ĐI HỌP HỘI NHÀ VĂN
Không chỉ bạn fb mà ngoài đời có 4, 5 cuộc điện thoại thuộc tổ chức Hội Nhà Văn từ hỏi địa chỉ, thông báo, gởi thư, đến “năn nỉ” tôi đi họp. Tôi hỏi cô thư ký khi cô gọi điện:
-Chuyện tôi đi họp quan trọng gì đâu, có gì không mà sao có vẻ nhiệt tình thúc giục ghê vậy?
-Thì trách nhiệm của bọn cháu mà. Chú ráng đi họp nghe!
Mọi lần người ta chỉ gởi thư, tôi đi hay không thì tuỳ, riêng lần này họ nhiệt tình quá, chắc người ta muốn tôi có ý kiến chăng? Vậy là sáng qua tôi đã quyết định đi họp.
***
Từ khi Nhà Văn Trúc Phương làm đơn tố cáo Nguyễn Quang Thiều không xứng đáng trúng cử làm Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, nhoáng cái đã sắp hết nhiệm kỳ. Cuộc họp tôi được mời hôm qua là của Chi Hội Nhà văn TPHCM thuộc Hội Nhà văn VN chuẩn bị cho Đại hội của Hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Quyết định đi họp tự dưng lại ngại ngùng. Người đời vốn phù thịnh, Thiều giờ có quyền tất có nhiều người theo, tôi phê phán có đúng thì cũng ít người ủng hộ, mà có ủng hộ họ cũng không dám ra mặt. Vì vậy đi họp nhà văn mà tâm trạng lại giống như ra trận vào nơi quân địch. Nhớ lại cái lần đơn vị tôi đánh trận Ấp La Ngà, đêm đầu cho nổ bộc phá Cầu La Ngà không sập phải rút ra, đêm sau phải vào lại trong tình trạng đã bị lộ để đóng chốt, đúng là đi vào chỗ chết theo nghĩa đen. Nhớ lại vậy làm tâm trạng tôi đâm ra phấn chấn hơn, từng đi vào chỗ chết còn đi được, lần này đi họp nhà văn thì có gì phải sợ? Nếu đúng ban tổ chức muốn tôi có ý kiến thì tôi hoàn toàn có đủ bản lĩnh nói toạc móng lợn ra là, như những gì tôi đã viết và những ý kiến của các nhà văn khác về Nguyễn Quang Thiều thì Thiều nên từ chức, và kỳ đại hội sắp tới Thiều không nên ứng cử nữa.
Nhớ lại chuyện Phạm Xuân Nguyên, tôi từng viết phê phán Nguyên mỏi cả tay nhưng Đại hội Hội Nhà Văn Hà Nội cứ họp là bầu Nguyên Làm Chủ tịch. Cứ tưởng mình viết cũng chỉ như “Lời nói gió bay”, “ném đá ao bèo”, không ngờ đến lần Lãnh đạo Thủ đô HN đã thực hiện đúng Nguyên tắc Tập trung Dân chủ, cấm người không đủ phẩm chất như Phạm Xuân Nguyên ứng cử, Nguyên đã nhanh nhảu từ chức để kích động dư luận chống phá. Vậy xem ra cái chuyện viết lách của tôi cũng có phần nào tác dụng.
***
Sáng qua đến nơi họp, tôi gởi xe máy thì xe hơi chở Thiều cũng đến, có cả một đoàn hộ tống, rồi người chào đón xúm lại như đón nguyên thủ quốc gia, nhưng thấy dáng vẻ Thiều lòm khòm, đóng bộ quần áo tối om, thiếu sinh khí. Tôi và Thiều nhìn nhau cách khoảng hơn chục mét, im lặng, không như ngày xưa điện thoại tíu tít, gặp nhau thì tay bắt, mặt mừng.
Tôi đi sau theo đoàn người theo Thiều lên hội trường, gặp nhiều người quen, người già hơn tôi thì già hơn, hom hem hơn, còn người trẻ hơn tôi, gặp nhau từ mấy chục năm trước thì nay cũng đã già. Tôi thấy không có chuyện gì đặc biệt cả, hộp họp lại diễn ra theo cái quy trình mòn cũ, hình thức, như bao quy trình khác của công tác cán bộ ở nước ta hiện nay, tốn biết bao tiền của, thời gian, nhưng rồi lại chọn ra những người giữ chức trách không đủ phẩm chất. Như vừa rồi đến Chủ tịch Nước cũng bị thôi chức, Chủ tịch Quốc hội cũng bị kỷ luật. Còn Hội Nhà Văn VN từng bầu Vũ Tú Nam làm lãnh đạo, nhưng rồi lại để xảy ra chuyện trao giải thưởng hàng năm của Hội cho “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, phải viết kiểm điểm; đến lượt Nguyễn Khoa Điềm được bầu lại ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, người “nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, viết truyện cho Nguyễn Huệ như du côn, giặc cỏ, Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả; rồi đến Hữu Thỉnh được bầu thay Nguyễn Khoa Điềm, nhưng ê kíp Hữu Thỉnh lại đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước cho “Nỗi buồn chiến tranh”, cuốn đã làm Vũ Tú Nam phải viết kiểm điểm; đến lượt Nguyễn Quang Thiều được bầu, Thiều đã thành công trong việc đề cử Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp, một lá cờ đầu của khuynh hướng lật sử trong văn chương mà Nguyên Ngọc đã phất lên.
***
Tôi chọn một ghế trong một hàng còn trống ngồi, một người đến làm quen, trò chuyện. Anh tự giới thiệu là người trong đoàn nhà văn ngoài Bắc vào cùng Nguyễn Quang Thiều. Tôi kể ngày xưa tôi và Thiều thân nhau lắm, tôi ra Hà Nội là nó cứ chở tôi về nhà nó ở Hà Đông ăn ngủ dầm dề. Nhưng khi nó có quyền, các quan điểm lộ hết cả ra thì tôi thấy sai quá, phải phê phán nó: như chọn thằng Inrasara làm Chủ tịch Hội đồng Thơ; bên Lý luận Phê bình chọn thằng Đăng Điệp, Văn Giá; rồi đi bắt tay với Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Huy Đức, Nguyễn Hữu Hồng Minh, v.v…
Ngồi một lúc thấy chả có ban tổ chức nào gặp gỡ, “xin” Nhà Lý luận Phê bình Đông La “cho ý kiến”, tôi thấy có ngồi nữa cũng chả được tích sự gì nên ra về.
1-12-2024
ĐÔNG LA