Thỉnh, tôi thấy những ngày hôm nay
ông đã trở thành nạn nhân của chính lòng tốt của mình. Ông đã gặp rắc rối khi
tốt hết với mọi người mà không phân biệt kẻ xấu, người tốt. Với kẻ xấu, dù ông có
hết lòng nhưng ông không tài nào có thể thỏa mãn hết đòi hỏi của họ được, nên sớm
hay muộn thì cũng sẽ bị phản lại; còn với người tốt, dù có quý ông đến mấy,
người ta cũng không thể đồng tình khi ông tốt với người xấu, tốt với những việc
quá xấu.
***
Riêng với Trung Trung Đỉnh, tôi cũng có một “kỷ
niệm” nhớ đời, một chuyện mà Trung Trung Đỉnh cũng tỏ ra mình đúng là một “ông
kễnh”!
Gần đây trước thực trạng giới tri thức trong đó có
nhiều nhà văn có sự phân hóa mạnh, họ thể hiện những quan điểm lộn ngược cả hệ
giá trị, kể cả lịch sử, đòi thay đổi chế độ, thay đổi hiến pháp. Hành động của
họ thực chất là sự cơ hội, đón gió, trở cờ. Tôi đã phản bác nhiều. Đầu tiên từ
hảo tâm của Nguyễn Quang Thiều muốn giúp tiền in cho tôi một cuốn sách, tôi đã soạn
thành cuốn “Bóng tối của ánh sáng”.
Do bạn bè thấy có giá trị liên quan đến những vấn đề lớn về lý luận nên không
biết dich dắc thế nào, họ đã chuyển bản thảo đến các cá nhân và cơ quan có
trọng trách. Ông Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương
đánh giá cao cuốn sách, ông nói ông thích nhất bài “Các Mác-một tình yêu bao la”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng gọi điện cho
tôi: “Những bài viết của em có sức mạnh
như những sư đoàn”. Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM
một lần gặp tôi cũng nói: “Em cảm ơn anh
vì các bài viết của anh trên Báo VN TPHCM mà em được cấp trên khen đấy!” Vì
thế mà bản thảo sau khi được các chuyên gia xem xét kỹ lưỡng, tôi đã được thông
báo là việc in cuốn sách đã là việc của nhà nước, cả tôi, cả Nguyễn Quang Thiều
không cần phải lo gì nữa! Tôi được biết chính Hội Nhà Văn cũng là “một phần”
nhà nước được giao trách nhiệm in sách của tôi. Nhưng khi một nhân vật trong
ban lãnh đạo đưa sách đến chính Nhà xuất bản của Hội thì đã bị giám đốc là ông
Trung Trung Đỉnh từ chối. Nghe nói ông ta còn viết hẳn một cái đơn phản đối
cuốn sách. Trong một bài tôi đã viết, tôi muốn ông Trung Trung Đỉnh gởi cái đơn
ấy cho tôi, tôi sẽ đăng ngay, để tôi có thể chỉ cho ông ta biết là ông ta dốt
nát như thế nào. Tất cả chỉ vì cuốn sách của tôi đụng chạm nhiều người, phản
bác nhiều chuẩn mực giá trị sai trái, nên nghe nói không chỉ có “thằng Đỉnh” mà
còn có cả một “thế lực” ngăn cản việc xuất bản nó. Dù vậy, dù cũng phải đợi cả
năm trời, nó vẫn được chào đời tại Nxb Hồng Đức thuộc Hội Luật gia VN. Điều này
chứng tỏ có thể cái việc kết bè kéo cánh ngầm bảo vệ nhau và hại người, chủ
quan khụng khiệng xếp đặt chiếu trên chiếu dưới một cách hủ nho vẫn còn, nhưng
không còn được mặc sức tung hoành nữa, vì thời nay là thời của tự do dân chủ.
Cuốn “Bóng tối của ánh sáng” in ra đã được
nhiều người khen ngợi, tìm mua, và được LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ
THUẬT VIỆT NAM
trao giải thưởng năm 2013. Tôi thấy thú vị ở chỗ trường hợp của tôi lại thể
hiện rất rõ tinh thần Hậu hiện đại, chỉ với một trang blog cá nhân, tức “bên
lề”, sáng tác của cá nhân tôi vẫn được “Trung tâm”, tức nhà nước, quan tâm và
trọng dụng.
Điều đó chứng tỏ Trung Trung Đỉnh, vì thiển cận cả
trình độ lẫn thiên kiến, khi chống lại việc xuất bản cuốn sách của tôi, đã thể
hiện mình là một công chức nhà nước, một đảng viên vô kỷ luật, ngông ngạo, bất
tuân thượng lệnh, từ trực tiếp là Hội Nhà Văn đến các cấp cao hơn!
Về cái tính “ông kễnh”, không chỉ mình tôi nhận thấy
mà còn có Trần Trương cũng viết về Trung Trung Đỉnh sao mà đúng, mà hay đến thế:
“… tôi nhận
thấy lãnh đạo Hội Nhà Văn VN còn hữu khuynh, cả nể và đôi khi còn nuông
chiều một số nhà văn có tính “Chí Phèo” hay mà cả, đòi hỏi những cái vô
lối … ông Trung Trung Đỉnh nay đã 67 rồi khi nhận quyết định nghỉ hưu vẫn còn
thắc mắc: “Bất ngờ quá”!!!... Lâu nay Ông Đỉnh mắc bệnh trọng, lãnh đạo Hội rất
quan tâm, bạn bè cũng thông cảm, nhưng hình như ông vẫn bực bội gì đó chăng? …
nhận quyết định về hưu thì hãy về hưu, cay cú làm gì! Việc sắp xếp tổ chức nhân
sự đã có Ban chấp hành Hội và Đảng bộ, lãnh đạo Hội lo. Việc triều đình không
cần đến gái góa!”
***
Tính “ông kễnh” có thể là lỗ thủng về nhân cách của
Trung Trung Đỉnh. Chưa hết, Trung Trung Đỉnh còn có “lỗ thủng” về nhận thức
nữa. Trung Trung Đỉnh từng viết bài “Nhà
văn Nguyên Ngọc, con đẻ của Cách mạng”; rồi trong một bài, Nguyễn Quang
Tuệ đã viết: “Không ai, cái gì có
thể làm cũ Nguyên Ngọc, kể cả thời gian! Đó là khẳng định của nhà văn Trung
Trung Đỉnh trong lời phát biểu vo mà khúc chiết của ông tại buổi TRÒ CHUYỆN VỚI
NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC, Pleiku, hôm qua, 4/9/2012”.
Viết như trên Trung Trung Đỉnh hoàn toàn mù tịt về
Nguyên Ngọc.
Khi phất cờ đổi mới, Nguyên Ngọc lăng xê văn chương
Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh,…, cho đăng “Hãy
đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn chương minh họa” của Nguyễn Minh Châu
như tuyên ngôn, nghĩa là không chỉ “làm
cũ” mà chính Nguyên Ngọc đã “ai điếu”
luôn cho sáng tác “minh họa” của mình. Còn Trung Trung Đỉnh gọi Nguyên Ngọc là
“con đẻ của cách mạng” thì thật buồn
cười, vì từ khi bị thất sủng, đứa con ấy đã thành quái thai từ lâu rồi!
Ngay gần đây Nguyên Ngọc đã liên tục không ngừng
nghỉ nói những điều lộn ngược. Ông ta cho chúng ta trong chiến tranh đã nhìn
sai về sự xâm lược, cho sự căm thù giặc là “không
bình thường”; rồi cho dạy lịch sử không nên “bồi đắp chủ nghĩa yêu nước” nữa vì bị chính trị hóa! Không nên ca
ngợi các Bà mẹ Việt Nam anh
hùng quá vì sẽ đau lòng các bà mẹ lính VNCH! Có chuyện Nguyên Ngọc còn quá sai
như về ông Bob Kerrey. Nguyên Ngọc bảo, bản thân ông Nguyên Ngọc cũng như bộ
đội ta đã núp vào dân, tức lấy dân làm bia đỡ đạn, nên ông Bob Kerrey giết Việt
Cộng tất phải giết dân thôi. Ông Nguyên Ngọc tự thấy ông ấy và bộ đội ta cũng
có tội như ông Bob Kerrey. Có một Blogger tên là Thiên Lý viết là ông Nguyên
Ngọc đã dùng miệng lưỡi xảo quyệt của mình liếm sạch máu dân lành dính trên
giày của ông Bob Kerrey.
Theo chính những nhà văn quân đội mà Trung Trung
Đỉnh biết rất rõ, Nguyễn Bảo, nguyên tổng biên tập TC VNQĐ, cho biết hồi chiến
tranh Nguyễn Chí Trung làm bí thư còn Nguyên Ngọc làm trưởng ban Ban văn học
Cục chính trị Quân khu V. Hai người từng gắn bó với nhau như bóng với hình.
Nhưng rồi sau này hai người đã khác nhau. Nguyên Ngọc ca ngợi những sáng
tác "Đổi mới quá khích",
muốn đất nước đi theo con đường khác. Nguyễn Chí Trung phản đối
kịch liệt những ai viết sai về chiến tranh. Theo Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyên Ngọc nói với tôi nhiều lần: “Chế độ này
thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết
nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào”. Nguyễn Chí
Trung nói: “Có người bảo chậm nhất là 10
năm nữa, Chủ nghĩa xã hội sẽ không còn ở Việt Nam . Sợ tôi không sống được đến 10
năm nữa, nhưng nếu tôi chết mà lời nói kia là sự thật, xin các người cứ
đái vào mộ tôi”.
Về tri thức, Trung Trung Đỉnh còn ca ngợi Nguyên
Ngọc hết lời như sau:
“Ông không chỉ là nhà văn
sáng tác mà ông còn là một nhà nghiên cứu văn học với một năng lực nhạy cảm và
một kiến thức uyên bác ít có… Ông nghiên cứu các nhà cổ điển như một nhà thần
học nghiên cứu các kinh sách và ông tiếp thu những tư tưởng mới nhất của thời
đại mình trên cái nền ấy”.
Trung Trung Đỉnh với tư thế: “Gặp ông, bắt chuyện được với ông, tôi luôn luôn ở trạng thái một cậu
lính nghe thủ trưởng của mình truyền đạt kiến thức, truyền đạt ý tưởng” tất
phải nghĩ như vậy. Có điều nếu Trung Trung Đỉnh có được hiểu biết bằng một phần
nhỏ của tôi thôi sẽ thấy Nguyên Ngọc chỉ là một người làm dáng trí thức, thích
khoe hiểu biết, luôn ảo tưởng đắm chìm vào những tri thức cao xa mà thực chất
ông không hiểu gì cả. Nội dịch nhan đề cuốn sách đã sai be bét. Với cuốn “Le Degré zéro de l'écriture suivi de
Nouveaux essais critiques” của Barthes, “Độ không” ở đây Barthes biểu đạt thái độ vô cảm của nhà văn đối với
xã hội, vậy mà Nguyên Ngọc đã dịch là “độ
không của lối viết”, một điều vô
nghĩa. Vậy mà không ít kẻ dốt xúm lại tùng beng tung hô. Về cơ sở triết học của
lý luận văn học, Nguyên Ngọc si mê rồi truyền bá tư tưởng của Kundera, trong
khi Kundera lấy Hiện tượng học làm
cơ sở triết lý cho văn chương của mình, coi ý thức của “cái Tôi” là nguyên lý
cao nhất của nhận thức, một triết lý duy tâm chủ quan, cái nền để mọc lên Chủ
nghĩa Hiện sinh và Chủ nghĩa Thực dụng nhiều nổi loạn, sai trái. Vì vậy tư
tưởng nghệ thuật của Kundera cũng ngược với tư tưởng của Barthes nói ở trên,
nghĩa là Nguyên Ngọc “đếch” biết gì nên mới sùng bái hai cái ngược nhau!
Ông thầy Nguyên Ngọc như vậy chả trách gì ông trò
Trung Trung Đỉnh cũng “đếch” biết gì, cũng viết ngược thật buồn cười trong đoạn
sau đây:
“Những cây bút của thế hệ
mới nhanh chóng xuất hiện và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả
như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... Có thể nói họ là những gương mặt sáng
giá, với những giọng điệu khác nhau, họ không phải là các tác giả hoàn toàn
mới, nhưng sự nở rộ của họ tạo nên một không gian mới trong đời sống văn học.
Văn chương bỗng trở nên có giá, được mùa bởi luồng gió đổi mới của Đảng gặp
lòng dân náo nức đón chào”.
Bởi ai cũng đổi mới như Thiệp, như Hoài thì làm sao
mà còn Đảng được? Thật e ngại cho nền văn chương khi có một giám đốc NXB của
Hội Nhà Văn lại khụng khiệng và dốt nát đến thế!
25-8-2016
ĐÔNG
LA