SỰ TUNG HÔ SAI TRÁI VỀ CUỐN “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH”
Bài trước tôi đã “chứng minh”, Thụy Khuê là một “Nhà phê bình Văn học Ngụy” tất sẽ có cái nhìn ngược về Cuộc Kháng chiến Giải phóng Dân tộc. Và chỉ có dưới trướng của Chủ tịch HNV Nguyễn Quang Thiều, người từng tâng bốc "Nỗi buồn chiến tranh" là "chạm vào mẫu số chung nhân loại", mới có chuyện bạn Tien Pham cho tôi biết: “Báo Văn Nghệ tạo diễn đàn cho bà Thụy Khê ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh lên tận mây xanh”. Trước đó, Nhà Văn Trúc Phương từng cho biết Nguyễn Quang Thiều “đã rất phấn khích cướp quyền duyệt bài của TBT báo (Văn nghệ) để cho in sớm truyện ngắn “Ba viên xá lợi” của Phạm Lưu Vũ. Đó là truyện ca ngợi một tên sĩ quan Ngụỵ như thuộc đội quân nhà Phật, đã từ bi, vị tha cứu chữa cho kẻ thù (một chiến sĩ Giải phóng), rồi 30-4-1975 đã tự sát vì không chấp nhận “Việt Cộng” chiến thắng.
Với “Nhà Phê bình Ngụy” Thụy Khuê lần này viết gì trên Văn nghệ tôi chưa đọc, nhưng năm 2016 tôi đã đọc bài Thụy Khuê viết về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” tận từ năm 1992 trên trang http://thuykhue.free.fr/stt/b/baoninh.html. Thụy Khuê cho rằng, Kiên (một bộ đội, nhân vật chính) đã xả thân làm người hùng, tiêu phí cuộc đời trong nghĩa vụ, trong tàn sát, trong chiến thắng, trong sống sót trở về; để rồi không bao giờ thoát khỏi nỗi cô đơn, lạc loài, yếu đuối…”; “Người ta cuống cuồng xông vào chiến tranh, xông vào lý tưởng, xông vào những đỉnh cao cuộc đời như những con thiêu thân thèm khát máu đèn, loá mắt, loạn thần vì "cao cả"”; v.v…
Thụy Khuê đã viết rất đúng nội dung Nỗi Buồn Chiến Tranh mà Bảo Ninh đã viết, nhưng với cách nhìn của một “nhà phê bình Ngụy”, thờ giặc làm cha, làm văn nô cho quân xâm lược, thì Thụy Khuê đã đánh giá sai hoàn toàn về giá trị tác phẩm. Thụy Khuê đã mù điếc trước bản chất của cuộc kháng chiến của dân ta đánh đuổi ngoại xâm, giành lại chủ quyền đất nước, nên đã không thấy Bảo Ninh viết vậy là xuyên tạc sự thật.
Bảo Ninh viết nhân vật chính sau chiến tranh đã bị tuyệt diệt tình yêu cuộc sống, nhưng Thụy Khuê lại viết ngược lại là trong cuộc đối đầu giữa chiến tranh và tình yêu thì tình yêu đã chiến thắng, và cũng ca ngợi Bảo Ninh ngược thế này: “thái độ lạc quan đến tuyệt diệu ấy của tác phẩm, mấy ai đạt được?”
Cũng vì Thụy Khuê đã mù lương tri, mù đạo lý nên đã xuyên tạc một cách ngu xuẩn khi viết về nền văn học trong nước: “Nghệ sĩ và tác phẩm có thể tồn tại được trong một môi trường bảo thủ, lấy khủng bố làm khí giới đương đầu với nghệ thuật, ưa khai tử cái mới, thích hành quyết cái lạ, không ưng thám hiểm những vùng chưa biết mà chỉ thèm thuồng nhai lại những ợ chua trong thực quản của chính mình, ròng rã hơn nửa thế kỷ rồi mà chưa thấy chán?”
***
Chính Bảo Ninh như đã “vả vào mồm” Thụy Khuê, đã thừa nhận mình xuyên tạc sự thật khi viết “Nỗi buồn chiến tranh”: “Tôi không muốn viết theo một cái “tông” có sẵn”, nên: “Những gì tôi viết trong cuốn sách này, tôi cũng đã nói rằng nó không hoàn toàn là sự thật”. “chiến tranh tóm gọn lại là sự chết chóc, hủy diệt. Tôi nghĩ thế là quyền của tôi, và có người phê phán, tôi thấy cũng chẳng sai”; “cách viết của tôi về chiến tranh khác với các nhà văn khác” (http://www.Baodatviet.vn/Utilities/ PrintView.asp x?ID=9840).
“Cái khác” của Bảo Ninh khi viết chính là: nếu thời chiến đa phần thanh niên nhập ngũ theo lý tưởng giải phóng dân tộc, giành lại chủ quyền đất nước thì nhân vật Kiên của Bảo Ninh ra đi với lời dặn của cha là: một người sinh ra là “để sống, để nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là hy sinh nó”, “mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy” (Nỗi buồn chiến tranh, NXb Hội Nhà văn, 1991, tr.61); Bảo Ninh chỉ viết toàn cái xấu của đội quân cách mạng. Hình ảnh “anh chiến sĩ giải phóng” trong “Nỗi buồn chiến tranh” là: Hiếp dân lành (chuyện cô Phương bị hiếp tập thể trên tầu) (tr.243) ; hành lạc tập thể (giữa phân đội trinh sát với 3 cô gái trong khu trại tăng gia huyện đội) (tr.31); bài bạc, hút xách (hút hồng ma), trốn chạy, đào ngũ (nhân vật Can), tàn sát tù binh (tr.42), v.v…
Tôi (Đông La) cũng từng là lính chiến, những điều “đi dân nhớ ở dân thương”, “không lấy cái kim sợi chỉ của dân”, “vì nhân dân quên mình”, v.v… không chỉ là những khẩu hiệu suông mà là quân luật. Nên những điều Bảo Ninh viết hoàn toàn là xuyên tạc sự thật.
***
Trước Thụy Khuê, Nguyên Ngọc cũng từng tâng bốc hết lời “Nỗi buồn chiến tranh”: "Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình”. Viết vậy, Nguyên Ngọc đã hoàn toàn bịa đặt, nói sai hoàn toàn về “Nỗi buồn chiến tranh”. Bởi “Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn sách viết về sự chấn thương tâm thần của một người lính giải phóng đã trải qua một cuộc chiến tàn khốc, và khi trở về, đã đổ vỡ hoàn toàn niềm tin. Vì thế hoàn toàn không có chuyện “tìm lẽ sống” và “chiến đấu lại” như Nguyên Ngọc huyên thuyên mà chỉ có chuyện nhân vật Kiên luôn “dầm mình trong rượu” và “viết văn” xuyên tạc sự thật.
Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Gần đây nhất… Dennis Mansker… khi đọc Nỗi buồn chiến tranh. … ông choáng váng và xúc động. Ông viết: "Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến…”. Tôi đã viết: “Sau chiến tranh, có thể có những chấn thương thần kinh về bệnh học, còn chấn thương tinh thần mang tính ý thức hệ để rồi tuyệt diệt niềm vui sống, như Bảo Ninh viết, chỉ là vô cùng hãn hữu. Bản thân cựu lính chiến Bảo Ninh cũng còn rất khôn ngoan, chẳng có “tê liệt” cái quái gì hết, không hiểu vì cái gì mà ông ta viết để cho người ngoài hiểu đồng đội của mình “tê liệt hết nhân tính” như một lũ súc vật vậy?!” Đến hôm nay thì tôi có thể tự trả lời, đó là “vì tiền”. Sự thực, Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh” như rửa mặt cho sự thất bại của Mỹ tại VN, nên đã được Mỹ thưởng số tiền rất lớn.
***
“Nỗi buồn chiến tranh” với tên “Thân phận tình yêu” để luồn lách mới được in lần đầu năm 1990 tại NXB Hội Nhà Văn. Năm 1991, khi cuốn sách được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, dư luận đã phản đối dữ dội, đặc biệt là những sĩ quan quân đội. Tạp chí Cộng sản đã đăng bài của TRẦN DUY CHÂU có đoạn:
“Bằng sự bôi nhọ sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ta, Bảo Ninh không chỉ xúc phạm đến những người đang sống … còn muốn giết chết hẳn những người đã vĩnh viễn nằm xuống để cho “dân tộc quyết sinh”… Đó là sự khai tử của một ngòi bút quá nhẫn tâm đã coi họ là vật hy sinh mù quáng cho những cuồng vọng của con người”. (Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 10 (tháng 10-1994)
Trước tình hình đó, Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN hồi đó đã phải tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, còn in trên báo Công an TPHCM số 478, ra ngày 13-9-1995.
Nhưng rồi chuyện kỳ lạ về “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn chưa dứt, năm 2016, Ban Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam lại nhất trí 100% đưa “Nỗi buồn chiến tranh” vào danh sách đề cử xét “Giải thưởng Nhà nước”. Khi “Nhà nước” đã loại tác phẩm sai trái và tải “tà đạo” này thì theo https://www.tienphong.vn/, 17/07/2016, “đã làm giới văn chương choáng váng”. Quả thực, nếu đúng như tờ báo tienphong viết thì theo tôi “giới văn chương” đã hoàn toàn mất trí! Những người có trọng trách của Hội Nhà Văn Việt Nam, khi đề nghị nhà nước tôn vinh cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” xuyên tạc, bôi đen cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, họ đã nghĩ thế nào về những anh hùng liệt sĩ và lịch sử đất nước? Là những người lãnh đạo văn chương, luôn huyên thuyên đủ đường về những điều cao sâu, huyền diệu của văn chương, khi đề nghị nhà nước tôn vinh cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”, họ đã hoàn toàn không hiểu giá trị đích thực của một tác phẩm văn chương!
Tiêu chuẩn cao nhất để xác định giá trị của một tác phẩm văn chương hiện thực, nhất là lại phản ánh lịch sử, chính là tái hiện được sự thật. Thứ hai, người cầm bút nào cũng phải hiểu là “Văn chương phải tải đạo”. Với “Nỗi buồn chiến tranh” đã xuyên tạc sự thật thì tải được “đạo” gì? Có chăng chỉ có thể là tà đạo mà thôi!
***
Trên báo điện tử Bình Phước, 06/10/2019, có bài “Xét lại lịch sử” đã phê phán Bảo Ninh:
“… Bảo Ninh - tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh”, khi trả lời phỏng vấn trong tập 9 bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lyun Novick, nói về giai đoạn từ tháng 5-1970 đến tháng 3-1973, đã phát biểu … đó là một cuộc nội chiến”. (https://baobinhphuoc.com.vn/.../xet-lai-lich-su---am-muu...)
Về đích danh chữ “nội chiến”, Nhà sử học Frances FitzGerald viết:
"Chiến thắng của họ (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) là chiến thắng của dân tộc Việt Nam - người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến".
Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong buổi phỏng vấn với CNN và trong sách "Những Bí mật về Chiến tranh Việt Nam" đã viết:
"... Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", như nó đã không là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ... Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta (nước Mỹ) công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lược của Mỹ".
9-8-2024
ĐÔNG LA