Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

ĐƯA TƯỢNG BÁC HỒ VÀO CHÙA THỜ ĐÚNG HAY TRÁI ĐẠO?

ĐÔNG LA
ĐƯA TƯỢNG BÁC HỒ VÀO CHÙA THỜ
ĐÚNG HAY TRÁI ĐẠO?
Theo giáo lý và sinh hoạt Phật giáo thời Đức Phật Thích-ca còn tạ thế thì không chỉ đưa tượng Bác Hồ vào chùa thờ là trái đạo mà đúc tượng Phật thờ trong chùa cũng là trái đạo. Bởi khi giác ngộ đắc đạo thành Phật điều cơ bản nhất ngài thấy “Đời là bể khổ”. Tất cả những gì liên quan đến ngũ uẩn là khổ. Không chỉ khổ đau mới là khổ mà cả sung sướng, hạnh phúc cũng là khổ vì tất cả chỉ là giả tạm, vô thường, biến hoại, kể cả thân xác và cuộc sống của mỗi con người. Ngài chỉ ra con đường thoát khỏi “bể khổ” đó bằng tu tập. Có thể phải trải qua vô vàn kiếp, trả hết nghiệp, khi tâm được thanh lọc hoàn toàn tinh khiết thì người ta chết đi thần thức sẽ không còn luân hồi quả báo. Đúc tượng thờ là thể hiện sự tôn kính, mà tôn kính là sự biểu lộ tình cảm, nghĩa là tâm còn đắm vào một trong những trạng thái thuộc về tham, sân si. Nói trái đạo chính là vì như thế.
Nhưng trải qua hơn hai thiên kỷ rưỡi, Đạo Phật không giữ được nguyên gốc, con người đã ứng dụng Đạo Phật phù hợp với thực tế, song hành với bước đi của lịch sử loài người. Vì thế mà Đạo Phật mới sinh ra các thừa phái, tông phái… mà người ta gọi là Đạo Phật nhập thế. Có như vậy bởi người ta tôn kính và tin tưởng Đức Phật Thích-ca nhưng quá khó để tu theo ngài, hơn hai thiên kỷ rưỡi sau ngài, chưa có thêm một ai đắc đạo thành Phật như ngài. Bởi biết là giả tạm nhưng người ta vẫn yêu quý thân xác, cuộc sống cũng như tất cả các giá trị thuộc về đời sống loài người. Những người hiểu luật nhân quả, biết có luân hồi quả báo cũng tu, nhưng không phải tu thành Phật mà tu để mong được trở lại làm người, mong có một cuộc sống sung sướng hơn, mong có một gia đình, con cháu đời đời hạnh phúc. Đạo Phật trở thành tín điều, bài giảng luân lý để người đời răn dạy nhau và tự kiểm soát mình. Không thể tu theo Đức Phật Thích-ca một cách tuyệt đối nhưng ngài hoàn toàn có thể trở thành một tấm gương vĩ đại để người ta noi theo. Vì vậy mà từ bao đời, không chỉ ngoài đời mà ngay trong giáo hội, người ta thi nhau đúc tượng Phật, kể cả từ dát vàng cho đến vàng nguyên khối, xây chùa đẹp hơn cả cung điện, rước tượng ngài vào thờ, dù rằng ai cũng biết Phật Tổ là Thái tử đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, hành khất, tu luyện, tìm đạo cứu đời. Ngài cảnh báo việc sống trong tiện nghi dễ gây thối chí, nguy hiểm cho bước đường tu tập nên đã dạy rằng: "Như ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa. Các người cũng nên làm như thế, lìa bỏ tài sản, từ giã người thân, cạo râu tóc, mặc áo cà sa, rời gia đình mà sống cuộc đời không nhà"!
  Với tinh thần Đạo Phật nhập thế, Đạo Phật đổi mới, Đạo Phật “phăng-tơ-ri” vô cùng phong phú như thế, trong chùa ở nước ta người ta có thể thờ tượng Phật, tượng các Bồ Tát, tượng các A-la-hán thì cũng hoàn hoàn có thể thờ những vĩ nhân có công với dân, với nước, kể cả những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho nền độc lập và cuộc sống thanh bình hôm nay. Mà hy sinh thân mình vì nghĩa lớn là hạnh bố thí cao nhất theo giáo lý Phật giáo.
  ***
  Với Bác Hồ một thời gian rất dài truyền thông của nhà nước cùng mọi lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, sinh hoạt văn học, văn hóa, văn nghệ đều theo khuynh hướng tuyên truyền. Dù rất thật, rất hay vẫn tạo cảm giác cho, nhất là những người thuộc phía đối kháng, là thêu dệt, tô vẽ, thần thánh hóa. Rồi khi có internet, nhiều chuyện thuộc diện thâm cung bí sử, thật giả lẫn lộn về Bác được tung ra với mục đích xấu, chính bản thân tôi cũng phân vân không ít. Nhưng rồi tìm hiểu thêm, suy xét thêm, nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn, tôi lại càng nhận thấy nhận định của nhà báo Xô viết Ôxip Manđenstam về Bác Hồ đúng là một trong những nhận định hay nhất: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai” (Báo “Ngọn lửa nhỏ” 1923).
Đến nay, khi nghiên cứu và suy ngẫm nhiều về thế giới tâm linh tôi mới thấy Bác Hồ đúng là một vị thánh giáng trần với sứ mệnh giành lại nền độc lập cho nước Việt Nam chúng ta. Chính thiên tài cùng với khả năng tiên tri thần thánh của Người đã chứng tỏ như vậy. 
Cuộc sống loài người rất phức tạp, không phải như đường thẳng, cái gì cũng có thể có, nhưng những người quảng đại, minh triết thường nhìn cuộc sống một cách toàn diện, nhiều mặt, thấy được những cái chính yếu, lớn lao và không chấp những chuyện vặt; như lịch sử VN thì từ chỗ mất nước, chết đói được như hôm nay là quá tốt rồi. Trái lại những kẻ thiển cận, ti tiện lại thường khoái trá dán mắt, chúi mũi vào những chỗ tăm tối, hôi thối để nhận diện, hít hà lịch sử theo cái nhận thức của chúng.
Trước TMH viết bài công kích và diễu cợt chuyện đưa tượng Bác Hồ vào chùa thờ, Võ Thị Hảo cũng từng viết bài mà tôi nói đến quỷ cái cũng phải cúi đầu bái phục, thế là nước Nam ta có đến ba nhân sĩ mang tên Hảo mà bất hảo. Thứ nhất là “ông anh” Trần Mạnh Hảo, thứ hai là ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng lĩnh vực khoa học công nghệ, còn người thứ ba chính là Võ Thị Hảo, một Hội viên Hội Nhà Văn VN.
Thị Hảo viết: “Hồ Chí Minh được đưa lên làm thần tượng của người VN trước đây là vì ông đã rất giỏi tự tô vẽ, được thần thánh hóa bởi bộ máy tuyên truyền và quyền lực bất chấp sự thật”. Tôi đã viết đây là nhận định của một kẻ hoàn toàn điên cuồng và mất trí. Bởi thực tế dân VN kính yêu, tôn thờ Bác Hồ vì công lao của Bác, vì tài đức của Bác, chứ không phải vì những lời mất dậy và láo lếu trên. Tôi chỉ sưu tập đôi nét về một trong những thiên tài của Bác, đó là khả năng tiên tri, mà khi hiểu hơn về thế giới tâm linh, tôi thấy chỉ có những bậc thần thánh mới có khả năng như thế. Bác như là một vị Bồ tát với sứ mệnh cứu dân ta thoát khỏi vòng nô lệ và giành lại nền độc lập. Năm 1942, ở Cao Bằng, Bác đã tiên đoán: “1945 Việt Nam độc lập”. Năm 1949, Bác đã dự đoán “Điện Biên Phủ là trận cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp”, “hơn một vạn giặc chết và bị thương”. Theo Nhà thơ Tố Hữu, chiều 7/5/1954, sau khi nhận tin vui chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng Bác lại nói với ông: “Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy!”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể lại ý y như vậy.  Năm 1960, trong diễn văn bế mạc kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh 2/9, Bác đã tiên đoán: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định thống nhất”. V.v…
Để trở thành lãnh tụ kính yêu của dân tộc, ngoài thiên tài, Bác Hồ cũng phải có một cái Đức cao cả, một lòng nhân ái bao la. Chỉ như vậy Bác mới thu phục được nhân tâm của cả một dân tộc. Từ các nhà cách mạng, các tướng lĩnh, các nhân sĩ trí thức đến tất cả quần chúng lao động. Chỉ với hai ví dụ là GS Trần Đại Nghĩa và Tôn Thất Tùng, hai bậc đại trí thức, hai nhà khoa học hàng đầu VN, cũng đủ chứng tỏ nhân đức của Bác.
GS Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ công việc kỹ sư ở một hãng chế tạo máy bay lớn với mức lương tương đương 20 lạng vàng 1 tháng để theo Bác về Việt Nam tham gia cách mạng, được giao trực tiếp lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu badôca của Mỹ, với hai viên đạn do GS Tạ Quang Bửu cung cấp. Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới với phát minh “cắt gan có kế hoạch”, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học nhiều nước. Ngót một phần tư thế kỷ, ông đã sống, làm việc và trưởng thành dưới sự quan tâm ân cần của Bác. Khi nghe tin Bác mất ông đã viết những dòng vô cùng xúc động:
“Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”.
Việc khâm phục và kính trọng những bậc vĩ nhân có công với đất nước là tình cảm tự nhiên của những người có lương tri và thiện tính. Người ta chỉ có thể lừa được một người, một nhóm người, trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, không ai có thể lừa được cả một dân tộc, thậm chí cả thế giới, với thời gian là vĩnh cửu. Trong nước, Nhà nước VN có thể toàn quyền thần thánh hóa Hồ Chí Minh, nhưng với các học giả nước ngoài, họ gặp những nhân chứng nước ngoài, đọc những tư liệu tại thư viện nước ngoài, làm sao Nhà nước VN có thể bắt được họ ca ngợi Bác?
Josephine Stenson là Giáo sư Tiến sĩ Sử học của trường đại học Florida Atlantic ở tiểu bang Florida. Trong bài phát biểu của bà tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội tháng 5 năm 1990, bà nói: “Hồ Chí Minh là người mà tôi dành nhiều thời gian nhất trong đời nghiên cứu lịch sử của tôi để tìm hiểu cho được đích thực tính cách của ông… Tôi đã tự bỏ tiền túi ra để đi từ Mỹ sang Pháp và Liên Xô cũ: Những nơi mà Hồ Chí Minh đã đặt chân tới đó, để tìm những di tích gốc về Hồ Chí Minh” để rồi bà viết những lời không chỉ cảm phục mà còn “phải lòng” Bác: “Tôi xin dâng tặng những lời ca đẹp nhất về Hồ Chí Minh, sau khi tôi đã đi đến những nơi có dấu chân ông đi qua, gặp lại những người đã biết về ông và đi đến kết luận rằng Hồ Chí Minh lúc còn trẻ là một thanh niên ... rất đẹp trai, cho nên hiện giờ tôi vẫn cứ mơ ước về ông. Nếu tôi cùng thời với ông thì dứt khoát phải trở thành người yêu của ông. Ông không chấp nhận, tôi cũng đeo đuổi đến cùng... Tôi ngưỡng mộ ông bằng cả đầu óc khoa học của tôi, đồng thời bằng cả trái tim của một người con gái hậu thế”.
Bà đã đưa ra kết quả nghiên cứu thú vị về chuyện Bác Hồ không lấy vợ:
Nguyễn Tất Thành khi đến New York và cũng đã đến chiêm ngưỡng tượng thần Tự Do như mọi chính khách sau khi đến tham quan thần Tự Do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi Ngôi sao tỏa sáng trên vòng Nguyệt quế là ánh sáng tự do... Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành đến xem thần Tự Do, nhưng chỉ nhìn dưới chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?
Duy nhất chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống chân tượng thần Tự Do và ghi lại những ý kiến trên. Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người, không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức tượng thần Tự Do. Chính vì thế mà hôm nay tôi đến đây tìm đến con người này - Hồ Chí Minh - để xem giữa lời nói và việc làm của ông có tương phản không?
Hồ Chí Minh quả thật là con người nói và làm đi đôi. Tôi đã vào nhà của ông. Lục tìm của riêng của ông. Ông không có của riêng. Thật rất lạ và hiếm thấy, chính khách nào khi cầm quyền đều ban hành sắc lệnh tôn trọng và bình đẳng cho phụ nữ nhưng khi sắc lệnh ký xong thì bản thân họ lại vào nhà thổ, cho phép phát triển kỹ nghệ “đàn bà”. Thậm chí một vị Tổng thống có đến 3 - 4 tình nhân. Duy nhất chỉ có Nguyễn Tất Thành đứng trước Tượng thần Tự Do ghi những điều trên khi mình còn lầm than, rồi khi mình làm Chủ tịch một nước và khi qua đời, trên giường ông vẫn vắng hơi ấm của đàn bà. Con người khi làm Chủ tịch nước 24 năm đến lúc qua đời trên giường không có hơi ấm của đàn bà…
Vừa rồi, tôi có đọc một bài hồi ký đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự của Viện quân sự Hoa Kỳ, do một số sĩ quan Anh - Mỹ trong đội quân của Đồng minh khi sang Đông Dương đóng ở Cao Bằng, “Tôi sống cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu khởi nghĩa”. Họ kể lại, có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ hỏi:
-Không phải tò mò mà trên danh nghĩa là đàn ông với nhau, tại sao Chủ tịch không lấy vợ, không lập gia đình?
-Hồ Chí Minh trả lời một cách chân tình và thân mật: Khi còn trẻ phải đi hoạt động cách mạng, khi giành được độc lập thì đã già, nên không dám tính chuyện đó…
Nguyễn Ái Quốc nói lấy vợ thì phải để lại địa chỉ, phải có con, phải có trách nhiệm làm chồng, làm cha và rồi thế nào mật thám cũng phát hiện ra, cho nên Nguyễn Ái Quốc không lấy vợ…”
Về chuyện “Bác Hồ với đàn bà” thì đã có nhiều dư luận đểu, nhưng với những nhân chứng, việc chứng thật giả lẫn lộn cũng khiến dư luận phân vân không ít.
Vừa rồi trên mạng lan truyền một thông tin có nhiều cơ sở để ta có thể tin tưởng, do Quốc Phong, nguyên PTBT báo Thanh Niên, công bố về đời tư của Bác Hồ: “NHỮNG CHUYỆN ÔNG VŨ KỲ HỒI TƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC GHI LẠI LÚC TRỌNG BỆNH” vào lúc 15h chiều 24/6/ 2004 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội. Người được ông mời đến để ghi âm là bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đó chính là câu chuyện “Các Đ/c Bộ Chính trị … chính thức đặt vấn đề với Bác Hồ là Bác nên có gia đình để cho Bác có hạnh phúc, cho yên ổn cả hai (việc nước và việc riêng)”. Bác đã chiều theo ý họ và những người phụ nữ “đủ tiêu chuẩn” đã được chọn và đưa đến giới thiệu với Bác. Sau một thời gian “giúp” Bác những việc như đánh máy , phục vụ, … nhưng Bác cứ "Bác Bác cháu cháu". Rồi có lẽ vì thế mà họ nản, đã không giữ được mình khi bị người ngoài tán tỉnh, còn sinh con, đẻ cái. Cuối cùng chuyện mai mối cho Bác không thành nhưng lại xảy ra không ít những sự cố mà bọn tiểu nhân, phản trắc, có cớ bu vào bôi bẩn vị lãnh tụ.
Với tôi, chuyện đàn ông có nhu cầu tình dục là lẽ bình thường bởi là bản năng truyền giống. Nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt như hiện tại ta thấy không ít trường hợp “bà mụ” nặn nhầm khiến người ta thiểu năng, dị năng tình dục. Vì vậy mới có chuyện những “sao” xinh trai, đẹp gái, giàu sang, fan bu như kiến, nhưng cứ lần lữa, không chịu xây dựng gia đình. Cũng có không ít người có căn tu, họ lộn lại kiếp người không phải để sống một kiếp người thường mà để đi tu. Họ muốn giải thoát khỏi luân hồi tái sinh nên dễ dàng bỏ chuyện tình dục; Đức Phật Thích-ca là một thí dụ điển hình nhất.
Với những bậc tiền bối của Bác Hồ như Các Mác cũng lấy vợ thì không có lý gì Bác lại đóng kịch, không màng chuyện tình riêng vì nghĩa chung để đánh bóng mình. Một người đàn ông có sinh lý bình thường, ăn uống đầy đủ, hormon sinh dục sẽ sinh ra, nếu không “giải quyết” là có lắm chuyện. Nó còn có thể là nguyên nhân dẫn đến tội hiếp dâm, và với những người không có căn tu, nhưng vẫn cố đi tu và coi như một nghề, rất dễ sinh chuyện tà dâm! Còn Bác Hồ, theo “điều tra” của nữ GS Sử học Mỹ Josephine Stenson, đã gặp trực tiếp những nhân chứng liên quan đến những người phụ nữ yêu chàng Nguyễn Ái Quốc đơn phương; kết hợp với câu chuyện của người thư ký Vũ Kỳ luôn gần cận Bác về chuyện Bác cứ “bác bác cháu cháu” với những ứng cử viên “phu nhân chủ tịch nước”, tôi thấy Bác đến với cuộc đời không phải để sống một cuộc đời của người bình thường, cũng không phải để đi tu giải thoát, mà Bác như một trong ngàn vạn hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nhân độ thế, nghe tiếng rên xiết của dân tộc Việt bị mất nước, bị làm nô lệ, đã giáng trần, đã lĩnh sứ mệnh tìm đường cứu nước, và 2-9-1945, Bác đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh một nước VN mới! Một việc vĩ đại, một người phàm trần không thể làm được!
***
Như vậy người dân VN yêu kính Bác Hồ trước hết vì sự đổi đời do thành quả cách mạng mang lại. Từ “Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân” thời nhà Nguyễn đến “Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng” thời thuộc Pháp, dân ta có được những ngày hôm nay đều khởi nguồn từ công đức của Bác. Điều này là hiện thực chứ không phải là sự hư cấu, tô vẽ, tuyên truyền. Vì vậy người ta có đúc tượng Bác bằng vàng, rước vào chùa thờ như một vị Bồ tát theo tinh thần Đạo Phật nhập thế là hoàn toàn đúng đạo. Chỉ có những kẻ ác, với tâm địa lưu manh, phản trắc, không hiểu đạo mới cho là trái đạo mà thôi!
  5-6-2017
  ĐÔNG LA