Bà “thứ phi” Mộng Điệp nói về chuyện
ông Ngô Đình Diệm phản bội Cựu hoàng Bảo Đại như thế nào
Nguyễn Đắc Xuân
đăng ngày 14/10/2008
BÀI LIÊN QUAN
Chuyện ông Ngô Đình Diệm phản bội Cựu hòang Bảo Đại đã được
báo chí nói đến nhiều. Lần đầu tiên nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc
Xuân được nghe chính “người trong cuộc” là bà Mộng Điệp “thứ phi” của
Cựu hòang Bảo Đại đề cập đến vấn đề đó tại Paris. Câu chuyện lịch sử ấy đã được
xuất bản trong cuốn "Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp
với Cựu hòang Bảo Đại" do Nxb Thuận Hóa ấn hành vào
tháng 6-2008 vừa qua. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích
hai đọan từ tr.47 đến 52 và từ tr.132 đến tr.139 sau đây.
NĐX.-
Có dư luận nói rằng, Cựu hoàng bị áp lực của Mỹ nên mới mời
ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng ?
(Hỏi chuyện bà “thứ phi” Mộng Điệp tại Paris (1999). Ảnh
NĐB
Bà Bùi Mộng
Điệp)
- Không có lửa thì làm sao có khói. Dư luận đó
có phần nào đúng. Tôi xin kể chuyện nầy: Trong thời gian sắp ký Hiệp
định Genève, Dulles gặp ông Bảo Đại ở nhà hàng gần hồ Léman (Thụy
Sĩ). Hai người không dám ngồi ăn trong nhà vì sợ gián điệp thu âm,
phải dọn ăn ở ngoài vườn. Hai người Pháp theo hầu Bảo Đại cũng cho ăn
riêng ở một chỗ xa. Lúc về ông Bảo Đại bảo tôi :
- “Thằng
Dulles bảo đại ý là Ngài lùi đi, Ngài đi đi. Ngài đừng về VN nữa.
Ngài cứ ngồi im ở bên nầy. Mỹ sẽ đuổi Pháp ra và lấy Việt Nam lại
cho. Mỹ cần một người không cần giỏi lắm, miễn là dân chúng cho
là trong sạch, ghét Tây là được. Còn vấn đề sinh sống của Ngài bên
Tây, Ngài đừng lo !”
NĐX.- Thế sau người Mỹ có giữ lời hứa giúp Cựu
hoàng không ?
Bà
Bùi Mộng Điệp.- Đầu năm 1955 ông Tôn Thất Hối và ông Ngô Đình
Luyện có đem tiền qua, gặp ông Ngài ở bờ biển Cannes. Nhưng Ngài không
nhận. Nếu ông Bảo Đại nhận số tiền ấy là mắc bẫy của Mỹ và ông Diệm
rồi ! Chuyện nầy ông Trần Văn Đôn cũng biết đã ghi trong Việt Nam
Nhân Chứng [1].
NĐX.- Cũng
có dư luận nói rằng Ngô Đình Diệm định mời Hoàng hậu Nam Phương về làm
“Phụ chánh” cho chính phủ của Diệm, theo bà chuyện đó có không
?
Bà Bùi
Mộng Điệp: Trước khi lên đường về Sài Gòn nhận chức Thủ tướng, người
ta nói ông Diệm hứa, sau khi cầm quyền sẽ mời Hoàng hậu Nam Phương về
làm Phụ chánh và sau đó sẽ cho Hoàng thái tử Bảo Long lên nối ngôi và
sẽ thiết lập quân chủ lập hiến giống như Anh quốc. Nghe người Pháp
nói lại, sau đó bà Nam Phương chuẩn bị khăn áo để về làm Phụ chánh.
Chuyện đó ông Bảo Đại hoàn toàn không hay biết. Chồng làm một đường,
vợ làm một nẽo. Do ai gây ra chuyện chia rẽ ấy? Có lẽ do mấy ông chịu
ảnh hưởng của Vatican lúc đó mà
thôi. Nhưng rồi sau đó ở bên nhà xảy ra bao chuyện rắc rối, bà Nam
Phương chưa về được bèn cử ông Phạm Bích về. Trong một bữa cơm trưa
tôi nói cho ông Bảo Đại biết Đức Từ gởi thư cho biết ông Phạm Bích đã
nói với Đức Từ rằng “Ngài hoàng sắp về VN”. Ông Bảo Đại nói:
- “Tôi có
biết gì đâu !”.
Sáng hôm
sau ông Nguyễn Đệ đi tàu đêm về Cannes
bảo tôi:
- “Có
chuyện rất quan trọng cần phải gặp Quốc trưởng gấp”.
Tôi phôn
tìm ông Bảo Đại, ông đi vắng, đến 10 giờ mới gặp được ông. Có tin ông
Bidault của Pháp muốn ngăn chận việc bà Nam Phương đơn phương về Việt
Nam.
Từ đó tôi mới hiểu. Trước đó những người giúp việc trong nhà xa Việt Nam lâu
nhớ nhà, tranh nhau để được theo Hoàng hậu Nam Phương về thăm nhà một
chuyến. Như vậy là chuyện bà Nam Phương được ông Diệm mời về là có
thật. Có lẽ đây là một âm mưu của Hồng y Spellman với Mỹ bày ra và không
có ý kiến của Thiên chúa giáo ở Pháp. Cho nên sự thể mới ra như thế.
Có lẽ vì Pháp chận lại nên bà Nam Phương lần đó không về VN và không
bao giờ bà về Việt Nam
nữa. Cái trò nầy do các ông cố đạo bên Mỹ sắp xếp, chính bà Nam
Phương cũng không hiểu hết ý nghĩa chính trị của nó. Về sau, một mặt
Pháp không muốn bà Nam Phương về tiếp tay cho Mỹ và phía Mỹ thấy ông
Diệm đã làm chủ được tình thế nên cũng không cần đến vai trò hiệu
triệu của bà Nam Phương nữa nên họ đã lật lọng mọi lời hứa ban đầu.
Cũng may bị lật lọng sớm không thôi bà Nam Phương chuốc phải một cái
nhục suốt đời. Nhưng mà lúc đó bà Nam Phương rất ghét ông Nguyễn Đệ.
- “Bà Nam
Phương là người của Tây, tại sao Tây không cho bà đi ?”
Ông Nguyễn
Đệ kể lại:
- “Tôi được
tin của chính phủ Pháp cho biết là bà Nam Phương cả tin quá, nghe tụi
Ngô Đình Diệm nên định đi về. Ông Diệm hứa về trước quét sạch rác rưởi
rồi rước bà Nam Phương về tôn lên làm Phụ chánh đại thần. Bảo Long sẽ
lên ngôi.”- Nguyễn Đệ nói tiếp: “Bà Hoàng là người Nam
bộ thật thà không hiểu hết cái thâm ý của bọn Diệm. Tây cho biết ngày
bà Nam Phương về đến Sài Gòn thì sẽ có một cuộc biểu tình phản đối hạ
nhục bà và qua đó hạ nhục ông Bảo Đại”.
Đó là lý do
tại sao Bidault bắt ông Nguyễn Đệ là Đổng lý văn phòng phải cấp báo
không cho bà Nam Phương đừng về Việt Nam nữa.
Chuyện ông
Diệm viết thư cúc bái ông Ngài để được trao quyền, cả ông Trần Văn
Đôn và ông Đỗ Mậu đều biết. Nhưng không ai được biết cái thư đó cụ
thể nói gì. Đây là một cái thư lịch sử do chính tay Ngô Đình Diệm
viết bằng tiếng Pháp. Nhân đây tôi công bố cái thư ấy để cho lịch sử
biết bộ mặt thật của ông Diệm. (Xem phần Phụ Lục ở sau kỳ cuối cùng)
.
NĐX.-
Lúc ấy làm sao bà có thể biết chuyện ở bên nhà ?
Bà Bùi
Mộng Điệp.- Lúc ấy tình hình hết sức phức tạp, tôi phải bỏ khá
nhiều tiền mua báo chí để lấy tin, nhất là báo chí Anh quốc. Họ đòi
năm chục ngàn mình phải trả năm chục, đòi một trăm phải trả một trăm
với một cái tin. Nhờ thế mà chúng tôi biết được tin tức bên nhà.
NĐX.- Thưa
bà, qua Pháp, nhất là giai đoạn sau khi bị ông Diệm tịch thu hết tài sản
của ông Bảo Đại, bà sinh sống ra sao ?
Bà Bùi
Mộng Điệp.- Sang bên Tây tôi buôn bán nhà cửa, tôi mở hiệu, tôi
làm đủ thứ để sống. Tôi cho rằng mình cần tiền để sinh sống mình buôn
bán để kiếm tiền, có chuyện gì nhục đâu. Sau khi bị bọn Diệm lấy hết
tiền, người ta bảo tôi:
- “Sao bà
không xin một cái dommage de guerre (thiệt hại do chiến tranh)
? Tại sao con cái bà học giỏi thế mà bà không xin bourse (học
bổng) của chính phủ Pháp cho chúng ?”
Tôi đáp:
- “Tôi xin
cám ơn nước Pháp đã cho gia đình ông Bảo Đại, cho mấy mẹ con tôi ở
đây được yên thân là quý lắm rồi ! Tôi không dám xin gì nữa !”.
Trong việc
buôn bán kinh doanh tôi nạp thuế nạp má đàng hoàng. Tôi biết tôi xin
các thứ ấy chính phủ Pháp sẽ cho ngay nhưng tôi không xin. Bởi vì khi
người ta đã cho mình một cái gì là mình thiếu nợ họ cái ấy. Đời tôi
không trả được thì đời sau con tôi cũng phải trả. Mà chưa trả được nợ
cho người ta thì đừng có hòng mà ngẩng đầu lên. Sống mà phải cúi mặt
thì tôi không muốn.
[….]
NĐX.-
Nhắc đến một việc hệ trong liên quan đến ông Ngô Đình Diệm, hôm
trước bà có nói:“Chuyện ông Diệm viết thư cúc bái ông Ngài để được
trao quyền, cả ông Trần Văn Đôn và ông Đỗ Mậu đều biết. Nhưng không
ai được biết cái thư đó cụ thể nói gì. Đây là một cái thư lịch sử do
chính tay Ngô Đình Diệm viết bằng tiếng Pháp. Nhân đây tôi công
bố cái thư ấy để cho lịch sử biết bộ mặt thật của ông Diệm”. Thưa
bà, hôm nay bà có thể cho tôi công bố cái thư lịch sử ấy được
chưa ?
Bà Bùi
Mộng Điệp - Vâng, tôi đã hứa thì tôi phải thực hiện chứ ! Đây là
lá thư viết tay bằng tiếng Pháp của ông Diệm gởi cho ông Ngài, lần
đầu tiên tôi đưa cho anh và anh có thể đem về lưu trữ ở Việt Nam.
(Trang cuối lá thư 5 trang viết tay
của ông Ngô Đình Diệm gởi Quốc trưởng Bảo Đại. T do NĐX st)
Bản dịch
nguyên văn lá thư do ĐDTB thực hiện:
Kính gởi Hoàng thượng Bảo
Đại
Quốc trưởng Việt Nam
Kính thưa Ngài,
Tôi
thật vô cùng cảm kích trước những lời tin cậy và khích lệ đầy thương mến
mà Ngài đã chỉ thị cho bào đệ Ngô đình Luyện truyền lại cho tôi.
Ngài
đã biết rõ sự bất vụ lợi và lòng trung thành của dòng họ chúng tôi,
trong quá khứ, đã phục vụ Tổ quốc và Hoàng triều như thế nào. Xin
Ngài hãy tin tưởng rằng đến lượt tôi, tôi sẽ cố gắng tiếp tục phục vụ
với tất cả sức lực và tâm hồn để xứng đáng với lòng tin cậy thân yêu
mà Ngài đã dành cho.
Trong
lúc có những giải thích đầy xuyên tạc của dư luận về sự mở rộng thành
phần Nội các đã gây cho tôi quá nhiều phiền muộn, tôi muốn nói lên đây
lòng tri ân của tôi về sự tín nhiệm của Ngài vẫn dành cho tôi.
Thật
ra hoài bảo thân thiết nhất của tôi là nhận được sự chấp thuận của Quốc
trưởng trong các đại sự của Quốc gia, về Binh bị, Ngoại giao, Xã hội,
Tài chánh hay Hành chánh.
Chỉ
có sự chỉ đạo khôn khéo và chỗ dựa vững chắc ở Quốc trưởng, tôi mới có
thể thực thi được những quyền lực đầy đủ để giải quyết tất cả vấn đề
có tầm vóc liên quan đến sự sống còn và tương lai của đất nước.
Những
cải cách về Hiến pháp và Dân chủ phải được nhanh chóng thực thi theo đúng
những lời tuyên bố của Ngài khi Ngài trở về sau chuyến lưu vong.
Nhưng
quyền lực của Hoàng triều phải thật sự cứng rắn để bảo đảm trật tự và
công bằng xã hội, kỷ luật quân đội, tôn trọng quyền lợi và tự do của
dân.
Trình
Ngài, chính trong tinh thần nầy mà tôi đã nhờ bào đệ Luyện thỉnh cầu Ngài
hồi loan càng sớm càng tốt, miễn là không trở ngại đến việc chữa bệnh
của Ngài ở Pháp.
Tiếc
thay khi được tin nầy thì những xáo trộn những âm mưu chính trị không
tránh được khi đất nước bị chia cắt, đã tăng lên gấp bội, vì những tham
vọng và quyền lợi riêng tư đó đã lo sợ sự hiện diện của Hoàng thượng
và sự củng cố chánh quyền của Ngài.
Là
người chủ xướng sự hồi loan nhanh chóng của Ngài, thế mà tôi phải đau
lòng thỉnh cầu ngài dời hoãn ngày về nước để cho tôi có đủ thời gian cần
thiết để san bằng những trở ngại khó khăn và đánh tan một vài thái độ
mâu thuẫn.
Sự mong
đợi chuyến về của Hoàng thượng càng lớn khi tôi cần dựa vào sự minh
triết của Hoàng thượng để giúp tôi, ngoài những việc khác, tái tổ
chức và phát triển Hoàng Triều Cương Thổ mà Hoàng thượng đã tức thời
quyết định cho sát nhập về với Việt Nam. Việc nầy đã được sự tán
thành của toàn dân.
Tôi nghỉ
rằng, thật ra các miền Cao nguyên đó, từ lâu đã được sự chăm lo ưu ái
của Hoàng thượng, rồi đây sẽ được hưởng những lợi ích to lớn về một
tổ chức xã hội, kinh tế và quân sự mà các ngành Hành chánh cao cấp sẽ
được chính phủ bổ nhiệm sau khi được sự chấp thuận của Ngài.
Để kết
thúc, tôi xin đươc phép nhắc lại sự cảm tạ của tôi về sự tiếp tục tín
nhiệm mà Ngài đã dành cho.
Tình
trạng đất nước, bị xâu xé và tàn phá bởi cuộc chiến lâu ngày nầy đã
gây quá nhiều lo âu cho tôi, vì vậy những bằng chứng về lòng tin
tưởng thương yêu của Hoàng thượng sẽ là một niềm khích lệ vô giá đối
với tôi.
Xin được
phép nhắc Ngài rằng khi nhận chức Thủ tướng chính phủ, tôi đã có xin
Ngài hứa cho là trong trường hợp chính sách của tôi, nếu xét có bằng
chứng có thể phương hại cho Tổ quốc, thì Hoàng thượng sẽ không để
những tình cảm tốt đẹp dành cho tôi chi phối, mà sẽ cương quyết chối
từ chính sách đó để cứu quốc dân.
Xin phép
Ngài cho tôi được tin vào lời hứa đó, vì tôi phải có một chính sách
cứng rắn và dũng cảm để đối phó với các sự xáo trộn chính trị và các
liên hệ chằng chịt quá phức tạp của những quyền lợi lớn của cá nhân
hay ngoại quốc gây ra.
Tôi sẽ
làm chuyện nầy với lương tâm thanh thản vì tôi biết trước, nếu trường
hợp gặp thất bại, Ngài sẽ sẵn sàng điều chỉnh tay lái khi cần.
Tôi trao
thư nầy cho bào đệ Luyện để đệ trình lên Ngài với lòng trung thành
tôn kính và thâm sâu của
tôi.
Sài gòn, ngày 10 tháng 11
năm 1954
Ngô Đình Diệm”
NĐX.- Bà
có nhận xét gì về lá thư lịch sử nầy của ông Ngô Đình Diệm ?
(Người
của ông Ngô Đình Diệm tổ chức mít-tin truất phế cựu hòang Bảo Đại
bàng cách giật bỏ ảnh Cựu hòang treo tại Tòa Đô chính Sài Gòn. Ảnh
TL của Trần Văn Đôn)
Bà Bùi Mộng
Điệp.- Trước tiên người đọc thấy ông Diệm viết chữ đẹp, viết
tiếng Pháp giỏi, tự nhận mình là người xuất thân trong “dòng họ
trong quá khứ, đã phục vụ Tổ quốc và Hoàng triều Nguyễn” rất tận
tụy, được ông Bảo Đại “tin cậy và khích lệ”; ông ta hứa sẵn
sàng ra đi “nếu ông Bảo Đại xét thấy có bằng chứng có những hành
động chủ trương có thể phương hại cho Tổ quốc”.v.v. Qua lá thư
nầy chứng tỏ ông Diệm là người được ông Bảo Đại tin cẩn giao phó cho
việc phụng sự tổ quốc và triều Nguyễn và đáp lại ông Diệm hứa cúc
cung tận tụy với ông Bảo Đại và đất nước. Nhưng ngay sau đó ông Diệm
đối xử với ông Bảo Đại với đồng bào và đất nước như thế nào các sử
gia trong và ngoài nước đã biết rõ [2].
NĐX.- Thưa
bà, vẫn biết như thế nhưng xin bà cho một vài ví dụ ấn tượng nhất đối
với bà.
Bà Bùi Mộng
Điệp.- Sự phản trắc của ông Diệm có nhiều, như ông Diệm không
chịu thi hành Hiệp định Genève để thống nhất đất nước năm 1956, tuyên
bố cải tổ chính phủ rồi nuốt lời quay lại đàn áp cuộc đảo chính
11.11.1960, đặc biệt là không thi hành Thông Cáo Chung ký với Phật
giáo tháng 6.1963. Riêng việc phản trắc của ông Diệm đối với người
đứng đầu họ hàng Nguyễn Phước tộc là ông Bảo Đại gây cho chúng tôi
đau đớn nhất. Sau khi được ông Bảo Đại trao quyền và được Mỹ (đại tá CIA
Lansdale) hậu thuẫn, ông đã “trả ơn” ông Bảo Đại bằng cuộc “Trưng cầu
dân ý” bịp bợm truất phế ông Bảo Đại một cách hèn hạ chưa từng có
trong lịch sử Việt Nam. Ông Diệm cho thực hiện cuộc “trưng cầu dân ý”
đó như thế nào anh hãy xem một đoạn của “người trong cuộc” với ông
Diệm lúc ấy là tướng Trần Văn Đôn viết trong hồi ký « Việt Nam
Nhân Chứng » sau đây thì sẽ rõ: “Ngô Đình Diệm tổ chức trưng
cầu dân ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955 để lật đổ Bảo Đại. Kết quả là
Bảo Đại bị truất phế. Trong phong bì bỏ phiếu trưng cầu dân ý, nhiều
cán bộ phụ trách đã bỏ sẵn phiếu ủng hộ Ngô Đình Diệm, người dân
không cần chọn lựa gì, chỉ cầm lá phiếu đó bỏ vào thùng nên Ngô Đình
Diệm thắng 99%.” [3]
NĐX.- Thưa
bà, lúc ấy tôi còn là cậu học sinh mới vào trường trung học, tôi cũng
đã nhiều lần được trường dẫn đi biểu tình mít-tin hô hào truất
phế Bảo Đại, nên tôi có biết sự kiện mà bà vừa kể. Nhưng đó là vấn đề
chính trị, ngoài chuyện ấy ra ông Diệm còn có hành động gì nghiệt ngã
đối với Cựu hoàng nữa không ?
Bà
Bùi Mộng Điệp.- Ông Diệm cho tịch thu nhiều tài sản riêng của ông
Bảo Đại, trong đó có chiếc du thuyền. Hành vi tàn nhẫn nhất của ông
Diệm là việc ông lấy ngôi biệt thự của Đức Từ Cung ở Sài Gòn [4] và đuổi Đức Từ về Huế. Những chuyện phản
trắc ấy đã làm cho ông Bảo Đại “phát điên” như hôm trước tôi đã kể
với anh. Tinh thần của ông Bảo Đại tuột dốc từ đó và không cứu vãn
được. Tôi trao cho anh sử dụng lá thư nầy: Đây là một tư liệu lịch sử
chính thức cùng với những hành động phản trắc của ông Diệm từ 1955
đến 1963 mà lịch sử đã viết bộc lộ cái bản chất lá mặt lá trái của
ông Diệm. Một người phản trắc như thế mà lãnh đạo miền Nam
làm sao đồng bào mình không khổ, không chết chóc ! May mà chế độ Diệm
chỉ tồn tại đến cuối năm 1963 thôi. Nếu không ….không biết
chuyện gì sẽ xảy ra nữa !
Chú thích:
[1] “Trong hiệp định Genève, phía Việt Nam tự
do và Mỹ không ký nên Ngô Đình Diệm viện cớ đó không thi hành tổng
tuyển cử thống nhứt Nam Bắc Việt Nam vào năm 1956 như văn kiện kết
quả hội nghị quy định.
Ngô
Đình Nhu cho tôi (Trần Văn Đôn) biết trước khi tổ chức trưng cầu dân
ý, để có phương thức dân chủ, Ngô Đình Diệm tự tay viết một lá thư
dài cho Bảo Đại, giải thích tình hình, yêu cầu Bảo Đại về nước tiếp
tục lãnh đạo Việt Nam. Ngô Đình Diệm sẽ trả lại toàn quyền lãnh đạo
cho Bảo Đại. Tôi không được đọc là thư lịch sử đó, nhưng Ngô Đình Nhu
cam đoan với tôi là có lá thư như vậy. Ngô Đình Nhu không cho tôi
biết Bảo Đại có trả lời hay không. Ngô Đình Nhu cũng tiết lộ là nếu
Bảo Đại điều đình với Ngô Đình Diệm hàng tháng gửi cho một số tiền để
chi tiêu thì chắc Ngô Đình Diệm cũng thu xếp chu toàn, nhưng Bảo Đại
không đòi tiền chu cấp hàng tháng mà đòi một triệu Mỹ kim. Ngô Đình
Luyện hứa nhưng Bảo Đại không nhận được tiền mà chỉ nhận tin kết quả
trưng cầu dân ý truất phế đưa Ngô Đình Diệm lên chức Tổng Thống mà
thôi”. (Trần Văn Đôn, Sđd, Nxb Xuân Thu (Mỹ), 1989, tr. 133)
[2] Trưng cầu dân ý bịp bợp như thế nào,
Tiến-sĩ Nguyễn Đình Tuyến, trong cuốn
“Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam 1945-1975”,
do “Đại Học Đông Nam” ở Houston, TX, USA, xuất-bản năm 1995, đã viết
(nơi trang 39) như sau:
Ngày 6 tháng 10 năm 1955
Bộ Nội Vụ của Thủ Tướng
Diệm tuyên bố sẽ có cuộc Trưng Cầu Dân Ý được công bố với kết quả là
98,2% chống Quốc Trưởng Bảo Đại, đồng ý bầu Thủ Tướng Diệm làm Quốc
Trưởng.
Cuộc Trưng Cầu Dân Ý này
là màn đạo diễn của Đại-tá Landsdale đã đóng vai trò quan trọng trong
việc ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Ở nhiều nơi trong thành phố Saigon,
số phiếu bầu cử cho ông Diệm bằng 130% con số cử tri (vì binh sĩ của
Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Thủ Tướng và Đoàn Viên Phong Trào Cách Mạng Quốc
Gia của ông Diệm đã được phép đi bầu lại nhiều lần).
(Trích lại của Lê Xuân Nhuận)
[3] Việt Nam Nhân Chứng, Trần Văn Đôn, tr.133
|