Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

VỀ LỜI KỂ CỦA CCB NGUYỄN VĂN PHÚC, NGUYÊN CHIẾN SĨ LIÊN LẠC CỦA CHÍNH UỶ BÙI TÙNG

 VỀ LỜI KỂ CỦA CCB NGUYỄN VĂN PHÚC, NGUYÊN CHIẾN SĨ LIÊN LẠC CỦA CHÍNH UỶ BÙI TÙNG

Sau khi tôi đăng bài TRẦN ĐĂNG KHOA VÀ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT VIẾT SỬ, một bạn đọc chia sẻ đường link dẫn đến bài viết của Hữu Mão đăng trên trang facebook của mình “GẶP NGUYỄN VĂN PHÚC - CHIẾN SĨ LIÊN LẠC CỦA CHÍNH ỦY BÙI TÙNG LỮ ĐOÀN XE TĂNG 203” (https://www.facebook.com/100001604479850/posts/5218140464916051/). Bài viết được gắn thẻ Nguyễn Khắc Nguyệt mà bạn Tuyên Lưu trong một bình luận viết: “Nói về 2 nhân vật này (Khoa… và Khắc Nguyệt), em thấy:
- Khoa… từng có nhiều phát ngôn và hành vi rất bố láo với Trung tướng Phạm Xuân Thệ; ông ta cũng viết nhiều bài bênh vực tử tù Hồ Duy Hải, tấn công nền Tư pháp nước nhà và còn giao lưu với đám lưu manh "Báo sạch". Khi bọn đó bị CA hốt thì … xóa sạch dấu vết trên FB...
- Khắc Nguyệt lập nhóm Facebook "Lính xe tăng", quy tụ hàng chục ngàn CB, CS của Binh chủng Tăng - Thiết giáp ở khắp mọi nơi trên đất nước để tập trung tuyên truyền, chĩa mũi nhọn vào Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Bất cứ ai có bài viết hay còm ở trong đó mà trái ý Nguyệt thì đều bị anh ta cho out ngay lập tức!”
***
Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương, gồm sáu vị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Kết luận số 974-KL/QUTW:
"Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh."
"Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chi Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh."
Hôm 28/3, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã ra một công văn "định hướng chỉ đạo" báo chí tường thuật về "ai là người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng" dựa theo kết luận ngày 14/3 của Thường vụ Quân ủy Trung ương.
***
Một vụ việc sau tranh luận đã được cơ quan lãnh đạo chỉ đạo, các cơ quan có chức trách tổ chức điều tra, nghiên cứu, hội thảo ba mặt một lời, và cuối cùng Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra kết luận như trên thì nếu còn mâu thuẫn, người ta có thể gởi đơn từ, viết bài phản biện và chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn như Hữu Mão vẫn đăng bài trên THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT mà nội dung chứa những thông tin sai, những nhận định tuỳ tiện, chủ quan, sai trái thì cả Hữu Mão lẫn THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT đã phạm pháp. THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với Tổng biên tập là Hoàng Dự.
Tệ hại hơn, Hữu Mão còn đăng tiếp trên facebook, để người đọc bầy đàn xúm vào thảo luận, tiếp tục công kích, chửi bới cả hai người anh hùng là Phạm Xuân Thệ và Bùi Quang Thận. Nguyễn Xuân: “Nhân chứng, vật chứng như vậy mà Lý Thệ vẫn cố mà tranh công là sao vậy?!!!”; Đoàn Kim Học: “Lịch sử luôn phải được tôn trọng. Lý "Thệ" phải được xử ngay”; Cuong Tran: “Vậy mới thấy Lý Thông. Không phải 1 mà tới 2 và xyz Lý Thông. Bùi Quang Thận cũng tự nhận mình chỉ huy xe tăng 843 húc đổ cổng chính dinh Độc lập chứ không phải xe tăng 390. Nực cười quá”; Trần Đình An: “Như vậy theo lời ông Phúc kể thì Phạm Xuân Thệ cũng đã viết một cái gì đó đưa cho Dương Văn Minh, nhưng vì chữ viết làm Dương Văn Mình khó đọc, và Bùi Văn Tùng đã với lấy tờ giấy đó xem thì phát hiện ra sự sai sót nghiêm trọng khi Thệ ghi Dương Văn Minh là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tức là công nhận VNCH là một chính thể. Sau đó chưa biết ông Tùng là ai, Thệ định tìm nhờ cán bộ Tuyên huấn của Trung đoàn 66 viết lại. Nhưng ngay khi đó ông Tùng đã xưng danh là Chính ủy Lữ đoàn 203 thiết giáp, hoàn toàn có quyền cao nhất vào lúc ấy để soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Ông Tùng dùng chữ để Dương Văn Minh là Tổng thống Chính quyền Sài Gòn là quá chuẩn.
Xét lại thì đúng là Phạm Xuân Thệ cũng có soạn thảo Văn bản đầu hàng, nhưng nếu Văn bản đó được Dương Văn Minh đọc thì chắc chắn Thệ không tránh khỏi là tội nhân của Lịch sử, vì vô hình chung sẽ biến cuộc Chiến tranh Giải phóng của quân dân cả hai miền Nam, Bắc thành cuộc chiến tranh xâm lược. Như vậy, việc Chính ủy Bùi Tùng soạn thảo Văn bản đầu hàng chính thức cho Dương Văn Minh, cũng là cứu thua cho Phạm Xuân Thệ khỏi cái tội non kém về nhận thức Chính trị. Và nếu điều đó bị Lịch sử phán xét, bị kẻ thù lợi dụng để chống phá thì Thệ có công lớn đến đâu cũng khó thoát tội”; v.v...
***
Hôm nay tôi sẽ chỉ ra những sai trái và mâu thuẩn trong bài viết, và cũng cần phải khách quan, công nhận những ý đúng đắn.
Hữu Mão viết theo lời kể của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc:
“… xe bọc thép K63 của Chính ủy Bùi Tùng… chạy vào trong sân dinh và dừng lại, ông Phúc, ông Quý mang theo súng AK cùng Chính ủy Tùng nhảy xuống xe. Ông Phúc và Chính ủy Bùi Tùng chạy vào dinh… Lên tới tầng 2, theo hành lang bên trái, đến một căn phòng rộng… Một số người mặc dân sự ngồi một bên… Trong phòng lúc đó có vài chiến sĩ ta… Chính ủy Bùi Tùng cao hơn mọi người, rẽ đám đông vào phòng. Đến trước dãy ghế có những người đang ngồi, ông hỏi: “Ai là Dương Văn Minh?”. Ông Minh dứng dậy. Chính ủy Bùi Tùng dõng dạc nói: “Ông Minh! Các ông đã bị bắt. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện!”. Nghe vậy, ông Minh nói: “Thưa quý thượng cấp, chúng tôi đã ngồi ở đây từ sáng để chờ quý thượng cấp đến để chúng tôi bàn giao chính quyền”. Chính ủy Bùi Tùng nói to: “Các ông chả còn gì để bàn giao cả. Giờ phút này toàn bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định đã nằm dưới sự kiểm soát của Quân giải phóng. Các ông phải đầu hàng!”. Chính câu nói to dõng dạc này của Chính ủy Bùi Tùng lúc ấy, sau này có người đã nhận là câu nói của họ!”
Như vậy, ông Nguyễn Văn Phúc kể “Trong phòng lúc đó có vài chiến sĩ ta” chính là công nhận nhóm anh Phạm Xuân Thệ đã đến trước. Nhưng do chỉ biết đến mình, ông đã không nghĩ đến chuyện nhóm anh Phạm Xuân Thệ đã làm xong cái việc bắt Dương Văn Minh và nội các rồi. Cũng như trong thể thao, trong sáng chế phát minh khoa học, người ta chỉ công nhận người đầu tiên. Ông Bùi Tùng đến sau có nói bao nhiêu câu cũng vô nghĩa. Ông Phúc cũng sai khi nói: “câu nói to dõng dạc này của Chính ủy Bùi Tùng lúc ấy, sau này có người đã nhận là câu nói của họ!” Vì anh Phạm Xuân Thệ nói ý các ông Dương Văn Minh đã là tù binh thì không có chuyện “bàn giao cái gì cả”, khác hẳn ý Bùi Tùng “chả còn gì bàn giao”, nghĩa là ông Tùng có tính đến chuyện bàn giao nhưng không còn gì, tức ý của Phạm Xuân Thệ quyết liệt hơn ý Bùi Tùng. Có điều ông Bùi Tín cho rằng chính ông ta nói câu trên chứ không phải là ông Bùi Tùng, và chính ông Bùi Tùng cũng kể là mình có gặp Bùi Tín.
Nguyễn Văn Phúc kể tiếp: “Tôi ra khỏi phòng chạy xuống sân dinh… Biết tìm Lữ trưởng ở đâu bây giờ?... tôi phải mất đến mấy phút mới tìm được Lữ trưởng Nguyễn Tất Tài đang đứng ở giữa sân dinh”.
Ý này của ông Phúc sai hoàn toàn với ý ông Bùi Tùng, trong ngày 30 tháng 5 năm 1990, ông đã viết Báo cáo tại Thành phố Hồ Chí Minh:
“Lúc này người chỉ huy có cấp hàm và chức vụ cao nhất của quân đội ta tại dinh độc lập là đồng chí trung tá Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng và trung tá Bùi Văn Tùng chính ủy lữ đoàn (chế độ hai thủ trưởng). Nên mọi việc tại dinh phải trật tự nhất nhất theo kỷ luật quân đội, kỷ luật chiến trường, các cấp dưới thuộc quyền và phối thuộc đều phải chấp hành theo mệnh lệnh của chúng tôi… Đồng chí Phạm Duy Đô quyền đại đội trưởng đặc công theo các xe tăng dẫn đầu vào trước, thấy chúng tôi vào ra báo cáo “Chính phủ ngụy và cả Dương Văn Minh đều ở trong dinh, mời các thủ trưởng vào giải quyết”. Thấy chúng tôi vào Dương Văn Minh nói ngay “chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao”. Tôi bực mình nói ngay: “Các ông chẳng còn gì để mà giao, chỉ có một việc là đầu hàng không điều kiện”.
Như vậy, cùng một chuyện, ông liên lạc với ông thủ trưởng đã kể khác nhau hoàn toàn, vậy mà các ông đòi đấu tranh cho sự thật thì có khác gì đòi lịch sử công nhận sự xuyên tạc sự thật.
Ông Nguyễn Văn Phúc kể: “Tôi chạy lại báo cáo: “Báo cáo Lữ trưởng! Đã bắt được Dương Văn Minh rồi!”. Lữ trưởng hỏi lại: “Bây giờ ở đâu?”. Lúc ấy tôi ngoái cổ nhìn về phía dinh thì thấy một số người đã đưa Dương Văn Minh ra và lên một chiếc xe Jeep. Chính ủy Tùng cũng lên một chiếc xe phía sau và hai xe cùng chạy ra khỏi dinh. Tôi vội chỉ tay và nói với Lữ trưởng Tài: “Quân ta đưa ông Minh ra Đài Phát thanh và Chính ủy Tùng cũng đi theo rồi kia ạ”. Lập tức Lữ trưởng Tài dậm chân xuống đất nổi nóng quát: “Ai bảo làm việc ấy? Nếu họ giả danh Quân Giải phóng giúp Dương Văn Minh tẩu thoát thì bố Tùng nhà cậu chết!” Như vậy, ý này càng chứng tỏ trong dinh ông Bùi Tùng không biết anh Phạm Xuân Thệ là ai, nên không có chuyện ông Bùi Tùng chỉ huy anh Phạm Xuân Thệ bắt Dương Văn Minh.
Chuyện ở Đài Phát thanh SG, ông Nguyễn Văn Phúc kể: “Chính ủy Bùi Văn Tùng ngồi cách ông Dương Văn Minh hai người. Không khí trong phòng có vẻ trầm lặng. Tôi tiến lại đứng cạnh Thủ trưởng của mình và đưa cho ông tờ giấy tôi ghi lời dặn của Lữ trưởng là Chính ủy phải kiểm tra mật danh của nhóm người dẫn giải Dương Văn Minh… Một lát sau, tôi thấy một người đeo xà cột chéo trước ngực tiến tới trước mặt Dương Văn Minh và đưa cho ông ta một tờ giấy. Ông Minh xem lướt qua và nói với người đó: “Chữ thượng cấp viết thế này, tôi không đọc được”. Nghe ông Minh nói vậy, Chính ủy Tùng vội với tay lấy tờ giấy từ tay ông Minh”.
So sánh với Báo cáo, trong ngày 30 tháng 5 năm 1990, ông Bùi Tùng viết:
“Tôi, Minh, Mẫn, anh em bộ đội đi kèm theo Minh và các nhà báo vào một căn phòng hơi hẹp ở đài phát thanh. Tôi và Minh ngồi trên trên một chiếc ghế đệm dài. Sau nhiều đêm mất ngủ, người thấm mệt, tôi bừng tỉnh người toát đầy mồ hôi, nghĩ: “Chết mẹ, nếu Minh nói trên đài không đúng ý đồ của mình thì nguy to vì mình phải chịu trách nhiệm”.
Như vậy, ông Nguyễn Văn Phúc đã vạch áo thủ trưởng Tùng của mình để thiên hạ xem lưng vì ông Tùng đã quên béng chuyện nhóm anh Thệ đã soạn xong Bản Tuyên bố đầu hàng cho DVM. Lời ông Phúc kể và chuyện ông Tùng viết mình “thiu thiu ngủ” chứng tỏ thực tế ông sang đài Phát thanh SG để chứng kiến “cán bộ Quân đoàn” làm việc, chứ không có chuyện ông chủ động sang đài để soạn thảo văn bản. Chỉ khi thấy một cán bộ trẻ đưa văn bản cho DVM, ông với tay cầm đọc thấy có ý chưa chuẩn thì ông mới “bừng tỉnh”, và tận lúc này ông mới hỏi Phạm Xuân Thệ là ai, và biết PXT cấp thấp hơn mình, ông mới nghĩ đến trách nhiệm của mình, mới giành quyền chỉ huy việc soạn thảo văn bản. Có điều ông nói: “Tại sao lại viết là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa? Nếu viết như vậy hóa ra công nhận Việt Nam cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền và thế là mình đi xâm lược à?”. Điều này nghe có vẻ rất hay, nhưng nếu có tri thức văn học, hiểu ngôn ngữ văn chương thì chính ông Bùi Tùng đã sai chứ không phải nhóm anh Phạm Xuân Thệ sai. Bởi việc soạn văn bản cho ông Dương Văn Minh đọc thì phải viết đúng như ý của ông Dương Văn Minh, tất ông Minh phải xưng mình là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngay việc viết “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” cũng không có nghĩa là “công nhận VNCH là là một quốc gia có chủ quyền”. Về văn chương, viết “Chính quyền Sài Gòn” là cách viết hoán dụ chỉ Chế độ VNCH, cả hai không khác gì nhau, như thông tin báo chí đang đưa tin “Kiev thông báo”; “Matcơva thông báo”, v.v… VNCH chỉ là một cái tên gọi chính quyền mà phía ta cho là một chế độ tay sai, bù nhìn, cũng như một tên cướp cũng có một cái tên vậy. Như ý ông Bùi Tùng cho viết “VNCH” là sai thì chính ông viết ông Dương Văn Minh là “Tổng thống” cũng sai, vì tổng thống luôn gắn với một chính quyền, một đất nước, viết vậy ông Tùng cũng công nhận “Chính quyền SG là chế độ của một quốc gia có chủ quyền”. Qua chuyện này, chứng tỏ trình độ của Trung tá Chính uỷ Bùi Tùng cũng hạn chế, chỉ thể hiện được mình là người lính thuộc bài, luôn “căm thù giặc sâu sắc”, chứ không phải là một nhà chính trị, nhà văn hoá.
Nếu ông Bùi Tùng “quên luôn” chuyện nhóm anh Phạm Xuân Thệ soạn văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh trước mình thì ông Phúc cũng sai khi kể ông Tùng tự mình viết hoàn toàn văn bản. Bởi lời ông Phúc mâu thuẫn với lời kể của nhóm anh Phạm Xuân Thệ, đặc biệt là anh Nguyễn Khắc Nhu kể do anh xem phim “Giải phóng” của Liên Xô, anh đóng góp trong văn bản phải có ý “đầu hàng không điều kiện”. Thú vị là những chữ này đúng là có trong văn bản gốc của ông Bùi Tùng.
Cụ thể, anh Nhu kể: “anh Thệ hỏi anh Tùng xong… biết anh ấy là chính uỷ lữ đoàn 203 mời xuống luôn cùng tham gia. Lúc bấy giờ bắt đầu là viết lại những ý kiến mỗi anh em bổ sung một câu… Riêng tôi… hồi ở HN … tôi đã nghe Phát-xít Đức, tôi đi xem phim nhiều, đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên xô, thì tôi mới nói anh ấy thêm chữ đầu hàng vô điều kiện vào, thì trong cái bút tích có cái phần đó”.
Nếu khách quan, ta thấy công đầu ở Đài Phát thanh SG vẫn thuộc về nhóm anh Phạm Xuân Thệ, bởi chính họ đã bắt DVM sang Đài để đọc lời Tuyên bố đầu hàng. Chính họ cũng đã soạn xong văn bản, còn ông Bùi Tùng lúc đầu chỉ đi theo để chứng kiến “cán bộ quân đoàn làm việc”. Chỉ khi biết rõ Phạm Xuân Thệ, ông mới giành quyền chỉ huy. Điều này theo kỷ luật quân đội không sai, nhưng như ông Nguyễn Văn Phúc kể, chuyện ông Tùng tự viết, không đếm xỉa đến bản của nhóm anh Thệ soạn sẽ giống như một sự cướp công. Còn với lý do nhóm anh Phạm Xuân Thệ viết sai, thì như đã phân tích, chính ông Bùi Tùng đã phê phán sai.
***
Tuy có nhiều sai trái nhưng lời kể của ông Nguyễn Văn Phúc cũng có vài chi tiết thú vị, thứ nhất là giúp chúng ta hiểu rõ hơn vài chi tiết trong văn bản gốc của ông Bùi Tùng, và giải đáp được cái chuyện tranh cãi: văn bản gốc của ông Bùi Tùng soạn đã bị xé nhưng sao vẫn còn?
Ông Phúc kể, sau khi thảo xong văn bản, ông Tùng đã đưa tờ giấy cho ông Dương Văn Minh, “Ông Minh đọc xong, thò tay vào túi áo dưới của mình lấy bút ra viết thêm hai chữ “Đại tướng” vào sau chữ “Tôi” và gạch hai chữ “Tổng thống” trong văn bản đi… Như vậy văn bản này ngoài chữ viết của Chính ủy Bùi Tùng còn có hai chữ “Đại tướng” do ông Dương Văn Minh viết thêm vào”.
Chuyện này thú vị vì nó khớp với những chi tiết trong vật chứng, vậy là có thêm một chứng cớ chứng tỏ nó là văn bản gốc của ông Bùi Tùng viết mà Bùi Thanh trên Báo Tuổi trẻ kể mình đã tình cờ thấy ở Bảo tàng Quân Đoàn 2, và cán bộ bảo tàng cũng xác nhận điều đó.
Về chuyện văn bản gốc bị xé rồi sao vẫn còn, cần phải nhắc lại chuyện đối đáp giữa hai ông Hà Huy Đỉnh và Bùi Tùng trong cuộc Toạ đàm ở Dinh Thống Nhất.
Ông Hà Huy Đỉnh:
“…sau khi mà ông DVM đọc thì anh Tùng vò cái giấy này, anh quăng cái, thì thưa quý vị, tôi … lò mò tôi lại tôi lượm. Cái người đòi lại cũng chính anh Tùng, rồi anh Tùng xé. Đấy, thì ít lâu sau… báo Tuổi trẻ có đăng cái tờ giấy vò nát, ở đâu ra? Văn bản đầu hàng của DVM thì bản thân tôi cũng thắc mắc… thì anh Tùng có mấy bản trong tay? Thành ra ai soạn diễn văn này? Không biết anh (Thệ) viết chữ gì? Anh Tùng viết chữ gì? Thực sự là tôi cũng không thấy”.
Bùi Tùng:
“… tôi với ông… cùng lên cái phòng khách đài PT, cho nên những việc làm của tôi lúc đó anh chứng kiến cả, cho nên anh mới biết cái bản thảo của tôi… tôi vò ấy mà… Nhưng mà cái chỗ mà anh nói tôi xé ấy mà thì tôi không nhớ được. (Nhưng) Hai bản thảo của tôi (thì) vẫn còn nguyên”.
Về chuyện trên, ông Hữu Mão hỏi ông Phúc:
- Sao có người nói rằng lúc ấy Chính ủy Tùng vo tờ giấy mà Dương Văn Minh vừa đọc xong ném vào góc phòng, có người cúi nhặt thì Chính ủy Tùng đòi lại và xé vụn ra?
Ông Phúc trả lời:
- Họ nhầm đấy! Đó là tờ giấy màu trắng của tôi ghi lời dặn của Lữ trưởng đưa cho Chính ủy là phải kiểm tra mật danh của nhóm người dẫn giải Dương Văn Minh. Khi xong việc thì cụ ấy vò bỏ đi. Còn tờ giấy viết bản tuyên bố đầu hàng cho ông Minh là giấy màu xanh, ít hôm sau Chính ủy Tùng giao nộp lại cho cán bộ Cục Chính trị Quân đoàn 2.
Như vậy, lời ông Phúc đã giải đáp được băn khoăn của bao người, trong đó có tôi.
Cả hai lần viết báo cáo cấp trên, 1985 và 1990, ông Bùi Tùng đều viết hai văn bản mà ông viết ở Đài Phát thanh SG vẫn còn:
“Ngay chiều hôm đó cục chính trị quân đoàn đến hỏi tôi lấy hai bản thảo. Tôi lục mãi trong túi dết mang tài liệu vẫn không thấy, chắc là mình vứt bỏ sọt rác ở đài phát thanh. May sao tôi thò vào túi quần thì lấy ra hai bản thảo đã vò nhưng chưa nát”.
***
Tóm lại, cả hai phía, lính bộ binh của nhóm anh Phạm Xuân Thệ và lính xe tăng của ông Bùi Tùng đều kể không đầy đủ và mâu thuẫn nhau, nhưng nhóm anh Thệ luôn khách quan và công tâm hơn, vì họ luôn nhắc tới công lao của ông Bùi Tùng. Ngược lại, chính ông Bùi Tùng và những người ủng hộ ông đã cắt hết công lao của nhóm anh Phạm Xuân Thệ, nhưng lời họ đã mâu thuẫn với nhóm anh Thệ, mâu thuẫn với thực tế, và mâu thuẫn với chính mình. Trắng trợn nhất là chuyện Nguyễn Hữu Thái viết sách in tấm ảnh lịch sử ở Đài Phát thanh SG đã cắt bỏ luôn hình anh Phạm Xuân Thệ. Còn việc cho anh Phạm Xuân Thệ là Lý Thông, cướp công Bùi Tùng thì cần phải nói ngược lại mới đúng, và chỉ là bọn lưu manh, ngu xuẩn mới nghĩ như vậy mà thôi!
***
Trước ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW, từ 2006, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nghiên cứu làm rõ những mâu thuẫn và đã kết luận “Về việc thảo lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh”, cho đến hôm nay, bao việc sáng tỏ hơn, vẫn rất chính xác:
“Tại đài phát thanh đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo, thì Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh”.

6-5-2022
ĐÔNG LA