ĐÔNG LA
VỀ CHUYỆN LƯƠNG BỘ TRƯỞNG
11,690 TRIỆU
Theo
VietNam.net, tại một hội thảo bàn về công tác cán bộ, 08/05/2018, Bộ trưởng
KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng hỏi: “Bản thân tôi
là bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta
có đang sống bằng lương không?” Trước nữa, VietNam.net cũng có lần đưa
thông tin lương Đại tướng ở Việt Nam cũng ở khoảng như vậy.
Ở Mỹ tôi biết chính xác trường hợp một y tá mới ra trường đi
làm nhận khoảng 75.000 USD/năm, trừ thuế còn khoảng 50.000 USD, tức thu nhập “bỏ
túi” tính ra tiền VN khoảng 1,1 tỷ VNĐ/ năm; khoảng 90 triệu/ tháng; tức gấp
khoảng 8 lần lương bộ trưởng ở VN. Chính mức lương như vậy xã hội Mỹ mới có thể
minh bạch một cách tương đối trong việc kiểm soát thu nhập và đủ các khoản đóng
góp của mỗi công dân. Ở VN, chính vì không thể minh bạch được, những công chức
làm việc liên quan đến tiền bạc mới có thể công tư nhập nhằng, mới có chuyện với
“đồng lương chết đói” nhưng nhiều người vẫn có “biệt phủ”, của chìm, của nổi, đến
người Mỹ dù lương cao gấp hàng chục lần cũng phải thua. Đó là một điều không chỉ
phi lý mà còn là nghịch lý đã tồn tại rất lâu trong xã hội Việt Nam.
Trong
một bài viết, ông Nguyễn Trung, một “nhà dân chủ”, từng là trợ lý của TT Võ Văn
Kiệt, cho những sai trái, yếu kém của xã hội VN là do “quá trình Đảng hóa”. Tôi
đã viết, thực tế không phải có tình trạng “Đảng hóa” như vậy mà chính
là có một sự phân hóa trong Đảng. Như chính TBT Nguyễn Phú Trọng
từng nói ngay trong Đảng cũng đã có sự phân hoá thành người giầu, người nghèo.
Sự phân hóa đó đã tạo ra những người tha hóa, nhất là những quan chức trong các
lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, đã tạo nên tầng lớp mà dư luận gọi là “tư bản
đỏ”. Những vụ án đang xử thực tế chỉ xử những người liên quan đến những vụ việc
như ung nhọt tự bể , còn không thì rất nhiều quan chức giầu có vẫn bình chân
như vại.
Một
thời, thậm chí cả những ngày hôm nay, người ta vẫn còn hô khẩu hiệu, kêu gọi cán
bộ, đảng viên phải là đầy tớ của nhân dân, luôn đặt đặt lợi ích quốc gia, lợi
ích dân tộc lên trên hết. Thực ra đó chỉ là những mong ước lý tưởng. Còn trong
thực tế, cái cần phải làm là làm sao đó để mỗi quan chức có thể thực hiện thoải
mái việc đó mà không phải gồng mình hoặc ép xác như những ông thánh? Chính chế
độ tiền lương phù hợp sẽ là một cách giải quyết cơ bản nhất.
Tôi
đã từng đưa ra “giải pháp” này:
“Thời
chiến tranh, trước vấn đề còn mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều
trở thành nhỏ bé, người ta rất dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm
chất thánh nhân, nhiều chiến sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực.
Cuộc sống trong hòa bình ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu
thì trước sức mạnh vật chất con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Ranh giới giữa những
việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Vậy cái bài toán này có lời
giải không? Có lẽ lại phải đọc lại Mác thôi, con người ta vật chất không đầy đủ
thì ý thức sao tốt được. Vậy phải có biện pháp sao đó để biến tất cả những đồng
tiền “đen” thành đồng lương chân chính, phân chia theo đúng nguyên lý “không sợ
hàng thiếu chỉ sợ phân phối không công bằng”. Như thế đồng lương sẽ có thể đủ
cho mọi người yên tâm làm tốt những trách nhiệm. Phải xây dựng thiết chế xã hội
dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người để ngăn chặn; phải thấy
ai cũng vì mình trước mới vì mọi người; quan chức phải có đặc quyền đặc lợi gắn
liền với trọng trách. Cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong
đạo giáo và sách luân lý, cán bộ đảng viên không cần phải là thánh nhân mà chỉ
đơn giản là làm tròn trách nhiệm và giữ được phẩm chất, thực thi đúng pháp luật.
Với một cơ chế hợp lý, bộ khung pháp luật vững mạnh, không cần đa đảng mà chỉ cần
một đảng, thậm chí chỉ cần vài tay lái có trình độ và bản lĩnh thôi, con tầu đất
nước vẫn đủ sức băng qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống, tiến thẳng đến
đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; ngược lại nó
mãi mãi chỉ là cái khẩu hiệu suông mà thôi!”
Los Angeles
8-5-2018
ĐÔNG LA