Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

HAY VÀ DỞ CAO VÀ THẤP (Về cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1999-2000)

 ĐÔNG LA 

HAY VÀ DỞ
CAO VÀ THẤP
(Về cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1999-2000)


Cách đây trên hai chục năm, giai đoạn trước Giao thừa Thiên niên kỷ (năm 2000), tôi sáng tác sung sức và thành công nhất, 1997, 1998 tôi liên tiếp được tặng thưởng về phê bình và thơ của Tạp chí VNQĐ, giờ đăng lại mấy bài thơ vẫn làm cho các độc giả có tâm hồn và trình độ cao người thì “giàn giụa nước mắt”, người thì ca ngợi tột đỉnh. Trong số những tác phẩm đó tôi làm bài thơ “Những nhịp cầu”, xuất phát từ những hình ảnh bao người dân quê tôi giống như ông nội tôi còng lưng cuốc ruộng, giống mẹ tôi còng lưng cấy lúa, dáng cong cong như những nhịp cầu, những nhịp cầu không phải bằng sắt thép bê tông mà bằng xương thịt, không phải để nước chảy qua, xe cộ đi qua mà để cả lịch sử, cả nền văn minh đi trên đó. Để rồi nhiều tầng lớp người ta với tới những tầm cao nhất về quyền lực, danh vọng, và vật chất, còn những người nông dân giống như những nhịp cầu, luôn ở tầng thấp nhất. Sau khi bài thơ đăng trên báo Văn nghệ, Nguyễn Quang Thiều gọi điện thoại cho tôi bảo: “Ông Hữu Thỉnh bảo Đông La làm bài Những Nhịp Cầu có tứ hay quá, Thiều bảo Đông La dự cuộc thi Chào Thiên niên kỷ của báo mình đi”. Tôi nghĩ mình có tài, được TBT Hữu Thỉnh chú ý, có bạn thân là Thiều tay trong thì chuyện được giải là tất nhiên rồi, nên đã phấn khích làm thơ dự thi như điên và được đăng một loạt bài. Độc giả đầu tiên thường là anh Nguyễn Ngọc Thu cùng làng, cán bộ ở trường “Nhân Văn” TPHCM, anh vốn lãng mạn, đa tình, giờ cũng thành nhà thơ, nên anh thích nhất bài “Cánh đồng quê” và câu “Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ”.

Một bạn TS nam nhưng tên nữ là Dung, sau là Trưởng Khoa Sử, nói: “Đọc thơ anh em không còn đọc được của ai nữa. Thơ anh hiện đại, đã đạt được sự giản dị, chứ không như Nguyễn Quang Thiều”. Sau đó nhà thơ lão thành Hải Như (tác giả lời ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ) gọi điện cho tôi nói có ý y như vậy: “Nếu tôi có quyền sẽ cho anh giải nhất. Thơ anh hiện đại, đã đạt được sự giản dị chứ không như Nguyễn Quang Thiều”. Ông Lê Huy Mậu (tác giả lời ca khúc Khúc hát sông quê) còn làm bài thơ hoạ lại bài “Cánh đồng quê”. Nhưng rồi kết quả cuối cùng không có tôi mà là những tác giả có những bài rất dở, trong đó có Nguyễn Tấn Việt, mà trong một bài của Hữu Việt cho biết Thiều coi là người anh, người thầy về thơ. Tôi đã phẫn nộ về cuộc thi và hơi buồn buồn về bạn Thiều của mình. Cuộc thi thì bất công, còn bạn Thiều đối xử tốt nhất trên đời với tôi, nhưng ông Việt bố thằng Quyến mới thực sự là người Thiều thân thiết, và Thiều chỉ là một biên tập viên thơ thôi nhưng có bản lĩnh ghê gớm, có thể dắt mũi được cả cuộc thi, đã trao giải cao nhất cho tác phẩm ngô nghê, không ra gì. Bây giờ tôi mới biết, nếu thơ tôi hay thật lại được công nhận nữa thì thơ của nhiều thằng sẽ bị mang ra so sánh và người ta sẽ thấy chỉ là cỏ rác!
Hôm nay, sau chẵn 20 năm, tôi đăng lại cái bài tôi viết “đánh cho cuộc thi ấy một trận”!
12-11-2021
ĐÔNG LA

HAY VÀ DỞ
CAO VÀ THẤP
(Về cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1999-2000)
Thế là cuộc thi văn chương lớn nhất của một trung tâm văn nghệ cao nhất-báo Văn nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam-đã khép lại. Với người tham dự, lẽ thường, người thắng sẽ vui, kẻ bại sẽ buồn; nhưng trước những kết quả xứng đáng, dù thắng hay bại, mọi người vẫn sẽ có một niềm vui chung, bởi qua bao chờ đợi, cuộc thi đã tìm ra được những giá trị mới, những tài năng mới, hứa hẹn mang tới cho đời những tác phẩm mới. Có điều, để làm được điều này lại không đơn giản, bởi mỗi cuộc thi văn chương luôn không chỉ là cuộc thi của những thí sinh, mà còn là sự chứng tỏ khả năng thẩm định của cả ban giám khảo. Riêng tôi, kỷ niệm khó quên về chuyện thi văn chương năm 1986 tại TPHCM với nhà thơ Chế Lan Viên, đã khiến tôi hiểu ngay ra một điều rằng :sáng tạo ra cái hay đã khó, nhưng để được công nhận còn khó khăn hơn, bởi mỗi một tài năng buộc phải được nhận diện cũng bởi tài năng và hơn thế : sự công tâm!
Trong thời gian qua đã có nhiều cuộc thi văn chương rầm rộ, nhưng nhiều tác giả được lựa chọn trao giải lại không có thực tài, bởi sau đó họ không chứng tỏ được.
Để thẩm định chính xác một tác phẩm thi ca, người thẩm định buộc phải vừa nhạy cảm để phát hiện ra cái mới cái hay, vừa uyên thâm để có một nền tảng tri thức để phân tích. Thơ ca luôn mang tinh thần, sắc thái văn minh của thời đại, để hiểu hết được những phẩm chất của nó, người ta buộc phải có không chỉ khiếu làm thơ, mà còn cần phải có cả trình độ tri thức tổng hợp nói chung. Nếu chỉ có duy nhất khiếu làm thơ thôi, con mắt người ta tất không nhìn ra khỏi thơ mình.
Tiếc là những tác phẩm được lựa chọn trong cuộc thi báo Văn Nghệ lần này cũng lại rất yếu kém. Nên kết quả vừa công bố, dư luận đã có biết bao xầm xì phản đối.
Hai bài của Nguyễn Tấn Việt xếp đầu cuộc thi là hai bài bình thường. Chúng không thoát ra khỏi sự đơn điệu và tẻ nhạt giông giống nhau của số đông thơ ca hôm nay. Từ câu chữ đến ý tứ dường như ta đã đọc được ở đâu đó, tức chúng được làm bằng ngôn ngữ thơ phổ thông, thậm chí là ngôn ngữ nôm na của giao tiếp đời thường. Hai bài thơ không vẻ đẹp cho ta chiêm ngưỡng, không tình tứ cho ta si mê, không biến hóa cho ta thích thú, không cao sâu cho ta suy tư …tóm lại, chúng không có mặt gì nổi trội, không đại diện cho thành tựu mới của sáng tác hôm nay, nếu được chọn đứng đầu hàng vạn bài dự thi là không xứng đáng và yếu kém.
Tất nhiên tôi nói vậy không phải nói bừa mà phải dựa trên cơ sở lý luận. Để xác định chính xác thế nào là một bài thơ hay, thế nào là yếu kém, người ta không thể chỉ cảm nhận bằng cảm tính chủ quan mà phải dựa trên những yếu tố cụ thể như: sáng tạo hay không sáng tạo, mới hay cũ, cao hay thấp…rồi, những điều này cũng lại phải được nhận diện trên cơ sở của: từ ký hiệu học đến thi pháp, và từ mỹ học đến triết học. Ký hiệu học cho phép ta đánh giá sự sáng tạo ngôn ngữ, độ khó, độ tương hợp của những sáng tạo ấy, và tác dụng tăng cường sức biểu đạt biểu cảm của nó như thế nào…; thi pháp giúp ta khảo sát toàn diện các yếu tố làm nên diện mạo bài thơ, mỹ học đánh giá hiệu quả thẩm mỹ của chúng, triết học khảo sát độ sâu, độ cao tức tính khái quát và độ hàm súc của tác phẩm. Như vậy, bài thơ hay nhất tất phải độc đáo nhất, ngôn ngữ biến hoá nhất, ý thơ phải hàm súc nhất, phản ánh sâu xa và bao quát nhất những điểm mấu chốt liên quan mật thiết nhất đến cuộc sống hôm nay.
Bài “Ở bản nào cũng thế” của Nguyễn Tấn Việt được xếp đầu bảng là bài thơ có tầm nhìn hạn hẹp, viết bằng cách viết giản đơn, liệt kê một cách đơn điệu những sự trái ngược ở những làng bản vùng cao, giống như những gạch đầu dòng của một ghi chép vậy. Câu thơ cũng có hàm nghĩa nhưng lại được nói ra một cách trụi lủi với cách dùng từ không dụng công, ít tương đồng, nên khả năng biểu đạt cũng như biểu cảm rất kém, đọc xong không thấy rung động gì và cũng chẳng phải nghĩ suy gì:
Ở bản nào cũng thế
…………………………
Tuổi thấp thì học bay
Tuổi cao thì học đứng
Trẻ con đi học là học văn hóa để có điều kiện bay cao những ước mơ, còn nói tắt, dùng từ chỉ mục đích thay cho từ chỉ đối tượng, trẻ con đến trường không phải học văn hóa mà lại “học bay” như trên thì nghe thật buồn cười. Rồi:
Ở bản nào cũng thế
Đông người thuộc Quốc ca
Ít người quên quốc nhục
Điều này tốt về ý thức công dân, nhưng quá kém về sự sáng tạo ngôn ngữ. Người sáng tác chú trọng đến sự sáng tạo thường rất tránh viết những điều hiển nhiên, bởi đã là hiển nhiên thì không có gì độc đáo, không có gì là nghệ thuật cả, chẳng ai lại thích thưởng thức những điều ai cũng biết:
Ở bản nào cũng thế
Bồ câu thích bay đôi
Gà tức nhau tiếng gáy
………………………………
Ở bản nào cũng thế
Nhan sắc thích soi gương
Một bài thơ toàn những câu như vậy không hiểu sao lại được xếp đầu cuộc thi rất lớn này!
Bài “Làng tôi năm 2000” là bài thứ hai được giải của Nguyễn Tấn Việt. Nó không khá hơn bài trên, thậm chí còn kém hơn về mặt ý tưởng. Nó là một sự trăn trở hoài nhớ của một người xa quê nhớ về ngôi làng của mình, khi những hình ảnh xưa cũ được thay thế bằng những hình ảnh của cuộc sống mới. Đây là một motif rất cũ, đã rất nhiều người viết. Trong sáng tác, để tìm ra một cấu tứ hoàn toàn mới rất khó. Nó cần một năng lực sáng tạo lớn, giống như sự sáng tạo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên vậy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bài thơ viết về những vấn đề cũ nhưng vẫn có thể được đánh giá cao, nếu nó được viết bằng loại ngôn ngữ độc đáo với những ý thơ độc đáo, chỉ riêng tác giả bài thơ đó mới viết ra được, và nó cũng phải đòi hỏi một năng lực thơ ca rất lớn. Tiếc là “Làng tôi năm 2000” của Nguyễn Tấn Việt không được như vậy. Cũng vẫn một kiểu liệt kê giản đơn tuần tự những hình ảnh cũ mới thay thế nhau, cũng bằng ngôn ngữ kể nôm na, bài thơ thiếu hẳn yếu tố biến hoá bất ngờ, nên không gây được ấn tượng gì cho người đọc:
Làng tôi đang ở đâu
Đêm trung thu cũng không thấy bóng đa
Mái đình trùng tu thay mầu rêu cũ
Mẹ về chợ mớ rau trong rổ nhựa
Và lên chùa phẩm oản gói ni-lông
Vịt siêu trứng không mò cua bắt ốc
Gà gia công không nhặt thóc đống rơm
………………………………
Làng tôi năm hai ngàn
Bao dập dìu hiện đại
…………………………………
Bao đổi thay kỳ dị
Cô thợ cấy đấu cờ trên màn hình điện tử
Bác thợ cày hút thuốc lào mê bản tin quốc tế
Cả làng sôi lên cùng trái bóng châu Âu…
Nuối tiếc những hình ảnh thơ mộng yên bình, những bản sắc văn hóa làng quê là điều tốt. Điều đáng băn khoăn ở đây là Nguyễn Tấn Việt lại đem sự nuối tiếc ấy đối lập với sự đổi mới. Một bài thơ hay buộc phải có tính tư tưởng cao, vậy mà “Làng tôi năm 2000” chỉ có những suy tư lẩn thẩn chứ chưa muốn nói là phản tiến bộ như vậy. Trong khổ thơ trên, từ “kỳ dị” lẽ ra nên thay bằng “kỳ diệu” thì đúng hơn. Sự nghiệp điện khí hóa nông thôn; những con đường lầy lội được phủ lớp áo bằng nhựa bê tông phẳng lì; những vật dụng của nền văn minh nâng cao chất lượng sống và tầm hiểu biết của con người: ti vi, tủ lạnh, cát-xet…; cô thợ cấy cũng biết chơi cờ điện tử; bác thợ cày ngồi tại nhà mình vẫn biết mọi tin tức trên thế giới; thanh thiếu niên được xem tức thời trái bóng tròn lăn trên mọi sân cỏ khắp hành tinh v.v… Tất cả những điều ấy là những đổi thay kỳ diệu chứ sao lại cho là những thứ kỳ dị? Sự đổi mới hướng về phía văn minh là tất yếu, là lẽ sống, là mục tiêu phấn đấu. Tất nhiên, chúng ta cũng phải biết giữ lại những bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng chỉ nên giữ lại những gì tinh túy chứ tuyệt nhiên không phải là việc giữ lại những “rêu mốc”, những phương sức sản xuất tiểu nông, vụn vặt nhỏ bé, như bài thơ “Làng tôi năm 2000” nuối tiếc.
Đặng Huy Giang là tác giả xếp thứ hai trong 3 người đoạt giải A. Tác giả có cố gắng tạo ra những cấu tứ độc đáo, mang nhiều chất suy tư, tiếc là sự thể hiện chưa nhuyễn, còn rất sượng. Bài thơ “Theo con” vẽ ra cảnh ông bố 44 tuổi luôn phải theo đứa con 7 tuổi, đưa đón trong các sinh hoạt, để gợi nên những suy tư về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tiếc là bài thơ rất lủng củng cả về ngôn từ lẫn ý tưởng; các hình ảnh, các chi tiết được vẽ ra không độc đáo, cũng vẫn là kể lể và liệt kê, chưa qua lăng kính của sáng tạo, có những câu thơ trơ trơ, giữa nghĩa đen của hình ảnh –“cái biểu đạt”-với những hàm nghĩa-“cái được biểu đạt”- không liền mạch, do không có những tương đồng nên không có sức gợi:
Hát theo con
Cười theo con
Nghĩ theo con
Lớn và bé vận hành trong guồng máy
Sáu giờ kém mười lăm: bấm nút đi, mười sáu giờ ba lăm: bấm nút về
Tư duy bắt vòng theo chiều lăn bánh xe
Suốt ngày bám đít luẩn quẩn theo đứa trẻ 7 tuổi trên mọi phương diện như vậy thì không biết người ta tư duy được cái gì?
Đoạn kết bài thơ với những so sánh khấp khểnh, lơ lửng, câu thơ nôm na như câu nói, tác giả viết:
Dẫu âm thanh đi chậm hơn, ánh sáng đến nhanh hơn
Nhưng
Sấm và chớp, cha và con…
Chúng ta nghẹt thở vì bụi đường
Nghẹt thở vì chờ đợi
Mặc dầu vậy cũng chẳng hề hấn gì
Bởi quá khứ vẫn giật mình theo bước chân con trẻ.
Người ta thường đưa ra giả thiết thật phi tự nhiên để khẳng định một điều gì đó cần phải khẳng định, ví như: “Dẫu sông cạn đá mòn, nhưng chân lý không gì thay đổi được”, còn trong đoạn trên, việc ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh là chuyện tất nhiên còn dẫu mới diếc cái gì?! Tôi biết thực chất ý tác giả muốn nói: dẫu thế hệ cha có chậm, thế hệ con có nhanh, dẫu hiện tại còn nhiều cản trở, nhưng hiện tại vẫn phải hành động theo sự phát triển của tương lai thôi. Tiếc là ý thơ thì tốt, nhưng khả năng thể hiện kém, nên chưa sõi. Trong sự liên tưởng, người ta buộc phải dựa trên nghĩa chính xác của nghĩa đen để có thể liên tưởng đến những điều nó có thể gợi ra. Đặng Huy Giang dùng từ “quá khứ” như câu “Bởi quá khứ vẫn giật mình theo bước chân con trẻ” là không chuẩn, nó không nối kết được các ý với nhau, Lẽ ra phải dùng từ “hiện tại” mới đúng, bởi chỉ có hiện tại mới là cái người ta có thể thực hiện, có thể thay đổi, còn đã là quá khứ thì luôn luôn là cái đã rồi, cái đã xảy ra, nó chỉ có thể chạy ngược về phía sau chứ làm sao lại chạy theo “bước chân con trẻ” được!
Bài “Họ nhà rùa” là bài thứ hai của Đặng Huy Giang được giải là bài khá hơn, và có thể là khá nhất về mặt cách viết trong tất cả những bài được giải. Tác giả có nhiều dụng công đưa ra một kết cấu tượng trưng, dùng hình tượng con rùa với tất cả những phẩm chất được tượng trưng hóa, huyền thoại hóa về nó, biểu đạt một thực tế của cuộc sống, đó là cái nền tảng thấp nhất nhưng không có nó làm giá đỡ, nhiều giá trị khác không đứng được. Bài này về mặt cấu tứ hao hao như bài “Những nhịp cầu” của tôi đã đăng trên Văn Nghệ trước cuộc thi, nhưng tầm khái quát hạn hẹp hơn, bởi hình ảnh con rùa chỉ có thể là biểu tượng của sự chắn chắn, sự kiên trì, sự hy sinh … chứ chưa phải là biểu tượng của sự sinh sôi và phát triển. Giống như bài trên, tác giả có năng lực suy tư, nhưng năng lực ngôn ngữ còn yếu. Ngôn ngữ tượng trưng thường là ngôn ngữ chắt lọc, có khả năng gợi mở, chừa chỗ cho sự liên lưởng của độc giả, đằng này tác giả lại viết quá rườm rà, quá chi tiết, khiến người đọc nghĩ con rùa tác giả viết ra là con rùa thật chứ không còn là biểu tượng của thi ca nữa.
Những giải thấp hơn, một bài viết không thể phân tích hết được, tôi chỉ nói một điều rất dở chung là, đó là việc ta thấy rất rõ bóng dáng thơ ca của những tác giả lớp trước trong đó. Sự ảnh hưởng, tương đồng giọng điệu là điều bình thường, nhưng sẽ là không bình thường khi có sự sao chép, sự lặp lại với những motif biểu cảm đã thành mòn cũ. Về mặt thi pháp, chúng cũng chưa thoát ra khỏi những giới hạn, những điều mà tôi đã viết trong một bài viết dài “Hành trình thơ ca”. Nếu thơ ca kháng chiến có bước tiến là đã thoát ra khỏi được quy phạm khuôn mẫu gò gẫm của thơ cổ, có khả năng phản ảnh được mọi mặt của cuộc sống, nhưng còn điểm yếu là: bút pháp tả thực bị lạm dụng. Rất, rất nhiều tác giả đã biến thơ ca không phải thành thơ điệu nói mà là lời nói, thường dùng cách nói trực quan, kể và tả, ít khơi gợi, phải dùng quá nhiều chữ nhiều câu chỉ để diễn giải một ý, dùng nhiều công sức chỉ để nói ra những điều hiển nhiên, ý thơ đơn tuyến, ít dụng công, ít có cấu trúc mạng liên tưởng mở rộng biên đô những ý nghĩa…
Đến cuộc thi thơ này tôi gửi 8 bài, đã được chọn đăng 6 bài, với những cách viết khác nhau. Chúng đã được khá nhiều bạn viết, bạn đọc đánh giá cao. Tiếc là chúng lại bị loại ngay từ vòng sơ khảo. Tôi vốn quen một số giáo sư, sau khi nghe tôi trình bày, một vị trong số đó cũng phải ngạc nhiên không hiểu sao lại như vậy! Tại sao ư? Tôi nghĩ, có lẽ do trong số những người có quyền lựa chọn, những người chấm giải, còn có nhiều người chưa thể phân biệt được những khác biệt tế nhị trong văn chương: giữa cũ và mới, thấp và cao, nhỏ bé lọn mọn với lớn lao; giữa sắc thái bình dân với sắc thái trí tuệ, câu thơ đại ngôn với những câu có tính khái quát lớn, môi mép uốn éo với sáng tạo ngôn ngữ, lập dị với cách tân đổi mới…và, liệu có sự thành kiến cá nhân và sự không công tâm không? Ông giáo sư Trần Đình Sử vốn là người chuyên viết về thi pháp, ông cũng phải thừa nhận rằng, việc thẩm định chính xác sự hay dở, cao thấp của thơ hiện đại là vô cùng khó; ông lại đánh giá cao tôi về mặt này, nên ông đã khuyên tôi nên viết một bài cho cái chung, góp thêm tiếng nói để nhận diện thơ ca hôm nay.
Bởi thuốc đắng giã tật sự thật mất lòng, tôi biết mỗi lần viết như trên là tôi lại đi gây thêm thù chuốc oán. Nhưng đắn đo mãi lại hì hục ngồi viết, vì nghĩ, nếu tất cả mọi người phó mặc để mọi chuyện trôi qua, người sáng tác thực sự không biết phấn đấu như thế nào, khi sự hay dở, cao thấp bất phân minh và không có cơ sở vững chắc để thẩm định.
TPHCM 15-2-2001
ĐÔNG LA