Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

BẠN BÁC SĨ

 BẠN BÁC SĨ

Nay lại cuối tuần, lại viết mấy câu ngẫm ngợi về cái sự đời.
Cái bài “Đám đông” vừa rồi có đến 5 ông, bà bác sĩ vào bình luận, trong đó có Bác sĩ Phạm Quang Trung, nên tôi đã trả lời Trung: “Không hiểu sao bạn fb của tôi nhiều bác sĩ, ít nhà văn”. Phạm Quang Trung: “Nguyễn Văn Hùng, cụ có những bài viết súc tích, sâu sắc về một số vấn đề xã hội, văn học với các giải quyết trực diện mà giới BS quan tâm nhưng ít bình vì nhiều lý do”.

Tôi nhớ có lần một nữ BS quân y đọc loạt bài tôi viết về ngày 30-4 như kêu lên với ý, tôi là người viết “hay nhất trên đời”. Bạn fb thì cũng là bạn, có khi còn đồng cảm, thân thiết hơn bạn ngoài đời, nên tôi có hỏi cô BS vài ý giao tiếp thông thường, cô trả lời là quân đội có những quy định, nên không trả lời. Không biết đó có phải là “nhiều lý do” mà BS Phạm Quang Trung viết không? Tôi nghĩ do tính cách của người ta là chính, ngoài “bí mật quân sự”, còn có vô vàn chuyện người ta có thể chuyện trò với nhau. Có người đọc để biết, thích cũng lặng, mà không thích cũng im, ngược lại có người cởi mở, thích giao tiếp. Như BS Hoa Huynguyen là người đồng cảm với tôi nhiều vấn đề cao sâu mà tôi viết về những lĩnh vực khác nhau, cả về văn chương, khoa học, lẫn Phật giáo. Hoa Huynguyen từng khen hết cỡ bài thơ dài “Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu” của tôi:
“Bài này để đời chứ không để lĩnh giải. Sách giáo khoa Văn 12 và sách Giáo dục công dân không biết bài này là lỗi lớn. Cảm xúc. Tư tưởng. Tiên tri. Tầm vóc. Tổng luận. Khải hoàn. Mở ra suy tư. Đọc lại vẫn cứ mới và cứ lôi cuốn. Nên là bài thơ tiếng Việt lớn nhất thế kỉ 20”; “Đoạn 2, chỉ 6 dòng, như 1 Lược sử xứ sở. 2 đoạn lại tràn ngập văn chương. Như 2 Thánh Thi!”
Tôi từng được Chế Lan Viên đọc chùm thơ đầu tay, không chỉ khen mà ông còn đề nghị trao giải cho tôi trong một cuộc thi, cứ nghĩ được cỡ CLV khen rồi thì còn cần ai khen nữa, nhưng không phải vậy, sau đó nhiều người khen, và đến Hoa Huynguyen khen như trên thì tôi cũng rất thích.


Lại nhớ, trong đám giỗ ở nhà ông Triệu Xuân, có hai ông thuộc “chiếu trên” là Nguyễn Quang Sáng và Bằng Việt, nhưng GSTS BS Nguyễn Huy Dung (em hai nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái, từng có trong e kíp chăm sóc sức khoẻ Bác Hồ) cứ oang oang ca ngợi bài thơ trên của tôi, coi hai vị kia như không có mặt. Còn BS Bùi Quốc Trị cũng hay vào khen “Nhà Văn Đông La”, còn cho là một “nhà tư tưởng”; v.v… Một đời viết có được những đồng cảm của những độc giả trí thức như vậy kể cũng thú vị.
***
Kỳ này BS Hoa Huynguyen vào thảo luận: "... nhiều bác sĩ", có lẽ là vì BS thì xác suất có bản năng thiện lương cao hơn, và thói quen đề cao sự thật và tư duy lí tính…”. Tôi trả lời góp vui: “Hoa Huynguyen, vì đậu BS phải điểm cao, thông minh, nên thích người thông minh”.
Kỳ này, BS Phạm Quang Trung vào bàn luận sôi nổi nhất: “Nguyễn Văn Hùng , vâng, xưa nay Triết học, Tôn giáo là những lĩnh vực rất khó, ít người hiểu thấu đáo cụ ợ!” Từ chuyện của Nguyen Leanh học giỏi toán nhưng cho Đạo Phật là “lừa đảo”, tôi trả lời: “ Bạn biết tại sao không? Do học vẹt. Học càng giỏi có khi càng vẹt, coi thầy giảng, sách vở là cao nhất, duy nhất, trong khi thực tế mới là người thầy cao nhất. Như trong vật lý lý thuyết, có chuyện các nhà bác học nghĩ một đằng nhưng thực tế thí nghiệm lại khác, như đo vận tốc ánh sáng, phát xạ năng lượng... Khi họ tìm hiểu để giải quyết thì những phát minh đã ra đời. Thuyết Tương đối, Cơ học lượng tử đã ra đời từ đó. Với tâm linh, nếu khách quan tìm hiểu, không bị giam trong vũng tri thức của mình, sẽ thấy vô vàn chứng cớ chứng tỏ có thế giới tâm linh, ngoài tầm với của khoa học. Nhưng không vì thế mà nó không tồn tại”.
***
Về chuyện “thực tế là người thầy cao nhất” đúng là một điều rất lớn. Triết học Mác cũng cho: “Thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất để kiểm tra chân lý”. Ngay trong ngành Y, một loại thuốc dù cao siêu đến mấy mà thực tế không chữa được bệnh thì cũng vất đi. Ngược lại, có những thực tế y học rất đơn giản nhưng giá trị rất lớn. Bản thân tôi cũng học từ mẹ tôi, từ dân gian, và cả những điều tôi tự nghĩ ra, chữa được nhiều bệnh cho mình, nếu không tối ngày phải đi gặp BS, tốn thời gian và tiền. Như chuyện hồi nhỏ tôi thấy mẹ tôi đau răng bà thường lấy muối nhét vào kẽ răng, tôi đã bắt chước mẹ và thấy rất hiệu quả. Đến nay, nếu một lần không nhai vào hòn sỏi hư mất chiếc răng hàm, thì răng tôi còn nguyên. Ngoài ra, không chỉ chữa đau răng, tôi còn thường xuyên pha nước muối khoảng 2% nhỏ mắt, mũi, tai, nếu cảm cúm tôi giã cả tỏi vào. Còn nhớ hôm ở Mỹ, vợ chồng cô em vợ rủ vợ chồng tôi đi ăn Phở Pasteur, rồi ông em cọc chèo đến khu Phúc Lộc Thọ chữa răng. Một tháng họ đóng bảo hiểm gần 3000 “đô”, vậy mà chữa răng chút xíu vẫn mất 1200 “đô”. Tôi nói với bà xã: “Tôi mất có mấy hạt muối, mà răng tôi khoẻ hơn răng nó”.
***
Đặc biệt trong nghiên cứu khoa học công nghệ, nếu không lăn vào thực tế thì dù tài đến mấy người ta cũng không thể có những sáng chế, phát minh. Chỉ riêng Einstein, ông không làm thí nghiệm, nhưng ông biết và hiểu để sử dụng thí nghiệm của người khác khi chính họ không hiểu.
Ngay bản thân tôi, 1990, tôi vừa ở Liên Xô về, được nhận vào làm ở Trung tâm Nghiên cứu của một đại công ty. Oái oăm ở chỗ tôi lại “bị” giao cho một đề tài mà hơn 20 năm cả ngành Nông dược VN, có những viện nghiên cứu, trường đại học liên quan, mà vẫn không làm được, đó là làm chế phẩm dạng viên nén từ Phốt phua Nhôm (AlP) dùng để bảo quản kho nông sản. Họ không làm được vì hoạt chất cứ hút ẩm, cháy nổ, từng làm bị thương và chết người. Lần đầu, tôi cho nhân viên tổng hợp một mẻ AlP, cất vào thùng phuy, đậy nắp lại, sáng sau đến thấy nó đã nổ làm bay mái tôn xưởng sản xuất. Tôi nghĩ, kiểu này không khéo chết toi mạng còn đâu mà nghiên mới chả cứu. Rồi đúng là người thông minh thường làm biếng, nhưng thông minh mới có thể giải quyết vấn đề, và chính người thầy thực tế đã chỉ cho chứ dù thông minh đến mấy cũng không thể tự nghĩ ra được. Cái sản phẩm của tôi dùng chất kết dính là parafin, người ta thường nấu chảy, phun để parafin ngưng tụ thành bột, rồi trộn vào hoạt chất để dập thành viên. Khổ nỗi, chỉ phun được một lúc, khi không khí nóng lên trong buồng phun thì parafin lỏng rơi xuống thành từng tảng chứ không thành bột. Tôi nghĩ, đằng nào cũng trộn vào thì sao không rang hoạt chất cho nóng rồi quẳng parafin vào ngoáy như nấu cám heo thì cũng sẽ đều thôi. Người phụ tá của tôi bảo sợ nổ, tôi bảo cái này hút ẩm nó mới nổ, rang nóng không sao đâu. Cuối cùng, từ sự làm biếng đó, bao hoạt chất bằng parafin nóng chảy đã chống được hút ẩm, nghĩa là chống được cháy nổ, còn chống được chuyện dính chày khi dập viên, nói chung nó là chìa khoá giúp tôi đưa ra những biện pháp khác nữa, đã hoàn thành công việc sau 3 năm. Sau đó mang đề tài đi thi còn được giải sáng tạo KHKT cao nhất. Tôi đã viết thành Truyện ngắn Bài toán.
***
Trong bài tôi phê phán Nguyen Leanh có nhắc tới thí nghiệm của Stern–Gerlach chứng tỏ điện tử có đặc tính spin. Nguyên tử Bạc có một điện tử lớp ngoài cùng nên dòng nguyên tử bạc chính là dòng điện tử, nếu điện tử có tính spin (tự quay) có 2 giá trị ngược chiều nhau sẽ tạo từ trường ngược nhau, nếu chạy qua một từ trường không đều của một nam châm thì dòng nguyên tử Bạc sẽ bị tách làm 2. Nhưng sau thí nghiệm hai ông không thấy gì trên màn chắn, và do tình cờ hút thuốc đã giúp 2 ông nhận ra. Stern kể:
"Sau khi làm bay hơi các nguyên tử bạc trong lò và mở van cho chúng bay qua từ trường, Gerlach gỡ tấm kính màn chắn. Nhưng ông không nhìn thấy dấu vết của các nguyên tử bạc và đưa lại cho tôi. Cùng với Gerlach nhìn qua vai tôi khi tôi nhìn gần vào tấm kính, chúng tôi đã ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện dần dần của dấu vết chùm nguyên tử…. Cuối cùng chúng tôi đã hiểu ra điều gì đã xảy ra. Lúc đó tôi là một trợ lý giáo sư. Lương của tôi quá thấp để có thể mua được loại xì gà tốt, do vậy tôi hút loại xì gà kém chất lượng. Loại này chứa rất nhiều lưu huỳnh, do vậy khói thuốc thở ra từ tôi lên tấm kính đã biến Bạc thành Bạc sulfide, mà nó có màu đen và dễ dàng nhìn thấy được. Nó giống như tráng một cuốn phim ảnh".
Như vậy chính “thực tế” hút thuốc đã giúp hai nhà phát minh, chứ họ không chủ động hút thuốc để các nguyên tử Bạc hiện ra.



Vì vậy, trong tin nhắn cho PGS TS Nguyễn Ái Việt, tôi có viết:
“Suy ngẫm cả về Đạo Phật và Vật lý, tôi thấy các nhà bác học như các vị thánh, họ được "bề trên" giao sứ mệnh và được giúp thực hiện sứ mệnh. Như chuyện vô tình hút thuốc có hơi lưu huỳnh làm hiện vết bạc trong thí nghiệm của Stern–Gerlach. Theo Phật tất cả do duyên, vậy ai tạo ra cái "duyên" hút thuốc đó?”
Trong lịch sử phát minh khoa học đã có nhiều sự phát minh tình cờ, ngoài dự tính của các nhà bác học như thế, giống như chuyện Tạo hoá đã “giáng bút” qua họ. Như phát minh ra tia X của Röntgen; từ thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng trở thành một tiên đề của Thuyết Tương đối hẹp; Planck mò ra “lượng tử” mở ra Cơ học Lượng tử; Phương trình Dirac phát minh ra phản vật chất; v.v…
13-7-2024
ĐÔNG LA