Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

CHÙM THƠ DỰ CUỘC THI BÁO VĂN NGHỆ 1999-2000

ĐÔNG LA
CHÙM THƠ DỰ CUỘC THI BÁO VĂN NGHỆ 1999-2000 
Có bạn Thiện Nhân là một người cũng thường xuyên đọc và thích tôi viết nhắn tin thế này: “Anh ơi anh xem lại có nhầm không khi viết cả 2 người là Dung và Hải Như cùng nói câu "Thơ anh hiện đại, đã đạt được sự giản dị chứ không như Nguyễn Quang Thiều"? Nếu tình cờ 2 người cùng nói nội dung giống nhau thì kg sao, còn nếu nhầm lẫn thì anh sửa lại đi ạ, em không muốn bọn xấu lợi dung chút sai sót để công kích anh”. Tôi đã trả lời là: “Họ nói đúng như vậy luôn mới hay chứ!”
Thực tế, không chỉ Nhà thơ Hải Như và bạn TS Dung ((là bạn của bạn tôi, PGS TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Viện phó Viện Văn học) nói về tôi trùng ý như thế mà còn có những “cặp” khác cũng vậy, như Nhà thơ Anh Thơ và chính anh bạn Thiều, hai người này còn mang chính Chế Lan Viên, bậc tài danh tối cao, ra so với tôi. Cô Anh Thơ bảo: “Nếu mày mà chịu khó, sau này mày có thể còn giỏi hơn cả ông Chế Lan Viên đấy”; còn Thiều, sau khi đăng cho tôi bài thơ “Những cái xác” có 4 câu, Thiều gọi điện thoại bảo: “Đến bài này thì ông hay hơn Chế Lan Viên rồi!” Sau đó Thiều còn phân tích nghe đến nóng cả cái điện thoại. Tôi sẽ viết cụ thể thêm chuyện này. Còn tôi nghe họ nói vậy thì cũng thích, nhưng với CLV, tôi không bao giờ có ý so sánh với ông, tôi luôn không chỉ kính trọng mà còn yêu quý ông hết mức, luôn coi ông như cha mình. Gần đây có bạn BS Hoa Huynguyen nhận xét thơ tôi vượt mọi chiều kích của một cuộc thi cũng lại trùng với ý của bạn Lê Thiếu Nhơn. Khi biết tôi đồng ý làm đơn xin vào Hội Nhà Văn VN, Lê Thiếu Nhơn đã email ý bảo, với “tầm vóc” của tôi thì “Anh vào Hội người ta biết xếp anh vào đâu?
Những lời của thiên hạ khen tôi thì vô kể nhưng không thể ghi âm, nên nếu ai có ý bắt bẻ thì đúng là không thể có bằng chứng. Còn gần đây cũng có những lời khen ngợi tôi tột đỉnh, thú vị là trên facebook thì tôi có thể chụp lại được, và tôi đã chụp để làm kỷ niệm. Ngay Nhà văn Trúc Phương (nickname Nhất Phương), một nhà văn chân chính có nhân cách khiến tôi phải khâm phục cũng tự cho mình “ngây ngô” khi đọc tôi viết về Nguyễn Khoa Điềm; bạn Ân Lê Hoàng còn cho tôi viết về Nguyễn Khoa Điềm như Lê Đức Thọ tái sinh. Tôi viết chẳng được gì, nhưng nhận được những lời khen như vậy thì đúng là thú vị thật!
Hôm nay tôi đăng lại chùm thơ tôi dự thị ở Báo Văn nghệ mà Nhà thơ Hải Như và bạn TS Dung đều khen hết lời và coi thơ tôi là mẫu mực để chê thơ Nguyễn Quang Thiều. Trong chùm thơ làm để dự thi có bài “Cánh đồng quê” tôi đã đăng nhiều lần, có vài bài lần đầu tôi công bố trên mạng. Để đáp ứng tinh thần cuộc thi chào Giao thừa Thiên niên kỷ, tôi có ý làm những bài thơ có tính tổng kết, khái quát, xem chừng ý bạn BS Hoa Huynguyen nói đúng, sợ chiều kích của thơ tôi đã vượt rất xa tầm nhận thức hạn hẹp của những nhà thơ giám khảo cuộc thi rất lớn của Hội Nhà Văn VN đó. Tôi cũng làm một bài thơ tình, nếu so với thơ tình của Xuân Diệu thì chắc chắn sẽ khác, và đó chính là đổi mới.
Tôi cũng đăng lại vài ảnh chụp những comment để chứng tỏ người ta khen tôi tột đỉnh là thật, chứ tôi không bịa ra.
13-11-2021
ĐÔNG LA
TRÁI ĐẤT
(Thơ dự thi)
Như một giọt sống
Trôi vô định trong lòng vũ trụ
Những đám mây định hình cơn bão
Thổi trái đất về đâu?
Những mảng lục địa mầu xanh, mầu nâu đỏ
Nổi phập phều trên khối nham thạch nóng bỏng
Mảng nào hạnh phúc, mảng nào bất hạnh?
Mảng nào đang được nung đỏ lên
Trong sự thù hận?
1995
CÂU THƠ
(Thơ dự thi)
Tôi muốn viết câu thơ vắt qua thế kỷ
Thấy ba phần dính máu những cuộc chiến tranh
Còn một phần bị cùm trong văn minh đô thị
Đâu chỗ nào cho gió mát trăng thanh?
1995
DƯỚI MÁI NHÀ CỦA ĐÊM
(Thơ dự thi)
Em bước ra từ khung cửa của chiều
Làm bằng những bông hoa dâm bụt
Những rặng tre bương
Tiếng chim chào mào trên cây sắn thuyền
Và nắng
Và gió
Nắng choàng lên em tấm áo trong suốt màu mỡ gà
Xâu chuỗi trên tóc em những viên bi như được vo viên từ ánh trăng
Những sợi tóc to như sợi cước được tước ra từ bẹ chuối
Đổ dài trên lưng
Từ đó
Em bước vào ngôi nhà của tình yêu
Và cho anh biết được
Thế nào là quyền lực của yêu thương
Ta dìu nhau đi dưới mái nhà của đêm
Trên con đường bạch đàn ánh trăng trải thảm
Trong tiếng côn trùng hân hoan thăm thẳm
Và hương đêm nồng say
Em đã tặng anh nụ hôn thần tiên
Nụ hôn có lạnh hạt sương mà làm lòng anh lửa cháy
Em đã buộc anh bằng những vòng ôm như lạt giang buộc bánh
Để anh trở thành một tù nhân của yêu thương
Thế là anh đã có môt dòng sông
Khi nắng hạ nung những bờ đê sém cỏ
Thế là anh đã có một ổ rơm mùa đông
Khi gió Bấc rít gào ngoài liếp cửa
Anh như một chiếc lá
Rơi xuống dòng sông cuộc đời
Và phía ấy là biển
1996
NHỮNG DÒNG SÔNG
(Thơ dự thi)
Như nếp nhăn hằn trên trán Trái Đất già nua
Như mạch máu chảy trong da thịt đất phì nhiêu
Như vòng ôm người yêu quấn chặt người yêu
Những dòng sông
Mạch nguồn của sự sống
Ai ngoài người thợ thời gian đã miệt mài khơi nên những dòng sông?
Ngọn cỏ đầu tiên nào sinh ra để dệt nên những châu thổ, những cánh rừng, choàng chiếc áo xanh lên mình Trái Đất?
Con cá đầu tiên nào sinh ra để ngập tràn sự sống?
Ngọn lửa đầu tiên nào đã được đốt lên?
Để sáng lên ánh sáng của văn minh
Nhưng trên một chiếc nôi không chỉ bình nguyên mà núi cao vực xoáy
Dưới một vòm trời cũng chỗ lành, chỗ rách
Ánh sáng phía này, bóng tối phía bên kia
Trái Đất mong manh với định mệnh không bình yên
Luôn nổi chìm trong bão tố của chính mình, của chính những đứa con tự đốt cháy nơi mình sinh sống
Như hai kẻ song sinh luôn song hành từng giây phút
Sự tham vọng hay yếu hèn nguồn cội những tai ương?
Theo suốt chiều dài thăm thẳm của thời gian
Dòng sông lịch sử quanh co mang trên mình đầy thương tích
Băng qua những mảng thời gian bị băm nát, những thiên kỷ bị cháy sém, những thế kỷ bị chặt khúc
Chẳng ngừng trôi
Chẳng ngừng trôi trên những khác biệt lớn lao
Trên những cao thấp, những sáng tối, những lành vỡ
Như sợi chỉ vẫn đêm ngày cần mẫn
Khâu lành những vết thương
9-1998
CÁNH ĐỒNG QUÊ
(Thơ dự thi)
Dường như không phải ở nơi Tạo Hóa đặt ngày tạo Thiên lập Địa
Mà ở tận cùng sâu thẳm của ký ức
Nơi mây bông đêm đêm vẫn lót đệm ta nằm
Những hạt mưa mát lành vẫn tắm gội tuổi thơ ta trong những giấc mơ sâu
Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được chiêm ngưỡng một vầng trăng khác cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ
Ôi cánh đồng quê!
***
Ta nhớ xiết bao con đường ghồ ghề sau làng gồng lưng cõng những dấu chân nhọc nhằn cấy cày khuya sớm
Những số phận dầu dãi trong nắng lửa mùa hạ, trong gió bấc mùa đông
Người thì nhẹ mà nỗi lo thì quá nặng
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt
Không ủ ấm được bao cuộc đời bao số phận mong manh
Khi những đám mây như bị phơi khô trong mùa hạn hán
Mặt đất cũng bị nghiêng cho mùa nước lụt tràn đê...
***
Ôi quê hương!
Đã bao thế hệ sinh ra như chỉ để bất hạnh
Cả cuộc đời ông lang bạt kỳ hồ vẫn không ra khỏi những cuộc chiến triền miên
Cuộc đời cha cũng nằm gọn trong dai dẳng nỗi nghèo đói
Tuổi thơ con lăn lóc trong lam lũ nhọc nhằn
Những con chữ cũng bị đói lây trong giờ lên lớp
Ngón chân tím bầm suốt mấy mùa đông
Ôi, nếu cuộc đời có số phận thì số phận của mỗi người chính là số phận của đất nước
Dường như ta đã trải qua cả mấy cuộc đời
Đã từ bỏ được điều lặp lại nghiệt ngã
Đôi chân lấm bùn rong ruổi khắp đó đây
Những cung điện nguy nga, đền đài hùng vĩ
Những hành lang dát vàng, căn phòng dát vàng...
Nhưng sao vẫn cháy lòng đêm đêm nỗi nhớ
Nỗi nhớ về một vùng đất rách nát và ẩm mốc
Cánh đồng quê!
***
Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô, Đằng Miều, Con Cóc?
Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ...
Ôi quê hương!
Ta yêu người xiết bao vẫn phải rời bỏ quê hương
Ta không thể mang theo con đường, dòng sông, gốc đa da trâu mài nhẵn thín
Ta cũng không thể mang theo đêm trăng âm vang tiếng cá quẫy
Nhưng ta vẫn tìm được cho riêng mình một cánh đồng quê
Ta đặt cánh đồng trong mơ, trong sách vở, trong suy tư
Giống như mẹ năm nao con trồng cây lúa
Nhưng con không bón phân gio mà bón những mảnh tri thức
Chúng không lớn lên trong nắng mưa mà lớn lên trong ý nghĩ của con
Những cây trái không trổ bông chỉ những suy nghĩ trổ bông
Đã kết tụ và theo về khắp chốn
Trên những nhịp cầu mênh mông chữ nghĩa
Từ một cánh đồng con đã đến được mọi cánh đồng
Ôi, có nơi đâu kỳ lạ như những cánh đồng Việt Nam
Tưởng như nước không phải là nước mà mồ hôi bao đời đọng lại
Đất không phải là đất mà thịt xương bao đời tạo thành
Mỗi ngọn cỏ gốc cây cũng rưng rưng huyền thoại
Nơi có những bà mẹ nghèo nàn nón lá áo tơi
Những bà mẹ tảo tần không một chữ cắn đôi
Lại sinh ra bác học, kỹ sư, nhà thơ, nghệ sĩ
Vóc hình mỏi mòn lại sinh những anh hùng tướng lĩnh
Bao trẻ trâu bết bùn đã đến bục vinh quang!
***
Ôi những bà mẹ anh hùng sớm tối lúa khoai!
Nhưng hạt giống của mẹ không chỉ mọc lúa khoai mà nảy lên cả tùng, cả bách
Những tuổi tên đã làm rạng danh đất nước
Đất nước của những cánh đồng quê!
Tp.HCM 12-1998
(Báo Văn nghệ số 4, 23-1-1999)