Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

VỀ TRIỆU XUÂN VÀ HAI NGƯỜI BẠN MỚI MẤT

 ĐÔNG LA

VỀ TRIỆU XUÂN VÀ HAI NGƯỜI BẠN MỚI MẤT

Hôm qua, anh Trúc Phương có gọi điện bảo thằng Tạ Duy Anh nó viết trên facebook về anh láo lắm, “nó còn gọi mình là bạn đồng môn nữa chứ. Bọn vào comment cũng láo lắm, chúng nó chửi cả ông nữa đó”. Tôi trả lời anh là tôi sẽ vào xem. Còn chuyện chửi bới thì tôi đã viết nhiều lần, mình làm việc tốt thì chắc chắn sẽ bị bọn xấu, bọn lưu manh chửi, quan trọng là đúng hay sai, có phạm pháp hay không mà thôi.

Sáng nay tôi vào trang có nickname “Lao Ta” của Tạ Duy Anh thấy có bài “Khi tâm hồn mục nát” chửi đểu anh Trúc Phương. Chỉ chửi anh Trúc Phương mấy dòng thôi nhưng Tạ Duy Anh lại thể hiện tài chửi chế độ ngang với Phạm Lưu Vũ. Chính Nguyễn Quang Thiều là giám đốc đã trọng dụng Tạ Duy Anh làm cán bộ biên tập ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, vậy đ/c Đảng viên ĐCSVN Nguyễn Quang Thiều có “giả trang trong chính khuôn mặt” Đảng viên của mình không?
Xem lướt trang facebook của Tạ Duy Anh thấy có những bài viết, những comment rất láo, nhưng tôi lại thấy Tạ Duy Anh đưa tin ông Triệu Xuân mất. Tôi với Triệu Xuân có thời kỳ dù không thân thiết như với Nguyễn Quang Thiều nhưng cũng hàng tuần trên từng cây số quán xá ở TPHCM bia bọt với nhau, nên muốn viết đôi dòng khi Triệu Xuân mất, chuyện Tạ Duy Anh chửi Trúc Phương tính sau.
***
Trước kia tôi có nghe tên nhưng không đọc văn Triệu Xuân nên không biết gì về Triệu Xuân, cứ tưởng quê Thanh Hoá. Một lần, anh Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc NXB Văn học, tức là “sếp” của Triệu Xuân (TX phụ trách chi nhánh NXB Văn học ở TPHCM), vào TPHCM. Anh Lưu gọi cho tôi bảo đến “chi nhánh” nói chuyện về cuốn “Biên độ của trí tưởng tượng” mà chính anh một lần điện thoại bảo tôi: “Em sửa soạn một cuốn anh sẽ in cho”. Tôi đến gặp anh Lưu, có mặt Triệu Xuân, Triệu Xuân đã nói tốt một câu cho cuốn sách của tôi. Sau đó, trước khi cuốn sách của tôi chào đời thì Triệu Xuân í ới gọi cho tôi nhiều. Từ đó tôi mới biết Triệu Xuân quê ở Ninh Giang, Hải Dương, nhà cách nhà tôi ở Thanh Miện chỉ khoảng 5 km. Hồi đó trên báo Văn nghệ lại đăng bài “Thơ và vật lý” tôi viết về Lê Đạt, Triệu Xuân bảo: “Chỉ một bài này thôi, ông dư tiêu chuẩn vào Hội Nhà Văn VN rồi”. Triệu Xuân đã bảo tôi làm cộng tác viên biên tập ở nhà xuất bản. Triệu Xuân là người ham vui, thích gặp bạn văn nơi quán xá, mà tôi thì cũng có chút sản xuất kinh doanh, không đại gia nhưng đủ tiền nhậu nhẹt thoải mái, nên gần như cuối tuần nào Triệu Xuân cũng gọi. Gu Triệu Xuân là Heineken chai ướp lạnh có dấu gì đó để xác định là “thứ thiệt”, và tôi gọi gì thì gọi phải có dĩa tôm sú hấp.
Triệu Xuân có tính quảng giao, trong giới nhà văn chơi hết với những nhân vật danh tiếng, cũng giống như một số bạn thân quen của tôi, Triệu Xuân không phân biệt đúng sai, tốt xấu. Một lần, tôi được mời đến ăn giỗ ở nhà Triệu Xuân, vào mâm tiệc có Nguyễn Quang Sáng, Bằng Việt, Nguyễn Huy Dung (Nhà thơ, GSTS Y khoa, em hai nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái), chủ nhà, và tôi. Theo lẽ thường, đẳng cấp văn chương mang tính phong kiến “chiếu trên chiếu dưới” được hình thành ngay trong bàn tiệc đó, Nguyễn Quang Sáng và Bằng Việt chỉ nói chuyện với nhau. Nhưng đến một thời điểm, không biết có tác động của hơi men không, GSTS Nguyễn Huy Dung cứ mang bài thơ “Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu” của tôi ra khen oang oang. Đến nỗi Bằng Việt ngồi bên tôi cũng phải nói: “Đông La à, mình cũng có nghe tên nhưng chưa đọc”. Sau bữa tiệc đó tôi và Bằng Việt có vài lần thư từ trao đổi, rồi chắc hai phía thấy không tâm đắc nên thôi. Sau này thấy Bằng Việt giống Nguyễn Khoa Điềm bênh vực Cù Huy Hà Vũ tôi hơi thất vọng về quan điểm chính trị của Bằng Việt, còn tài thơ Bằng Việt thế nào quả thật tôi không chú ý.
Quan hệ giữa tôi và Triệu Xuân cứ bình thường trôi đi, đến một ngày Triệu Xuân rủ tôi làm Tạp chí Văn chương Hồn Việt. Tôi ra điều kiện, Triệu Xuân lo hết phần “cứng”, còn phần “mềm” là nội dung và hình thức thì mỗi số Triệu Xuân muốn gì nói ra tôi sẽ làm, còn lại, như một đầu bếp nấu nướng và bầy biện bữa tiệc, tôi sẽ làm tất. Triệu Xuân đã chiều theo ý đó của tôi. Về bìa số 1, tôi bảo nên chọn một tác phẩm hội hoạ nổi tiếng mà từ nhà hoạ sĩ, nhà trí thức, đến nhà “bình dân” ai cũng phải thấy là đẹp. Như bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân hoặc Em Thuý của Trần Văn Cẩn chẳng hạn. Cuối cùng chúng tôi chọn bức Thiếu nữ bên hoa huệ.

Khi số 1 Văn chương Hồn việt ra đời, Triệu Xuân tổ chức lễ ra mắt, có nhiều nhân vật danh tiếng và nhà báo tham dự. Tạp chí được mọi người khen ngợi, anh Hoài Anh, người thân thiết cả tôi và Triệu Xuân, nói: “Triệu Xuân giữ gôn, Đông La tiền đạo thì chắc chắn là hay rồi!” Bạn Nguyễn Tý phỏng vấn tôi một bài “Đông La 4 trong 1”. Tiếc là khi làm số 2, tôi và Triệu Xuân đã không thống nhất điều kiện duy trì sự làm việc tiếp, nên tôi thôi, Triệu Xuân cần tôi chứ tôi không cần Triệu Xuân. Hai bên có giận nhau, to tiếng qua lại vài lần. Sau đó khá lâu, một lần gặp nhau trong bữa tiệc cuối năm của Hội Nhà văn TPHCM, tôi đã chủ động xin lỗi Triệu Xuân, nhưng nói rõ không phải vì tôi sai, mà vì tôi đã nặng lời với Triệu Xuân chẳng để làm cái gì cả. Rồi Triệu Xuân bị ung thư, sau một năm tôi mới biết. Tôi đã rủ anh Nguyễn Ngọc Thu đến thăm Triệu Xuân. Tính nói mấy ý tôi hiểu và đã viết sách về ung thư trên Amazon, nhưng thấy Triệu Xuân nói về bệnh tự tin quá nên tôi thôi. Từ đó, tôi vẫn vào facebook của Triệu Xuân, thấy Triệu Xuân đưa tin buồn nhiều bạn văn mất, còn Triệu Xuân thường kêu đau nhưng không sao. Kỳ này quan tâm chuyện Tố cáo của anh Trúc Phương, không ngờ Triệu Xuân mất đã được 20 ngày rồi!
***
Thế là gần đây, tôi có ba người từng có những thời kỳ với tôi sát sạt nhau trên từng cây số “đã ra đi”: Nguyễn Khắc Kế, Nguyễn Vân Nam, và Triệu Xuân. Kế kém tôi 5 tuổi, Nam kém 1 tuổi, Triệu Xuân hơn 3 tuổi.
Chỉ vì chuyện đúng sai mà tôi đều có lúc làm họ buồn. Nguyễn Khắc Kế ở Nha Trang từng cùng tôi ở Leningat 7 tháng từ 1990. Cách đây dăm năm, Kế gọi điện bảo tôi đến BV Chợ Rẫy gặp Kế tái khám, sau khi mổ ung thư gan. Tôi đã gặp Kế, khuyên Kế ăn chay tuyệt đối để chống tái phát ung thư, trình bầy rõ cho Kế hiểu tôi nói vậy là dựa trên cơ sở tổng hợp protein của tế bào. Kế đã nghe tôi, nhiều lần tái khám, BS đều bảo “khỏi rồi!” Kế khoe mừng quá tự thưởng cho mình mấy lon bia. Có lẽ do chủ quan, tự thưởng cho mình nhiều quá, sau 4 năm, Kế bị tái phát. Một lần đọc tôi viết, Kế comment: “Theo tôi, nên gọi là ông Hồ chứ không nên gọi Bác Hồ”. Tôi bảo: “Dân Bắc thì ai chả gọi Bác Hồ, thành một thói quen, ông không lo chữa ung thư quan tâm chuyện Ông Hồ, Bác Hồ làm gì”. Thế là Kế giận tôi. Nguyễn Vân Nam từng học cùng tôi Khoa Hoá ĐH Tổng hợp TPHCM, sau đi Đức lại thành GS Luật, từ khi về lại nước sống gần như gặp tôi cà phê, nhậu nhẹt hàng ngày, vậy mà có những câu nói khiến chúng tôi không gặp nhau nữa. Mới đây Nam bị covid chỉ 1 tuần là mất. Rồi bây giờ đến Triệu Xuân.
Tôi nói với bà xã: “Dù gì thì thằng Nam cũng giúp mình hoàn thiện hồ sơ cho con mình du học. Ông Triệu Xuân cũng vậy, qua ổng tôi mới gặp được ông Lê Quân cũng giúp một phần hoàn chỉnh hồ sơ đấy!”
Dù giận hay không thì trước những cái chết của những người từng sát sạt bên mình cũng khiến tôi bâng khuâng. Lại thấy cuộc đời là hữu hạn thì càng cần phải làm những việc tốt, tích nghiệp thiện, chứ không nên như một số người mà tôi hiểu rất rõ, họ hành động bất chấp để đạt được tham vọng. Càng thấy khâm phục Nhà văn Trúc Phương, nhà anh có ba người bị bệnh hết, nhưng vì sứ mệnh của người cầm bút, anh đã viết như ngày nào mới 15 tuổi anh đã là một chiến sĩ!
15-11-2021
ĐÔNG LA