ĐÔNG LA
NHÂN “VỤ GIẾT
LÃNH ĐẠO YÊN BÁI” NHỚ LẠI TRAO ĐỔI VỚI NGUYỄN TRUNG VỀ SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Dường như tất cả những vấn đề của xã hội Việt
“Ông
giám đốc chọn một biệt thự sang trọng 2 tầng lầu, nhà của ông chủ cũ … Rồi
ông phân phát bổng lộc cho thần dân: Nhà cửa, chức vụ, lương bổng… Đã có một
triều đình nhỏ được thiết lập ở nơi đây. Tôi từng tưởng chỉ có nơi này mới như
thế. Nhưng sau này, khi chuyển đến một vài cơ quan khác, tôi cũng lại gặp như
vậy. Ở đó, cũng có những ông vua con, có quyền ban phát và sinh sát. Khi có
quyền, họ đã coi cơ quan nhà nước là của nhà mình. Liệu có phải, còn có một điều
gì đó chưa hoàn thiện đã tạo đất sống cho những con người này, những người đã
chung sức làm cản bước tiến của xã hội, gieo tai ương cho những lương dân”;
“Có hai loại người, một loại sống
vì công việc, bị công việc nó cuốn vào. Cậu thấy đấy, làm được việc gì đó cho
tử tế có phải dễ dàng đâu. Còn một loại thì không có chuyên môn gì, sống
không vì công việc gì. Vì thế, họ không có một niềm say mê nào cả, nhưng lại
lắm tham vọng. Không có khả năng mà lại tham vọng, tất sẽ sinh thủ đoạn, sẽ hại
người thôi. Tiếc là bọn này lại thành đạt khá nhiều trong cuộc đời. Đó chính là
những người có quyền có chức nhưng lại làm việc bằng đầu óc người khác. Vì lợi
ích cá nhân, họ sẵn sàng làm mọi chuyện…”
Hôm nay nhân vụ ở Yên Bái, hiện tượng
một Bí thư tỉnh, bị bắn, một dấu hiệu mang tính maphia cực kỳ
nguy hiểm, tôi nhớ tới bài đã viết (đã in trong cuốn Bóng tối của ánh sáng) trao đổi với ông Nguyễn Trung, về sự lãnh đạo
của Đảng. Hồi này Nguyễn Trung viết phản biện rất thẳng thắn nhưng vẫn còn có
tinh thần xây dựng. Đầu tiên ông viết một bài “Thời cơ vàng”, rồi để đối thoại với rất nhiều ý kiến phản hồi, ông viết tiếp mấy bài nữa.
Cần phải thấy “Vụ yên Bái” xảy ra như
một cảnh báo việc “chỉnh đốn” cần phải làm quyết liệt, thực tế và hiệu quả hơn
nhiều nữa, bởi nguy cơ không chỉ vô hình mà đã là hữu hình, là máu đổ.
Xin trích đăng một phần bài viết
sau đây.
23-10-2016
ĐÔNG LA
|
Năm 2002, tôi nhận được một cú điện
thoại của nhà văn Bùi Bình Thi nói là lát nữa sẽ có ông Nguyễn Trung, từng là trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, gọi điện thoại làm quen. Tôi ngạc nhiên, một người vô địa vị như mình sao
lại có được diễm phúc thế! Thì ra sau khi đọc bài của Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn
học) giới thiệu cuốn phê bình “Biên độ
của trí tưởng tượng” của tôi trên báo Nhân
dân, ông đã đi các hiệu sách ở Hà Nội tìm mua không được, muốn xin tôi một
cuốn. Tôi đã đáp ứng ngay. Rồi sau khi đọc kiểu “ăn sống nuốt tươi” (theo thư ông viết) và thấy tôi có thể “chọn mặt
gởi vàng” được, ông gửi tặng tôi cuốn tiểu thuyết đầu tay của chính ông, nhờ
tôi góp ý để viết cuốn sau, “cuốn để đời”, cho tốt hơn. Tôi đã viết thư khuyên
ông hãy tận dụng ưu thế của một người từng trải, lại ở cương vị biết nhiều
chuyện đại sự của quốc gia, với cái đầu cố vấn thủ tướng, hãy nâng tầm tư tưởng
văn chương của ông lên, và tôi đã hỏi ông: “Liệu
anh có dám xả thân không?”. Sau kỳ tâm giao điện thoại, thư từ, thăm nom
ngắn ngủi ấy, cái khoảng cách địa lý và tuổi tác, cộng với bao công việc cơm áo
gạo tiền bộn bề cứ cuốn đi, đã làm tôi gần như quên ông và ông chắc cũng vậy...
Và rồi hôm nay, cái tên Nguyễn Trung quen quen, tác giả một số bài viết góp ý
cho Đại hội X của Đảng trên báo Tuổi trẻ, bỗng vụt sáng lên như một ngôi
sao ca nhạc thời thượng. Phải đến tận
khi nhìn ông trên tivi, trí nhớ tôi mới thức dậy, thì ra lại là một “cố nhân”,
và tự hỏi có phải “ông bạn già” đã xả thân rồi
không?
Về
tầm quan trọng của tự do dân chủ, Nguyễn Trung viết: “Động lực và sức mạnh để chiến thắng... Đó là phát huy tự do dân chủ
để giác ngộ được sự lạc hậu”.
Về điều này, tôi thấy, có một xã hội
văn minh nào không muốn tự do dân chủ với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Có điều
thực hiện được tự do dân chủ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân chúng và
trình độ tổ chức xã hội. Người lãnh đạo có đầu óc luôn thận trọng tính đến sự
cân bằng giữa tự do dân chủ với sự ổn định. Nếu thực thi tự do dân chủ mà phá
vỡ thế cân bằng ấy sẽ đẩy đất nước đến chỗ xáo trộn, đổ vỡ, huynh đệ tương tàn.
Tự do dân chủ như các nước tiên tiến với nhóm nhỏ trí thức ở ta có thể là điều
cấp thiết, nhưng với một nền sản xuất nhỏ yếu và lạc hậu, lại thường trực đối
đầu với thiên tai dịch hại, nhiều nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại còn chưa đủ,
thì với đại đa số dân lao động Việt, cái tự do dân chủ ấy dường như còn quá lạ
lẫm và xa xỉ. Ngay những nước quanh ta với nền kinh tế mạnh hơn, đã bao năm
thực hành tự do dân chủ, nhưng chính trường của họ vẫn chưa một ngày bình yên.
Sự giải tán quốc hội Thái Lan, sự thiết quân luật ở Philipin trong chính những
ngày hôm nay là những ví dụ cụ thể nhất. Cuộc chiến Iraq lật đổ chế độ độc tài
gia đình trị xem ra có lý, nhưng kết thúc đã lâu, đến nay máu vẫn chưa ngừng
đổ; duờng như dân Iraq thích sự độc tài hơn là tự do dân chủ, nên vẫn cứ dùng
bom tự nổ xác mình để phản đối. Còn cuộc bầu cử mới đây của Palestin cũng có
thể là một bài học nhãn tiền cho các nước phương Tây về kết quả ngược của việc
thực thi dân chủ, khi họ phải bỏ bao công sức tiền của, nhưng dân Palestin lại
bầu những người lãnh đạo, mà theo họ, là những kẻ khủng bố!
Những bài viết của ông bao quát nhiều
vấn đề,. Ông cho “kẻ thù nguy hiểm nhất” đối với vai trò lãnh đạo của
Đảng là “sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất”; tiêu biểu nhất cho sự
hẫng hụt về về phẩm chất của Đảng là “tệ nạn quan liêu tham nhũng và tiêu
cực”. Ông thấy: “Khắc phục
những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống không dễ, vì nó đối kháng quyết liệt
với quyền lực và quyền lợi”. Ông thấy đó chính là nguyên nhân dẫn đến nguy
cơ: “Nếu để cho những kẻ làm giàu bất chính câu kết với sự tha hóa trong hệ
thống quyền lực tiếp tục lũng đoạn xã hội theo “văn hóa” riêng của họ, thì mọi
người tài đức chân chính và mọi thang giá trị xã hội đều có nguy cơ bị lộn
ngược”. Và ông đã đưa ra lời giải: “Lời giải thật ra phần lớn đã nằm
trong tầm tay của Đảng: hiến pháp, điều lệ Đảng và nhiều bộ luật hiện hành khác
của Nhà nước!”, “Hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta chưa thể nói là hoàn
chỉnh, nhưng khá đầy đủ, cái khó nằm ở chỗ việc thực thi pháp luật nhiều khi
bóp méo hoặc vô hiệu hóa pháp luật hoặc các thể chế tốt”. Vấn đề đa nguyên chính trị và những
yếu tố cơ bản để Đảng Cộng sản giữ được vị trí của mình, ông viết: “Dù là hệ
thống chính trị chỉ có một đảng, yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng không
phải là bảo hộ vị thế độc quyền của nó, mà trước hết và duy nhất là nâng cao
phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó. Không có phẩm chất và năng lực ngày một
nâng cao này, thì dù có độc quyền tới mức chuyên quyền độc đoán như thế nào
chăng nữa, số phận diệt vong của nó đã được cài đặt sẵn như một lẽ tất yếu ngay
trong cái chuyên quyền độc đoán này. Nguy cơ nằm trong sự cài đặt này chứ không
phải trong nguy cơ đa nguyên”.
Theo ông: “Chỉ cần Đảng đặt lợi ích
quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, phát huy tự do dân chủ trong Đảng để
phát huy tự do dân chủ trong cả nước”; “thực hiện thật tốt công bằng dân
chủ văn minh trong toàn bộ đời sống của đất nước ”.
Riêng ý cuối cùng rất quan trọng này,
những yếu tố đảm bảo cho phẩm chất của cán bộ Đảng viên, ý của Nguyễn Trung quá
đúng rồi, nhưng nó mới chỉ là những mong ước lý tưởng, vẫn là “hô
khẩu hiệu”. Cái khó là làm sao có thể biến những
điều đó thành hiện thực, để mỗi người có chức có quyền có thể thực hiện thoải
mái việc “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết” mà không phải gồng mình
hoặc ép xác như những ông thánh mới có thể thực hiện được. Thời chiến tranh,
trước vấn đề còn mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều trở thành nhỏ
bé, người ta rất dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh
nhân, nhiều chiến sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống
trong hòa bình ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước
sức mạnh vật chất con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Bởi trong hòa bình, sự
thành đạt trong cuộc sống: nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, phú quý song
toàn... là những đích không ai không nhắm tới. Vậy làm sao đây khi đồng lương
của cán bộ ở ta thực chất rất thấp. Vậy là ai ai cũng phải “tự cứu lấy mình”, tìm mọi cách để kiếm
thêm. Trong muôn hình vạn trạng của cái việc kiếm thêm ấy, ranh giới giữa những
việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Tiền bất chính lại rớt vào
túi dễ như nước chảy xuôi, trái lại, kiếm được đồng tiền chính đáng phải đổ mồ
hôi sôi nước mắt. Khi làm điều bất minh người ta dễ tự nhủ, mọi người đều làm
thế thì tội gì ta không làm. Đó chính là cái cơ chế dẫn đến quốc nạn tham
những. Sự tham nhũng hiện tại đã trở thành có phương pháp, có quy trình, có liên
minh, liên kết chặt chẽ, lan rộng khắp trên mọi lĩnh vực đời sống. Từ những cơ
quan sức mạnh như quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát,
thanh tra; từ những bộ ngành chủ yếu như công nghiệp, nông nghiệp, thương
nghiệp, giao thông, xây dựng, ngân hàng; đến các ngành kinh tế quan trọng như
điện, nước, dầu khí, thủy sản... Trước nạn giặc nội xâm vô cùng lớn này, vũ khí
chống lại là pháp luật lại như bị trói, bởi những người thực thi pháp luật cũng
nằm trong chính cái cơ chế đó, và hơn nữa nó cũng lại không được độc lập mà bị
phụ thuộc, chịu sự lãnh đạo, không được tự do thực thi chức trách. Vậy cái bài
toán này có lời giải không? Có lẽ lại phải đọc lại Mác thôi, con người ta vật
chất không đầy đủ thì ý thức sao tốt được; các cụ cũng nói có thực mới vực được
đạo mà. Vậy phải có biện pháp sao đó để biến tất cả những đồng tiền “đen” thành
đồng lương chân chính, phân chia theo đúng nguyên lý “không sợ hàng thiếu chỉ
sợ phân phối không công bằng”, như thế đồng lương sẽ có thể đủ cho mọi người
yên tâm làm tốt những trách nhiệm. Phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái
phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người, phải đề ra các biện pháp để ngăn
chặn; phải thấy ai cũng vì mình trước mới vì mọi người; quan chức là cấp trên
chứ không phải là đầy tớ, họ phải có đặc quyền đặc lợi gắn liền với trọng
trách; Đảng lãnh đạo nhưng là tổ chức ở trong chứ không phải ở trên xã hội, nên
trước pháp luật cũng bình đẳng như bất cứ một tổ chức nào khác; các nhà lãnh
đạo là công chức cao cấp; cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức
trong đạo giáo và sách luân lý, không cần phải làm theo những khẩu hiệu cao xa
mà chỉ đơn giản là ai làm tròn trách nhiệm nấy và thực thi đúng pháp luật. Được
thế thì độc đảng hay đa đảng cũng chỉ là phụ. Thậm chí, với một cơ chế hợp lý,
bộ khung pháp luật vững mạnh, chỉ cần vài tay lái có trình độ và bản lĩnh thôi,
con tầu đất nước vẫn đủ sức băng qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống, tiến
thẳng đến đích “dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
TP Hồ Chí Minh, 28-2-2006,
(Đã có sửa)