“NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” ĐỔI MỚI HAY XUYÊN TẠC, LỘN NGƯỢC, VÀ ĐẠO VĂN?
Khi trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà Văn VN cho Tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh vào năm 1991, Ban Lãnh đạo Hội khóa IV đã phải tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, còn in trên báo Công an TPHCM. Rất gần sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11 - 7 - 1995, nhiều nhà văn đã thay đổi quan điểm về cuốn sách theo thời cuộc, kể cả những người có trong Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng nghe đâu đã xin lỗi Bảo Ninh cứ như Bảo Ninh là quân Mỹ vậy. Từ cái thế đó, năm 2006, Bảo Ninh tái bản cuốn sách và lấy lại cái nhan đề thể hiện chủ ý của mình: “Nỗi buồn chiến tranh”.
Tính chân, thiện, mỹ là tiêu chuẩn vĩnh cửu của văn chương không thể nào thay đổi chỉ theo một sự kiện ngoại giao! Tôi đã viết một đoạn về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” chắc hay quá nên độc giả cứ trích dẫn nhưng lầm lẫn cho tác giả là GS Trần Thanh Đạm vì tôi có nhắc đến ông:
“GS Trần Thanh Đạm viết về cái quái gở của cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”: “Nỗi buồn chiến tranh ở đây mang màu sắc của một sự sám hối của những người anh hùng đã lỡ gây nên một sự nghiệp anh hùng”, còn tôi (Đông La) thì cũng thấy cái chuyện kỳ quái, có những kẻ sau giải phóng lại đi tìm mọi cách chiêu hồi “Bên thua cuộc”. Đầu tiên tôi rất ngạc nhiên, nhưng rồi đã nhận ra, nếu phía thua VN mà nghèo đói như các nước Châu Phi thì chắc chắn sẽ không bao giờ có chuyện ngược đời đó. Nhưng phía thua đó lại là Pháp, là Mỹ, những nước rất giầu có, vì vậy mà đã có những kẻ cơ hội, đón gió, mà muốn vậy, chúng phải trở cờ. Chúng phải đổi giọng, đổi những thứ vô giá thiêng liêng như niềm tự hào dân tộc, sự chính nghĩa, cái thiện… để mong lấy những cái có giá cụ thể hơn, đó là tiền!”
***
Chiến tranh đã lùi xa chẵn 49 năm, với nước Mỹ chúng ta đã “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, Việt Nam đúng như câu thơ tôi viết: “Một đất nước đến những người từng là kẻ thù cũng đem lòng yêu mến”. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại VN, được đón tiếp như những người thân; những tổng thống Mỹ đến VN đã được dân VN đón chào còn nồng nhiệt hơn cả ở Mỹ. Với những người từng liên quan đến chế độ VNCH nhà nước cũng đã có chính sách hoà hợp dân tộc từ lâu. Càng ngày Việt kiều càng trở về thăm quê hương đất nước nhiều hơn, kể cả chuyện ở lại luôn, vì đất nước đã thay đổi rất nhiều.
Nhưng mọi người cũng cần phải hiểu, “khép lại quá khứ” không có nghĩa là xoá bỏ tất cả; hoà hợp là chuyện người thắng biết tha thứ, người thua biết nhận lỗi, chứ không phải là “hoà cả làng”, hoặc tệ hơn là chuyện lộn tùng phèo chính nghĩa, phi nghĩa, trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh.
Trong lịch sử loài người, nếu không có những cuộc chiến tự vệ và chống bất công, chống xâm lược thì người da đen còn bị bày bán ngoài chợ như con vật (xem Cội rễ), và ông Obama cũng không thể làm Tổng thống nước Mỹ được! Vì được Bảo Ninh biện hộ, “rửa mặt” cho sự thất bại nhục nhã tại VN, ở Mỹ người ta đưa “Nỗi buồn chiến tranh” vào giảng dạy và ca ngợi lên tận mây xanh. Theo Phạm Xuân Nguyên: “Đánh giá cao nhất Nỗi buồn chiến tranh ở Mỹ có lẽ là ý kiến của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX”.
***
Nhưng chính Bảo Ninh lại tự đánh giá: “Cuốn sách của tôi không phải cuốn sách hay, nó chỉ là cuốn sách khác với các cuốn sách khác viết về chiến tranh mà thôi”. Cuốn sách của Bảo Ninh thực chất không phải “khác” mà là sai, là xuyên tạc sự thật. Những chiến sĩ giải phóng sau chiến thắng vĩ đại, trong đó có tôi, không ai không vui mừng tự hào trở về gặp lại cha mẹ, người thân, thực hiện những mơ ước dở dang của mình, nhưng Bảo Ninh, với cách nhìn của một kẻ bệnh hoạn, tâm thần, đã viết họ hoá điên, khát máu thế này: “Tôi (nhân vật chính) như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá”. Phạm Xuân Nguyên viết: “Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này không mang kèm một định ngữ nào nó là chiến tranh với tất cả thảm trạng nghiệt ngã của nó, ở đó những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”. Một cán bộ nghiên cứu ở Viện Văn học như Phạm Xuân Nguyên lại ca ngợi cuốn sách viết về cuộc kháng chiến giành lại chủ quyền đất nước như vậy thì thật là ngu xuẩn!
***
Bảo Ninh đã rất đúng khi tự nhận là tác phẩm của mình là “không hay”. Có lẽ do chỉ có mình mới hiểu văn mình nên Bảo Ninh đã viết vậy. Còn tôi, với tư cách một nhà Lý luận Phê bình Văn học, “Nỗi buồn chiến tranh” không hay vì ngoài xuyên tạc sự thật Bảo Ninh còn đạo văn.
Tôi thường nghĩ, chỉ những nhà văn ngô nghê mới đạo văn, không ngờ cũng như Nguyễn Huy Thiệp copy Vũ Trọng Phụng, Bảo Ninh trong đoạn viết Kiên trở lại xóm Đồi Mơ gặp Lan nảy sinh tình yêu bất ngờ rồi chia tay rất giống đoạn trong Bông hồng vàng (NXB Văn hóa Thông tin, 2001, tr.270) Pauxtopxki viết Anđexen gặp và chia tay Elêna. Nếu Anđexen của Pauxtopxki phải chia tay Elêna như “trả một giá đắt” cho những chuyện cổ tích (sứ mệnh văn cương) thì Kiên của Bảo Ninh cũng “lòng thắt lại” chia tay người yêu, và kỷ niệm về mối tình đó như một cái giá phải trả để “làm chín muồi cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng” (tức viết văn). Nếu Elêna nói với Anđexen: “Anh hãy chạy đi… Đừng nghĩ gì đến em. Nhưng nếu một ngày kia, tuổi già, nghèo nàn và bệnh tật có làm anh đau khổ thì chỉ cần anh nhắn cho em một lời, em sẽ… tới an ủi anh”, thì cô Lan cũng nói với Kiên: “Đừng bận về em. Đời anh rộng mở, hãy đi vào hãy sống cho thỏa… Còn nói ví dụ… một ngày nào anh gặp cảnh ngộ không hay, thấy đã hết ngả để đi tiếp thì xin anh hãy nhớ ngay rằng, dù sao cũng còn có một nơi, cũng còn một người… một chốn anh về” (Nỗi buồn chiến tranh, tr.57). Tuy vậy, như một đàn bò bị bọn lưu manh chữ nghĩa dắt mũi, rất nhiều người cho đến tận hôm nay ta vẫn cứ cho “Nỗi buồn chiến tranh” là hay nhất, chỉ có Bảo Ninh mới biết viết tiểu thuyết!
***
Phạm Xuân Nguyên còn cho Nỗi buồn chiến tranh “được giải thưởng là một thắng lợi của tư duy đổi mới trong văn học”. Bảo Ninh cho: “Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991… Theo tôi, Đổi Mới là một cách diễn đạt nhẹ nhàng, chứ còn trong thực tế đấy là cả một cuộc cách mạng”.
Trong Hội nghị Lý luận Phê bình lần thứ 4 của HNV VN tổ chức ở Tam Đảo, 2016, tôi cũng được mời tham dự, ông Lại Nguyên Ân, sau khi nói đại ý ta cần phải ghi nhớ “công ơn” của nước Pháp vì trước khi Pháp đến, VN chưa có 1m đường xe lửa, rồi Pháp đào tạo cho VN nhiều trí thức ưu tú, v.v… Ông ta cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là thành tựu của đổi mới. Tiếp theo, tôi được mời phát biểu, trước khi lên bục, tôi nói với người ngồi cạnh: “Ông Ân nói vậy là ngu. Pháp làm tất cả để nó đô hộ VN chứ không phải làm cho dân VN. Pháp nó thua, bỏ của chạy lấy người thôi”. Lên bục, tôi nói toạc móng lợn như thế này: “Vừa rồi ông Lại Nguyên Ân khen cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” nhưng tôi thì chê. Tôi chê cái gì và như thế nào thì tôi đã viết rất nhiều và đã in thành sách, không có thì giờ trình bầy ở đây”.
Còn nói chung, cái gọi là “đổi mới”, “cách mạng”, “thành tựu” của “Nỗi buồn chiến tranh” thực ra chỉ là một sự lộn ngược lại cả hệ giá trị. Vì cơ hội, đón gió, trở cờ, Bảo Ninh đã bôi đen cả những chiến sĩ anh hùng lẫn cuộc kháng chiến vĩ đại. Sự ca ngợi lộn ngược rất tai hại ở chỗ nó đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến những nhà văn muốn đổi mới chân chính, muốn văn chương Việt Nam phản ánh hiện thực toàn diện và sâu sắc hơn, góp phần giải những bài toán xã hội của thời hiện đại, chống lại những quốc nạn và tình trạng tụt hậu. Tất nhiên phải cần những nhà văn có trình độ cao về học thuật và tri thức, còn những loại dốt nát và hãnh tiến sao có thể đổi mới thực sự được?
***
Chưa hết, tôi còn thấy có một nỗi buồn nữa, đó là “nỗi buồn Bảo Ninh”! Trên Báo Công an điện tử Nhà báo Dương Đức Quảng đã viết “Thư ngỏ gửi nhà văn Bảo Ninh: Xin đừng làm tổn thương đến tâm huyết các liệt sĩ” (http://ca.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoiphongsughi chep/2005/9/62803. cand? Page=1). Ông biết Bảo Ninh qua Mỹ, đã gặp Robert Whitehurst và đọc chiếc đĩa ghi toàn bộ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, nhưng ông cho biết: “Tôi cũng không hiểu vì sao khi nhà văn (Bảo Ninh) đã biết địa chỉ của gia đình (Đặng Thùy Trâm)… lại không mang kỉ vật thiêng liêng của liệt sĩ đến”. Mà phải sau đó, chính “Ted Engelmann”, một phóng viên ảnh người Mỹ, qua “bao trái tim nhân hậu đã chuyển tiếp cho nhau tín hiệu để cuối cùng giúp Ted tìm được… và trao lại chiếc đĩa CD” cho gia đình Đặng Thuỳ Trâm. Tệ hại hơn nữa khi Bảo Ninh cho rằng Đặng Thùy Trâm viết nhật ký không phải vì một nhân cách anh hùng mà đơn giản là vì: “có thời gian”!
Với những chuyện như vậy vẫn chưa đủ cho một nhân cách Bảo Ninh. GSTS Nguyễn Cảnh Toàn trên facebook, với tư cách là người từng cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Hoàng Ấu Phương (tên thật Bảo Ninh), đã không chỉ cho biết Bảo Ninh viết “rất rất nhiều sự việc bịa đặt, sai sự thật” về đồng đội của mình, mà sau giải phóng, khi về Viện Sinh học, Viện Khoa học VN, Phương (Bảo Ninh) còn bị kỷ luật rất nặng về tội … phá hoại thí nghiệm sinh học của đồng nghiệp trong Viện… đã lấy hoá chất độc rắc vào tảo thí nghiệm thức ăn cho gà của 1 trong 2 tiến sĩ đang thí nghiệm…”.
Tôi đã viết nhiều về “vấn đề Bảo Ninh” nhưng cái dư luận bầy đàn tâng bốc Bảo Ninh vốn “ngu lâu”, “dốt dai”, nên nay buộc phải nhắc lại.
10-8-2024
ĐÔNG LA